Lưu bài Bỏ lưu bài
Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 2

Ba năm cấp 3, tôi được bầu làm lớp trưởng của một lớp có 38 học sinh nữ và 7 học sinh nam. Tôi không phải đứa có học lực giỏi nhất lớp nhưng lại là đứa năng động, nhanh nhẹn và được nhận xét là bản lĩnh nhất. Bởi thế, tôi mới quản được 7 chàng trai nghịch ngợm nổi tiếng của trường.

Thế nhưng, ở cái tuổi mới lớn “ngựa non háu đá” cũng có lúc tôi hành xử theo kiểu mình là nhất, mình ở trên tất cả mọi người. Lối suy nghĩ phiến diện đó khiến tôi nhận “trái đắng”.

Trường tôi có một bác lao công bị câm. Một mình bác gần như “thầu” hết mọi việc, từ vệ sinh lớp, sân trường đến dọn cỏ, chăm sóc vườn hoa… Ngày nào bác cũng đi làm rất sớm và về rất muộn, lầm lũi làm việc, ít khi giao tiếp với ai dù chỉ là một nụ cười hay một cái gật đầu…

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 3

Tôi vốn không quan tâm đến mấy người lầm lì như thế. Các học sinh khác gặp bác dọn dẹp ở trường còn chào hỏi chứ tôi thì không bao giờ. Hôm đó là sáng thứ 7, học kỳ 1 năm lớp 12, tôi và một bạn khác được phân công trực nhật nên đến rất sớm.

6 giờ sáng có mặt ở lớp, tôi đã thấy bác lao công cặm cụi dọn dẹp phía cuối lớp. Công việc trực nhật của tôi lẽ ra sẽ là kê lại bàn ghế, giặt giẻ lau bảng, lau bảng sạch sẽ, quét lớp và hành lang… nhưng thấy bác lao công đang làm, tôi mặc kệ. Tôi và đứa bạn thản nhiên ngồi bàn đầu, lôi hạt hướng dương ra cắn và vứt vỏ bừa bãi dưới chân.

Số tôi đen đủi, đúng ngày hôm đó, cô giáo chủ nhiệm cũng đến sớm. Cô giáo chủ nhiệm của tôi dạy Sử, còn tôi là học trò cưng trong đội tuyển thi học sinh giỏi Sử của cô. Tôi và cô bình thường trò chuyện vui vẻ, thân thiết như hai chị em vậy.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 4

Hôm đó, nhìn đống rác dưới chân tôi, cô rất tức giận. “Huyền! Không phải hôm nay bàn em được phân công trực nhật sao?”, cô hỏi. Tôi hồn nhiên chỉ tay xuống cuối lớp, trả lời: “Cô thấy đấy, bác lao công đang dọn rồi”.

Lớp đã có lác đác vài người đến, chứng kiến cuộc tranh luận của cô chủ nhiệm và tôi. “Nhiệm vụ của các em thì các em phải làm, để cho bác ấy sang khu khác dọn dẹp. Đây các em không làm còn xả rác ra lớp, ý thức để đâu?”. Tôi vẫn cãi: “Bọn em phải xả thì bác lao công mới có rác để quét. Có việc để làm thì mới có lương chứ cô? Em đang tạo công ăn việc làm cho bác ấy”.

Cô đập tay xuống bàn, mắt đỏ lên tức giận, tuyên bố tôi phải trực nhật 1 tuần, dọn dẹp cả lớp học và hành lang. Tiếng quát khiến bác lao công ngẩng lên, xua xua tay tỏ ý không sao, còn tôi thì khóc không thành tiếng. Cô giáo chủ nhiệm thay mặt tôi xin lỗi bác lao công và nói, tuần tới, bác không cần đến lớp dọn vệ sinh.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 5

Thứ 7 hôm đó có tiết sinh hoạt, tôi một lần nữa bị cô trách phạt. Trước mặt cả lớp, cô nói rất thất vọng về thái độ và hành vi ứng xử của tôi. Cô còn nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Về nhà, em thử ngẫm lại xem mình có xứng đáng là lớp trưởng, dẫn dắt cả lớp không?”.

Tôi nhận ra cái sai của mình, xấu hổ trước cô giáo và các bạn. Nhưng điều càng khiến tôi xấu hổ hơn là thái độ của bác lao công. Suốt 1 tuần sau đó, sáng nào bác cũng đến sớm cùng tôi dọn dẹp lớp và hành lang, còn sợ tôi bẩn quần áo nên tranh việc hót rác, đổ rác… Hai ngày đầu, tôi cúi gằm mặt làm việc, xấu hổ không dám nhìn bác. Đến ngày thứ ba, tôi mới can đảm đến nói lời xin lỗi. Thấy bác gật đầu, nở nụ cười hiền từ tôi như trút được gánh nặng. Những gì tôi học được từ sự việc lần đó còn quý hơn những bài học trong sách vở.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 6

Trường cấp ba của tôi có một thầy giáo dạy Tiếng Anh tên Trung Văn, nổi tiếng nghiêm khắc và “khó ở”. Các thầy cô khác đôi khi còn “mắt nhắm mắt mở” cho chúng tôi quay cóp bài thi 15 phút hay 1 tiếng để gỡ điểm cuối kỳ chứ thầy Trung Văn thì không bao giờ. Chỉ cần để thầy phát hiện ra ai gian lận thì người đó khó mà yên ổn ra trường.

