Sinh viên mang “chợ quê” lên giảng đường
Cứ đến giờ ra chơi là các "con buôn" sinh viên lại mang hàng ra quảng cáo, giới thiệu với bạn bè trong lớp.
Mỗi tỉnh thành đều có một thứ thực phẩm đặc trưng, được gọi là đặc sản. Tận dụng lợi thế đó, nhiều bạn sinh viên đã chọn chính đặc sản quê mình làm mặt hàng kinh doanh dịp Tết. Vậy là, vô số các đặc sản quý hiếm được quy tập tại Thủ đô, qua bàn tay kinh doanh của các “con buôn” sinh viên.
Thu nhập 6 triệu đồng/tháng từ bánh bột lọc
Phan Thị Mỹ Linh sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội đã lựa chọn đặc sản bánh bột lọc Quảng Bình để kinh doanh, kiếm tiền dịp Tết.
Linh đã bắt đầu việc bán hàng từ cách đây 2 tháng. Thời điểm giáp Tết, công việc càng trở nê bận rộn. Khi được hỏi, tại sao lại chọn bánh bột lọc là mặt hàng kinh doanh dịp Tết, Linh chia sẻ: “Quê mình (Quảng Bình) có đặc sản là bánh bột lọc. Mình nảy ra ý tưởng đem bánh bột lọc ra Hà Nội bán, vừa độc, lạ, bán đắt hàng lại vừa có thể quảng bá đặc sản quê mình đến bè bạn. Bánh bột lọc có thể bán quanh năm, nhưng mình nghĩ gần Tết, những người xa quê đang học ở Hà Nội sẽ thèm vị quê nhà nhiều hơn nên quyết định chọn thời điểm này để bắt đầu việc kinh doanh”.
Để có được nguồn bánh ngon, Linh nhờ người quen ở quê đến cơ cở sản xuất bánh bột lọc nổi tiếng ở Quảng Bình đặt bánh, sau đó gửi xe khách chuyển ra Hà Nội. Phí vận chuyển mỗi lần là 40.000 đồng. Những công việc còn lại như quảng cáo sản phẩm, vận chuyển, trực tiếp bán hàng… đều do một tay Linh làm hết.
Hàng ngày, Linh dậy từ 5h30 sáng ra bến xe Mỹ Đình lấy hàng sau đó đến trường. Tan học, Linh vội vã về nhà hấp bánh, đi ship hàng theo đơn hàng khách đặt rồi quay về chở hàng ra chợ làng Bún – Phú Đô (Sân vận động Mỹ Đình) bán tiếp. Vậy là ngoài giờ học buổi sáng, toàn bộ thời gian buổi chiều (từ 3h chiều đến 6h30 tối) cô bạn đều dành cho công việc kinh doanh.
Linh chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, sáng mình đi học, chiều đi bán hàng, công việc đều như vắt chanh. Một mình mình đảm nhiệm bao nhiêu việc, đôi khi cũng mệt nhưng vì toàn là việc mình thích nên thấy vui. Hơn nữa, trung bình mỗi tháng mình lại kiếm được 6 triệu nên có động lực lắm”.
Linh nhớ lại những ngày đầu tiên bán hàng, cô đã phải mời chào, năn nỉ những người qua đường ăn thử bánh bột lọc. Có khi mất cả buổi chiều bán hàng, bánh thì hết nhẵn mà không thu về được một đồng nào. Nhưng Linh chấp nhận bởi mặt hàng cô bán là thực phẩm ăn sẵn, phải tạo dựng niềm tin cho khách hàng thì mới phát triển lâu dài được.
Linh chia sẻ: “Ban đầu, dù mình mời chào, năn nỉ nhưng vẫn rất nhiều người từ chối mua bánh bởi họ sợ bánh mất vệ sinh. Nhưng sau khi ăn thử thì chính họ lại trở thành khách quen của mình”.
Khách hàng quen thuộc của Linh là dân công sở, khi đi làm về tạt vào mua. Ngoài ra, cũng có nhiều em học sinh, sinh viên chuộng món này. Mỗi ngày, cứ vào giờ tan tầm, người ta lại thấy Linh bận rộn bán hàng bên chiếc xe đạp điện và hộp xốp đựng bánh bột lọc ở chợ Phú Đô.
Tuy vậy, năng suất bán hàng cũng khá thất thường. Linh chia sẻ: “Mình rất thích trời nắng bởi, nắng sẽ bán đắt hàng. Hôm nào trời mưa thì coi như “đói ăn”. Có hôm, mình hấp một thùng bánh đầy, vừa đem ra chợ bán thì trời mưa to. Bánh trong thùng ướt sũng, không có ai mua, vậy là phải đổ bỏ hết”.
Cho đến giờ, cô sinh viên báo chí vẫn nhớ rõ kỷ niệm bi hài của một ngày bán bánh đầu tháng: “Hôm đó là ngày mùng 1 âm lịch, nghĩ sẽ có đông cô, bác đi chợ nên mình lấy hàng gấp đôi mọi ngày. Không ngờ, ngày mùng 1 người dân khu đó đều ăn chay, mà bánh bột lọc thì lại nhân tôm và thịt. Thế là ế hàng, mình phải nhờ bạn bè trên lớp mua ủng hộ với giá rẻ, còn thừa bao nhiêu mình mang về ăn trừ cơm hết” – Linh vừa nói vừa cười.
“Chợ quê” trên lớp
Đến hẹn lại lên, Tết đến xuân về là dịp giảng đường đại học một phen xôn xao những câu chuyện buôn bán hàng Tết của các cô, cậu sinh viên. Có thể là trao đổi kinh nghiệm đi buôn, giới thiệu sản phẩm, bàn nhau lập nhóm kinh doanh… cũng có thể giảng đường chính là “cái chợ” đa di năng cho các “con buôn” ét - vê trao đổi hàng hóa.
Lấy đặc sản quê mình làm mặt hàng kinh doanh dịp Tết, các bạn sinh viên chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng là người quen, bạn bè cùng lớp. Tranh thủ mấy phút ra chơi hiếm hoi, “chủ hàng” đua nhau giới thiệu đặc sản quê mình, khảo giá rồi nhận đơn đặt hàng…
Hoàng Thương (quê Hà Giang, sinh viên trường Đại học Thương mại Hà Nội) chia sẻ: “Quê mình có món măng khô ngon và đảm bảo vệ sinh lắm. Dịp Tết này, mình cũng muốn ở lại thêm mấy hôm, lấy hàng từ quê xuống Thủ đô bán. Biết được các bạn sinh viên muốn có quà về quê ăn Tết, mình đem hàng đến lớp giới thiệu, bên cạnh đó cũng quảng cáo trên facebook cá nhân cho những ai có nhu cầu mua”.
Huy Hoàng (sinh viên trường Đại học Kinh tế) cũng chia sẻ về "chợ quê" ở giảng đường: “Lớp mình tính ra cũng phải có đến 3, 4 bà buôn. Mà toàn là buôn hàng quê như mứt Tết, miến khô, chả mực, chả cá… Cứ ra chơi là các bà nhao nhao đem hàng ra quảng cáo, giới thiệu rồi kì kèo mua bán như ngoài chợ. Đó là còn chưa kể, mấy thứ đồ ăn được cho là “chính hãng” ấy còn bốc lên đủ thứ mùi đặc trưng”.
Công việc kinh doanh buôn bán giúp các bạn sinh viên trở nên năng động hơn, được trải nghiệm thực tế, tích lũy nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Tuy vậy, điều quan trọng nhất với các bạn hiện tại là học tập, do vậy cần sắp xếp thời gian hợp lý để có thể hoàn thành tốt mọi việc.
***
Nhiều bạn sinh viên không quản ngại vất vả, nắng mưa để kiếm tiền tiêu Tết, mua quà Tết cho gia đình. Tuy nhiên, không phải vì mục đích kiếm tiền mà họ "ăn xổi", sơ sài với những mặt hàng kinh doanh của mình. Mặc dù là lần đầu tiên kinh doanh, buôn bán nhưng các "ét vê" này đều rất cẩn thận, chuyên nghiệp trong cách chọn hàng, bảo quản sản phẩm của mình. Mời các bạn hãy theo dõi phần tiếp theo về chân dung những "con buôn" vào lúc 0h00 ngày 1/2/2015.