Sau rất nhiều trăn trở, sau những đêm thức trắng vì nỗi ăn năn giống như những mũi kim đâm vào tim, tôi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình. Giống như một lần trải lòng, để rồi đủ bản lĩnh gạt đi quá khứ lỗi lầm, tiến về phía trước.
Có lẽ đến tận bây giờ, ở nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi vẫn bị người ta gọi là “con đàn bà lăng loàn”. Bởi tôi từng ngoại tình, từng để chồng phải nuôi con tu tú suốt 2 năm.
Tôi lấy chồng năm 19 tuổi – chồng tôi là người cùng làng, làm nghề lái xe. Anh ít nói nhưng cục tính, luôn nghe lời bố mẹ, anh chị em răm rắp. Bố mẹ chồng tôi khó chiều nhưng cũng không đến nỗi chua ngoa. Chỉ cần tôi biết lựa một chút thì cuộc sống không quá căng thẳng.
Cái tội lớn nhất của tôi là “không biết đẻ con trai”. 10 năm lấy nhau, vợ chồng tôi sinh được 3 cô con gái. Tôi là người rõ nhất, chồng và nhà chồng thất vọng đến mức nào khi mỗi lần đi siêu âm, bác sĩ đều bảo “em bé giống mẹ”. Tôi mang thai đứa con thứ 3 trong nước mắt và sự bỉ bôi của họ hàng nhà chồng. Họ nói gần, nói xa rằng tôi không biết đẻ, đem tôi ra so sánh với con gái, con dâu, cháu dâu… nhà họ.
Chồng tôi cũng bị đám bạn công kích không ngừng. Bạn bè bảo anh chỉ xứng đáng ngồi mâm dưới, xui anh “thay mái” để có con trai nối dõi tông đường. Tôi biết anh nhục nhã, bản thân tôi cũng rất khổ tâm. Có những lần anh uống rượu say khướt, về nhà hết chửi mắng vợ đến mỉa mai 3 đứa con gái, nói chúng nó là “lũ vịt giời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”. Bố mẹ chồng tôi thấy cảnh đó cũng chẳng khuyên can, chỉ lạnh nhạt đóng cửa phòng đi ngủ.
Sống trong hoàn cảnh như vậy nhiều năm, tôi đâm ra chán chồng. Tôi tìm đến niềm vui bạn bè, hội hè làng xã. Trong nhóm bạn đó có một người trước đây từng theo đuổi tôi ráo riết. Anh ta vừa về ở rể nhà bố mẹ vợ - cách nhà tôi chưa đầy 50m.
Gọi là tình cũ cũng không phải nhưng chúng tôi nhanh chóng bị hút bởi nhau. Trong mắt tôi, người đàn ông kia ga lăng và tâm lý gấp vạn lần chồng. Chúng tôi bắt đầu qua lại, ban đầu chỉ là những tin nhắn vụng trộm sau đó, chuyện gì đến cũng đến.
Mọi chuyện không kéo dài lâu bởi chúng tôi ai cũng không thể từ bỏ gia đình. Cay đắng thay, tôi mang thai. Lúc phát hiện ra, em bé đã được 10 tuần tuổi. Tôi không xác định được bố đứa trẻ là chồng mình hay người đàn ông kia nên hoang mang vô cùng. Bỗng một suy nghĩ sai trai nảy ra trong đầu, tôi muốn xét nghiệm máu để biết giới tính đứa bé.
Khi biết đứa trẻ trong bụng là con trai, tôi quyết giữ lại mặc cho bố nó là ai. Tôi muốn cho tất cả những người từng mỉa mai tôi một câu trả lời, rằng tôi cũng biết đẻ. Từ thời khắc đó, tôi biết, cuộc đời mình không thể vãn hồi.
Mang thai đứa trẻ này, tôi được chồng và nhà chồng cưng như trứng mỏng. Ngày tôi vượt cạn thành công, chồng tôi làm 40 mâm cỗ thiết đãi xóm làng. Ai ai cũng hớn hở, chỉ riêng tôi thấp thỏm lo âu, cầu mong cho đứa trẻ là con của chồng.
Nhưng ông trời không buông tha cho kẻ ngoại tình. Đứa trẻ càng lớn càng không có điểm nào giống bố. Ngược lại, từ cái mắt, cái mũi đến miệng đều giống người đàn ông kia như lột.
Tôi không biết chồng và nhà chồng nghi ngờ từ bao giờ và từ đâu mà biết chuyện tày đình này. Chỉ biết, tối hôm đó, tôi bị nhà chồng “đấu tố”.
Trước mặt tôi là kết quả xét nghiệm ADN, đứa trẻ không phải con của chồng tôi. Mà bản thân tôi, đến tận thời khắc đó mới chắc chắn được việc này. Mẹ chồng tôi sốc đến mức ngất xỉu. Bố chồng giáng cho tôi 2 cái tát cháy má. Riêng chồng tôi ban đầu chỉ ngồi nghiến răng, sau đó anh chị em trong nhà phải can ngăn kịch liệt, tôi mới không bị đánh.
Buổi “đấu tố” đó kéo dài đến gần 1 giờ sáng, bố mẹ tôi cũng bị gọi xuống nói chuyện. Ngay đêm đó, tôi và đứa con trai bị trao trả về nhà ngoại. Chồng tôi tuyên bố, khi làm đơn ra toà tôi phải tự nguyện từ chối quyền nuôi ba cô con gái, miễn thăm nom bởi tôi đã mất tư cách làm mẹ.
Tôi không biết mình sống sót qua những ngày tháng đó thế nào. Trong suốt 3 tháng, tôi không ra khỏi cửa. Tôi biết, ngoài kia khắp làng trên xóm dưới đang bàn tán về mình. Bố tôi âu sầu, mẹ tôi đau khổ vì những lời đàm tiếu.
Sau Tết Nguyên đán năm đó, tôi quyết định lên biên giới làm ăn, để lại con trai cho ông bà ngoại nuôi. Trước khi đi, tôi cầu xin chồng cũ cho gặp 3 đứa con gái một lần nhưng không được. Tôi dứt áo ra đi mang theo nỗi ân hận tột cùng mà cả đời ngày chẳng thể nguôi ngoai.
Mới đây, tôi nghe tin chồng cũ sắp cưới vợ. Vợ anh là gái tân, ở ngay làng bên. Anh đã chuyển sang chạy xe taxi, không còn thường xuyên xa nhà như trước nữa. Tôi nghe tin mà đau xót trong lòng. Chuyện cũ ùa về, cắn rứt tôi hàng ngày hàng giờ, cảm giác thống khổ luôn thường trực. Tôi thương con trai bơ vơ không có bố mẹ bên cạnh, thương ba cô con gái sắp phải ở cùng mẹ kế mà tất những sự bất hạnh này đều do tôi gây nên.
Tôi là một bà mẹ tồi tệ. Có lẽ, cả đời này tôi không thể chuộc lại lỗi lầm, không thể bù đắp dù là một chút cho những đứa con bé bỏng của tôi.
Trước khi lấy chồng, tôi từng nghĩ, tôi có thể bỏ qua mọi xích mích lớn nhỏ với chồng và gia đình chồng, chỉ riêng hai điều không thể, đó là bạo lực và sự phản bội. Chẳng thể ngờ, sau này người phản bội lại là tôi.
Tôi từng là nhân viên văn phòng, lấy chồng là dân cầu đường. Anh là kỹ sư cầu đường nên thường xuyên xa nhà, đi theo dự án. Mỗi năm, anh về được vài lần, mỗi lần ở nhà vài ngày.
Tôi may mắn có thai trong những lần anh về và sinh được 2 đứa con ngoan. Nhưng cuộc hôn nhân cô đơn, lạnh lẽo này khiến tôi phát điên. Lấy chồng, nhưng người tôi sống cùng lại là mẹ chồng chứ chẳng phải người đàn ông tôi chọn.
Mẹ chồng vốn không thuận mối hôn sự này. Đến khi tôi cưới gả về đây, bà càng ghét tôi. Bà xăm soi tôi từng chút một, khiến cuộc sống hàng ngày vô cùng ngột ngạt. Khi tôi sinh con, bà tuyên bố “con ai nấy nuôi” nên ngay cả khi tôi bận rộn với hai đứa con đến mức không kịp ăn cơm, tắm rửa, bà vẫn cứ ra nhà văn hoá xã tập văn nghệ.
Chồng xa nhà, một mình vận lộn với con cái, lại sống trong sự chèn ép của mẹ chồng, tôi gần như trầm cảm. May mắn thay, tôi lấy chồng gần nhà, được bố mẹ an ủi, giúp đỡ nên mới vượt qua được tháng ngày tăm tối ấy. Đến khi hai đứa con đứa lên 5, đứa lên 3 tuổi, chồng tôi vẫn cứ đi biền biệt, tin nhắn hỏi thăm nhau cũng thưa thớt dần. Cuộc sống “chăn đơn gối chiếc” khiến tôi héo hon.
Và tôi gặp anh ấy, người bạn cũ hồi cấp ba trong một lần đi họp lớp. Chúng tôi lỡ đi quá giới hạn với nhau duy nhất 1 lần và chẳng may bị mẹ chồng tôi phát hiện. Bà lục lọi điện thoại của tôi, đọc được những tin nhắn tôi tâm sự với người bạn thân nhất về chuyện này.
Hôm đó, tôi quỳ xuống van xin bà giúp tôi giấu kín chuyện tày đình. Tôi xin bà nghĩ đến hai đứa cháu mà tha thứ cho tôi một lần, kẻo “tan đàn xẻ nghé” thì con trẻ là những người thiệt thòi nhất. Bà chửi tôi đến sùi bọt mép nhưng cuối cùng vẫn đồng ý tha cho tôi với điều kiện, kể từ nay bà sẽ là người “tay hòm chìa khoá”, tôi không được giữ một đồng nào trong người.
Suốt thời gian đó, tôi sống lầm lũi như “chó chui gầm chạn”, lương hàng tháng đưa hết cho mẹ chồng. Mọi thứ cần đến tiền từ gói tăm cho đến tiền đóng học cho con đều phải ngứa tay xin bà. Tôi biết, đây là cái giá tôi phải trả cho chuyện sai trái kia, chỉ cần tôi giữ được tổ ấm trọn vẹn cho con.
Nhưng mọi thứ đâu đơn giản như vậy, chuyện phản bội chồng giống như chiếc dây thòng lọng, có thể thít cổ tôi bất cứ lúc nào mà người cầm chiếc dây đó là mẹ chồng, người vốn ghét tôi đến cay đắng. Hở một chút, bà liền đem chuyện đó ra doạ dẫm, mỉa mai tôi. Bà luôn với các con tôi rằng: “Sau này lớn lên đừng giống mẹ, kẻo người ta lót lá chuối đuổi ra khỏi nhà”.
Tôi biết mình sẽ chết mòn nếu cứ sống như thế. Tôi quyết định tự mình nói hết tất cả với chồng và bố mẹ đẻ. Chồng tôi không thể tha thứ, cũng không muốn ngay lập tức ly hôn vì sợ các con buồn. Anh nói, trong vòng 2 năm, anh sẽ không về nhà, tránh nhìn thấy tôi là tức giận và đau khổ. Riêng tôi, có thể tiếp tục ở lại nhà, cũng có thể đưa con về nhà ngoại.
Cuối cùng, tôi chọn đưa con về nhà ngoại sống nhờ một thời gian. Tôi cũng như chồng mình, cần thời gian để thôi không dằn vặt lương tâm, sau đó, dù có ly hôn cũng đủ can đảm bước tiếp. Tôi chuộc lại lỗi lầm bằng cách yêu thương, chăm sóc con cái. Đối với mẹ chồng, tôi cũng không trách móc, vẫn đi lại thăm nom bà. Dẫu cho quá khứ khắc nghiệt thế nào, tôi và những người xung quanh đều phải học cách bước qua.