Rùng mình sinh viên rao bán “giống”

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nhiều nam sinh viên không ngần ngại rao bán “cái vốn có” của mình cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Bơm “giống” trực tiếp

“Tôi là sinh viên cao 1.72, nặng 58 kí, sức khỏe tốt, không bệnh tật, vì hoàn cảnh sinh viên đặc biệt khó khăn nên có nhu cầu bán tinh trùng cho người hiếm muộn. Tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tác thành công. Nguyên tắc làm việc đảm bảo 3 chữ “tín, tâm và đức”. Ai có nhu cầu thì liên lạc số 0985900…".

Đó là những dòng chữ bắt mắt khi vào google đánh chữ “cần mua tinh trùng” rồi nhấn Enter là hàng loạt Wbsite đăng tải thông tin mua bán tinh trùng xuất hiện và cập nhật liên tục những lời mời chào.

Sau khi liên lạc vài số điện thoại, không bao lâu chúng tôi nhận được câu trả lời từ nhiều số máy. Qua hai ngày trò chuyện, nhắn tin qua điện thoại, cuối cùng hai bên thống nhất gặp nhau ở một quán cà phê sân vườn trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp. Người thanh niên vạm vỡ ngồi đối diện giới thiệu tên Phương 22 tuổi, hiện là sinh viên năm 3 của một trường cao đẳng ở TP HCM đưa lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền trang trải việc học nên lên mạng đăng ký "rao bán đại".

Trong lúc trò chuyện, chúng tôi thắc mắc giọng nói của Phương khác với giọng trong điện thoại, Phương mới thừa nhận “điện thoại em có cài phần mềm thay đổi giọng nói, lỡ có gặp người quen thì họ không nhận ra”.
 
Trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, vợ tôi (do cô đồng nghiệp đóng vai) than khổ về người chồng ngồi bên cạnh vô sinh, lý do lúc nhỏ bị bệnh quai bị. Hai vợ chồng đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm thụ tinh ống nghiệm đến lần thứ 3 nhưng vẫn không thành công. Giờ tiền đã cạn, mà cha mẹ hai bên ngày nào cũng thúc giục mau có đứa cháu để bồng bế. Sau một hồi thương thảo về việc hai bên đi kiểm tra sức khỏe xong, Phương quyết định đề nghị cho tinh trùng trực tiếp, qua đường quan hệ tình dục, còn tiền bạc thì muốn cho bao nhiêu tùy ý. Địa chỉ nơi quan hệ thì đến phút cuối anh ta mới tiết lộ.
 
Theo Phương giải thích, cách cho trực tiếp nhanh gọn mà không mất thời gian và không vướng những thủ tục như ở bệnh viện.
 
Nghe xong cô bạn đỏ cả mặt. Đặt vấn đề sau này Phương quay lại đòi con, “vòi” tiền hay thông báo cho gia đình biết thông tin này không?, thì Phương nói “quan hệ khi nào chị nhà mang thai thì em sẽ viết giấy cam kết đàng hoàng, anh chị cứ suy nghĩ kỹ”.
 
Trong khoảng thời gian gần 2 giờ trò chuyện với Phương, chúng tôi không khỏi bị hai thanh niên ngồi gần đó giám sát. Trước khi rời quán, tôi và cô bạn nhiều lần phải chui vào trong các con hẻm nhỏ mới thoát khỏi sự đeo bám của một thanh niên lạ mặt nữa. Những ngày sau đó, điện thoại của cô đồng nghiệp liên tục nhận được những cuộc gọi và tin nhắn của Phương gởi đến thúc giục về việc cho “giống” trực tiếp của anh ta.

Rùng mình sinh viên rao bán “giống” - 1

Sinh viên tên Phương (ngồi bên phải) trao đổi về cách cho “giống” trực tiếp’’. Ảnh: C.T.V. 

Nhiều nguy cơ khi mua, bán tinh trùng kiểu "chợ trời"

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với một người tên Thi, anh ta trả lời tin nhắn với nội dung: “Nếu quan hệ một lần thì khả năng thành công không cao, tốt hơn là phải ba lần. Anh thì sức khỏe tốt không mắc bệnh gì cả…”.

Đúng hẹn, chúng tôi gặp Thi ở một quán cà phê trên đường D2, quận Bình Thạnh. Anh ta giới thiệu mình là sinh viên năm cuối của một trường ở TP HCM. Lý do đăng tải bán tinh trùng là đang cần một số tiền lớn để trả nợ do thua cờ bạc và mua đồ cho nhân vật ảo trong game online.
 
Để chúng tôi yên tâm, Thi khoe: “Em hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì cả, em bảo đảm quan hệ là chị có thai, vì bạn gái em đi phá thai hai lần rồi, tháng 6 năm trước em cũng giúp một cặp vợ chồng như anh chị”.
 
Chúng tôi thắc mắc sau này Thi có cho “giống” ai nữa không, thì anh ta trơ trẽn nói: “Mình giúp đời được gì thì giúp, giờ vô sinh nhiều lắm, nếu làm (IUI) hay thụ tinh ống nghiệm mất thời gian và tốn nhiều tiền. Em nghĩ chuyện mình làm tốt đời đẹp đạo thôi”. Chúng tôi không khỏi rùng mình.

Cũng vì chuyện mua bán “giống” theo kiểu "chợ trời" như vậy mà gia đình chị G. quê Bình Định tan cửa nát nhà. Chồng chị không có tinh trùng nên hai vợ chồng dắt nhau vào TP HCM điều trị. Qua một thời gian số tiền dành dụm đã cạn. Trong lúc thất vọng, họ bị “cò” chèo kéo bán “giống” với giá 10 triệu đồng.

Sau khi sinh con xong, người chồng bỗng dưng tự ái vì mình mất cái quyền làm đàn ông và ly hôn với vợ. Để tránh miệng đời, chị G. ôm con đi nơi khác sinh sống. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc rao bán tinh trùng không chỉ trên mạng mà trước cổng một số bệnh viện ở TP HCM luôn có một đội ngũ “cò” tinh trùng rất tinh vi. Chúng móc nối giữa người mua và người bán để chia tỉ lệ phần trăm. Còn những "đầu nậu" lớn thì trong tay lúc nào cũng “nuôi” cả chục thanh niên to khỏe để cung cấp nguồn hàng. 

Theo luật Hiến, ghép mô, tạng cấm tuyệt đối việc mua bán tinh trùng, vì đó không phải là hàng hóa. Nếu hiến tặng thì hai bên phải lập hồ sơ rõ ràng, mỗi người chỉ hiến tinh trùng một lần và kiểm tra lý lịch sức khỏe rõ ràng, để tránh nguy cơ hôn nhân cận huyết.

Việc hiến tặng tinh trùng là việc làm nhân đạo, nhưng một số người lại lợi dụng điều này để trục lợi. Nếu người cho thành tâm thì tới các bệnh viện để làm thủ tục hiện tặng theo đúng quy định. Còn các cặp vợ chồng vô sinh cũng đừng quá khát khao có con mà đi mua hay xin tinh trùng của những người cho, bán “trực tiếp" mà lãnh hậu quả khôn lường. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo An (Pháp luật Việt nam)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN