Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ven đô. Bố mẹ tôi đều là nông dân nên cuộc sống không mấy dư giả. Ngay từ nhỏ, tôi luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn, tôi bị gán mác “con nhà nghèo”. Chính vì thế, dù là ở trường hay trong dòng họ, mọi người luôn có cái nhìn rất khắt khe với tôi.
Họ luôn cho mình cái quyền bắt tôi phải thế này, phải thế kia chỉ vì gia đình tôi không có điều kiện. Mỗi lần tôi có một bộ váy mới hay một món đồ chơi mới, những người họ hàng, hàng xóm hay bĩu môi: “Nhà thì nghèo mà còn đua đòi, lớn lên cũng chẳng làm được cái trò trống gì đâu".
Những từ ngữ như vậy đã ám ảnh tôi cho đến khi trưởng thành. Tôi luôn tâm niệm mình phải đi làm thật nhanh, phải có tiền để thoát khỏi vòng tay bố mẹ, thoát khỏi vỏ bọc gai góc của tuổi thơ. Và rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học, cũng đi làm, cũng yêu đương và lấy chồng.
Gia cảnh chồng tôi cũng không quá giàu. Anh là con nhà cơ bản, bố mẹ đều làm cán bộ ở xã. Tôi hài lòng với cuộc sống hôn nhân. Hai chúng tôi đều có công việc ổn định và mức lương khá, đủ sống ở Thủ đô đắt đỏ. Và khi đã có điều kiện, tôi thỏa sức tiêu pha cho bõ những ngày cơ cực. Tôi phải sống cho ra dáng người có tiền.
Quần áo, váy vóc, túi xách, đồng hồ, dép guốc tôi đều đặt hàng từ nước ngoài. Đều đặn cứ khi nào có lương là tủ đồ của tôi lại xuất hiện một món hàng hiệu đắt đỏ. Có khi hứng lên tôi vay tiền chồng, vay tiền bạn bè đồng nghiệp để mua sắm. Không chỉ vậy tôi còn cố tình hẹn giao hàng đến thẳng công ty để lấy oai với mọi người.
Cứ như thế, trong mắt tất cả tôi là một cô nàng hiện đại, năng động, giỏi giang và giàu có. Chính vì thói quen này mà tôi với chồng thường xuyên nảy ra mâu thuẫn. Anh không đồng ý cách tiêu xài hoang phí thậm chí là vô độ của tôi. Anh yêu cầu tôi phải tiết kiệm, phải khống chế khoản chi và đặc biệt phải hạch toán từng ngày đi chợ.
Tất nhiên tôi không bao giờ thỏa hiệp. Tôi đã quen với “ánh hào quang” do mình tự tạo ra. Không những vậy tôi còn chơi trội mỗi tháng đưa cho chồng 3 triệu để anh tự lo cơm nước. “Từ mai anh lo khoản chợ búa cơm nước đi nhé, em đóng góp 3 triệu một tháng. Em không yêu cầu anh phải ghi sổ thu chi đâu. Đàn ông đừng đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành như thế, bần tiện lắm”, tôi mỉa mai.
Chồng tôi là anh cả, nhà lại có 2 anh em trai nên rất thạo việc nội trợ. Hơn nữa anh cũng làm nhà nước nên thường được tan ca sớm. Có lẽ vì quá yêu và chiều tôi nên anh chấp nhận luôn công việc cơm nước hằng ngày. Tôi đi làm về chỉ còn việc rửa bát và giặt quần áo.
Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày. Tôi nhận được cú điện thoại định mệnh của bố từ quê báo mẹ bị tai nạn đang phải mổ gấp. Bố bảo tôi chuẩn bị ngay 50 triệu rồi cùng chồng về quê sớm nhất có thể.
Tôi như chết lặng trước hung tin về mẹ và cũng bàng hoàng nhận ra mình chưa bao giờ có khoản tiền lớn như vậy trong tài khoản. Tiền lương gần 30 triệu mỗi tháng đều bị tôi ngốn sạch vào đống quần áo, giày dép, túi xách. Chẳng lẽ bây giờ lại đi vay đồng nghiệp? Một người luôn xài hàng hiệu lại đi vay tiền lo cho mẹ đang cấp cứu? Tôi mặt mũi nào mà dám mở lời đây.
Tôi run rẩy gọi điện cho chồng nhờ anh xoay xở. Anh nói tôi cứ bình tĩnh về nhà, tiền đã có sẵn trong tài khoản rồi, khi nào về quê sẽ ra ngân hàng rút.
Tôi quá kinh ngạc hỏi tiền ở đâu mà có sẵn, anh nói: “Thì tiền hằng tháng em đưa cho anh đi chợ, anh không dùng đến mà tạo 1 tài khoản riêng. Anh cũng trích một phần lương của mình vào đó để tiết kiệm. Giờ được hơn 40 triệu, anh còn sẵn tiền mặt ở đây nữa là đủ lo cho mẹ rồi, em không phải lo nhé”.
Tôi đã bật khóc như một đứa trẻ. Tôi mừng vì mẹ tôi sẽ được cứu và cũng quá hối hận với cách sống của mình. Tôi quá ích kỷ khi mãi hờn giận với quá khứ, hờn giận chính gia cảnh của mình và rồi thiếu chút nữa phải trả giá đắt. Tôi thầm cảm ơn anh, người chồng đã thay tôi tính toán chi li để đảm bảo kinh tế gia đình.
Trong nhóm chúng tôi chơi với nhau từ thời đại học có 5 đứa. Tốt nghiệp ra trường, đứa nào cũng theo đuổi sự nghiệp và ước mơ riêng. Tôi may mắn được bố mẹ hỗ trợ chút vốn nên mạnh dạn mở công ty riêng sau khoảng gần chục năm đi làm thuê tích lũy kinh nghiệm.
Công việc của tôi tương đối thuận lợi. Công ty không quá quy mô nhưng cũng luôn duy trì 30 – 40 nhân viên. Trong đám bạn có 2 đứa nữa cũng khá giả. Chúng nó đi làm tư nhân nhưng đều giữ chức vụ quan trọng trong công ty với mức lương không tệ. Còn lại một đứa thì làm cơ quan nhà nước và một đứa vừa quyết định nghỉ việc.
K vốn thẳng tính. Nó không quen với môi trường làm việc văn phòng đôi khi phải mềm mỏng, khéo léo. Chính vì thế sau vài lần trượt cơ hội thăng tiến vì thiếu “kỹ năng mềm”, nó xin nghỉ luôn về nhà trở thành lao động tự do. Vài năm nay kinh tế khó khăn nên cũng chưa tìm được việc làm như ý.
Chính vì thế, trong nhiều lần tụ tập bạn bè mới đây, tôi đều có ý né không muốn gọi K. Chúng tôi đều là người thành đạt, có địa vị trong xã hội nên thường lựa chọn những nhà hàng sang trọng, những nơi có dịch vụ tốt nhất làm nơi hàn huyên tâm sự.
Mỗi lần như thế, chi phí mỗi đứa đóng góp cũng lên đến cả triệu đồng. Bởi vậy tôi không muốn K góp mặt, phần vì nó đang thất nghiệp và phần vì nó cũng không hợp với những chỗ lịch sự như vậy.
Và tất nhiên mỗi lần tụ tập rôm rả như vậy không thể thiếu những bức ảnh “check in”. Tôi đã quá vô tâm ở vấn đề này. Dù K rất hiếm khi sử dụng mạng xã hội nhưng vợ nó thì khác. Cái V bán hàng online nên thường xuyên ở trên mạng. Và khi thấy chúng tôi khoe ảnh ăn chơi, vợ K chỉ lẳng lặng bấm “like” mà không còn bình luận như những lần trước.
Tôi quay sang hỏi vợ: “Nếu em ở trong hoàn cảnh đó, em sẽ làm gì?”. Vợ tôi cũng rất thẳng thắn: “Chắc cái V cũng không nghĩ ngợi nhiều đâu. Mà nó cũng biết chỗ đấy đắt đỏ thế, nếu anh K mà đi cũng mất vài triệu, nhà nó thì đang hoàn cảnh. Anh không rủ anh K có khi nó còn cảm ơn anh ý chứ”.
Tôi thừa biết vợ nói như vậy để giúp tôi bớt lo lắng. Và rồi tôi có cách kiểm chứng xem K có giận mình không. Chờ một thời gian sau, tôi bất thình lình nhắn tin cho K với ý định… vay tiền. Tôi lấy lý do dịch bệnh kéo dài, công ty làm ăn không hiệu quả, đã hết cửa xoay xở nên mới hỏi K là hy vọng cuối cùng.
Không như nhiều người mà tôi từng hỏi mượn tiền trước đây đều trả lời lòng vòng, hỏi thăm vì sao mà khó khăn rồi chốt lại là một câu từ chối. K đã đi thẳng vào vấn đề, nó hỏi tôi cần bao nhiêu. Tôi đáp lại có bao nhiêu hay bấy nhiêu, cùng lắm là bán cái ô tô đang đi để cầm cự.
K không nói gì nhưng ngay tối hôm đấy, nó đã đến nhà tôi. K đã đưa cho tôi 5 chỉ vàng, nó bảo là quà cưới của hai vợ chồng. Từ lúc lấy nhau vẫn cất đi chưa dùng đến. Tôi như lặng đi trước tấm chân tình của K. Tôi cảm ơn nó rối rít và nhận lấy số vàng đó. Tôi hứa sẽ chuộc lại nhanh nhất ngay sau khi tìm được khoản khác thay thế.
K xuề xòa: “Cứ cầm lấy mà lo việc, tao khó thì cũng khó rồi nhưng nhà có mấy người, tao lo được. Mày gánh mấy chục nhân viên mới căng thẳng. Tao chỉ có bấy nhiêu thôi, định lấy thêm của vợ nhưng cũng vừa nhập hàng, còn vài triệu để tiêu đến hết tháng”.
Khi K ra về, tôi cứ cầm hộp vàng mà ngẩn ngơ, rồi lại đặt câu hỏi. Bây giờ thử hỏi vay tiền 3 cậu bạn kia xem thế nào. Tôi cứ cầm điện thoại lên rồi đặt xuống, soạn tin nhắn xong lại xóa đi, tôi phân vân quá vì không dám đặt cược một lần nữa. K đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống và tôi không muốn nó nhanh chóng mất đi.
Tôi đã rơi vào hoản cảnh rất xấu hổ bởi thói quen hay mượn tiền của mình. Khi đi ăn với hội chị em hoặc những cuộc liên hoan, tôi dù mang tiền nhưng lại có sở thích vay người khác. “Có mấy chục thôi, chị cứ trả hộ em đi rồi về em gửi sau nhé”. Đó dường như đã trở thành câu cửa miệng của tôi.
Tôi được nhận xét là năng động, cá tính và có một chút nhan sắc. Vì thế rất được mọi người ở công ty quý mến. Ngay từ khi mới vào làm việc, tôi luôn được rủ tham gia những hoạt động tập thể. Chúng tôi cùng nhau đi ăn trưa, cùng nhau đặt đồ về ăn vặt và thỉnh thoảng cũng đi “xả láng” sau giờ tan ca.
Thế nhưng dạo gần đây tôi phát hiện hình như mình đang bị gạt ra khỏi các cuộc vui. Hội anh chị em ở công ty vẫn thi thoảng tụ tập nhưng tuyệt nhiên tôi không được mời gọi như trước đây. Tôi cũng không hiểu lý do vì sao mình lại bị tẩy chay như vậy.
Một lần khi thấy mọi người đang bàn về cuộc nhậu vào buổi tối, tôi chủ động ra bắt chuyện rồi xin nhập cuộc. Thấy tôi hòa đồng, chị H được mọi người gọi là “nhạc trưởng” bởi hay đứng ra tổ chức lập tức lên tiếng: “Ok em nhé, nhưng lần này đóng tiền trước nhé. Cứ mỗi đứa nộp 300k vào đây. Vài lần trước toàn tao thanh toán xong về có đứa quên hay cố tình không nhớ trả lại tiền”.
Được chị H mở lời, cái V.A, cái M rồi cái B cùng ồ lên. À nhớ rồi, cái Lan (chính là tôi) mấy lần đi ăn trưa cũng chưa trả tao tiền đâu nhé, rồi có lần mày nhờ tao gọi xe công nghệ cho cũng chưa hoàn tiền nhé… Liên tiếp như vậy và tôi cảm giác như mình rơi xuống hố băng.
Số tiền tính ra chưa đến 500.000 nhưng tôi quá xấu hổ. Tôi có cảm giác như mình là đứa lợi dụng lòng tốt của người khác. Tôi không nghĩ rằng số tiền không lớn đó lại khiến tôi rơi vào tình cảnh mất mặt như vậy.
Sau một thoáng ngượng ngùng, rất may tôi đã kịp lấy lại bình tĩnh để xử lý hài hòa. “Vâng, em nhớ chứ. Bây giờ em gửi luôn các chị đây. Cả 300k tiền liên hoan tối nay nữa. Còn bây giờ em khao mọi người một chầu trà sữa để xin lỗi nhé. Đúng là em vô tâm quá”.
Rất may các chị em trong công ty cũng không để bụng vì tôi là đứa nhỏ tuổi nhất và họ cũng biết tôi không hề có ý xấu. Từ đó, tôi đã nhận ra bài học, chuyện tiền nong dù ít hay nhiều cũng đều phải thật rõ ràng, sòng phẳng.
Bạn đã bao giờ rơi vào những tình huống tréo nghoe như thế này trong cuộc sống, hãy gửi những chia sẻ của mình tới mail Bantrecuocsong@24h.com.vn