Đưa người yêu về ra mắt gia đình được xem là một bước quan trọng trong hành trình tiến đến hôn nhân. Đây cũng là hành động chứng tỏ, cả hai thực sự nghiêm túc với mối quan hệ này.
Đối với một số người, việc gặp gỡ gia đình hai bên là một trải nghiệm căng thẳng, tuy vậy, buổi gặp mặt đầu tiên lại giúp họ đưa ra quyết định trọng đại của đời mình.
Sau 2 năm yêu nhau, đó là lần đầu tiên tôi theo bạn trai về nhà ra mắt. Ngay từ lúc bắt đầu, chúng tôi đã yêu đương kiểu kín đáo, không chia sẻ ảnh chung trên mạng xã hội, cũng hiếm khi đi gặp gỡ người thân, bạn bè của nhau. Chuyện này không phải bởi đôi bên không tin tưởng hay không nghiêm túc với mối quan hệ hiện tại, đơn giản chỉ vì chúng tôi thích sự riêng tư.
Tôi nghe anh kể sơ qua về gia đình. Bố anh làm việc ở xã, mẹ anh buôn bán tự do. Anh có một người anh trai đã lấy vợ sinh con và một cô em gái đang học cấp ba.
Còn tôi, bố mẹ làm công nhân viên chức, chị gái làm giáo viên. Gia đình tôi không khá giả nhưng các thành viên luôn yêu thương nhau. Điều khiến tôi luôn tự hào ở gia đình là sự đoàn kết, thấu hiểu.
Chúng tôi chỉ biết về gia đình nhau sơ sơ như vậy. Tôi không nhìn ra điều gì về nếp sống gia đình anh qua lối sống, cách cư xử của anh. Bởi vậy, dù nhiều người nói không quan trọng nhưng tôi vẫn xem việc về ra mắt gia đình đôi bên là một việc hệ trọng.
Bữa đó, gia đình anh có cỗ giỗ bà nội nên nhân thể đưa tôi về ra mắt gia đình. Anh nói, năm nay bố mẹ anh không mở rộng, chỉ sắp 3, 4 mâm cỗ đãi con cháu trong nhà. Bố anh là con trưởng nên sẽ đảm nhiệm chuyện cỗ bàn.
Điều khiến tôi bất ngờ là nhà đông người như vậy nhưng 4 mâm cỗ lại do một tay người chị dâu vừa sinh con được 3 tháng nấu nướng, sắp xếp. Bố mẹ anh, anh trai anh, em gái anh và cả bản thân anh chỉ “ngồi chơi xơi nước” tiếp chuyện mấy vị khách khứa và chờ vào mâm.
Tôi ái ngại thay, mấy lần vào bếp ngỏ lời giúp chị và lần nào cũng bị mẹ anh hoặc anh gạt đi. “Cháu cứ ra kia ngồi đi, mấy việc này để chị làm”, “Chị ấy quen tay rồi, 4 mâm cỗ chị phẩy tay cái là xong, em ở đây vướng chân chị thêm”… Chị nghe vậy chỉ biết cười gượng rồi lại tất tả với mấy câm cỗ, thi thoảng đứa con lớn 4 tuổi chạy vào bám chân, đứa con nhỏ 3 tháng tuổi khóc đòi ti sữa.
Chị lúi húi làm cỗ cả buổi nhưng đến khi ăn lại chẳng thấy mặt đâu. Người nhà anh cũng tuyệt nhiên không ai gọi chị lấy nửa lời. Khi tôi nhổm dậy đi gọi chị, mẹ anh kéo tay tôi nói: “Chị đang cho em bú sữa, lát ăn sau. Cháu cứ ăn đi”. Và cũng chẳng có ai để phần cơm canh cho chị.
Đến lúc rửa bát, mặc mấy lời can ngăn, tôi nhất định vào rửa giúp chị. Đó cũng là lúc tôi đưa ra quyết định về mối quan hệ này.
Qua người chị dâu chăm chỉ, chịu khó và cũng rất đáng thương kia, tôi nhìn thấy tương lai của chính mình. Nhà tôi có 4 người, tuy chẳng giàu có gì nhưng chưa từng để một người phải đơn thương độc mã gánh vác bất kỳ việc gì trong nhà. Khi chị em tôi đi vắng, mẹ tôi nấu cơm thì bố tôi rửa bát. Khi chúng tôi ở nhà, bố cũng chẳng ngại cầm chổi quét nhà nếu hai đứa con gái đang dở tay việc gì đó. Nhìn nếp sống của nhà anh, tôi biết mình không phù hợp.
Tôi nói chia tay trong sự ngỡ ngàng của bạn trai. Tôi không giải thích quá nhiều, cũng không nói ra đánh giá của mình về những việc đã chứng kiến. Mỗi nhà một nếp sống, mỗi người một cách sống, tôi biết mình không thể thay đổi điều gì. Tôi chỉ có thể đưa ra lựa chọn cho chính mình mà thôi.
Nhà bạn trai cách thành phố chúng tôi sống gần 300 cây số. Lần về ra mắt vừa rồi, tôi ở đó 3 ngày. Sau 3 ngày ấy, tôi cứ mãi lăn tăn về mối quan hệ này.
Bố mẹ bạn trai tôi là nông dân, sống nhờ nghề trồng hoa màu và chăn nuôi. Trước đó, anh chưa từng kể cho tôi nghe, bố anh là người nắm giữ kinh tế gia đình. Về đây nghe mẹ anh kể tôi mới biết, mỗi khi bán được hoa màu, con gà, con lợn… bố anh đều cầm tiền. Khi cần đi chợ hay mua thứ gì đó, bà đều phải ngửa tay xin chồng.
Chuyện đàn ông nắm kinh tế gia đình không quá lạ nhưng chi li như bố anh, chắc tôi mới thấy lần đầu. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh mẹ anh xin chồng tiền mua hai mớ rau, bố anh cũng chỉ đưa vỏn vẹn 10 nghìn đồng. Trong bữa cơm trưa hôm đó, bà còn đưa trả lại ông 2 nghìn đồng tiền thừa. Thấy vậy, từ những bữa sau, tôi đều chủ động kéo anh đi chợ mùa đồ ăn, tránh để mẹ anh phải khó xử.
Tôi nghe bố anh cằn nhằn rất nhiều với vợ về việc chi tiêu chợ búa, mua bán vài thứ lặt vặt trong nhà. Ông nhắc đi nhắc lại việc thời buổi kinh tế khó khăn, chi tiêu phải tiết kiệm từng đồng, phòng khi ốm đau có tiền trang trải.
Tôi thực sự thắc mắc, tại sao mẹ anh lại chấp nhận cảnh sống bị động này trong khi tiền đâu phải một mình bố anh làm ra. Không đủ thân thiết để hỏi bà, tôi quay sang hỏi bạn trai. Câu trả lời của anh khiến tôi ngã ngửa.
“Đàn ông cầm tiền là đúng. Bố anh chi li cũng vì gia đình, con cái chứ ông không phung phí cho bản thân. Mẹ là vợ thì phải tuân thủ, cần cái gì thì xin, chính đáng thì bố chi, không thì bố hủy”.
Anh còn nói, sau khi chúng tôi kết hôn, anh cũng muốn là người nắm kinh tế vì tự nhận thấy bản thân quản lý kinh tế tốt hơn tôi.
Tôi bỗng hiểu ra, điều khiến tôi lăn tăn về anh trong suốt 1 năm yêu nhau chính là lối sống tính toán, tiết kiệm quá mức của anh. Anh sòng phẳng trong từng buổi hẹn hò, chưa từng tặng tôi món quà nào có giá trị 500 nghìn đồng trở lên, luôn lấy hoàn ảnh gia đình khó khăn ra để bào chữa cho tính tiết kiệm của mình. Và chính tôi cũng bị lý do đó thuyết phục suốt thời gian qua.
Có lẽ, giờ là lúc tôi phải đưa ra quyết định cho cuộc tình này. Yêu đúng hay sai người phụ thuộc vào việc người đó có phù hợp với mình hay không. Tôi đã nhận ra bản thân không phù hợp với anh thì không nên cố chấp.
Tôi năm nay 27 tuổi, bạn trai tôi 32 tuổi. Chúng tôi đã yêu nhau gần 5 năm nhưng anh chưa từng đưa tôi về ra mắt gia đình. Vì điều này, đôi khi tôi đã hoài nghi tình cảm của anh.
So với anh, một chàng trai cao ráo, sáng sủa, ngoại hình của tôi có phần kém hơn. Tôi khá lùn, gương mặt không được cân đối cho lắm. Đổi lại, tôi biết kiếm tiền, gọn gàng, sạch sẽ và nấu ăn ngon. Mỗi khi tôi bày tỏ sự mặc cảm về ngoại hình bản thân, anh lại an ủi: “Anh yêu em về tính cách chứ không phải ngoại hình”.
Thế nhưng, không biết vì lẽ gì mà anh luôn muốn yêu tôi trong kín đáo. Chúng tôi không kết bạn Facebook, khi cần thì nhắn tin trò chuyện qua Zalo. Anh chưa từng công khai ảnh tôi trên mạng, cũng không muốn tôi đăng ảnh rõ mặt anh trên Facebook của tôi. Trong album ảnh trên điện thoại, hầu như chỉ có ảnh tôi nắm bàn tay hoặc tựa vai anh, vì anh không muốn lộ mặt.
Anh nói, đó là cách yêu đương của người trưởng thành, kín đáo, riêng tư. Anh còn mỉa mai nhiều cặp đôi đăng ảnh tình tứ trên mạng rằng: “Khoe cho lắm vào, mai lại chia tay”. Tôi bảo anh: “Mưa đến đâu mát mặt đến đó, cứ vui hôm nay đã, còn hơn em có người yêu đẹp trai mà chẳng bao giờ được khoe”. Anh chỉ im lặng.
Đã vậy, anh còn hiếm khi đưa tôi đi gặp bạn bè của anh, cũng ít khi cùng tôi tham gia các cuộc gặp gỡ. Chúng tôi chỉ sống trong thế giới riêng của nhau như vậy trong suốt 5 năm.
Gần đây, tôi nhiều lần khéo léo nhắc đến chuyện gặp mặt hai bên gia đình. Anh vẫn chỉ nói một câu: “Chưa đến lúc”.
Anh luôn nói, chuyện ra mắt thời nay không còn quan trọng. Nếu bản thân không tin tưởng vào mối quan hệ này thì dù có ra mắt toàn bộ họ hàng vẫn chia tay như thường. Anh quan niệm, chỉ cần gặp mặt hai bên gia đình khoảng 1, 2 tháng trước ngày cưới. Càng ít chạm mặt thì các mối quan hệ càng được đảm bảo.
Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, yêu nhau 5 năm là quá đủ để công khai mọi thứ. Anh 32 tuổi, tôi cũng đã 27, đã đến lúc bàn đến chuyện kết hôn.
Tôi không biết làm thế nào khi bạn trai liên tục trì hoãn chuyện này. Liệu anh có giấu giếm tôi điều gì đó? Tôi nên gây áp lực để bạn trai công khai tôi với mọi người hay chờ anh thêm thời gian nữa?
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |