Lưu bài Bỏ lưu bài
Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 2

Hồi cấp 2, tôi là con ngoan – trò giỏi nổi tiếng ở trường, làm cán bộ lớp, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi… đều đủ cả. Kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3, tôi là đứa hiếm hoi trong trường đỗ vào trường chuyên của tỉnh với điểm số đầu vào rất cao.

Thỏa mãn và tự thưởng cho mình khoảng thời gian xả hơi, tôi học tập sa sút. Ở ký túc xá của trường, không có bố mẹ kèm cặp, nhắc nhở hàng ngày, lại thêm cách dạy của thầy cô ở cấp 3 khác cấp 2 quá nhiều khiến tôi “lỡ nhịp”, không thể theo kịp các bạn. Tôi từ đứa luôn đứng đầu lớp bị xếp vào top học kém nhất trường.

Thấy tôi học sa sút, người gầy gộc, ít nói, chậm chạp hơn xưa, bố mẹ rất lo lắng. Học kỳ đầu của năm lớp 11, bố mẹ xin chuyển tôi về học trường cấp 3 của huyện.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 3

Về đây, tôi vui vẻ hơn phần nào vì gặp nhiều bạn cũ nhưng nỗi áp lực khác lại ập đến. Vì hào quang khi xưa và danh tiếng học sinh trường chuyên, ai cũng nghĩ tôi giỏi và xuất sắc lắm. Không mấy người biết, một năm qua tôi để hổng kiến thức rất nhiều.

Thay vì cố gắng học tập, tôi lại tìm cách giấu dốt. Nghĩ đến cảnh điểm kiểm tra thấp bị các bạn cười chê, tôi hụt hẫng, chới với, khủng hoảng tinh thần. Rồi một ngày không giữ được mình, tôi đã quay cóp trong giờ kiểm tra.

Hôm đó là tiết Sinh học của cô Hồng Thơm. Cô yêu cầu cả lớp để hết tài liệu, sách vở trong ngăn bàn, làm bài nghiêm túc. Giữa lúc tôi cắm cúi, chép tài liệu trong cuốn sách giấu dưới hộc bài thì cô đến. Cô tịch thu cuốn sách, yêu cầu tôi dừng làm bài kiểm tra, ghi trong sổ đầu bài: “N. quay cóp trong giờ kiểm tra 1 tiết” rồi bảo: “Học sinh trường chuyên mà phải quay cóp à?”.

Tim đập thình thịch, tinh thần bấn loạn, tôi không thốt ra được lời nào, kể cả là câu xin lỗi hay xin cô bỏ qua. Ánh mắt ngạc nhiên của các bạn trở thành nỗi ám ảnh của tôi suốt thời gian dài sau đó.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 4

Tôi vẫn đến lớp đều đặn nhưng mang trong mình sự mặc cảm, tự ti, rất ít khi tiếp xúc với bạn bè. Từ một cán bộ lớp năng nổ thuở cấp 2, giờ đây tôi không tham gia bất kỳ phong trào nào của lớp, không hề đóng góp xây dựng bài vở… Tôi không oán trách bất kỳ ai, chỉ thấy bản thân chẳng còn mặt mũi nào lên tiếng.

3 năm cấp 3 của tôi trôi qua như thế, đến giờ nghĩ lại vẫn tiếc nuối vô cùng. Nếu không có lần quay cóp dại dột đó hoặc nếu tôi đủ can đảm vượt qua sai lầm, dám sửa sai, cởi bỏ được sự mặc cảm… có lẽ thuở học trò của tôi đã sôi động và ý nghĩa hơn.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 5

Tôi tên Hảo – Hảo trong từ hoàn hảo nhưng thuở học trò của tôi lại chẳng được đẹp như cái tên. Tôi học kém và thú thực là khá lười nhác nên chật vật mãi mới đỗ cấp 3. Vào trường, tôi chọn theo học khối C (Văn, Sử, Địa) khiến cho đám bạn bè cũ đứa nào cũng thắc mắc: “Mày lười học thế, lại vào cái khối nhiều chữ thì học kiểu gì?”. Riêng tôi thấy, khối C chỉ cần học thuộc lòng, may ra còn theo được chứ mấy môn như Toán, Hóa, Lý, Sinh… tôi xin kiếu.

Nhưng đúng là ngay cả học thuộc lòng, học vẹt cũng không đơn giản như tôi nghĩ. Việc phải ghi chép và nhớ cả mấy trang sách, để hôm sau làm khảo sát, kiểm tra… đối với tôi như một cực hình. Tôi học theo kiểu chống chế, cố gắng đạt điểm trung bình để lên lớp.

Chỉ là sự yếu kém của tôi kéo thành tích cả lớp xuống. Cô giáo chủ nhiệm rất buồn phiền vì điều này. Tôi bị các thầy cô bộ môn phản ánh nhiều khi không thuộc bài cũ, điểm kiểm tra miệng, 1 tiết, cuối kỳ đều thấp.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 6

Cô giáo chủ nhiệm tìm cách giúp tôi như nhờ một bạn học giỏi nhất lớp kèm cặp, gửi riêng tài liệu cho tôi học. Thế nhưng, tôi vẫn không sao tìm được niềm hứng thú với việc học hành. Những con chữ, số liệu, những bài kiểm tra khiến tôi bị áp lực nặng nề. Mỗi ngày đến trường không phải niềm vui mà toàn là sợ hãi.

Tiết sinh hoạt hôm đó kéo dài hơn mọi khi, 2/3 thời gian cô giáo dành để nói về tôi. Điểm kiểm tra cuối kỳ một năm lớp 11 của tôi quá thấp, cô giáo thất vọng nói: “Cô đang bàn với bố mẹ em, xin cho em chuyển lớp. Có thể em không hợp với khối C, thử theo một khối khác xem sao”. Tôi bật khóc nức nở. Lần đầu tiên tôi khóc trên lớp khi bị chỉ trích chuyện học tập. Tôi sợ và bất lực với chính mình.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 7

Có lẽ, tiếng khóc của tôi khiến cô thêm áp lực nên đã tức giận nói thêm: “Sao lúc cần chăm chỉ học, em không chăm chỉ, giờ kết quả kém lại khóc? Em khóc cho ai xem? Về uống nhiều nước canh vào lấy nước mắt mà khóc”.

Cả lớp im phăng phắc như thể nghe được cả tiếng kim đồng hồ chạy. Tôi xấu hổ tột cùng và nghỉ học nửa tuần sau đó. Tôi không kể với bố mẹ chuyện này, chỉ một mực xin chuyển trường, hễ bố mẹ muốn đến gặp hiệu trưởng làm rõ sự việc là tôi một mực ngăn cản. Tôi biết lỗi thuộc về mình, làm to chuyện chỉ khiến mình xấu hổ thêm.

Chiều thứ 5 của tuần sau đó, cô giáo chủ nhiệm đến nhà tôi, kể toàn bộ đầu đuôi sự việc cho bố mẹ, nhận lỗi và muốn gặp tôi nói chuyện. Tôi nhớ như in giọng nói nhẹ nhàng và ánh mắt hiền dịu của cô khi ấy: “Cô đã sai khi đặt quá nhiều áp lực lên em. Cô đã sai khi không hiểu được rằng, mỗi học sinh là một cá thể đặc biệt, đều có ưu điểm, nhược điểm cần được khắc phục và phát huy. Cô rất mong em trở lại lớp, cô trò ta cùng giúp nhau tiến bộ”.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 8

Nước mắt rơi lã chã, tôi xin lỗi cô và hứa quay trở lại trường. Tôi được cô chuyển xuống bàn thứ 3, tránh gây chú ý cũng là cách giúp tôi giảm áp lực. Cô đặt ra cho tôi những mục tiêu nhỏ hơn như kỳ này đạt điểm cao hơn một chút ở các môn chuyên, các môn còn lại phải giữ vững thành tích, kỳ sau điểm trung bình môn phải đạt từ 7 phảy trở lên… Cứ thế, tôi thành công ra trường với tấm bằng khá.

Bây giờ, tôi là một “con buôn” chính hiệu. Dù không theo nghiệp sách vở nhưng tôi vẫn nhớ mãi công ơn của cô giáo chủ nhiệm năm xưa. Cô đã giúp tôi hiểu ra rằng, mỗi giai đoạn cuộc đời đều có một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nếu bản thân hèn nhát, trốn tránh, không chịu thay đổi và nỗ lực thì cuộc đời sẽ trượt dài trong thất bại.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 9

Học cấp ba ở một trường huyện gần nhà, tôi nổi tiếng là học sinh ngỗ ngược. Năm lớp 11, tôi liệt vào danh sách học sinh cá biệt, người thì sợ, người thì chẳng muốn đụng vào, tránh phiền phức.

Một năm rưỡi ở trường, tôi gây sự đánh nhau 3 lần, nhuộm tóc, hút thuốc… đủ cả. Các thầy cô bộ môn gần như tránh tiếp xúc với tôi, có người còn không cần tôi trả bài miệng, tự động cho đủ điểm lên lớp.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 10

Ngay cả cô giáo chủ nhiệm, ban đầu còn gọi bố mẹ tôi lên làm việc, tìm mọi cách uốn nắn, thay đổi tôi, sau hơn một năm thì cũng mắt nhắm, mắt mở cho qua, chỉ cần tôi không làm gì quá đáng ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Quãng đời học sinh của tôi cứ lông bông như vậy cho đến khi gặp thầy Thành – giáo viên dạy Toán lớp 11.

Thầy là giáo viên mới chuyển đến, còn rất trẻ. Giáo viên lão làng tôi còn nể vài phần chứ thầy giáo trẻ như vậy, tôi nhìn bằng nửa con mắt.

Vậy mà thầy lại chú ý đến tôi. Hôm đó, thầy gọi tôi lên bảng làm giải toán: “Anh tóc vàng cuối lớp, lên bảng”. Tôi chần chừ mãi mới lên, còn cố tình đi dép loẹt quẹt trêu tức thầy, cả lớp cười rúc rích.

Tất nhiên, tôi không biết giải bài toán đó, đánh bừa vài con số rồi bỏ về. Thầy bắt tôi quay lên làm lại. Tôi bảo: “Em không biết làm”. Thầy đáp: “Tôi hướng dẫn em”. Tôi cãi: “Hướng dẫn cũng không biết làm”. Thầy đập bàn: “Con nhà lính, tính nhà quan, em luôn nghĩ mình là hơn hết đúng không?”. Tôi trợn mắt: “Thầy không phải bố tôi mà nói gì cũng được”.

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 11

Thầy không còn tức giận mà nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Thầy bảo: “Tôi sẽ cho em 3 điểm 0, đồng nghĩa với việc em không đủ điểm môn Toán để lên lớp”. Tôi khinh thường, cho rằng đó chỉ là mấy lời dọa dẫm vớ vẩn nên xách cặp đi thẳng.

Ai ngờ, thầy làm thật, 3 điểm 0 chình ình trong cả sổ đầu bài và sổ điểm. Hôm sau, bố mẹ tôi lên gặp hiệu trưởng hết mực xin xỏ nhà trường bỏ qua, để tôi có thể yên ổn tốt nghiệp. Tôi không sợ điểm thấp, không sợ bị trách mắng… nhưng thú thật, tôi sợ bị đuổi học. Trước nay, chưa có thầy cô nào nặng tay với tôi như vậy.

Thầy Thành được gọi lên, gặp riêng tôi. Thầy kể, trước khi chuyển vào trường công tác, thầy từng có 2 năm dạy học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, ngôi trường đầy rẫy những học sinh cá biệt. Tiếp xúc nhiều với học sinh ngỗ ngược, thầy hiểu những đứa trẻ này cũng có nỗi niềm riêng. Đứa thì không được bố mẹ quan tâm, đứa thì giàu có sinh kiêu ngạo, đứa lại quá nghèo sinh ra tiêu cực, có đứa lệch lạc suy nghĩ khiến tính cách cũng quái dị theo…

Phút thành thật: Trót dại quay cóp bài thi, tôi xấu hổ tột cùng trước câu nói của giáo viên - 12

Đối với những đứa trẻ này, thay vì quá nghiêm khắc hay “nhắm mắt cho qua” thì nên quan tâm nhiều hơn, định hướng và giúp chúng thay đổi. Thầy hài hước hỏi, tôi thuộc kiểu nào để thầy giúp đỡ.

Tôi cúi gầm mặt. Bản thân tôi khi ấy cũng chẳng biết bản thân thuộc kiểu cá biệt nào, chỉ thấy muốn thể hiện, muốn dùng cách này, cách kia gây chú ý với mọi người. Đấy là lần đầu tiên tôi nhận ra, mình không phải kẻ “không sợ trời, không sợ đất” như vốn nghĩ, mà vẫn có những nỗi sợ giống như bao học sinh khác là sợ bị đúp, sợ bị đuổi học.

Thầy Thành rút lại 3 điểm 0 môn Toán, với điều kiện tôi phải đạt tối thiểu 5 điểm cho các bài kiểm tra tiếp theo. Năm đó, tôi lên lớp một cách thuận lợi và cũng yên ổn ra trường. Tôi không thể trở thành học sinh khá, giỏi nhưng không còn nhận hạnh kiểm yếu như đã từng. Sự bao dung của thầy đã giúp quãng thời gian đến trường còn lại của tôi bình yên.

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Nguồn ảnh: Internet

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 13/09/2021 00:10 AM (GMT+7)
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])