Sinh viên trồng dược liệu quý bằng công nghệ thời thượng
Dùng công nghệ 4.0 để duy trì và phát triển số lượng, chất lượng Sâm Ngọc Linh sao cho sản phẩm cuối cùng chứa thật nhiều dưỡng chất quý và thiên nhiên nhất.
Thầy cô và bạn bè chúc mừng Hữu Tuấn và Diễm Hằng đoạt giải nhất Giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2019.
Trồng nhân sâm bằng phương pháp khí canh trên qui mô công nghiệp là đề án của hai bạn Nguyễn Hữu Tuấn và Hoàng Diễm Hằng - sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM giúp trồng hiệu quả sâm Ngọc Linh tại Việt Nam.
Hai bạn chia sẻ: “Áp dụng công nghệ khí canh vào trồng sâm Ngọc Linh sẽ thu được các dòng sản phẩm đa dạng như cây giống, củ, thân, lá, quả... Sâm được theo dõi 24/24 giờ thông qua các thông số về môi trường, như nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất và nồng độ khí CO2. Từ đó, người trồng có thể điều chỉnh các thông số này để giúp cây phát triển ổn định.”
Dược liệu 4.0
Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu quý, nhưng rất khó phát triển và bảo tồn ở Việt Nam, vì điều kiện đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp cho cây sâm phát triển.
Vốn đam mê với các sản phẩm từ nông nghiệp và khát khao được sản xuất Sâm Ngọc Linh với quy mô công nghiệp, Hữu Tuấn và Diễm Hằng đã bỏ nhiều công sức để tìm ra phương pháp trồng sâm Ngọc Linh tại Viêt Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, sâm Ngọc Linh là loại dược liệu rất quý, tuy nhiên, nguồn dược liệu này đang ngày càng khan hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác quá mức mà thiếu sự bảo tồn. Đó là chưa kể do nhu cầu cao nên thị trường sâm thật, giả lẫn lộn.
Trong khi đó, việc nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào địa lý, thời tiết và mùa vụ. Do chưa có định hướng phát triển bền vững nên sản lượng, chất lượng, giá cả dược liệu không ổn định.
“Chúng em muốn tạo ra sâm Ngọc Linh thương phẩm, có giá trị dinh dưỡng ổn định mà không phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết…” - Diễm Hằng bày tỏ.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phổ biến để trồng Sâm Ngọc Linh, trong đó có trồng theo phương pháp thổ canh (trồng đất), theo phương pháp thủy canh (nước). Tuy nhiên, những phương pháp trên không mang lại hiệu quả kinh tế, không đạt về số lượng và chất lượng.
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, cùng với kinh nghiệm và kiến thức về nông nghiệp, Hữu Tuấn và Diễm Hằng quyết định tiến hành thử nghiệm trồng sâm bằng phương pháp khí canh (dạng hơi sương).
Điểm đặc biệt ở phương pháp này là áp dụng công nghệ 4.0 giúp tối ưu hóa môi trường, nhiệt độ trồng nhân sâm, từ đó cho ra sản lượng và chất lượng vượt trội hơn.
Bên cạnh đó, người trồng cây có thể theo dõi sâm 24/24 qua các thông số về môi trường bao gồm nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất và nồng độ khí CO2. Trên cơ sở đó, người trồng có sự điều chỉnh thích hợp giúp cây phát triển ổn định.
Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cây giống khỏe mạnh, sạch bệnh, tỉ lệ đồng đều cao. Ứng dụng công nghệ trong trồng sâm cũng giúp người dùng truy được nguồn gốc hàng hóa, thời gian sinh trưởng phát triển của cây.
Theo Diễm Hằng, nhóm áp dụng 3 công nghệ 4.0 chính gồm công nghệ IOT (vạn vật kết nối) tạo ra mô hình canh tác nhằm đảm bảo sản lượng và chất lượng ổn định, Blockchain dùng để truy xuất nguồn gốc, chất lượng và chứng nhận của sản phẩm, Big data ứng dụng nguồn thông tin khổng lồ nhằm xác định đúng khách hàng, giảm chi phí marketing.
“Dược liệu 4.0 - nghĩa là chúng em muốn áp dụng công nghệ 4.0 để duy trì và phát triển số lượng, chất lượng một cách đồng đều đối với những hợp chất quý hiếm, tốt đẹp, đặc biệt là từ cây Sâm Ngọc Linh. Việc phát triển phải từ khâu nuôi cấy mô, phát triển, chế biến..., sao cho sản phẩm cuối cùng chứa thật nhiều dưỡng chất quý và thiên nhiên nhất”, Diễm Hằng cho hay.
"Công nghệ này sẽ giúp sâm chứa nhiều dưỡng chất quý và thiên nhiên nhất." - nhóm sinh viên trẻ chia sẻ.
Công nghệ đã có, nhưng cần kinh nghiệm và vốn đầu tư
Dù mới chỉ tìm hiểu công nghệ trồng sâm thông qua các video trên mạng và báo chí, nhưng cuối cùng nhóm sinh viên của trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã đưa ra giải pháp thiết thực và cụ thể.
Công nghệ đã có, tuy nhiên, để biến ước mơ trở thành hiện thực - đưa dự án từ giấy ra thực tiễn không phải là điều đơn giản. “Giải pháp này cần vốn đầu tư, nhưng với điều kiện của chúng em thì khó thực hiện được. Ngoài ra, chúng em cần tìm hiểu và thực nghiệm nhiều hơn về các giai đoạn phát triển của cây sâm Ngọc Linh khi trồng trên quy mô công nghiệp bằng phương pháp khí canh, cũng như tìm hiểu chuyên sâu về công nghệ 4.0 để kết hợp và nâng cao tỉ lệ thành công” - nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Hiện cả hai bạn đang nghiên cứu nhân giống ban đầu theo quy mô nhỏ và chờ thời gian để cây sâm lớn. Khi có sản phẩm và đánh giá, nhóm mới tiếp tục nâng cấp, cải tiến.
“Tết âm lịch vừa rồi, một người anh đang sinh sống tại Hàn Quốc cho hay, tại nước này sâm thường được chế biến thành nhiều sản phẩm và phổ biến hóa cho mọi tầng lớp, mọi người dân Hàn ... Vì vậy, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện thì trong tương lai dược liệu sâm quý Ngọc Linh sẽ không còn khan hiếm nữa. Vì số lượng, chất lượng đều đạt hiệu quả phục vụ được cho tất cả người dân Việt Nam”, nhóm kỳ vọng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tự nhận mình là một chàng trai “nghịch ngầm” và có sở trường “phá đồ” nhưng chàng sinh viên ấy từng khiến cả...