Quay lén HH Kỳ Duyên hút thuốc: Hành vi ti tiện?
Sau khi "ném đá" Kỳ Duyên thì dân mạng lại quay sang chỉ trích hành vi quay lén của chủ nhân clip hoa hậu hút thuốc.
Quay và phát tán clip hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lên mạng (11/6) với mục đích muốn tố cáo hành động không mấy chuẩn mực của Hoa hậu Việt Nam 2014, anh Tonny D. - chủ nhân clip đã bị dân mạng "ném đá" tơi tả.
Hoa hậu Kỳ Duyên bị quay lén khi đang hút thuốc trong quán cà phê
Nhiều người cho rằng, hành vi quay lén của chủ nhân clip là ti tiện, thiếu văn hóa và anh hoàn toàn có cách làm khác tốt hơn như đến tận nơi nhắc nhở, yêu cầu hoa hậu dừng hút thuốc.
Thời đại công nghệ, chỉ cần một chiếc smath phone là có hàng chục, hàng trăm bức ảnh, clip chụp trộm, quay lén được tung lên mạng xã hội và clip hoa hậu hút thuốc chỉ là một trong số rất nhiều các sản phẩm đó. Vậy, hành động quay lén để "tố cáo" hành vi không đẹp của một cá nhân liệu có đáng bị lên án?
“Là người chính trực họ sẽ trực tiếp nhắc nhở”
Không phản đối việc quay hay chụp lén nhưng Hạ Hồng Việt (chàng sinh viên công nghệ được biết đến với dự án “Ngưng ngược đãi”) hoàn toàn lên án việc phát tán chúng lên mạng xã hội. Anh cho rằng, dù quay hay chụp lén với mục đích nào thì chỉ cần ảnh hưởng tới đối tượng xuất hiện cũng không nên tùy tiện đưa clip, hình ảnh đến với đám đông.
Về hành động quay lén hoa hậu hút thuốc, Hồng Việt cho rằng, nếu là người chính trực, chủ nhân clip nên đến nhắc nhở trực tiếp, góp ý thẳng thắn thay vì lén lút quay clip lại rồi “ném” lên mạng xã hội với mục đích riêng.
Hạ Hồng Việt phản đối gay gắt chuyện quay lén và phát tán clip lên mạng xã hội
“Nếu đó là một cô gái bình thường hút thuốc trong quán liệu anh ta có quay clip rồi tung lên mạng không? Lời giải thích hợp lý duy nhất là anh ta thấy một đương kim hoa hậu có hành động không thường thấy ở phụ nữ Việt Nam nên quay clip lại để thỏa mãn trí tò mò của mình và đám đông”, chàng trai “Ngưng ngược đãi” nói.
Trước ý kiến cho rằng, clip này có thể là bài học xương máu cần thiết cho nàng hậu Việt Nam 2014 và nhiều người đẹp khác, Hồng Việt chia sẻ: “Giả sử, clip quay lén này khiến hoa hậu Kỳ Duyên bị tước vương miện, sự nghiệp sụp đổ thì liệu cô ấy có bỏ thuốc không hay là tiếp tục hủy hoại mình? Đôi khi những bài học này sẽ phản tác dụng”.
Hồng Việt hoàn toàn phản đối việc phát tán các hình ảnh, clip được thực hiện lén lút lên mạng xã hội. Anh kể lại câu chuyện của bản thân: “Tôi dùng một chiếc điện thoại chỉ bán ở thị trường Nhật Bản. Nó khác thiện thoại thông thường ở chỗ, khi chụp ảnh không thể tắt được tiếng kêu “tách tách”. Sau này tìm hiểu tôi mới biết, người Nhật cài đặt riêng chức năng đó cho IPhone bán ở nước họ để ngăn chặn việc chụp lén. Họ cho rằng, đó là hành động thiếu tôn trọng tự do cá nhân của người khác”.
Theo nhà báo, nhạc sỹ Hàn Vũ Linh, lên án các thói hư, tật xấu, những hành vi ứng xử là cần thiết, tuy nhiên quay lén hành vi của một cá nhân là người của công chúng rồi chia sẻ lên mạng để đám đông bình phẩm, “ném đá” không phải là cách làm thuyết phục. Việc quay lén này dễ chấp nhận hơn nếu như chủ nhân clip không có cơ hội góp ý trực tiếp với nàng hậu Việt Nam.
“Xét về khía cạnh văn hóa, những gì lén lút dù sao vẫn được hiểu là cái không tốt. Trong hoàn cảnh này, người quay clip hoàn toàn có thể đến góp ý trực tiếp với cô hoa hậu hoặc yêu cầu chủ quán đứng ra giải quyết thay vì quay clip rồi “ném” nó lên mạng xã hội”, ông chia sẻ.
“Quay lén để tố cáo hành động xấu có thể chấp nhận”
Đó là ý kiến của anh Nguyễn Ngọc Long- một blogger khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Anh cho rằng, việc làm này có thể khiến Hoa hậu Việt Nam 2014 và nhiều người khác biết cách điều chỉnh hành vi nơi công cộng.
Blogger Ngọc Long chia sẻ, nếu với mục đích tố cáo cái xấu, hành động quay lén có thể chấp nhận
Tuy nhiên, theo blogger Ngọc Long, chủ nhân của clip quay lén hoa hậu hút thuốc đã sai về “nghiệp vụ”. Anh khẳng định, nếu có mặt ở đó anh cũng sẽ quay lén nhưng sẽ dùng cách khác để thông tin đến công chúng việc hoa hậu hút thuốc. Clip chỉ giữ lại như một dạng bằng chứng.
“Tôi sẽ không phát tán clip. Tôi sẽ viết status (trạng thái) thông tin về việc này. Nếu cô hoa hậu đó chối, tôi sẽ chụp màn hình clip và che mặt hoa hậu đi để làm bằng chứng. Nếu cô ấy chối nữa thì tôi mới tung clip nhưng vẫn che mặt họ lại. Trừ khi báo chí hoặc tòa án yêu cầu cho xem bằng chứng thì tôi mới đưa clip đầy đủ chứ không cần phải cho đám đông xem nó. Tôi đang nói với mục đích lên án hành động xấu của hoa hậu, còn với các mục đích khác như câu like, thỏa mãn trí tò mò tôi không bàn đến”, anh chia sẻ.
Blogger Ngọc Long nói thêm, trong thời đại công nghệ, việc mỗi người đều “tay lăm lăm điện thoại, chờ có “biến” là sẽ quay, chụp ngay lập tức” khiến người xung quanh có cảm giác mất an toàn. Nhưng xét ở khía cạnh khác, việc này lại có tác động tích cực là giúp người khác tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực xã hội.
“Trước đây, bạn có thể oang oang cười nói trên xe buýt, trong rạp chiếu phim, nói tục, chửi thề ở nơi công cộng… thì bây giờ, vì lo sợ bị chụp lén, quay lén mà ý thức hơn cũng tốt. Tôi đồng tình việc quay lại các hành vi phản cảm này và thông tin nó lên mạng, ít nhất là ở giai đoạn hiện nay với mục đích lên án cái xấu. Còn nếu cố ý cài cắm, dàn dựng, cắt ghép, đưa thông tin sai lệch để bôi xấu người khác tất nhiên tôi phản đối. Và dù có ủng hộ hay không thì tôi vẫn cho rằng, ở thời đại công nghệ phát triển, mọi người vẫn buộc phải học cách đối mặt với việc bị chụp,quay lén”, blogeer chia sẻ.