Sinh viên chưa nhập học, phòng trọ rục rịch tăng giá
Tuy chưa đến giai đoạn sinh viên nhập học cao điểm nhưng giá nhà trọ cho thuê ở TP. HCM đã bắt đầu tăng. Việc này gây ra nhiều khó khăn, áp lực cho cho sinh viên, khi vừa phải trả tiền nhà, vừa phải lo đáp ứng nhiều chi phí học tập và các sinh hoạt khác.
Đầu năm học, nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao khiến phòng trọ ở TP. HCM trở nên khan hiếm. Theo chia sẻ của một số bạn sinh viên đang đi tìm phòng trọ, giá cho thuê nhà trọ, phòng trọ tại TP. HCM trong tháng 8/2023 đã tăng từ 10% đến 20% so với các tháng trước. Đối với các sinh viên ngoại tỉnh, để tìm được một phòng trọ phù hợp với túi tiền của mình là một vấn đề nan giải. Các căn hộ và phòng trọ trở nên "xa xỉ", không đáp ứng được nhu cầu của đa số sinh viên, khiến các bạn phải chi trả một khoản tiền lớn hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu.
Chọn thuê trọ sống ở ngoài vì ưu điểm thoải mái về giờ giấc, có thể nấu ăn và có không gian yên tĩnh riêng cho mình, H Thoa Ktla (năm thứ ba, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) phải chật vật suốt 2 tuần mới có thể tìm được phòng trọ, cho dù đã chuẩn bị một danh sách hơn 10 nhà trọ để đi tham khảo trước đó.
Cô cho biết, giá nhà trọ, phòng trọ đã tăng lên từ từ 200.000 đến 1 triệu đồng so với 3 tháng trước. “Hồi đầu tháng Năm, mình bắt đầu tham khảo giá của các phòng trọ ở Thủ Đức, giá thuê phòng trọ chỉ từ 2 triệu đồng đổ lại. Vậy mà đến cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám, mình đi xem trọ thì giá thuê phòng đã tăng thành 3 - 4 triệu đồng/tháng. Phòng nhỏ, không có gác thì giá cũng khoảng 2,5 triệu đến 2,8 triệu đồng/phòng. Nhờ người quen và bạn bè tìm kiếm giúp, mình mới có thể thuê được phòng trọ với giá 2,5 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, mức giá này chưa bao gồm các chi phí điện, nước, Internet…”.
Chưa vào cao điểm nhưng giá nhà trọ tại TP. HCM đã bắt đầu tăng giá.
Giá phòng tăng lên nhưng chất lượng phòng trọ lại không tương xứng, hầu hết đều thiếu các tiện ích cơ bản như Wi-Fi ổn định, điều hòa không khí hoạt động không tốt, thậm chí, không gian sinh hoạt còn chật hẹp. “Phòng trọ mình đang ở không có chỗ để xe, lối đi nhỏ hẹp, mỗi lần đẩy xe ra ngoài là mình ngán ngẩm. Đến cả Wi-Fi cũng không có. Dẫu thuê được phòng trọ nhưng mình không thấy hài lòng”, Thoa nói.
Tiết kiệm suốt mùa Hè để thuê trọ nhưng đến thời điểm hiện tại, Hoàng Thùy Linh (năm thứ nhất, trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM) bất lực khi thấy giá nhà trọ ở mức “trên trời”. “Mình đã bị sốc khi thấy giá thuê phòng tăng lên một cách đáng kể. Mình xem rất nhiều nhà trọ, phòng trọ, có những phòng giá phòng đã là 3 triệu đồng/tháng nhưng nếu ở thêm người lại phải đóng thêm 200.000 – 300.000 đồng/người/tháng. Việc phải tìm kiếm phòng trọ giá phù hợp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, không biết mình có thể kiếm được phòng trọ không hay phải quay lại tiếp tục ở ký túc xá”, Thùy Linh tâm sự.
Thùy Linh cho biết thêm, giá thuê trọ cao không đồng nghĩa với chất lượng phòng trọ tốt hơn. Rất nhiều phòng trọ đưa hình một đằng, lúc đến nơi thì chất lượng một nẻo. “Nhiều căn phòng nhỏ hẹp, thiếu tiện nghi, không an toàn và không sạch sẽ, ẩm thấp, không có cửa sổ, không có ánh sáng chiếu rọi, phải sử dụng nhà vệ sinh chung… nhưng chi phí thuê cũng lên đến 3 - 4 triệu đồng/tháng”, Thùy Linh chia sẻ.
Sinh viên phải vất vả để kiếm được nhà trọ phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Điều đáng lo ngại hơn là việc nhiều chủ nhà trọ đang áp mức giá điện, nước cao. Bùi Thị Thanh Nhàn (năm thứ nhất, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) hoang mang với giá điện, nước tăng cao của phòng trọ. “Lúc mới vào thành phố nhập học, mình thuê một phòng trọ nhỏ ở gần trường, với một bạn cùng quê, mức chi phí gần 5 triệu đồng/tháng, đã kèm tiền điện, nước. Bây giờ, mình phải chuyển sang trọ xa trường gần 8 km để tiết kiệm chi phí chỗ ở. Mặc dù, mỗi ngày đều phải dậy sớm đi học nhưng mình chấp nhận vì quá mệt mỏi với chi phí tiền điện, nước tăng cao của chủ nhà trọ”, Thanh Nhàn bộc bạch.
Còn với Thoa, cô cũng đang lo vì giá điện nước chủ nhà áp dụng theo chiều hướng ngày càng bất hợp lý, khiến cho việc sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng. “Chủ nhà áp dụng giá 25.000 đồng/m3 nước là quá cao đối với mình. Mình đang phải tự hạn chế việc sử dụng nước để không bị đứt đoạn trong việc chi trả. Việc trả tiền thuê nhà và mức giá điện, nước cao đã khiến mình phải cân nhắc giữa việc chi tiêu và tiết kiệm”, Thoa chia sẻ.
Căn cứ quy định tại Khoản 7, Điều 12, Nghị định 134/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP: Chủ trọ thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền chênh lệch. |
Đang đỉnh điểm mùa khô, nhiệt độ ở TP. HCM nói riêng đang trong những ngày ‘bùng cháy’ và mọi người tìm đủ phương án ‘trốn nóng’. Với giới sinh viên thì ngoài nỗi lo...
Nguồn: [Link nguồn]