Sĩ tử 15 năm bò trên đất viết chữ đẹp như in
Bại liệt bẩm sinh, chân và tay không thể hoạt động như những người bình thường khác nhưng chàng trai Nguyễn Mạnh Dương không ngừng nỗ lực vượt lên số phận.
Ngày 1/7, hàng ngàn thí sinh đã đổ về các thành phố lớn để tham gia kỳ thi đại học. Trong số những gương mặt căng thẳng trước ngày vượt vũ môn, chúng tôi gặp em Nguyễn Mạnh Dương - một cậu bé khôi ngô nhưng có hoàn cảnh éo le.
Bố mẹ li dị, nhiều năm nỗ lực đến trường
Nguyễn Mạnh Dương (sinh năm 1996) tại Thanh Hà – Hải Dương khi sinh ra ngỡ khỏe mạnh như bao bạn bè đồng trang lứa. Sau 6 tháng em không biết lẫy, gia đình mới biết chân tay của Dương không thể hoạt động, phát triển bình thường. Bố mẹ Dương chạy cầu cứu hết các bệnh viện từ Hải Dương đến Hà Nội để khám bệnh, châm cứu, chạy điện nhưng đều vô vọng.
Học mẫu giáo, Dương tủi thân khi bạn bè trêu trọc “đứa không chân”, “không đi lại được”. Thậm chí chàng trai này không ít lần bị bạn bè đùa cợt khi giành đồ dùng học tập mà không lấy lại được. Dương chia sẻ, từ chính xác diễn tả tâm lý của bản thân khi ấy là “bất lực”.
Nguyễn Mạnh Dương không ngừng nỗ lực vượt lên số phận
Tay chân cử động yếu, Dương từng bò trong nhà, ngoài sân, lớp học suốt 15 năm. Thời gian ấy, đầu gối quần của cậu luôn rách bươm vì cọ xát với nền nhà, nền sân. Lớn lên đầy mặc cảm, Dương tâm sự: “Lúc đó còn nhỏ thấy các bạn chơi ngoài sân trường em thích lắm và thường bò ra cửa lớp để xem”.
Ba năm trở lại đây, khi tay và chân đã khỏe hơn, nhờ sự trợ giúp của người khác hoặc cây gậy, Dương có thể đi lại chậm chạp hoặc tự vịn vào tường, cầu thang để nhích dần từng bước.
Học lớp 4, Dương được thầy Thích Thanh Ngọc (trụ trì chùa Cảnh Linh - Hải Dương) nhận làm con nuôi. Cùng năm đó, thầy là người đã lo hoàn toàn chi phí cho Dương trong lần mổ tại Hải Phòng với những tia hi vọng cuối cùng. Nhưng mọi chuyện đều tuyệt vọng khi bác sĩ nói căn bệnh của Dương không thể chữa trị được.
Suốt 12 năm, bà và mẹ thay nhau đưa Dương đến trường, đến cổng có người bạn của Dương cõng em vào lớp học. Lớn lên đầy thiệt thòi về sức khỏe nhưng điều khiến Dương buồn bã nhất là khi bố mẹ ly hôn cách đây hơn 6 năm. Trước đó bố mẹ Dương đã từng ly thân trong nhiều năm liền, hai mẹ con chuyển về ở với bà ngoại. Nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, Dương buồn và từng nghĩ em là gánh nặng cho gia đình vì không đi lại được.
Chàng trai viết chữ đẹp, học giỏi
Dù đôi tay của Dương rất yếu, lực chỉ bằng 20% người bình thường nhưng Dương lại viết chữ rất đẹp. Nét chữ của Dương được nhiều người khen ngợi là "đẹp nhất làng". Suốt 9 năm học em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đến những năm cấp 3, do ảnh hưởng tâm lý khi bố mẹ chia tay nên học lực của em giảm dần, chỉ đạt học sinh tiên tiến.
Hình ảnh chữ đẹp của Dương,
Chưa từng học thêm, toàn bộ kiến thức của Dương đều do em tự mày mò tích lũy. Với niềm đam mê về công nghệ, Dương quyết tâm thi khối A vào trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Chàng trai sinh năm 1996 tâm sự: “Nghĩ đến sự vất vả của bà, của mẹ em đã nhủ lung phải cứng rắn để bước tiếp, phấn đấu đạt được ước mơ”.
Người thầy cưu mang 10 năm
Khi Dương 8 tuổi, thầy Thích Thanh Ngọc (chủ trì chùa Cảnh Linh - Hải Dương) nhận em làm con nuôi. Trong kỳ thi đại học năm nay, thầy là người đưa Dương đi thi, lo cho em nơi ăn chốn ở và sẽ đồng hành cùng em trong suốt kỳ thi. Do Dương không thể tự đi lại được nên thầy là người cõng em lên phòng ở, vào phòng thi. Ở nhờ nhà một phật tử trên đường Duy Tân (Hà Nội), Dương có thể yên tâm bước vào kỳ thi quan trọng này.
Sư thầy Thích Thanh Ngọc kể lại: “Tôi biết được hoàn cảnh của Dương do người cô giáo chuyên giúp đỡ các em bị khuyết tật. Lúc tôi gặp Dương, em bò ở dưới nền nhà với 2 đầu gối quần rách rưới, nhìn mặt mũi khôi ngô làm tôi ấn tượng”.
Sư thầy là người đích thân đưa Dương đi thi đại học.
Đối với thầy Thích Thanh Ngọc, Dương là người con ngoan ngoãn, năng động, tự tin: “Nếu không có số phận thiệt thòi thì Dương là người gần như hoàn hảo về mọi mặt. Ngày cậu bé học lớp 5, chỉ vì không có điểm tổng kết môn thể dục nên không được lựa chọn thi học sinh giỏi. Do bố mẹ vất vả, không có thời gian chăm lo cho con nên cũng không làm đơn xin dự thi. Điều này cũng làm Dương buồn phiền trong một thời gian”.
Sư thầy cho biết, ngày từ ngày 8 tuổi Dương đã luôn trăn trở việc học hành, em lo lắng sau này thi đại học sẽ không có ai đưa đi thi. Thầy là người động viên: “Con cứ yên tâm, ngày con thi cử thầy sẽ đánh ô tô đưa con đi thi”.
10 năm trôi qua, lời hứa của thầy trở thành động lực giúp Dương luôn cố gắng. Suốt chặng đường học tập, thầy luôn động viên em cố gắng: “Con yếu tay chân nhưng không được yếu về trí tuệ”.
Không chỉ lo nơi ăn chốn ở cho Dương ngày đi thi, thầy Thích Thanh Ngọc sẽ là người giúp đỡ em về mọi mặt trong 1 tháng đầu học tập tại Hà Nội – nơi đất khách quê người. Kết thúc 4 năm đại học, nếu không có khả năng xin được việc vì sức khỏe yếu, thầy cũng là người mở cho Dương một quán sửa chữa về điện tử tại thị trấn thuộc Hải Dương.
Xem thêm các bài viết liên quan:
HN: Phát 250 suất cơm chay miễn phí cho sĩ tử
Sinh viên tình nguyện ra quân hỗ trợ sĩ tử