Sinh viên điên đảo với hàng hiệu

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Nhiều bạn sinh viên sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để được sở hữu món đồ hiệu

“Săn” hàng hiệu từng là một thú chơi thời thượng của nhiều bạn trẻ để chứng tỏ gu thời trang và đẳng cấp. Thế nhưng thời gian gần đây, một số hệ thống cung cấp hàng hiệu danh tiếng đã bị phanh phui với thông tin về những món hàng nhái được bày bán tại một khu trung tâm lớn. Những “tín đồ” đam mê hàng hiệu bỗng rơi vào hoang mang. Cũng từ đây, hé lộ nhiều cách thức mới mẻ của các “tín đồ” thời trang trong việc săn hàng đồ hiệu.

Vất vả “đi săn”

Một sự thật là phần lớn khách hàng trẻ chỉ được ngắm hàng hiệu qua website của nhãn hàng hay TVC quảng cáo trước khi quyết định mua. Những trung tâm mua sắm lớn cũng chỉ nhập về một số mẫu giới hạn, đa số đã ra trước đó 3 – 5 tháng. Chính vì thế, những mẫu đang là trào lưu trên thị trường thế giới khó mà mua được cùng thời điểm, tại Việt Nam. Để giải quyết tình trạng này, dân sành hàng hiệu sẽ tìm cách móc nối nhờ bạn bè hay một trung gian nào đó xách tay về. Đây là cách đơn giản và đảm bảo nhất lại không bị đánh thuế cao.

Những ai không có nhiều mối quan hệ ở nước ngoài thường chọn mua hàng bằng phương thức đặt hàng qua website chính hãng Gucci, LV… Các hãng này luôn có dịch vụ chuyển hàng nhưng điểm bất lợi là bạn phải trả bằng Master Card, Visa Card, JBC… vốn không thông dụng đến mức ai cũng có thể sở hữu. Đường đến tay chủ của những món hàng hiệu cũng khá gian nan. Trúc Linh (trường ĐH Sài Gòn) kể về lần tậu được một chiếc túi màu nâu của Mango, với giá hơn 7 triệu đồng mà “nước da đẹp mê ly”: “Lần đó, mình nhờ đứa bạn gửi chuyển phát từ Singapore. Khoảng thời gian từ lúc mình đặt cho đến lúc mình nhận được túi là hơn 3 tháng vì bạn mình phải làm đủ các thủ tục, rồi trả phí đóng gói, bảo quản cao cấp… Đến khi về Việt Nam thì chiếc túi có giá gần như… gấp đôi!”.

Sinh viên điên đảo với hàng hiệu - 1

Với kinh nghiệm mua hàng hiệu còn quá ít nên việc phân biệt giữa hàng hiệu và hàng fake “loại 1”, “loại 2” của sinh viên là vô cùng nan giải (Ảnh minh họa)

Để mua được hàng hiệu giá rẻ, nhiều hội nghiện mua sắm cố công tích cóp cả năm chờ đến mùa giảm giá Hè, mùa giảm giá cuối năm, mùa lễ Tạ ơn… để đặt vé bay sang Singapore và các nước khác “gom hàng”. Tuy vất vả, thậm chí là tìm mọi cách để có được món hàng đáng giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng nhưng không phải ai cũng hài lòng với món hàng của mình hay chỉ “cố gắng” hài lòng, do số tiền bỏ ra quá lớn. Dù món hàng có được cộp mác hàng hiệu đi chăng nữa, khoảng cách giữa hình ảnh quảng cáo và hiện vật vẫn có độ chênh lệch như kém lung linh hơn, kích thước khác với tưởng tượng. Do có quá nhiều bước chuyển tiếp từ cửa hàng chính hãng đến các nước châu Á, rồi đến tay khách hàng nên hàng cũng có thể thuộc loại “hàng hiệu thứ phẩm”, bị loại ra từ vòng kiểm ra chất lượng rồi được một trung gian nào đó tận dụng lại, chuyển về cho những khách hàng ở các nước xa xôi.

Chất lượng nơi đâu?

Với kinh nghiệm mua hàng hiệu còn quá ít của khách hàng sinh viên, việc phân biệt giữa hàng hiệu và hàng fake “loại 1”, “loại 2” là vô cùng nan giải. Hàng fake “loại 1” “loại 2” có hình dáng không khác gì hàng hiệu nhưng sẽ phân biệt được bằng số mũi khâu trên sản phẩm, số nút… Những đặc điểm này chỉ những ai có kiến thức nhất định về nhãn hàng thì mới đủ khả năng nhận biết. Chuẩn phân biệt giữa hai món hàng au (authentic) và fake cũng hoàn toàn không có, do đa phần người mua không có cơ hội tận tay sờ vào mà chỉ mới ngắm qua hình ảnh mà thôi. Việc những cửa hàng lớn bị bóc mẽ vì bán hàng fake nhưng vẫn cộp mác hàng hiệu chính là đang lợi dụng sự mơ hồ về các món hàng của chính người mua để lừa đảo.

Đầu năm, xôn xao câu chuyện về một bạn nữ sinh viên, vốn có gu thời trang cực đỉnh lại hay trưng ảnh về cuộc sống xa hoa khiến bạn bè dân tình trên mạng tin “sái cổ” đây là một cô nàng “hàng hiệu” chính gốc. Không khó hiểu khi nàng mở đợt thanh lý túi, quần áo xịn của mình với giá cao ngất ngưởng, có lũ lượt người vào đặt mua. Nhưng chỉ sau một tuần, đã có hàng trăm “comment” lời qua tiếng lại về chất lượng của những món hàng. Trong đó, chủ yếu than phiền hàng dỏm, hàng giả…

Nhưng “thương vụ” đã kết thúc rồi, người mua cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” do cô nàng “hàng hiệu” kia đã tự khóa Facebook, cắt đứt hết mọi liên lạc. Chuyện đó cho thấy khách hàng trẻ vẫn rất dễ bị lừa bởi vẻ ngoài hào nhoáng của kẻ môi giới. Thậm chí, nhiều bạn trẻ con dám bỏ món tiền khủng vài chục triệu đồng để mua chiếc túi xách từ một shop online chỉ vì những dòng “comment” tán thưởng ảo mà chủ shop tự “khoe”. Mua rồi, thường không đổi không trả được, những “tín đồ” ngây thơ đành mắc kẹt với món “hiệu” vừa tậu.

Ấy là chưa kể, có thể bạn còn bị cắt xén một số quyền lợi mà không hay biết. Thường gặp nhất là bị lấy mất đồ đính kèm như dòng Buberry Nova, có thêm chiếc khăn sọc caro truyền thống, hay dòng Salvatore Ferragamo, đôi khi có kèm túi nhỏ bên trong, rất dễ bị lấy đi. Quần áo, giày dép hàng hiệu cũng không ngoại lệ. Ngọc L. (trường ĐH Hoa Sen) trước Noel bỏ tiền triệu đặt đôi giày Lucifer Low đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Nhưng thứ bạn nhận lại là đôi giày na ná, yếu ớt nhưng vì cửa hiệu giày chính hãng “chưa có ở Việt Nam” nên khó lòng đem ra so sánh.

Lời khuyên cho các bạn thích mua đồ hiệu là nên đến mua ở cửa hàng chính hãng để tham khảo, khi mua phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nếu chẳng may khi mua hàng hiệu mà nhận ra nó là hàng fake thì bạn cũng có cơ sở để đến đó mà khiếu nại. Những món thuộc hàng “hot” thường làm số lượng rất hạn chế, không hẳn cửa hàng nước ngoài nào cũng cộp mác “đảm bảo chất lượng” nên việc mua được món hàng ở nước ngoài không hề đảm bảo như bạn tưởng. Số tiền bỏ ra không nhỏ nên hãy sáng suốt khi chọn mua hàng hiệu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Linh – Minh Nhựt (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN