Sinh viên rầm rộ khởi nghiệp (Bài 1): Hàng loạt câu lạc bộ startup ra đời
Thay vì đi làm thêm, làm thuê, nhiều sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng nhen nhóm giấc mơ làm ông bà chủ. Phong trào khởi nghiệp khi còn ngồi trên giảng đường đang nở rộ. Nhiều sinh viên nhanh chóng thành công nhưng cũng không ít bạn trẻ đứt gánh giữa đường, xôi hỏng bỏng không…
Hàn Phương My, sinh viên Đại học Ngoại thương, đang thành công với mô hình kinh doanh ruốc chay
Được sự hỗ trợ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và công ty nước giải khát Suntory PepsiCo Vietnam, câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân trẻ tiên phong (viết tắt là Dynamic NEU) ra đời vào năm 2017. Cái tên Dynamic bắt nguồn từ cuộc thi “Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” được tổ chức cho khối các trường đào tạo cử nhân kinh tế trên cả nước. Dynamic NEU với 70 thành viên nòng cốt và 13.000 người theo dõi trên mạng xã hội chỉ là một trong hệ sinh thái 10 CLB Dynamic trên toàn quốc.
Đoàn Thu Trang, Chủ nhiệm Dynamic NEU, nói: “Dynamic NEU kết nối các nhóm sinh viên khởi nghiệp với các doanh nghiệp, mentor (người hướng dẫn - PV) để trao đổi, phát triển, kêu gọi vốn cho dự án. Bên cạnh đó, CLB cử các nhóm sinh viên đi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trên toàn quốc. Các mô hình khởi nghiệp của CLB được bảo trợ chuyên môn bởi Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp (CSIE) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên hỗ trợ rất hiệu quả cho các sinh viên có mong muốn khởi nghiệp ngay khi còn đi học”.
Ngoài Dynamic NEU, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn có 5 CLB khác về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Các CLB này được lập ở cấp toàn trường như: CLB Nhà kinh tế trẻ, CLB Khởi nghiệp & Đầu tư Envestor, CLB AIESEC, CLB Nguồn nhân lực HRC. Thậm chí, có CLB khởi nghiệp được thành lập ở cấp khoa như: CLB Doanh nhân tương lai thuộc khoa Quản trị Kinh doanh.
Ngoài CLB khởi nghiệp thuộc các trường đại học đào tạo chuyên về kinh tế, nhiều trường đại học, cao đẳng khác cũng lập các CLB khởi nghiệp. Ví dụ, CLB Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Nhân văn thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, DEL HANU (CLB Phát triển Năng lực lãnh đạo hiệu quả), CLB Kinh doanh và Khởi nghiệp Dynamic thuộc Trường Đại học Hà Nội...
Xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp
Với môi trường sống, học tập năng động, tiếp cận thông tin, công nghệ mới, cơ hội mới dễ dàng, sinh viên hiện rất thuận lợi để bắt tay vào khởi nghiệp với muôn vàn mô hình khác nhau. Mô hình kinh doanh phổ biến và dễ sinh lời đang được nhiều sinh viên lựa chọn là kinh doanh online. Thực tế, không quá khó để gặp các ông bà chủ shop online đang khoác áo sinh viên.
Nguyễn Văn Phương, sinh viên năm 2 ngành Marketing tại Hà Nội khởi nghiệp bán đồ uống online
Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Phương, sinh viên năm 2 ngành Marketing tại Hà Nội, khi anh vừa khởi nghiệp trên ứng dụng bán đồ ăn của trang thương mại điện tử Shopee (Shopee food). Phương dùng chính phòng trọ của mình để sản xuất các loại trà sữa, trà chanh và nhiều món đồ uống ngon bổ rẻ, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ mà anh rất rành. Chưa dám tiết lộ về doanh thu, lợi nhuận nhưng Phương đang rất vui vì đã “làm một việc gì đó để không lãng phí thời gian”.
Phương cho hay, bằng việc tìm sản phẩm, nguồn hàng có tính cạnh tranh, sinh viên dễ dàng trở thành chủ shop trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử… Hình thức kinh doanh này không cần hoặc cần rất ít mặt bằng, kho bãi; tiếp cận đa dạng khách hàng; khâu vận chuyển rất sẵn trên thị trường nên rất phù hợp với sinh viên.
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là có môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất châu Á. Ước tính, cả nước có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. |
Tuy nhiên, không ít sinh viên vẫn chọn phương án khởi nghiệp truyền thống là thuê mặt bằng để kinh doanh tại chỗ hoặc kết hợp giữa kinh doanh tại chỗ và bán hàng online. Quỳnh Trang, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, đã tự mở một shop quần áo mặt phố ở tuổi 23. Có duyên bán hàng, biết quảng bá trên mạng internet nên hàng của Trang bán rất chạy. Có những ngày, Trang bán đến hơn 1.500 sản phẩm. Cửa hàng của Trang không chỉ có lợi nhuận đảm bảo trang trải việc học hành của bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho một số bạn bè của cô.
Chàng sinh viên Nguyễn Hữu Khả (Đại học Kinh doanh và công nghệ) cũng vừa mở cho mình một cửa hàng buffet (đồ ăn tự chọn) ở tuổi 20 để thỏa sức đam mê làm giàu.
Không chỉ khởi nghiệp buôn bán nhỏ lẻ, không ít ông bà chủ trẻ đã ôm mộng lớn, muốn tổ chức sản xuất, tạo cho mình một sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu riêng ngay khi còn ngồi trên giảng đường. Hàn Phương My, sinh viên Đại học Ngoại thương, ôm mộng lớn với sản phẩm ruốc nấm chay đang bán đắt như tôm tươi. Mô hình của My cho thấy khát vọng lớn và cách làm hay của bà chủ đang ngồi trên giảng đường này.
(Còn nữa)
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện, nhiều năm bôn ba xứ người, Lương Hải Du (SN 1995, trú tại xóm Hòa Hợp, xã Nghi Ân, thành phố Vinh, Nghệ An) quyết định về quê trồng dưa lưới...
Nguồn: [Link nguồn]