Sinh viên lập ngân hàng thực phẩm cho người nghèo
Nhằm tạo cầu nối từ nơi thừa đến nơi thiếu đồ ăn, giúp một bộ phận dân cư thủ đô cải thiện bữa ăn hàng ngày, dự án “Hà Nội đủ” theo mô hình Ngân hàng thực phẩm thế giới ra đời.
Khi người trẻ kết nối
Hà Nội đủ ra đời tháng 8/2013. Đây là dự án cộng đồng của một nhóm sinh viên Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm theo mô hình Global Foodbank - Ngân hàng thực phẩm thế giới. Ban đầu, dự án chỉ có 5 thành viên, nhưng hiện đã có hơn 30 thành viên và hơn 300 cộng tác viên (CTV) đang hoạt động.
Sau khi xử lý thực phẩm, thành viên Hà Nội đủ phân phát tận tay cho người nghèo tại xóm trọ Long Biên.
Hoạt động chính của dự án là liên hệ với những nguồn cung cấp thực phẩm thừa, phân phối, chế biến lại, sau đó mang phân phát cho người nghèo vào chiều thứ 4 và thứ 7 hàng tuần. Địa điểm phát thực phẩm là các khu “ổ chuột” nơi người nghèo đang sống, các gầm cầu hay xóm trọ Long Biên, Bệnh viện Đống Đa, Trung tâm Vì Ngày Mai, bãi giữa sông Hồng…
Nguồn thức ăn chủ yếu mà Hà Nội đủ tận dụng chủ yếu là những thực phẩm thừa hoặc bị lỗi tại nhà máy sản xuất thực phẩm, các siêu thị, nhà hàng hay khách sạn… Sau đó, phần thức ăn này sẽ được chuyển đến địa điểm chế biến tại Trung tâm trẻ em Phúc Tuệ, tái chế lại và phân suất. Cuối cùng, chuyển đến những người nghèo và các trung tâm trẻ em khuyết tật.
Việc xây dựng ngân hàng thức ăn để chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu đã khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nó lại là một dự án mới mẻ ở Việt Nam, do đó thời gian đầu, các bạn trong dự án Hà Nội đủ gặp rất nhiều khó khăn.
Chu Thị Hoàng Loan, Trưởng ban dự án Hà Nội đủ cho biết, khi tiếp cận với các nhà hàng, vì chưa được biết đến nên nhiều rắc rối nảy sinh: chính quyền nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, một số nhà hàng cũng lo ngại về khâu vận chuyển đồ ăn, chế biến nên không giúp đỡ. Các thành viên đã phải chụp lại quá trình phát cơm, làm tư liệu, chuyển lại cho nhà hàng để đảm bảo rằng nguồn thực phẩm của họ được nguyên vẹn khi đến tay người tiêu dùng.
Khó khăn không chỉ từ phía người cho mà còn từ phía người nhận. “Ban đầu khi mới tiếp xúc, người dân tại xóm trọ Long Biên còn khá dè dặt. Vấn đề vẫn là người cho cũng như người nhận chưa thực sự hiểu rõ khái niệm “thức ăn thừa” và cũng chưa có cái nhìn đúng đắn về nó. người cho thấy việc cho người nghèo thức ăn thừa là không nên, người nghèo thì e dè khi nhận, hoặc đôi khi vì lòng tự trọng, họ cũng sẽ không nhận”, Hoàng Loan nói.
Hướng tới “Đất nước đủ”
Vượt qua những khó khăn và tạo được niềm tin với mọi người, Hà Nội đủ dần trở thành cái tên quen thuộc với các hoạt động xã hội như Đông ấm - Tết đủ 2014, Save Food, Save the Earth (Tiết kiệm thực phẩm - Bảo vệ trái đất). Tiếp nối thành công của chiến dịch Save Food, Save the Earth 2014, tháng 6 vừa qua, chiến dịch này đã đạt kết quả cao khi có tới 600 thành viên tham gia dự án, tiếp cận được 36 nhà hàng, trong đó 4 nhà hàng cam kết hợp tác lâu dài. Hơn 200 suất ăn cùng được chế biến lại, đóng hộp và phân suất để chuyển tới các địa điểm.
Ngoài ra, Hà Nội đủ còn tổ chức sự kiện ảnh online - Tôi chứng kiến với mong muốn mọi người có thể chia sẻ câu chuyện về những hoàn cảnh khó khăn với Hà Nội đủ để dự án có thể chia sẻ đến với mọi người và giúp đỡ nhân vật trong các câu chuyện đó.
Bà Thìn, chính là một trong những nhân vật được chia sẻ trong bức ảnh của sinh viên và may mắn trở thành “khách hàng” quen thuộc của Hà Nội đủ. Bà Thìn sống tại một căn nhà chật chội với giá thuê 1,2 triệu đồng mỗi tháng, bữa ăn của bà chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn mà nhóm mang đến.
“Mình còn nhớ rõ câu nói của bà “Áo rách không ai vá cho, nắm rơm buộc túm đàn bò chạy theo”. Và mặc dù được đề nghị vào trung tâm sống nhưng bà quyết từ chối. “Mình thấy cảm phục sức chống chọi với cuộc sống của bà, luôn lạc quan vui sống”, thành viên Mai Phương tâm sự.
Hiện, Hà Nội đủ không chỉ dừng lại ở một hoạt động tình nguyện quyên góp thức ăn đơn thuần, các bạn trẻ còn vận động nhà hàng, quán cơm ký cam kết tiết kiệm thực phẩm và mong muốn tạo thói quen tốt cho mọi người.
Đại diện Ban Truyền thông dự án cho biết: “Chúng mình mong muốn về một Đất nước đủ nhưng cần hơn hết là ý thức tiết kiệm thực phẩm của mỗi người, mỗi gia đình. Dự định lớn hơn của dự án là hướng tới một Sài Gòn đủ, một Việt Nam đủ. Hy vọng tương lai thành lập được một quỹ thức ăn nhằm cung cấp dài hạn cho những đối tượng đang cần đến nó - một “ngân hàng thức ăn” đầu tiên tại Việt Nam.