K
hi bạn làm việc dưới quyền một vị sếp tốt, đó thực sự là điều rất may mắn. Sếp tốt sẽ khiến nhân viên chăm chỉ và nỗ lực hơn, nhưng đồng thời cũng mang tới những điều ngọt ngào trong công việc.
1. Người có tầm nhìn rõ ràng
Sếp tốt sẽ biết cách lãnh đạo mọi người đi trên cùng một con đường, hướng về một phía để từ đó có những định hướng đúng đắn trong công việc. Họ sẽ nắm rõ “bức tranh” công ty bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu chiến lược, xác định rõ vị trí từng đơn vị, bộ phận, nhóm phù hợp nhất.
"Tầm nhìn là một nghệ thuật nhìn thấy những gì là vô hình với người khác" - Jonathan Swift.
2. Người biết cách truyền đạt
Sếp tốt là người biết cách truyền đạt hiệu quả tầm nhìn xa rộng xuống cấp dưới. Tầm nhìn sẽ đảm bảo sự tập trung, liên kết từng nhân viên để mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc.
"Bạn phải có một tầm nhìn lớn và thực hiện những bước rất nhỏ để đến gần. Trong ngành công nghiệp Internet, tầm nhìn không phải là về sự đổi mới lớn, mà là về rất nhiều sự đổi mới nhỏ: mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, làm cho một cái gì đó tốt hơn từng chút một" - Jason Calacanis.
3. Người biết cách hỗ trợ
Không một nhân viên nào lại muốn làm việc với một người sếp khó tính. Trong khi đó, họ lại cực kỳ mong ước mình sẽ được làm dưới quyền một vị sếp tốt bụng, biết cách quan tâm tới cấp dưới và hỗ trợ nhân viên những lúc khó khăn.
Cuộc sống không hẳn lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, cũng sẽ có những thăng trầm đi kèm theo trong sự nghiệp. Trong những trường hợp như nhân viên bị ốm hoặc gia đình có chuyện, một người sếp tốt sẽ biết cách động viên và hỗ trợ nhân viên của mình vào lúc này.
Nhân viên làm việc cho những vị sếp như vậy thường hạnh phúc hơn, ít căng thẳng, hiệu quả công việc ngoài cả mong đợi.
"Mục đích sống của con người là phục vụ, thể hiện lòng trắc ẩn và ý chí giúp đỡ người khác" - Albert Schweitzer.
4. Người có tính quyết đoán
Sếp tốt là người quyết đoán, họ không bị cuốn vào những vòng lặp không bao giờ kết thúc. Điều đó không có nghĩa là họ vội vàng đưa ra quyết định. Thay vào đó, tùy thuộc vào tình huống và sự khẩn cấp trong từng trường hợp cụ thể mà họ sẽ có những quyết định khôn ngoan.
"Trong bất kỳ thời điểm nào của quyết định, điều tốt nhất bạn làm có thể đúng hoặc sai nhưng điều tồi tệ nhất là không làm gì cả" - Theodore Roosevelt.
5. Người có thể khiến nhân viên thoải mái chia sẻ
Khả năng tiếp cận rất quan trọng vì nó khiến nhân viên sẵn sàng nói chuyện với sếp khi có vấn đề phát sinh. Một ông chủ thân thiện như vậy sẽ được cấp dưới tin tưởng nhiều hơn, từ đó tạo ra văn hóa tinh thần, giúp gắn kết nhân viên với nhau lại nhiều hơn.
Cấp dưới nếu được thoải mái khi chia sẻ với sếp, họ sẽ mạnh dạn đưa ra những đề xuất, phản hồi, giải pháp và ý tưởng sẽ góp phần làm cho công ty ngày càng vững mạnh hơn.
Một trong những cách để khen ngợi ai đó và thể hiện rằng bạn quan tâm là lắng nghe họ nói. Sếp tốt là người luôn dành ra thời gian để lắng nghe nhân viên mình nói, luôn đưa ra những câu hỏi để tìm hiểu kỹ hoặc làm rõ những gì mình được nghe.
