Lưu bài Bỏ lưu bài

 

Tết với nhiều người là niềm vui, là sự chờ mong, háo hức. Thế nhưng, với không ít người trẻ, Tết lại là nỗi sợ vô hình khi phải đối mặt với những câu hỏi như: “Mức lương bao nhiêu?, “Bao giờ lấy chồng?”, “Tết biếu bố mẹ những gì?”…

 

Tôi là con trai út trong nhà, bên trên có ba chị gái. Các chị chỉ học hết lớp 9 hoặc lớp 12 là lấy chồng, hiện người thì làm nghề may, người buôn bán nhỏ.

Tôi là đứa học được nhất trong nhà, là niềm tự hào của bố mẹ. 12 năm học, tôi đều là học sinh giỏi, đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng đạt giải nhì, giải ba. Tôi đỗ vào trường đại học với số điểm ấn tượng, ngành tôi học là ngành khá hot lúc bấy giờ.

Tôi vẫn nhớ năm tôi đỗ đại học, bố mẹ hạnh phúc đi khoe khắp làng. Dù gia đình khó khăn nhưng bố mẹ luôn nhắc nhở tôi tập trung học hành, không được đi làm thêm. Hằng tháng, bố mẹ vẫn chu cấp cho tôi tiền ăn học đầy đủ dù có lúc phải đi vay mượn.

Biết bố mẹ vất vả, tôi chuyên tâm học hành, kết quả khá tốt. Tôi học 7 kỳ thì 5 kỳ đạt học bổng, ra trường với tấm bằng giỏi sau 3,5 năm học. Điều này càng khiến bố mẹ và các chị tự hào. Tôi cũng tự tin, với tấm bằng giỏi bản thân sẽ sớm xin được một công việc ổn, mức lương cao. Ai ngờ, đời không như là mơ.

Điểm yếu lớn nhất của tôi là các kỹ năng xã hội. Thời đại học, tôi không tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng ít khi giao du bạn bè nên kỹ năng sống của tôi quá kém. Chưa kể, các mối quan hệ cũng không có nhiều.

Chuyên ngành tôi học đến thời điểm ra trường lại khó xin việc. Tôi chật vật mãi mới xin được vào một công ty gia đình. Lương thấp, công ty thiếu chuyên nghiệp, tôi bị sếp chèn ép đủ đường, có tháng còn bị nợ lương. Quá chán nản, tôi xin nghỉ việc.

 

Tôi dự định sẽ học thêm để chuyển sang một chuyên ngành khác nhưng lại không có tiền trang trải học phí, sinh hoạt. Tôi đã ra trường, không thể để bố mẹ chu cấp thêm nữa.

Hai năm qua, công việc của tôi bấp bênh, lương lúc có lúc không, tôi phải vay mượn vài nơi mới đủ tiền trang trải. Sợ bố mẹ buồn lòng, tôi không dám cho họ biết. Mỗi khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm, tôi vẫn vui vẻ nói mình ổn.

Tính ra, gần một năm nay tôi không có công việc ổn định, phải chuyển qua chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Tôi không dám tưởng tượng bố mẹ sẽ sốc thế nào, làng xóm bàn tán ra sao khi một đứa nổi tiếng học giỏi như tôi giờ lại đi làm xe ôm. Tôi vẫn tính sẽ cố gắng giấu bố mẹ đến cùng.

Cứ nghĩ đến chuyện về quê đón Tết, tôi lại rầu rĩ cõi lòng. Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt lấp lánh hy vọng của bố mẹ, sợ cảnh dối trá, lấp liếm mỗi khi bố mẹ hỏi đến chuyện công việc, sợ họ hàng, làng xóm hỏi: “Lương lậu thế nào?”, “Tết này biếu bố mẹ bao nhiêu?”…

Tôi vốn có rất nhiều dự định như: mua tặng bố chiếc xe máy mới, mua cho mẹ cái máy giặt để mẹ đỡ vất vả hơn… Thế nhưng, chắc chắn năm nay những dự định ấy tôi không thực hiện được bởi lẽ, bản thân tôi còn chưa lo nổi cho chính mình.

 

Tôi đi làm xa nhà hơn 300 cây số. Kể từ khi ra trường, Tết với tôi là những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời. 

Năm nào cũng vậy, tôi sẽ trích một phần tiền thưởng Tết ra biếu bố mẹ, một phần khác dùng để đưa mẹ đi sắm sửa đồ Tết, một phần dùng để mua quần áo Tết, lì xì Tết cho các cháu… Mỗi khi tôi về, cả nhà lại vui vẻ, rôm rả. Chị gái tôi hay bảo: “Dì về thì Tết mới về”.

Những năm trước Tết vui bao nhiêu thì Tết này với tôi lại ảm đạm bấy nhiêu. Tôi sợ Tết bởi đã thất nghiệp hơn nửa năm nay.

Năm vừa rồi, công ty tôi gắn bó 7 năm đột ngột cắt giảm nhân sự hàng loạt vì gặp khó khăn tài chính. Tôi chẳng may nằm trong danh sách đó. Thời điểm công ty ra thông báo xem xét kết quả làm việc để lọc nhân sự, tôi lo lắng vô cùng. Đến khi biết chính xác mình bị cho thôi việc, tôi hoàn toàn suy sụp.

Ai cũng biết năm nay kinh tế khó khăn, tìm việc khó thế nào. Tôi lại đột ngột mất việc vào đúng thời điểm ngặt nghèo này nên rất bất an. Rời khỏi công ty cũ, tôi chỉ cho mình 3 ngày nghỉ ngơi, sau đó lập tức bắt tay vào công cuộc tìm việc. Tôi rải CV khắp nơi mà không có lấy một công ty phản hồi.

 

Một tháng sau đó, tôi mới được hai công ty gọi đến phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn thuận lợi, tôi tưởng mình đã tìm được bến đỗ ưng ý. Thế nhưng, sau lời hứa hẹn xác nhận trúng tuyển qua mail, tôi đợi mãi chẳng thấy email nào. Tôi ngầm hiểu, mình đã trượt đợt tuyển dụng này.

Ròng rã xin việc hơn nửa năm, tôi vẫn “lắm tối mối nằm không” hay nói chính xác hơn là thất nghiệp. Tôi đã thử làm thêm ở một số nơi nhưng chỉ được vài ngày là bỏ ngang vì quá nản. Dùng hết số tiền đền bù hợp đồng của công ty, gần đây tôi đã phải sờ đến khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của mình.

Nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết, tôi lại buồn rầu. Năm nay không có lương, cũng chẳng có thưởng Tết, tôi lấy đâu ra tiền biếu bố mẹ, sắm sửa, mua quần áo và lì xì cho các cháu. Rồi khi bố mẹ hỏi han chuyện công việc, tôi biết trả lời ra sao?

Tôi tính sẽ lấy cớ bận việc, tăng ca để không về quê ăn Tết nhưng nghĩ đến cảnh bố mẹ ở quê ngóng trông, bản thân ở đây thì bơ vơ trong căn phòng trọ trống vắng, tôi lại nản lòng. Tôi phải làm sao bây giờ?

 

Tết năm nào tôi cũng thấy trên mạng đầy rẫy những câu chuyện người trẻ báo hiếu bố mẹ. Có người xây nhà tiền tỷ cho bố mẹ, có người mua xe máy, xe đạp điện tặng phụ huynh, có người chuyển thẳng vài chục triệu đồng vào tài khoản của bố mẹ.

Bản thân tôi mỗi năm chỉ biếu bố mẹ được 7-10 triệu đồng cũng không cảm thấy hề hấn gì lắm. Thiên hạ thiếu gì người tài giỏi, kiếm tiền nhiều như nước. Việc họ trích vài chục hay vài trăm triệu đồng ra biếu bố mẹ cũng là chuyện thường. Có lúc tôi còn tặc lưỡi: “Mình mà giàu thế có khi còn biếu bố mẹ nhiều hơn”.

Cho đến khi thấy người em khóa dưới khoe trên Facebook hình ảnh chuyển khoản biếu bố mẹ 40 triệu đồng ăn Tết, tôi chợt thấy “điếng người”. Đó là cô em học cùng cấp ba với tôi, kém tôi 2 tuổi. Năm xưa, chúng tôi cùng trong đội tuyển thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, tôi là thí sinh lớp 12, còn em ấy thi vượt cấp.

Tôi biết em ấy rất giỏi nhưng khi nói chuyện với tôi, em vẫn giữ đúng mực là bậc “đàn em”, thường hỏi tôi kinh nghiệm học Văn, thậm chí còn xin các bài văn của tôi làm mẫu.

 

Sau này, tôi thi đỗ vào trường Nhân văn. Lúc thi đại học, em hỏi tôi rất nhiều về định hướng chuyên ngành, nghề nghiệp. Cuối cùng, em cũng chọn trường Nhân văn như tôi nhưng học chuyên ngành khác.

Bẵng đi một thời gian không liên lạc, tôi mới vô tình tìm lại được Facebook của em. Lúc này, em đã là trợ lý giám đốc cho một công ty Hàn Quốc. Tôi không tò mò quá nhiều về công việc, mức lương, cũng như khả năng thăng tiến của em, cho đến khi thấy em khoe bức ảnh chuyển khoản biếu bố mẹ 40 triệu đồng ăn Tết.

Tôi nhắn tin hỏi thăm thì được biết, sau khi ra trường em đã làm ở hai công ty khác nhau. Khi dày dặn kinh nghiệm, em mạnh dạn nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí trợ lý giám đốc và được nhận. Mức lương thưởng hiện tại của em là con số mà tôi mơ cũng không được.

Nhìn lại chính mình, tôi thấy tự ti. Năm nay, công ty tôi gặp khó khăn, nhân sự làm việc 100% công suất nhưng chỉ nhận được 70% lương. Lương thưởng giảm sút, tôi còn không đủ tiền để biếu bố mẹ 7-10 triệu đồng ăn Tết như mọi năm.

Mấy ngày gần đây, lòng tôi buồn bã vì thấy bản thân kém cỏi. Có lẽ, thay vì làm mãi ở một vị trí, tôi phải học hỏi thêm, từ ngoại ngữ đến kiến thức chuyên ngành. Tôi phải nâng cấp bản thân để vừa tránh khỏi “cơn bão đào thải”, vừa tìm được một công việc với mức lương thưởng tốt hơn.

Phút thành thật: Tốt nghiệp bằng giỏi nhưng đi làm xe ôm, tôi sợ về quê ăn Tết - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 05/02/2024 08:05 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])