Quả ngọt tình yêu của thi sĩ ngồi xe lăn
Sau hơn 300 lá thư tình, gần 2.000 ngày chờ đợi, chàng thi sĩ bị liệt toàn thân bên dòng Đà Giang (Hòa Bình) và cô gái trẻ đến từ Nam Định đã đến với nhau bằng một tình yêu đẹp, hạnh phúc.
Những lá thư se duyên
Vượt con đường rừng hơn 100km, tôi tìm về xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn- Hòa Bình) để gặp anh Phạm Minh Tuấn và chị Đặng Anh Thư. Hỏi về anh, bất kỳ ai trong xã cũng đều biết rõ, họ bảo chuyện tình yêu của anh Tuấn và chị Thư là điều kỳ diệu bên dòng sông Đà.
Năm học lớp 6 căn bệnh viêm đa khớp khiến anh Tuấn bị liệt hoàn toàn hai chân phải nằm một chỗ, mỗi ngày bệnh càng nặng thêm, tay trái không cử động được. Anh nằm trên giường làm bạn với chiếc đài nhỏ và viết thư làm quen qua mục “Kết bạn” của Đài tiếng nói Việt Nam.
Đáp lại tình cảm của anh, nhiều người bạn đã biên thư lại, trong đó có Đặng Anh Thư ở Xuân Trường - Nam Định. Đặng Anh Thư hồi âm cho anh bằng những lá thư giàu tình cảm, lá thư nào cũng viết dài, có khi dài đến 30 trang giấy. Và anh thường hồi âm bằng những bài thơ. Hàng trăm lá thư được viết trong tư thế đặc biệt “Nằm ngửa, đầu gối hơi cao/ Đùi kê bìa cứng kẹp giấy vào/ Tay phải vừa viết vừa ghìm giữ/ Được mươi dòng lại nghỉ giải lao”.
Ảnh cả gia đình anh Tuấn
Gần 2.000 ngày họ gửi cho nhau 304 lá thư. Chị Thư cho tôi xem những lá thư được đánh số theo năm tháng. Lá thư ngày 13/1/1997 chị gửi khi anh thấy mặc cảm về số phận, không dám đón nhận tình cảm “…Em muốn nói với anh đừng bao giờ mặc cảm nữa nghe. Anh rầu muộn thì lòng em cũng tái tê. Anh xòe bàn tay ra để cho em nắm đi anh...”. Trước tình cảm của chị Thư, anh xóa bỏ mặc cảm, mở lòng đón nhận theo tiếng gọi của trái tim.
Cuối năm 2000 Thư vượt hơn 200 cây số, từ Nam Định lên Hòa bình thăm nhà anh trong 3 ngày và nói với gia đình là em gái kết nghĩa. Chị tâm sự: “Trước khi đi tôi đã chuẩn bị tâm lý trước, nhưng khi gặp anh, cả hai đều cảm động không cầm được nước mắt, lúc đó chỉ muốn chạy thật nhanh lại ôm anh ấy”. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi chị cảm nhận được hơi ấm, tình thương mà anh và gia đình dành cho mình. Chị ra về với hy vọng một ngày nào đó chị sẽ lại trở lại.
Quả ngọt tình yêu
Sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, chị Thư càng hiểu về anh Tuấn nhiều hơn, chị nhận thức rõ tình yêu mà chị trao cho anh và muốn gắn bó cuộc đời với anh. Chị xin gia đình mình được làm vợ của anh Tuấn. Khi nghe con gái xin được cưới chàng trai tật nguyền ở tận huyện miền núi Kỳ Sơn (Hòa Bình) làm chồng, mọi người trong gia đình đều bất ngờ, phản đối, sợ con khổ. Chị vẫn tin vào tình yêu của mình và khẳng định: “Nếu không lấy được Tuấn, sẽ không lấy ai khác”.
Còn về phía nhà Tuấn khi nghe con trai nói sẽ lấy vợ, mẹ Tuấn rất mừng nhưng lại thương ai lấy con sẽ khổ một đời. Tuy nhiên, bằng tình cảm chân thành anh Tuấn đã thuyết phục được sự đồng ý của mọi người trong nhà, nhất là sự cảm thông của bố Thư. Ông bảo: “Thương con gái bao nhiêu thì tôi thương Tuấn bấy nhiêu, tôi không ngăn cản mà mong hai đứa hạnh phúc”.
Anh Tuấn tâm sự: “Lúc sắp đến ngày hôn lễ, biết đó là ngày quan trọng nhất của người con gái, không muốn vợ mình chịu thiệt thòi. Tôi bảo Thư thuê váy cưới, xe hoa, trao cho em nhẫn cưới, lúc đón dâu sẽ nhờ em trai đi thay mình. Nhưng lúc đó Thư chỉ bảo: Em không cần váy cưới, xe hoa và em sẽ tự lên nhà anh. Còn nhẫn cưới thì không có cũng được, kỷ vật tình yêu của chúng mình đã có những bức thư em chỉ cần có anh luôn ở bên là em thấy hạnh phúc rồi”.
Ngày cưới bên xe lăn của anh Tuấn; chị Thư và những lá thư se duyên
Đầu tháng 11/2001, đám cưới của đôi trẻ được tổ chức. Người dân Hợp Thịnh còn nhắc mãi hình ảnh cô dâu xinh đẹp đi bên chiếc xe lăn. Nỗi buồn đã qua đi, hạnh phúc lại quay trở về với Tuấn.
Bài thơ “Chiếc xe lăn” đã đạt giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ lại được ngân vang: Chiếc xe lăn ngày ngày đưa anh/Đến thăm sân trường đầy lá/Gặp anh tìm nỗi buồn thơ ấu/Chỉ thấy tiếng cười trong trẻo giữa hư không/Và ngày ngày cứ thế những chiều/Chiếc xe lăn quen đường/Chở tiếng cười về/Chở nỗi buồn đi.
Sau đám cưới, họ bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc. Chị Thư chia sẻ: “Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi làm vợ anh Tuấn, hằng ngày chăm sóc anh, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc người mình yêu”.
Lấy nhau đã lâu, nhưng do bị bệnh tật lại nằm một chỗ nên khả năng sinh con của anh Tuấn thấp hơn những người bình thường khác. Mòn mỏi đợi chờ suốt 3 năm không có kết quả, anh chị đưa nhau đi các bệnh viện lớn nhỏ, tìm mọi phương pháp để có con.
Tiền đi chữa bệnh dành dụm bao lâu đã hết, nghĩ mọi chuyện đã hết hy vọng. Đúng lúc đó có một nhà hảo tâm tên Nguyễn Đình An kinh doanh thực phẩm chức năng biết được chuyện tình hai người đã gửi thuốc cho anh Tuấn uống miễn phí.
Điều kỳ diệu cũng đã đến khi một thời gian sau thì Thư có tin vui. Ngày 27/5/2009 bé gái đã ra đời trong sự chào đón của gia đình, đánh dấu cho cái kết có hậu của câu chuyện cổ tích tình yêu.