Chúng tôi gọi thầy là “thầy giáo hắc ám”. Thầy nghiêm khắc với học sinh, học sinh cũng ghét thầy ra mặt, đôi khi gặp chẳng thèm chào. Thầy rất giỏi, chủ yếu dạy các lớp chuyên Anh từ lớp 10 đến lớp 12. Riêng lớp khối C chúng tôi, vì quá dốt môn Tiếng Anh nên nhà trường phân công thầy giảng dạy tăng cường vào năm lớp 12 để thi tốt nghiệp.

Thầy đến dạy, lớp chúng tôi một phen lao đao. Những bài kiểm tra đầu tiên, điểm dưới trung bình nhiều như ngả rạ. Tiết học nào cũng căng thẳng với khối kiến thức “khổng lồ”, kèm thêm hàng tá bài tập về nhà. Đến giờ kiểm tra, thầy thu hết điện thoại, sách vở, tuyên bố ai quay cóp thầy cho trượt môn, khỏi tốt nghiệp luôn.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 7

Bản thân tôi cũng có khúc mắc lớn với thầy, khi một lần bị thầy phát hiện dùng từ điển Anh – Việt trong giờ kiểm tra, bị thầy ghi sổ đầu bài rồi bêu rếu trước lớp với lời lẽ khó nghe. Tôi ghim mối thù này, chờ ngày trả đũa.

Và ngày đó cũng đến. Qua một người bạn của mẹ tôi, tôi biết được thông tin, thầy có một người con trai bị thiểu năng trí tuệ, nhiều năm nay vợ thầy nghỉ việc trông con, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Buổi học hôm đó, tôi đem tin này kể với cả lớp. Đủ các lời bàn tán về thầy, một vài đứa tỏ ra thương cảm nhưng đa phần đều rất hả hê, trong đó có tôi.

Tôi oang oang nói: “Chúng mày thấy chưa? Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Cứ đì đọt con nhà người ta rồi cuối cùng con mình cũng chả ra hồn”. Đúng lúc ấy thầy bước vào, thì ra đã đến tiết Tiếng Anh và tiếng trống báo vào lớp vang lên từ lúc nào nhưng chúng tôi đều không nghe thấy.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 8

Tôi thấy rõ vẻ bối rối và buồn bã trong mắt thầy, chuẩn bị tinh thần cho một cơn thịnh nộ. Nhưng thầy lại chẳng nói gì, lặng lẽ lấy sách, phấn dạy học như bình thường.

Đó là tiết học Tiếng Anh đầu tiên trong suốt nửa năm qua tôi không căng thẳng, không ấm ức… mà chỉ thấy bồn chồn, bất an. Tôi biết, đem chuyện buồn của người khác ra làm câu chuyện mua vui là có tội. Cả lớp hôm ấy cũng im ắng lạ thường, riêng thầy vẫn hăng say giảng dạy và còn chấm cho tiết học điểm A.

Cuối buổi học, tôi lấy hết can đảm, lên gặp riêng thầy nói lời xin lỗi. Thầy không trách mắng, ngược lại còn kể nhiều hơn cho tôi nghe về con trai thầy. Thầy bảo, cậu bé năm nay lên lớp 7, đáng lẽ cũng được đến trường như các bạn nhưng vì sức khỏe không tốt nên phải ở nhà để bố mẹ dạy học riêng. Cậu bé tuy tâm trí không bình thường nhưng rất ngoan ngoãn và còn biết chơi đàn.

Thầy bảo, đó là số phận của con thầy, cũng là số phận của thầy. Thầy vui vẻ chấp nhận và tìm cách cùng con vượt qua. Điều khiến thầy buồn nhất là những lời đàm tiếu bên ngoài như tôi và các bạn vừa nói. Thầy khuyên tôi, bây giờ và sau này, đừng dễ dàng buông lời phán xét hay miệt thị người khác, bởi chúng ta không có quyền. Tôi biết mình đã sai và đến giờ nghĩ lại, cảm giác tội lỗi ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 9

Năm lớp 11, trường tôi có cuộc thi “Đôi bạn cùng tiến”. Mỗi lớp sẽ chọn ra 2 cặp đôi, người giỏi nhất kèm người kém nhất học tập. Cuối kỳ, sẽ lấy điểm tổng kết của cả hai cộng vào, chia đôi, điểm trung bình của đôi nào cao nhất sẽ được vinh danh trước cờ.

Tôi là người học giỏi nhất lớp, được giao nhiệm vụ kèm một bạn nữ học kém nhất lớp tên Hương. Ngoài ra, lớp còn một đôi bạn khác tiên Hiền – Ngọc.

Tôi vốn có tính hiếu thắng, thích thể hiện mình nên lần này quyết tâm cao độ. Tôi muốn chứng minh, bản thân không chỉ học giỏi mà còn có khả năng thay đổi người khác.

Hương - cô bạn cùng tiến với tôi xinh xắn, con nhà giàu nhưng rất trầm tính. Phải thừa nhận, tôi khá coi thường Hương khi thấy bạn quá lười học, lần nào bị gọi lên bảng cũng ú ớ như người ngoài trái đất, bài kiểm tra nào điểm cũng lẹt đẹt trung bình, dưới trung bình. Hương đến lớp theo kiểu chỉ mong ngồi yên và ra trường đúng hạn.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 10

Lần này, tôi lên kế hoạch đưa Hương vào khuôn khổ, thậm chí còn xin cô giáo cho ngồi gần bạn ấy để kiểm soát chuyện học hành. Tôi không quan tâm việc Hương có thích học hay không, khá nhất môn nào, kém nhất môn nào mà chỉ cần bạn ấy phải học thuộc bài để lấy điểm cao, học vẹt cũng được.

Sáng nào đến lớp, tôi cũng hỏi Hương đã học thuộc bài chưa, nếu thấy có vẻ mông lung, tôi bắt Hương ngồi tại chỗ trong giờ ra chơi để học thuộc của môn kế tiếp. Tôi soạn tài liệu cho Hương đem về nhà học, thậm chí, nhiều buổi chiều còn rủ bạn ấy ở lại trường học thêm với tôi.

Nhưng kết quả không mấy khả quan, kết quả học tập của Hương vẫn lẹt đẹt như thế, học trước, quên sau, không nhớ bất cứ kiến thức nào. Trong khi đó, cặp đôi kia thì tiến bộ rõ ràng, rất tích cực trong giờ học.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 11

Tôi nản lòng, thay đổi kế hoạch. Tôi nghĩ, Hương đã lười và không có sức học thì để tôi cố thay bạn ấy, dù sao tôi cũng là đứa học giỏi nhất lớp. Thế là thay vì “cùng tiến” với Hương, tôi tiến một mình. Tôi ra sức học để giành điểm cao trong tất cả các môn, cộng điểm trung bình lại thì điểm số của tôi vẫn nhỉnh hơn cặp đôi kia. Cuối cùng tôi cũng thành công.

Giờ vinh danh trong tiết chào cờ hôm đó “đôi bạn cùng tiến” tôi và Hương giành giải Nhì. Giải nhất thuộc về một cặp đôi bên lớp A1. Giải ba thuộc về cặp đôi Hiền – Ngọc của lớp tôi.

Lúc lên nhận giải, Hương trốn biệt tăm, chỉ một mình tôi lên “ẵm” phần thưởng. Nhìn hai đôi kia vui vẻ, ríu rít nhận thưởng, tôi bỗng nhận ra hình như mình đã sai ở điểm nào đó, trong chính cuộc thi này.

Tôi tìm thấy Hương trong lớp, hỏi bạn ấy tại sao không cùng mình lên nhận giải. Hương lí nhí trả lời: “Thành tích học tập là của một mình cậu, chỉ có cậu mới xứng đáng với giải thưởng này. Tớ không xứng”. “Nhưng đây là cuộc thi đôi bạn cùng tiến, một mình tớ nhận giải thì có ý nghĩa gì?”, tôi đáp.

Tôi trả lời Hương và cũng như trả lời cho chính mình. Đúng, đây là cuộc thi “Đôi bạn cùng tiến” nhằm mục đích giúp đỡ các bạn học kém nhưng tôi không hề quan tâm đến hành trình cố gắng của bạn, những điểm sáng trong thành tích và ý thức học tập của bạn mà chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng.

Phút thành thật: Tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt vì thói coi thường người khác - 12

Tôi vì hiếu thắng mà tạo ra áp lực cho bạn và cho chính mình, rồi giữa chừng bỏ rơi bạn. Như vậy thì đâu gọi là “Đôi bạn cùng tiến” nữa. Tôi thổ lộ lòng mình với Hương: “Tớ biết mình sai ở đâu rồi. Xin lỗi cậu. Nếu được, tớ muốn kèm cậu học từ giờ đến hết năm, một cách tích cực và thoải mái nhất. Đôi bạn cùng tiến giờ là cuộc thi của riêng chúng mình. Được chứ?”.

Năm đó, Hương đã làm được và tôi cũng làm được. Lần đầu tiên trong 11 năm học, bạn ấy giành danh hiệu học sinh khá. Danh hiệu ấy khiến tôi vui hơn cả thành tích của chính mình và vui hơn cả phần thưởng “Đôi bạn cùng tiến” ngày nào.

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Nguồn ảnh: Internet

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 20/09/2021 07:41 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])