"Thông thường chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của một cái chạm nhẹ, một nụ cười, một lời nói tử tế, một đôi tai biết lắng nghe, một lời khen chân thành hoặc một hành động chăm sóc nhỏ nhất, tất cả đều có khả năng xoay chuyển cuộc sống" - Leo Buscaglia.
6. Người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân
Sếp tốt là người khéo léo, thận trọng khi quyết định chia sẻ thông tin nào là công khai, nào là riêng tư. Họ sẽ chẳng bao giờ giấu kinh nghiệm hay thông tin bổ ích nào với nhân viên của mình cả. Mục tiêu là để nhân viên biết những gì đang diễn ra trong bộ phận mình đang làm và trong cả công ty, đồng thời rút ra được những bài học đắt giá qua những lần sếp chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.
"Trong môi trường ngày nay, tích trữ kiến thức cuối cùng sẽ ăn mòn sức mạnh của bạn. Nếu bạn biết điều gì đó rất quan trọng, cách để có được sức mạnh là chia sẻ nó" - Joseph L. Badaracco.
7. Người biết động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển nghề nghiệp
Sếp tốt thực sự quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên của mình, chẳng hạn như là cung cấp điều kiện phát triển nghề nghiệp cho nhân viên, tăng lương, thưởng khi làm việc hiệu quả, thường xuyên khen ngợi và động viên… Tất cả những hành động này giúp làm tăng sự hài lòng trong công việc và cho nhân viên thấy rằng sếp đang quan tâm đến họ.
Sếp tốt sẽ không bao giờ thể hiện những hành động thiếu tôn trọng nhân viên như la hét, đổ lỗi, mất bình tĩnh, dọa nạt… Thay vào đó, họ sẽ đánh giá cao và thường xuyên khen ngợi, sẵn sàng lắng nghe, tin tưởng, quan tâm cấp dưới.
"Tạo ra sự kết nối chân thành và mạnh mẽ giữa nhân viên và công việc họ đang làm là điều rất quan trọng trong công ty" - David Zinger.
8. Người biết phân chia công việc phù hợp với thế mạnh của từng nhân viên
Sếp tốt biết rằng họ không thể làm mọi thứ một mình. Họ thừa nhận việc ủy thác công việc cho cấp dưới sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công ty. Khi được làm đúng sở trường của mình, được sếp tin tưởng, nhân viên sẽ có thêm nhiều động lực để cố gắng.
Sếp tốt cũng sẽ trao quyền tự do cho nhân viên, để họ tự đưa ra những quyết định trong phạm vi chuyên môn của mình. Điều này cho phép nhân viên khắc phục sự cố, đưa ra ý tưởng, đề xuất và thực hiện các giải pháp mà không cần phải hỏi ý kiến của sếp hay quản lý. Môi trường làm việc như thế này sẽ khiến nhân viên có năng lượng tích cực làm việc hơn.
"Quy tắc quản lý đầu tiên là trao quyền. Đừng cố gắng và tự làm mọi thứ vì bạn không thể" - Anthea Turner.
9. Người có suy nghĩ tích cực
Một người sếp có suy nghĩ tích cực trong mọi chuyện sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc nở một nụ cười vào ngày mới. Họ luôn giữ thái độ vui vẻ suốt cả ngày dù xảy ra bất cứ chuyện gì. Khi nhân viên đến gặp họ với một vấn đề đang bế tắc, họ luôn lạc quan là bản thân sẽ giải quyết được, chỉ cần không từ bỏ thì dù khó khăn cỡ nào cũng có cách vượt qua.
10. Người biết đối xử công bằng với cấp dưới
Là một người lãnh đạo, việc đối xử như thế nào để cấp dưới "tâm phục khẩu phục" không hề là điều dễ dàng. Với những vị sếp luôn đề cao việc đối xử công bằng, chắc chắn nhân viên dưới quyền của họ sẽ chẳng bao giờ rơi vào cảnh ấm ức bất công.
Công bằng ở đây có nghĩa là các chế độ khen thưởng, xử phạt nhất định phải rõ ràng và công tâm. Làm được điều này, nhân viên sẽ tin tưởng và luôn nghe theo những chỉ thị từ sếp.