Sinh viên hào hứng đi làm thêm trở lại

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Nhiều sinh viên tại Hà Nội hào hứng đi làm thêm trở lại để giảm nỗi lo tiền nhà, tiền sinh hoạt. Các bạn trẻ phấn khởi khi được ra đường sau thời gian ở nhà.

Từ khi dịch diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bạn sinh viên không kịp về quê nên “kẹt” tại phòng trọ, ký túc xá hơn 2 tháng qua. Tuy phải ăn mì tôm qua bữa và lo các khoản phí sinh hoạt nhưng nhiều bạn vẫn giữ tinh thần lạc quan, tìm cách vượt qua khó khăn bằng cách đăng ký làm các công việc online như: gia sư, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội... Nhiều sinh viên ở lại trở thành tình nguyện viên góp sức hỗ trợ chống dịch.

Từ cuối tháng 9, hàng loạt hàng quán được mở cửa trở lại và cho phép bán mang về, các cửa hàng dịch vụ khác như thời trang, đồ chơi... được hoạt động trở lại. Vì thế, nhiều bạn sinh viên cũng bắt đầu đi làm thêm để tự trang trải, giảm gánh nặng phí sinh hoạt cho gia đình.

PV đã có cơ hội gặp gỡ 4 bạn trẻ để lắng nghe chia sẻ trong những ngày đầu họ đi làm trở lại:

Thái Thị Hằng Nga (sinh năm 2000, sống ở Hà Nội): Đỡ áp lực tiền nhà

Quay trở lại công việc từ ngày 16/9, Hằng Nga vừa cảm thấy vui mừng sau nhiều ngày ở nhà buồn chán nhưng cũng đan xen nỗi sợ tiếp xúc với nhiều người.

Công việc partime hiện tại của Nga là cửa hàng trưởng tại một cửa hàng đồ chơi ở đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội. Vừa duy trì việc học online, Nga vừa giữ vị trí cao nhất tại cửa hàng nên ca làm việc được sắp xếp linh hoạt: lúc làm sáng, lúc làm chiều.

"Các bạn nhân viên ở quê không lên làm, có bạn nghỉ hẳn nên có hôm mình làm cả ngày. Lương cũng ở mức trung bình, mình có thu nhập khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, các bạn khác sẽ tính theo giờ là 17.000 đồng/giờ.

Để trang trải được hoàn toàn cuộc sống trên Hà Nội với mức lương từ công việc bán thời gian thì khá khó, mình vẫn phải nhờ bố mẹ gửi lương thực ở quê lên. Tuy nhiên, mình cảm thấy khá hào hứng khi được đi làm trở lại. Tuy tiền lương không nhiều nhưng cũng giúp mình đỡ áp lực về tiền nhà hơn", Thái Thị Hằng Nga chia sẻ.

Hoàng Thế Lịch (sinh năm 2001, quê ở Nghệ An): Chọn đi bộ để được ngắm cảnh lâu hơn

Sinh viên hào hứng đi làm thêm trở lại - 1

Thế Lịch hiện là sinh viên năm 3 ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và làm nhân viên telesale cho một công ty tuyển dụng. Lịch bắt đầu làm thêm từ cuối tháng 7 đến nay. Khoảng thời gian cuối tháng 7, cậu kịp lên công ty để nghe hướng dẫn 3 buổi.

Về sau, khi dịch diễn biến phức tạp, Lịch chuyển sang làm việc online, họp online để giao lưu với đồng nghiệp. Đăng ký làm ca chiều với mức lương là 18.000 đồng/ giờ cộng với sự hỗ trợ của công ty, trường học, địa phương nên nam sinh cũng trang trải được một phần nào đó.

Hiện tại, nam sinh đã có thể lên công ty làm việc và gặp gỡ trực tiếp, trao đổi với mọi người thay vì "WFH" (work from home - làm tại nhà).

"Việc đầu tiên mình làm khi hết giãn cách đó là đi cắt tóc, "tút tát" lại nhan sắc. Và mình đoán, bạn con trai nào cũng sẽ đi cắt tóc sau nhiều ngày thôi. Mình cảm giác được đi dạo thích đến nhường nào, chỗ cắt tóc khá xa nơi mình ở, nhưng mình đã đi bộ đến bởi lâu ngày không được đi lại rồi", Thế Lịch nói.

Nguyễn Minh Đức (sinh viên năm 3 Đại học Thủ đô Hà Nội): Hào hứng đến dọn dẹp cửa hàng

Sinh viên hào hứng đi làm thêm trở lại - 2

Làm thêm tại một cửa hàng sữa chua từ cuối năm nhất với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng, Minh Đức cảm thấy vui vẻ khi nhịp sống thường ngày dần trở lại và có cơ hội "kiếm tiền" chi tiêu cá nhân.

"Mình ở lại Hà Nội trong 2 tháng giãn cách vừa qua với không khí hơi "ngột ngạt" vì phải ở nhà. Việc mình làm đầu tiên đó là đến ngay cửa hàng để dọn dẹp, chuẩn bị đi làm lại.

Khi đi làm, mình và các nhân viên trong cửa hàng đều thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng tránh dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng, các shipper giao hàng", Minh Đức kể.

Để không bị sao nhãng quá nhiều vào công việc làm thêm, Đức căn chỉnh thời khoá biểu học các môn và thời gian đi làm sao cho phù hợp với quỹ thời gian của mình. Một ngày của nam sinh thường diễn ra theo lịch: sáng học, chiều làm thêm, tối sinh hoạt cá nhân và làm bài tập hoặc học một số thứ khác.

Nguyễn Đình Long (sinh viên năm 3): Bỡ ngỡ khi điều khiển xe máy

Nam sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền bén duyên với việc làm nhân viên truyền thông tại một công ty và bắt đầu đi làm trực tiếp từ ngày 1/10.

Long chia sẻ với PV: "Công việc của mình chỉ cần laptop thôi nên cũng không cần chuẩn bị quá nhiều. Đến công ty, mình được gặp lại đồng nghiệp và cảm thấy rất vui sau những ngày chỉ có thể trao đổi với nhau qua tin nhắn.

Vì nhà mình ở Hà Nội nên sinh hoạt cũng không đến nỗi khó khăn. Còn nguồn thu nhập đến từ công việc đủ để trang trải cho những sở thích cá nhân và tiết kiệm. Sau khi được ra đường đi làm, mình cũng khá bỡ ngỡ, điều khiển xe máy đi còn "loạng choạng" mãi mới lái lại được (cười). Tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn nên mình không dám đi đâu cả, chỉ có trên đường đi làm thì "tiện" ngắm cảnh thôi".

Nguồn: [Link nguồn]

Trở thành tân sinh viên, nữ sinh 27,25 điểm khối D vội đi làm thêm để phụ giúp gia đình

Với 9,25 điểm Văn, 9,2 điểm Toán và 8,8 điểm tiếng Anh, Nguyễn Thị Hồng Ngọc chính thức trở thành tân sinh viên chuyên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN