Sinh viên, người lao động trẻ “méo mặt” vì giá cả leo thang
Giá xăng dầu liên tục “phi mã” kéo theo giá cả nhiều nhu yếu phẩm cũng tăng theo khiến người tiêu dùng, đặc biệt là sinh viên, người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng.
Từ 15h chiều 23/5, giá xăng E5RON92 tăng thêm 680 đồng/lít, từ mức 28.959 đồng/lít lên 29.639 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 670 đồng/lít, từ mức 29.983 đồng/lít lên 30.653 đồng/lít. Giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014.
Trong khi đó, giá gas cũng có đợt điều chỉnh. Từ ngày 1/3, giá gas tăng thêm 3.500 đồng/kg, tương đương với 42.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/3. Như vậy, giá bán lẻ mỗi bình gas 12 kg đã vượt mức 500.000 đồng.
Xăng tăng, gas tăng kéo theo giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng theo. Ghi nhận tại một số chợ dân sinh như chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Khâm Thiên (Đống Đa),… giá thịt cùng nhiều loại rau củ quả,… có sự biến động.
Quay trở lại với cuộc sống “bình thường mới”, trong khi túi tiền của nhiều người dân phải thắt chặt vì dịch bệnh thì giá cả các mặt hàng đồng loạt lên giá. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp, sinh viên “méo mặt” theo.
Bữa cơm của 3 nữ sinh viên
24 tuổi, là sinh viên năm cuối của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, từ tiền chu cấp của bố mẹ và tiền lương từ công việc làm thêm, Ngọc Khiêm có 4,5 triệu đồng/tháng phục vụ cho việc sinh hoạt. Trước đây, nếu tính toán tốt, chi tiêu hợp lý, cậu sinh viên này còn có thể để dành được vài trăm nghìn đồng thì nay, giữa cơn “bão” giá, Khiêm phải chật vật tính toán để đủ chi tiêu. Chưa kể, đây là năm học cuối nên cậu phải chịu thêm nhiều khoản phí phát sinh như tiền xăng xe phục vụ việc đi thực tập, tiền làm đồ ăn tốt nghiệp,... Để đáp ứng được việc chi tiêu, nam sinh phải làm tăng ca vào ban đêm.
Cũng trong tình cảnh chật vật như Khiêm, Nguyễn Thu Trang (sinh viên năm 2, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cũng đau đầu trong việc tính toán chi tiêu. Trang thuê trọ cùng 2 người bạn. Cô sinh viên cho biết: “Mỗi bạn trong phòng sở hữu sinh hoạt phí chỉ 2 triệu đồng/tháng. Cứ đến cuối tháng thì nộp tiền phòng trọ hết 500.000 đồng/tháng/người cho chi phí nhà trọ, tiền ăn hàng tháng khoảng 800.000 đồng/người, xăng xe bây giờ ít nhất cũng phải 400.000/tháng rồi chi tiền điện, tiền nước, tiền ga,…”
Không riêng gì sinh viên mà những người lao động có thu nhập thấp cũng chật vật khi giá cả “leo thang”. Mỗi lần đi chợ, chị Hoàng Thanh Bình (Đống Đa) phải liệt kê ra những đồ cần mua trước để cân đối: “Bây giờ các con thì thích ăn thịt kho tàu nhưng chồng lại thích ăn cá nên mình phải tính toán sao cho hợp lý, đặc biệt trong khi giá cả thực phẩm như hiện nay, thịt lợn cũng lên đến 130.000 đồng/cân rồi, rau cũng không phải còn rẻ nữa. Trước kia 300.000 đồng thì đi chợ mua đồ được 2 ngày, bây giờ chỉ đủ cho 1 ngày nhà 4 người ăn thôi.
Ngoài tiền ăn ra, còn tiền xăng xe đi lại của 2 vợ chồng, tiền học của 2 con, tiền sinh hoạt phí trong gia đình từ bàn chải đánh răng đến chai nước rửa bát cũng khiến tôi đau đầu tính toán. Cộng thu nhập cả chồng lẫn vợ chỉ gần 10 triệu mà giá cả thị trường cứ như thế này thì mình cũng không biết phải xoay xở thế nào”.
Thắt lưng buộc bụng
Thắt chặt chi tiêu để thích nghi – đó là cách của cô sinh viên Kim Liên áp dụng trước tình cảnh giá cả các mặt hàng leo thang như hiện nay. Giờ đây, mỗi khi đi chợ, cô gái 23 tuổi này phải cân nhắc từng chút để tránh lạm chi. Nếu ngày trước, mua 5 lạng thịt để ăn dần thì nay cô chỉ dám mua 2 lạng. Thêm vào đó, Liên chủ yếu mua rau và mì tôm để ăn qua bữa.
Với 4,5 triệu đồng kiếm được từ đi làm thêm, Liên phải tính toán sao cho mọi thứ vừa đủ chi tiêu, nhất là khi giá cả leo thang
Để giải quyết vấn đề di chuyển, Minh Trang (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã quyết định sử dụng xe bus để đi từ nhà đến trường. Không thể xoay xở khi giá xăng tăng cao, Trang đã gửi xe máy về quê để lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển với giá là 100.000 đồng/tháng.
“Đi xe buýt thì đúng là tiết kiệm hơn đi xe máy. Tuy nhiên, để kịp giờ, mình phải đi sớm hơn bình thường từ 30 phút đến 1 tiếng, vừa là thời gian đợi xe, vừa phòng trường hợp tắc đường. Dù có bất tiện hơn nhưng với giá xăng 30.000 đồng/1 lít như bây giờ, mình thấy đây là lựa chọn tốt hơn cả.”, cô sinh viên chia sẻ thêm về quyết định này.
Cân đối chi tiêu luôn là bài toán khó với những “tay hòm chìa khóa” trong bối cảnh hiện nay
Còn với các bà nội trợ như chị Huyền Anh (Cầu Giấy), “tiết kiệm được đến đâu hay đến đấy” là phương châm được chị áp dụng. “Đồ ăn thức uống, không mua cũng không được. Thế nên chi tiêu bây giờ phải tính toán thật kỹ lưỡng, cẩn thận. Mỗi lần đi chợ, mình sẽ lên thực đơn trước ở nhà, rồi tranh thủ mua đồ ăn cho vài ngày cũng như nấu đồ ăn sáng tại nhà cho tiết kiệm, an toàn hơn”, chị Huyền Anh chia sẻ về cách tiết kiệm của riêng mình.
Bên cạnh đó, các món luộc, xào được chị Huyền Anh ưu tiên hơn vì vừa đơn giản, lại tiết kiệm ga. “Gia đình mình cũng áp dụng nhiều cách để tiết kiệm như: hạn chế đi ra ngoài, hạn chế cho các con ăn vặt, không mua vật dụng không cần thiết, không giải trí xa xỉ,…”, người mẹ 2 con cho biết thêm.
Giá cả biến động cùng ảnh hưởng hậu dịch bệnh vẫn còn khiến đời sống của sinh viên và những người lao động thu nhập thấp rất bấp bênh. Cùng với những giải pháp bình ổn thị trường của các ban, ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cần xây dựng kế hoạch chi tiêu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân để vượt qua bối cảnh khó khăn chung hiện nay.
Nguồn: [Link nguồn]
“Tôi không thể mua nổi xăng cho xe nữa” - đó là lý do khiến người Ấn Độ này mua một con ngựa và cưỡi ngựa đi làm hằng ngày. Nhiều cư dân mạng không thể nhịn cười và...