Sai lầm khi ngoại tình để trả thù mối hận chồng ngoại tình
Có thể có lần bạn đã tha thứ cho vợ/chồng "tội" ngoại tình, nhưng lời nói tha thứ chỉ làm bạn tạm quên đi, tới khi có một tác động làm khơi dậy nỗi đau thì mọi cảm xúc tiêu cực sẽ quay lại như cũ. Cảm giác muốn trả thù đã khiến bạn đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Tôi âm thầm lên kế hoạch trả thù chồng ngoại tình. (Ảnh minh họa)
Một phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện chị ấy đi ngoại tình để trả thù chồng như sau:
Tôi đã trả thù chồng ngoại tình rất hả hê, nhưng rồi tôi chẳng thấy vui mà còn rất đau đớn. Chồng tôi yêu vợ, thương con, hiếu lễ với hai bên nội ngoại. Tôi cũng luôn cố gắng hòa hợp với nhà chồng để họ dần hiểu và thương tôi.
Nhưng mải chăm sóc tình cảm mẹ chồng - nàng dâu nên chồng đã ngoại tình lúc nào mà tôi không hề biết. Cho tới khi chuyện ngoại tình vỡ lở, cả nhà chồng dọa sẽ từ mặt nếu anh không chấm dứt mọi chuyện...
Chồng đã tỉnh ngộ, xin tôi tha thứ. Nhưng tôi không thể quên được cảnh tượng anh ăn ở với người đàn bà khác, và âm thầm lên kế hoạch trả thù chồng. Tôi đã cặp kè với người khác công khai khiến chồng vô cùng giận dữ. Nhưng anh hiểu lỗi lầm đầu tiên bắt nguồn từ anh nên chỉ nói lý lẽ để tôi chấm dứt.
Nhưng tôi lại đắm say với người tình... cho tới một lần anh đến tận nhà nghỉ đón tôi về. Đêm ấy chúng tôi nói chuyện rất lâu, anh nói: "Do anh sai trước nhưng anh đã xin lỗi, đã sửa đổi sao vợ còn cố gắng trả thù? Dù vợ không còn thương chồng, nhưng cũng nên nghĩ tới hai đứa con chứ?".
Những lời anh nói làm nước mắt tôi phải rơi, tôi đã hả hê với màn trả thù chồng, nhưng tôi lại rất đau đớn vì không thể quay lại sống hạnh phúc với chồng con như trước. Cuộc sống của vợ chồng tôi lặng lẽ vì ngoài chuyện con cái thì không có chuyện chung để nói. Anh nói tha thứ cho tôi, và bản thân tôi cũng nói tha thứ cho anh, nhưng chúng tôi sống chung không còn mặn nồng, hạnh phúc, mà ly hôn thì không đành.
Rất nhiều người nói tha thứ cho vợ/chồng, hay ai đó bằng lời nói (nghĩa là họ tạm quên đi lỗi lầm, hay nỗi đau ấy), nhưng chỉ cần một tác động nào đó là tự dưng sẽ khơi lại nỗi đau và mọi cảm xúc tiêu cực ùa về như cũ. Đó là do năng lượng tha thứ không đến từ tình yêu đủ đầy, tình yêu vô điều kiện – mà bạn chỉ thay đổi góc nhìn về vấn đề, chứ không phải là sự tha thứ đích thực nên không có năng lực tha thứ.
Mặt khác, khi nói đến tha thứ nhiều người cho đó là "ban ơn" cho người đã gây nên "tội lỗi" (như đau đớn, mất mát, hay lừa dối, phản bội, xúc phạm mình…), mà không biết rằng bất kỳ tổn thương do nguyên nhân gì, tại ai, do ai… đều từ bên trong bạn đã có sẵn vết thương ấy, và tác nhân bên ngoài chỉ làm cho nỗi đau đó bị khơi dậy.
Khi cơ thể nếu có vết thương chưa lành thì khó để vui vẻ, khỏe mạnh, khó cảm nhận được hạnh phúc, bình an trọn vẹn lúc ở hiện tại (bởi trong người bạn "mang vác" quá nhiều tổn thương và nỗi đau). Sâu xa hơn, người gây tổn thương cho bạn cũng có ít nhiều liên can trong mối tương quan giữa bạn với người ấy (ví dụ như bạn vô tình tạo ra những tổn thương dồn nén tích tụ lâu ngày trong họ chẳng hạn).
