Quán cà phê Đà Nẵng gây tranh cãi khi không nhận khách dưới 12 tuổi

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Dân mạng nổ ra cuộc tranh cãi lớn về thông báo “không tiếp khách dưới 12 tuổi" của quán cà phê này, người đồng tình, người phản đối với đủ mọi quan điểm khác nhau.

Thông báo "ngưng nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi" của quán cà phê ở Đà Nẵng

Thông báo "ngưng nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi" của quán cà phê ở Đà Nẵng

Tìm đến quán cà phê để thư giãn, trò chuyện, làm việc, trao đổi công việc… đã trở thành thói quen của nhiều người. Tuỳ vào nhu cầu của mỗi người mà họ sẽ chọn những quán cà phê thiết kế cổ điển hoặc hiện đại, không gian yên tĩnh hoặc sôi động, nhộn nhịp…

Mới đây, cộng đồng mạng được phen xôn xao trước thông báo “không nhận khách dưới 12 tuổi” của một quán cà phê ở Đà Nẵng. Không chỉ đặt tấm biển lớn: “Quán xin phép không tiếp trẻ em dưới 12 tuổi. Xin cảm ơn” ở ngay trước cổng, quán cà phê còn chia sẻ một status trên Fanpage nêu rõ lý do cho quy định này.

Bài viết có nội dung: “Vì quán không có không gian riêng cho trẻ em vui chơi. Vì quán sợ tiếng ré, tiếng khóc của trẻ em làm ảnh hưởng đến những vị khách đến thư giãn và trò chuyện. Vì quán không có kỹ năng dỗ dành trẻ, giữ trẻ giúp các ba mẹ nên kể từ hôm nay, quán xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi. Xin cảm ơn”.

Bài viết thu hút hơn 35.000 lượt thích và 18.000 lượt quan tâm. Nhiều diễn đàn mạng xã hội cũng chia sẻ lại bài đăng và nhận được lượng tương tác lớn. Dân mạng nổ ra cuộc tranh cãi về thông báo “không tiếp khách dưới 12 tuổi" của quán cà phê này, người đồng tình, người phản đối với đủ mọi quan điểm khác nhau.

Tài khoản Võ Bùi Kiều Giang chia sẻ: “Chưa kịp ghé đã va phải bài viết này. Thôi thì tẩy chay quán luôn chứ con mình mới 2 tuổi thôi. Nhưng nó đi cà phê nó không ré đâu mà làm quá. Thay vì viết như này thì nên nói ba mẹ có con thì để ý con chút, tránh làm phiền khách khác thì hay hơn”.

Phần đông dân mạng lên tiếng ủng hộ quy định của quán cà phê. Họ cho rằng, quán đã xác định rõ tập khách hàng của mình là những người yêu thích không gian yên tĩnh nên việc từ chối tiếp đón trẻ em là điều dễ hiểu.

“Tôi cũng là mẹ có con nhỏ nhưng tôi vẫn ủng hộ quy định của quán. Đơn giản vì quán muốn làm dịch vụ tốt cho những khách hàng mà quán hướng đến thôi. Ví dụ như tôi, khi nào cần không gian vui chơi cho con thì tìm đến quán cà phê khác, lúc nào thích yên tĩnh thì lại đến quán cà phê kiểu như này. Hoan hỉ thôi”, một nick name bình luận.

“Ủng hộ 2 chân 2 tay. Mình thuộc tuýp người thích ngồi ở những quán cà phê yên tĩnh hoặc trao đổi công việc. Vậy mà gặp phải quán toàn con nít chạy nhảy, la hét, làm bể ly, bể chén… thì khó chịu cực kỳ. Càng khó chịu hơn nữa với những bậc cha mẹ thấy con như vậy không dỗ dành cũng không răn đe chỉ vì lý do “trẻ nhỏ không biết gì”, một nick name khác chia sẻ.

Hình ảnh quán cà phê ở Đà Nẵng

Hình ảnh quán cà phê ở Đà Nẵng

Một vài người cho rằng, độ tuổi trẻ em khách quy định không tiếp đón là quá khắt khe (12 tuổi). Một số người khác lại nói, mục đích quán hướng tới là đúng nhưng cách trình bày lại cứng nhắc giống như đang “dằn mặt” khách hàng nên gây mất thiện cảm.

Câu chuyện đưa trẻ em tới quán cà phê gây phiền phức cho những khách hàng khác từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi không hồi kết. Trên thực tế, nhiều người có trải nghiệm chẳng mấy tốt đẹp khi đi cà phê vì gặp phải những đứa trẻ quá hiếu động.

Bạn Ngọc Anh chia sẻ, cha mẹ có thể dẫn theo con đến quán cà phê nhưng cần nghiêm khắc quản lý con để tránh làm phiền người khác. Ngọc Anh từng nhiều lần đi cà phê để thư giãn nhưng lại bị trẻ con bàn bên la hét vào tai, thậm chí là làm đổ cà phê vào quần áo nhưng bố mẹ bên cạnh thì không hề đoái hoài nhắc nhở con.

“Trẻ con vô tội nhưng bố mẹ thì có lỗi. Không thể dẫn con đến quán cà phê rồi bỏ mặc chúng nô đùa, quậy phá còn mình thì dửng dưng nói chuyện được. Mỗi lần mình gặp trường hợp như vậy thì coi như mất cả buổi và phí tiền cà phê, lại chuốc thêm bực dọc vào người”, Ngọc Anh chia sẻ.

Là một người ưa yên tĩnh, Lê Thắng luôn chủ động tìm đến những quán cà phê có không gian phù hợp, tuy nhiên, anh vẫn không tránh được một vài lần rơi vào tình huống bị trẻ con bàn bên cạnh làm phiền. Bởi vậy, anh rất ủng hộ quy định của quán cà phê tại Đà Nẵng vì chủ quán thẳng thắn, rõ ràng, biết bảo vệ nhóm khách hàng mục tiêu.

“Mình từng chứng kiến một đứa trẻ đâm sầm vào bạn nhân viên đang bưng khay đựng đồ, làm đổ bể hết cả nhưng không một câu xin lỗi. Khi gặp mẹ bé để giải quyết số ly đã vỡ thì mẹ bé hồn nhiên trả lời: “Nó là trẻ con, có biết gì đâu. Quán phải có chi phí rủi ro cho những việc này chứ sao lại bắt đền khách”. Mình rất bất bình. Bố mẹ muốn đưa con đến quán cà phê thì phải giữ được con hoặc chọn quán khác có khu vực cho trẻ. Tôn trọng người xung quanh và không gian chung là quy tắc sống cơ bản”, Thắng nói.

Thanh Trúc tỏ ra khá gay gắt khi bàn đến chủ đề này bởi, cô nàng từng có trải nghiệm cay đắng khi đi cà phê gặp trẻ nhỏ.

“Ước gì tôi có thể chiếu lại cho mọi người xem cảnh mình đến quán cà phê và bị đứa trẻ phía sau nhảy vào người rồi nôn hết vào đầu hoặc cảnh một đứa trẻ nhảy thẳng lên bàn tôi đang ngồi quậy còn mẹ nó thì luôn miệng: “Trẻ con nó nghịch làm sao mà cấm được hả em?

Tôi còn từng thấy một nhóm bé nhỏ đi cùng các mẹ đến quán cà phê. Các mẹ thì rôm rả nói chuyện, còn mấy bé thoải mái chơi đùa, la hét và tông thẳng vào bạn nhân viên đang bưng nước. Hậu quả là bạn nhân viên bị các bà mẹ mắng té tát vì làm con họ sợ. Những bậc phụ huynh có tư tưởng và cách cư xử như vậy tốt nhất không nên dẫn con đến quán cà phê. Thậm chí, họ muốn dẫn đến thì chủ quán cũng có quyền không tiếp. Chẳng có gì đáng tranh cãi ở đây”, Thanh Trúc nói.

Bạn nghĩ sao về việc dẫn trẻ em đến quán cà phê?

Nguồn: [Link nguồn]

Người mẹ gây tranh cãi khi cho con gái phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 9 tuổi

Vì muốn cô con gái có đôi mắt hai mí to tròn để trở nên xinh đẹp hơn, người mẹ này đã đưa con đi phẫu thuật cắt mí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN