Sinh viên với nghề “bán duyên”

Nghề bê tráp lễ cưới hỏi được nhiều sinh viên lựa chọn vì có thêm thu nhập trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.

Người xưa quan niệm con gái, con trai nếu bê tráp đám cưới sẽ mất duyên, nhưng những năm gần đây, dịch vụ bê tráp đám cưới hỏi khá phổ biến. Công việc mà nhiều người thường nói vui là đi “bán duyên” này đang giúp nhiều sinh viên ở Hà Nội thêm thu nhập, kinh nghiệm sống, tự tin hơn trong giao tiếp.

Sinh viên với nghề “bán duyên” - 1

Đội bê tráp đám cưới thuê chụp ảnh cùng cô dâu, chú rể.

“Bộ mặt” của hai họ

Chị Nguyễn Thiên Hương, chủ cửa hàng dịch vụ cưới hỏi Thiên Hương (Hà Nội), cho biết, nhiều gia đình ở thành phố cần thuê những người bê tráp chuyên nghiệp, lịch sự, có ngoại hình đẹp. “Công việc không vất vả nhưng không phải ai cũng làm được. Tiêu chí của những người bê tráp là nữ cao từ 1,6m, nam từ 1,7m trở lên, ngoại hình ưa nhìn”, chị Hương nói.

Chị Hương cho biết, trung tâm của chị hiện có gần 200 nhân viên là sinh viên đại học, cao đẳng tại Hà Nội. Mỗi lần bê tráp, mỗi bạn được trả 50.000 đồng cho lễ hỏi ở nội thành. Với ngoại thành, tùy mức độ xa gần, thù lao dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng. Ngoài ra, các bạn được thuê bê lễ có thêm khoản tiền lì xì trao duyên.

Quách Thanh Sơn, sinh viên năm 4 khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), làm thêm việc bê tráp từ năm thứ  nhất. Lúc đầu, nhận bê tráp thuê cho các cửa hàng, sau khi làm nhiều mối, quen công việc, Sơn tự đứng ra lập nhóm và tìm các mối cần người bê tráp. Với lợi thế ở tại khu KTX Mễ Trì, Sơn dễ dàng tuyển thành viên cho đội bê tráp của mình.

“Mình chọn những bạn có ngoại hình khá, bởi nhiều gia đình coi người bê tráp là “bộ mặt” của nhà trai, nhà gái nên rất kỹ lưỡng trong việc tuyển chọn đội hình, nhất là khi chụp ảnh cùng cô dâu, chú rể”, Sơn chia sẻ.

Sơn cho biết, để có đội hình bê tráp đẹp, trang phục đặc biệt quan trọng, nên có quy định rõ: Nam áo trắng, quần âu, cavat đỏ hoặc nơ; nữ áo dài đỏ, đi guốc. Tuy nhiên, trang phục của đội bê tráp cũng có thể thay đổi cho phù hợp ý muốn của nhà cô dâu, chú rể. Có gia đình cầu kỳ chuẩn bị sẵn áo the, khăn xếp, hoặc chỉ đơn giản là áo sơ mi, quần bò, giày thể thao cho đội nam.

Đến nay, đội bê tráp của Sơn có hơn 50 người, chủ yếu là sinh viên trong trường. Để kiếm thêm các hợp đồng, Sơn chắp mối với các cửa hàng dịch vụ cưới hỏi, thuê phông bạt đám cưới, nhà hàng, phát tờ rơi, đăng thông tin trên mạng xã hội. Sơn cùng các bạn trong nhóm tập những động tác chuyên nghiệp, từ cách bê tráp, đỡ tráp, sắp xếp thứ tự đồ lễ, đến cách rót trà đúng phong tục.

Mùa cưới bắt đầu từ tháng 8 âm lịch đến hết năm, đây là lúc những đội làm dịch vụ bê tráp có nhiều khách hàng nhất. Sơn cho biết, nghề này mang tính thời vụ, vào cao điểm mùa cưới, các thành viên trong đội phải “chạy sô” từ đám này đến đám khác, thậm chí có ngày Sơn không dám nhận thêm vì kín lịch. Công việc mùa cưới đều đặn, nên thành viên trong nhóm mỗi tháng có thể kiếm từ 3 đến 4 triệu đồng.

Sinh viên với nghề “bán duyên” - 2

Công việc bê tráp đám cưới giúp nhiều đôi uyên ương có ngày lễ trọn vẹn.

Trải nghiệm thú vị

Nguyễn Thành Dân, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, người có thâm niên 3 năm “bán duyên”, chia sẻ: “Mình rất thích công việc bê tráp, nó giúp mình kiếm thêm tiền sinh hoạt, học tập ở Thủ đô. Đặc biệt, nghề cho mình nhiều trải nghiệm thú vị”.

Dân kể, có lần bê tráp ở quận Hoàn Kiếm, mỗi người trong đội nhận được tiền lì xì tới 500.000 đồng của một gia đình giàu có, bởi họ quan niệm lì xì nhiều sẽ thêm lộc, nhiều phúc.

Nhưng được những lần như vậy cực kỳ hiếm, thường mức giá chung lì xì trao duyên ở Hà Nội là 50.000 đồng, ở các tỉnh khác thường thấp hơn. Có gia đình chỉ cho 10.000 đồng hoặc không có gì. Có lần đi bê tráp cho một gia đình giàu có ở trên phố, nhưng lì xì chỉ được tờ tiền 10.000, lại là tiền giấy cũ không tiêu được”, Dân cười nói.

Từng nhiều lần đi bê tráp, Nguyễn Thị Lan, sinh viên năm 2 ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, kể, nhiều gia đình coi đội bê tráp như người thân trong nhà, xong việc cảm ơn chu đáo hoặc giữ lại ăn cơm, có nhà còn tính chuyện làm mai mối cho đội bê tráp. Nhưng ngược lại, cũng có chủ nhà khó tính, sai nhiều việc vặt trong nhà và mặc nhiên coi đó là việc của đội bê tráp vì họ đã bỏ tiền ra thuê.

“Lúc đầu mình sợ đi bê tráp vì nghe mọi người bảo bê nhiều mất hết duyên con gái. Nhưng làm thêm bằng nghề này mình thấy có nhiều duyên hơn, được mở rộng và giao lưu với nhiều bạn bè mới, giúp nhiều đôi uyên ương có ngày lễ trọn vẹn, hạnh phúc. Có dịp đến nhà chị của một người bạn chơi, xem những tấm hình ảnh cưới trên tường, mình bất ngờ và vui  khi thấy ảnh bê lễ của mình được treo trang trọng ở đấy. Công việc này đã giúp mình có thêm thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng”, Lan tâm sự.

Thầy Phan Kiền, giảng viên khoa Báo chí truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói rằng, làm thêm bằng nghề bê tráp lễ cưới hỏi được nhiều sinh viên lựa chọn vì có thêm thu nhập trang trải chi phí học tập, sinh hoạt...

Tuy nhiên, các bạn cũng cần bố trí thời gian hợp lý để không ảnh hưởng công việc học tập tại trường, vì thời điểm mùa cưới cũng là dịp các trường bước vào đợt thi cuối học kỳ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Lộc (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN