Sinh viên bị lừa tình

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Khi đã gần như chiếm trọn được niềm tin nơi H, Sử nhanh chóng thực hiện âm mưu.

Hắn tên Sử, 27 tuổi.  Quê hắn ở Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là thông tin duy nhất H biết về hắn – một tên lừa đảo.

H hiện đang là sinh viên năm nhất của một trường Đại học trong thành phố. Một cô gái quê nghèo khăn gói vào Nam ấp ủ giấc mơ lập nghiệp. Sự việc đáng buồn xảy ra đã hơn một tuần nhưng bây giờ H mới trấn an được tinh thần để kể cho tôi nghe. Quá uất ức mà bất lực, H nói bằng giọng căm phẫn tột độ: “Giá mà tôi có thể đào bới, lục tung cả mảnh đất Sài Gòn này lên để tìm cho được hắn ta. Rồi không biết sẽ còn bao nhiêu cô gái nhẹ dạ cả tin như tôi bị hắn gài bẫy”.

H quen Sử trên chuyến xe buýt số 13 về bến xe Củ Chi, trong một lần H về thăm người anh trai đang là bộ đội đóng quân ở trên đó. Trên chuyến xe buýt đường dài, Sử đã chủ động làm quen và xin được số điện thoại của H- cô gái ngồi bên cạnh. “Cơ quan anh đang công tác cũng gần trường học của em. Có dịp rảnh rỗi. anh mời em cà phê nhé”. Vốn là người cởi mở, H vô tư gật đầu sau lời mời khá ngọt ngào ấy. Đơn giản H chỉ nghĩ rằng đó là phép lịch sự, là sự tôn trọng. Làm sao H có thể biết được H đã trở thành “con mồi” dần sa vào lưới của Sử.

Sau lần gặp đầu tiên đó, ngày nào Sử cũng gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm H. Những cuộc nói chuyện hàng giờ qua điện thoại khiến cho mối quan hệ giữa hai người trở nên thân thiết. Sử nhận mình như một người anh, một người bạn thân của H, ngỏ ý muốn được quan tâm, lo lắng cho H. Đôi lần, Sử ghé qua cổng trường, gửi tặng H cuốn sách mà H yêu thích, hoặc mua cho H một ly trà sữa ngọt ngào.  H ốm, Sử cuống cuồng chạy đi mua thuốc và dỗ dành H uống. Sự săn sóc ân cần đó khiến H không khỏi bối rối. Trái tim non nớt cô gái tuổi 18 có gì rung động, bởi trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn của cuộc sống sinh viên xa nhà, có được một người lo lắng và chia sẻ cùng mình tất cả như những gì Sử đã làm cho H thì đó là một điều để H trân trọng. Dẫu sao, đó cũng không phải là điều quá khó hiểu.

Khi đã gần như chiếm trọn được niềm tin nơi H, Sử nhanh chóng thực hiện âm mưu lừa đảo. Sau gần hai tuần qua lại thân thiết, một hôm, Sử nhắn tin hẹn gặp H với lời mời: “Anh có một chuyện rất bất ngờ và quan trọng muốn nói với em. Chiều nay lúc 18g, anh đợi em ở cổng công viên Đầm Sen…” H không khỏi bồi hồi, nên không thể từ chối lời mời. Tan học, H đón thẳng xe buýt số 38 tới nơi Sử hẹn. Sử chạy chiếc xe máy Wawe 110 vẻ ngoài sang trọng đón H ở trạm xe buýt và chở H vào một quán cà phê ở đường Lạc Long Quân, Q11. “Món quà tuy nhỏ nhưng đây là tấm lòng của anh mong em luôn vui và cố gắng học. Nhưng bí mật, phải về nhà em mới được mở ra xem đấy nhé!” Nói đoạn Sử đặt vào lòng bàn tay H một hộp quà nhỏ xinh xắn. H không biết bên trong đó là thứ gì nhưng H không thể che giấu nổi vui sướng, xúc động. Bằng những câu chuyện ngọt ngào, Sử dần gieo rắc vào tâm hồn non nớt, cả tin của H một tình yêu lý tưởng, một hạnh phúc diệu kỳ. Và biết bao nhiêu lời hứa về một tương lai tốt đẹp, giàu có mà nhiều người con gái như H vẫn thường mơ ước. Chẳng cần đắn đo, toan tính, H nhanh chóng chấp nhận lời tỏ tình của Sử. Hạnh phúc trở nên mù quáng, H đã không thể lường trước được đó chỉ là một màn kịch. Phía sau đó lại là một âm mưu lừa đảo mà Sử đã đóng vai diễn xuất rất thành công.

Sinh viên bị lừa tình - 1

Hạnh phúc trở nên mù quáng, H đã không thể lường trước được đó chỉ là một màn kịch (Ảnh minh họa)

“Thôi chết, máy điện thoại anh hết pin mất rồi. 20g 30p tối nay anh có cuộc hẹn với mấy đứa bạn thân. Cho anh mượn máy điện thoại của em, anh bỏ sim vào anh gọi cho đứa bạn chút xíu”- Sử giả bộ nóng ruột, lo lắng. H vội lấy điện thoại trong túi ra đưa cho Sử. Đấy là chiếc điện thoại H mới mua trước đó hai ngày, số tiền công sức H đi làm thêm mấy tháng trời mới dành dụm được. Gọi điện xong, Sử tạm giữ luôn điện thoại của H với lý do để liên lạc cùng bạn đang chờ hẹn gặp. “À, nhân tiện, anh chở em đi cùng luôn nhé, anh muốn giới thiệu em cho mấy đứa bạn của anh luôn.” Khó từ chối lời mời của Sử, H đành gật đầu đồng ý. Hai người rời khỏi quán cà phê, Sử chạy xe hướng về phía quận Gò Vấp để gặp bạn Sử. Xe chạy được một quãng, Sử vội dừng xe ở bên đường, tỏ vẻ ái ngại: “Đưa ba lô anh bỏ trước xe cho an toàn, em mang cồng kềnh trên vai như thế là rất nguy hiểm, đi đường dễ bị bọn giang hồ cướp giật lắm”. Nghe thuyết phục, H cởi ba lô đưa cho Sử đặt ở đằng trước. Trong ba lô lúc ấy của H có 700 trăm ngàn đồng, giấy tờ tùy thân, thẻ sinh viên, tài liệu học tập. Tất cả những tài sản quý giá nhất, H đều vô tư “gửi gắm” nơi người yêu mới của mình, chẳng mảy may lo nghĩ. Gần 20g15p, xe chạy tới khu vực chợ Cầu, ngay chân cầu vượt Quang Trung, Quận Gò Vấp, Sử lại dừng xe. Sử mở ví rút ra một tờ 20 ngàn đồng, đưa cho H và dặn: “Em chịu khó xuống xe vào chợ mua dùm anh ít trái cây lát về biếu ngoại, khỏi anh vào lại mất công gửi xe, anh đứng chờ em ở ngoài”. H lại ngoan ngoãn nghe lời Sử, toan chạy vào bên hông chợ dừng trước sạp hàng trái cây. Chưa kịp mua, H tính quay mặt hỏi Sử nên mua loại nào thì bỗng chỉ trong chốc lát, tên Sử đã biến mất. H hốt hoảng, mặt mày tái mét vội lao ra đường đưa mắt nhìn khắp nơi thì thấy Sử đang chạy xe vòng xuống cầu vượt Quang Trung, cách chỗ H đứng khoảng hơn trăm mét. Biết đã xảy ra chuyện chẳng lành, H cuống cuồng chạy theo vừa la to “cướp, cướp cướp…” với hi vọng người đi đường có thể giúp mình đuổi theo tên Sử. Thế nhưng, những người đi đường và một vài người đang đậu xe bên lề đường không ai chịu ra tay “nghĩa hiệp” giúp H đuổi theo tên cướp, mặc cho H khóc lóc, nài nỉ, van xin. Thậm chí, một vài người còn ngồi vắt vẻo trên xe máy nhoẻn miệng cười như có chuyện kỳ lạ để có dịp theo dõi. Bất lực, H chỉ còn biết chạy bộ đuổi theo. Tên Sử càng phóng xe nhanh hơn, đôi chân H thì như khụy xuống. Theo tới gầm cầu vượt thì bóng dáng tên Sử đã mất hút, H lạnh người đi khi chỉ thấy vài người thanh niên đang chích hút ma túy dưới đó. Quá sợ hãi, tinh thần hoảng loạn, H cố gắng cất những bước chân nặng nề đi lên cầu vượt, ngồi ôm mặt khóc nức nở: “Biết phải chạy đi đường nào để có thể tìm cho ra tên lừa đảo, ăn cướp khốn nạn đó. Bao nhiêu tiền bạc, điện thoại, tài sản quý giá nhất đã bị lừa lấy hết. Làm sao có thể sống, sao có thể đi học nữa, biết ăn nói sao với gia đình, người thân…”. Càng căm tức tên Sử bao nhiêu, H càng tự chửi rủa bản thân mình bấy nhiêu. Nhưng vô ích, tất cả đã quá muộn cho một sự khờ dại, lầm tin. Vò nát 20 ngàn đồng trong tay, H năn nỉ bác xe ôm chở về phòng trọ. Trong đầu óc cô như điên dại, cô ước đấy chỉ là một giấc chiêm bao, một cơn ác mộng mà thôi. Nhưng đấy lại là sự thật, một sự thật quá tàn nhẫn, quá phũ phàng với cô. H đã đem lòng tin để rốt cuộc đổi lại sự giả dối, một sai lầm hằn lại những dấu vết ám ảnh cô đến suốt cuộc đời.

Một màn kịch lừa đảo không phải là ít trong cuộc sống ồn ào, phức tạp trong xã hội, chỉ những người trong cuộc sau bài học mới tỉnh táo nhận ra. Câu chuyện có thật với hi vọng sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, hãy luôn đề cao cảnh giác, lý trí,  đừng bao giờ lặp lại bi kịch, những cạm bẫy như  trường hợp của H. Lưới trời lồng lộng, nhất định những kẻ sống lừa gạt, tàn nhẫn trên đồng tiền, mồ hôi nước mắt của người khác rồi cũng sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Cúc
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN