Tôi vẫn thấy người ta hay nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói này có ý định phân biệt chức năng giới rất rõ ràng. Đó là đàn ông thì làm việc lớn, trụ cột gia đình, trụ cột kinh tế. Còn đàn bà sẽ chỉ lo chuyện bếp núc, làm hậu phương, duy trì ngọn lửa hạnh phúc cho gia đình. Là một người phụ nữ hiện đại của thế kỷ 21, tôi cho rằng câu nói này đã lỗi thời. Trong thời buổi này, tôi có thể lập tức đọc tên vô số người phụ nữ “xây nhà” giỏi hơn đàn ông.
Tôi không tự hào về bản thân nhưng tôi cũng nằm trong số phụ nữ biết “xây nhà”. Tôi không được ăn học đến nơi đến chốn, tôi phải bỏ giảng đường đại học để lo kiếm sống phụ giúp gia đình. Thế nhưng, chính những năm tháng lăn lộn với cuộc sống, học một trường đại học khác ngoài xã hội đã giúp tôi có được nhiều bài học thực tế quý giá. Tôi có được trải nghiệm, sự tự tin để đến thời điểm này có thể sống sòng phẳng với bạn bè cùng trang lứa mà ngày trước có xuất phát điểm tốt hơn tôi.
Tôi đã kết hôn và với cá tính tương đối mạnh, tất nhiên tôi không mấy hòa hợp với bố mẹ chồng. Trái ngược với tôi, gia đình chồng rất nề nếp gia giáo. Anh được nuôi dạy rất cơ bản và hiện tại đang làm giảng viên. Bố mẹ chồng tôi cũng là cán bộ hưu trí, chính vì thế mà ông bà luôn đòi hỏi con dâu phải chuẩn mực theo đúng nếp ngày xưa.
Rất không may cho tất cả, tôi lại hoàn toàn trái ngược. Không biết bao nhiêu lần gia đình tôi nảy ra tranh cãi vì chuyện bếp núc. Mẹ chồng tôi luôn ôm hết việc nội trợ vào mình. Tôi chưa từng thấy bố chồng tôi đụng chân đụng tay vào việc bếp núc, tôi dám cá là ông còn không biết sử dụng nồi cơm điện. Chồng tôi cũng vậy, nhìn thấy anh rửa cốc uống cà phê cũng là điều hiếm chứ đừng nói rửa bát sau bữa ăn.
Cách giáo dục của nhà chồng tôi đã tạo nên những người đàn ông như vậy và tất nhiên mọi gánh nặng sẽ dồn lên người phụ nữ. Mẹ chồng tôi đã rất kỳ vọng tôi sẽ cùng bà gánh vác chuyện nội trợ. Thế nhưng bà đã nhầm. Thời điểm chuẩn bị bữa cơm tối lại chính là lúc công việc của tôi bận rộn nhất. Tôi có mở một quán ăn gần trường cấp 2, cấp 3 và một sân bóng đá mini. Cuối giờ chiều là lúc quán hoạt động hết công suất. Nhu cầu ăn nhẹ của các em học sinh để chuẩn bị cho ca học thêm buổi tối rất cao, thêm nữa, dân công sở cũng tận dụng thời gian này để đến đá bóng tăng cường thể lực.
Mẹ chồng tôi lại không hiểu cho công việc kinh doanh. Bà muốn tôi phải ở nhà để chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình. Bà nói gia đình không yêu cầu tôi phải kiếm nhiều tiền, chỉ cần lo cho chồng con cơm lành canh ngọt là được. Tôi nghĩ: “Mẹ không yêu cầu nhưng con muốn kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền. Đang có cơ hội mà không tận dụng sau này phải ngửa tay xin tiền ông bà hay sao”. Có lần do bực tức tôi đã to tiếng: “Bằng đó thời gian nấu cơm tối, con ở ngoài quán thì kiếm được tiền mua 5 mâm cỗ rồi. Mà cỗ còn ngon hơn cơm, mẹ bắt con về làm gì”. Từ đó, mẹ chồng tôi có thái độ rất khác. Bà vừa giận vừa dỗi đứa con dâu thẳng tính nhưng tôi thấy mình không làm gì sai cả.
Là phụ nữ, ai cũng muốn tìm được một người bạn đời lý tưởng để có thể cùng nhau sống đến đầu bạc răng long. Chồng tôi là một người đàn ông tốt. Anh là trai thành phố, sống lãng mạn, trí thức và rất tinh tế. Chính cái lịch thiệp, tế nhị của anh đã khiến tôi phải lòng. Tôi là cô gái ngoại thành, thêm nữa lại làm việc trong môi trường lao động phổ thông. Chính vì thế, bạn bè đồng nghiệp của tôi thường là nam và tương đối... thô lỗ.
Ở cạnh anh tôi mới thấy mình được trân trọng như một người phụ nữ đúng nghĩa. Với những người bạn ở công ty, tôi chẳng khác nào một người bạn cùng giới. Mọi người nói chuyện cưa gái, thả thính, thậm chí cả chuyện bóc bánh trả tiền trước mặt tôi cứ như chuyện bình thường. Tôi cũng đã quen và không còn ngại nhưng có thể sống quá lâu trong môi trường như vậy mà tính tôi cũng trở nên bỗ bã, cẩu thả.
Tôi may mắn không phải sống chung với bố mẹ chồng. Sau khi kết hôn, chúng tôi đã được giúp đỡ mua một căn chung cư. Bố mẹ chồng tôi vẫn còn khỏe và muốn tôn trọng cuộc sống riêng tư nên tạo điều kiện cho ở riêng, khi nào có cháu nội sẽ tính tiếp. Với tính cách của tôi cộng thêm môi trường sống dễ chịu nên tổ ấm của hai đứa hiếm khi nào được gọn gàng, ngăn nắp.
Chồng tôi rất khó chịu về sự bừa bãi đó. Từ bé anh đã quen sống sạch sẽ, tươm tất dưới sự sắp xếp của mẹ nên chắc chắn không ưa một cô vợ như tôi. Anh đã nói rất nhiều, thậm chí còn tự tay dọn nhà nhưng chỉ vài ngày, mọi thứ lại đâu vào đấy. Nhiều lần tôi đã để bát đĩa của bữa tối qua đêm không rửa, thức ăn thừa cũng không bỏ đi, quần áo bẩn cũng chất cao như núi. Chồng tôi quá bực mình nên đã giặt riêng đồ để cho tôi một bài học.
Mọi chuyện có lẽ sẽ chẳng bao giờ thay đổi cho đến một ngày vợ chồng tôi về quê thăm bố mẹ. Tôi cũng sốc khi nhà ở quê cũng bừa bộn chẳng khác nào căn chung cư của hai vợ chồng. Mẹ tôi thường xuyên tham gia những chương trình sinh hoạt của tổ dân phố. Bố tôi cũng có thú vui riêng với những ông bạn hội cờ tướng, dưỡng sinh nên ít khi có mặt ở nhà. Thằng em trai tôi thì tất nhiên cũng chẳng thể dọn dẹp, quán xuyến được công việc dọn dẹp nhà cửa.
Tôi nghe rất rõ tiếng thở dài ngao ngán của chồng kèm lời nói: “Bố mẹ em như thế này chẳng trách em lại sống như thế”. Câu nói đó thực sự đã chạm đến lòng tự trọng của tôi, tôi định cãi lại anh nhưng chẳng biết lấy lỹ lẽ gì để phản biện. Bước chân vào ngôi nhà mình từng lớn lên, chính tôi cũng không chịu được sự bừa bộn này. Tôi đồng cảm với cảm giác của chồng mỗi khi về nhà. Tôi nhận ra anh chưa từng một lần dám mời bạn đến nhà chơi hay tụ tập ăn uống. Anh xấu hổ về tôi. Lúc này tôi chỉ biết lí nhí: “Em xin lỗi” và sẽ quyết tâm thay đổi.
Nghề nghiệp là công cụ để kiếm tiền, thế nhưng lại có nhiều định kiến nghề này sang trọng, nghề kia thấp hèn. Với cánh đàn ông, thì nghề nghiệp cũng trở thành một gánh nặng. Cùng là đồng tiền kiếm về nhưng có không ít người vẫn tồn tại quan điểm rằng tiền của cán bộ, công chức giá trị hơn của người lao động chân tay.
Tôi là người rất thấm thía với sự phân biệt này. Gia đình vợ tôi có 3 chị em gái, tôi lấy chị cả, hai cô em cũng đã kết hôn. Hai người em rể của tôi đều là dân trí thức. Một người làm ở ủy ban xã gần nhà, còn một người cũng lên thành phố làm công việc văn phòng. Chỉ có tôi là thợ. Tôi không có khả năng học cao nên chuyển hướng học nghề. Hiện tại, tôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm và bắt đầu đứng ra làm ăn riêng.
Về kinh tế, tôi khẳng định không hề thua kém 2 cậu em rể. Thế nhưng mỗi khi về thăm bố mẹ vợ, tôi luôn bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Bố vợ tôi tự hào về hai cậu em cọc chèo hơn. Ông luôn khoe một đứa làm cán bộ xã, một đứa ngồi bàn giấy trên Hà Nội. Còn với tôi, ông chỉ giới thiệu qua loa và lờ đi tay nghề của tôi. Hai cậu em kia cũng không được tế nhị. Trong các bữa cơm, chúng luôn khoe các mối quan hệ với người nọ người kia, rồi dùng các từ chuyên môn, thỉnh thoảng pha chút tiếng Anh cho sang chảnh.
Oách trên mâm cơm là thế nhưng mỗi khi nhà có việc cần đến kinh tế, vợ chồng tôi luôn phải đứng ra. Thậm chí không ít lần, hai cô em vợ còn thủ thỉ với vợ tôi để vay tiền. Đứa thì vay để “bôi trơn” công việc cho chồng, đứa thì vay để chạy cho con vào trường tiểu học có tiếng. Hai cô em tâm sự, chồng chỉ được cái mác thôi chứ trong nhà hiếm khi có nổi vài chục triệu để dành. Vợ tôi vì giận sự thiên vị của bố, giận sự thiếu tế nhị của hai cậu em nên không cho vay nhưng tôi vẫn đồng ý vì dù sao cũng là người một nhà.