Những tổn thương chỉ có thể được chữa lành khi bạn buông bỏ thực sự những gánh nặng trong tâm hồn (như sự giận hờn, bực tức, hận thù…mà bạn hằng mang vác). Con đường để mở ra sự buông bỏ gánh nặng ấy chính là sự tha thứ. Ai cũng cần được tha thứ, bạn cũng cần biết tha thứ cho mình, cho mọi người, bởi ai cũng có những lỗi lầm, thiếu sót, khiếm khuyết, không hoàn hảo... Nhưng nếu tha thứ theo kiểu "ban bố ân huệ" thì là sự cao ngạo - vì ai cũng có lỗi lầm.
Vì vậy đừng nghĩ bạn tha thứ là vì người khác, mà tha thứ vì chính bạn và chắc chắn đích đến của bạn là sự bình an, là hạnh phúc.
Việc ghim giữ những cảm xúc tiêu cực, bực dọc, muốn trả đũa, trả thù… không thể mang lại bình an, hạnh phúc cho bạn và mọi người.
Trong cuộc sống hôn nhân thì vợ/chồng tha thứ cho nhau là bỏ qua lỗi lầm, thiếu sót... để không dằn vặt, hay xả giận lên nhau nữa. Cách để chữa lành tổn thương vợ chồng là từ gốc rễ (là dẹp bỏ đi những nhu cầu, kỳ vọng, mong đợi… từ "nửa kia" để đón nhận vợ/chồng mình như họ vốn thế).
Nhưng hãy cẩn thận với cái "cái bẫy" bởi khi bạn chấp nhận bỏ đi những tổn thương, mong cầu nơi vợ/chồng - cho đó là đã tha thứ - thì lại có xu hướng đem nhu cầu ấy đi nơi khác để được đáp ứng (như mang sang con cái, bạn bè, đồng nghiệp, và những người khác).
Ví như chồng không tôn trọng như bạn mong muốn, bạn sẽ đi tìm sự tôn trọng đó từ con cái. Hay vợ không đề cao chồng như kỳ vọng thì chồng sẽ đi tìm sự đề cao ấy từ nhân viên, bạn bè, hay một phụ nữ khác. Như vậy không phải bạn tha thứ cho "nửa kia", mà chỉ là khỏa lấp, hoặc "dời" nó sang chỗ khác, và không lâu sau bạn lại tiếp tục thất vọng và đớn đau.
Xét cho cùng, chúng ta không có quyền tha thứ cho ai, vì chúng ta ít nhiều có lỗi, và cũng cần được tha thứ rất nhiều trong đời về những thiếu sót, sai phạm, lỗi lầm của mình. Tha thứ chính là giải thoát cho chính mình, nhưng thực hành tha thứ không dễ dàng khi bạn chưa thật sự cố gắng mở lòng để buông bỏ, để bao dung, để đón nhận, để chuyển hóa những nỗi đau của mình.
Để tha thứ thực sự, bạn hãy mạnh dạn bước ra khỏi những tổn thương, những nỗi đau của chính mình. Hãy quan sát và sẽ thấy chính vì sự mong cầu, kỳ vọng, hay nhu cầu của mình không được vợ/ chồng hay ai đó thỏa mãn, đáp ứng, hoặc điều gì diễn ra không như ý... là bạn sẽ dỗi hờn, bực bội, tức giận, hận thù…
Nếu bạn vẫn ra sức tìm kiếm những điều thiếu hụt đó là trong bạn đầy thiếu thốn, tổn thương... và nhiều người đã tìm cách kết nối với Nguồn bình an (từ Phật, Chúa, Thượng đế, Vũ trụ, tâm chân thật… mà các nhà tâm lý gọi là "bước vào vùng đủ đầy và thịnh vượng") để dễ dàng đón nhận, bao dung, thấu hiểu, cảm thông và tha thứ thật sự cho những thiếu sót, sai lầm, vấp váp, giải thoát cho vợ/chồng mình, hay người khác.
Tha thứ cho người khác, tha thứ cho chính mình là buông bỏ gánh nặng trong tâm hồn để có được bình an, hạnh phúc. Ngày nào, phút nào, giây nào bạn còn mang vác trong lòng gánh nặng của tức giận, hận thù… thì bạn không thể an yên.
Sau khi tự hành hạ bản thân, hả hê đã chọc tức được chồng cũ, tôi mới bừng tỉnh sau câu nói của mẹ mình.
Nguồn: [Link nguồn]