Không chỉ nàng dâu, chàng rể cũng gặp phải nhiều tình huống éo le khi về quê ngoại đón Tết. Họ có những nỗi lòng mà không phải ai cũng thấu hiểu.
Tôi là người Hà Nội, lấy vợ quê Hà Tĩnh. Vì khoảng cách xa xôi, lại vướng con nhỏ nên đến Tết này, sau 3 năm cưới nhau, vợ chồng tôi mới có dịp về quê ngoại đón Tết.
Thú thực, vì ít có cơ hội về quê, ít gần gũi bố mẹ, gia đình nhà vợ nên tôi khá bối rối. Chưa kể, tôi còn là người hướng nội, ít khi gặp gỡ, giao tiếp bạn bè, lại càng không biết uống rượu. Những ngày giáp Tết, vợ con tôi háo hức bao nhiêu, tôi lại hoang mang, lo lắng bấy nhiêu.
Đúng như dự đoán, những ngày ăn Tết quê ngoại của tôi chẳng mấy suôn sẻ. Tôi không ngờ, văn hóa giao lưu dịp Tết ở nhà vợ lại sôi nổi như thế. Một ngày, bố vợ tôi tiếp biết bao khách khứa, khách nào vào ông cũng sai vợ con đem cỗ, rượu bia ra tiếp đãi.
Tôi là chàng rể mấy năm mới về đón Tết một lần nên lại càng được mọi người chú ý. Hai ngày đầu tiên, hễ khách đến nhà là bố vợ gọi tôi ra tiếp chuyện. Ông nói: “Năm nay có con rể tiếp rượu khách, bố nhàn rồi”. Thế nhưng, tôi lại không biết uống rượu nên chỉ nhấp môi chút ít, sau đó mượn cớ từ chối.
Dường như lời từ chối của tôi khiến cả bố vợ lẫn khách khứa rất hụt hẫng. Sau vài lần nài ép không được, họ cụt hứng rồi quay sang nói mấy lời “mát mẻ” khó nghe như: “Cháu làm thế là không coi chú ra gì rồi”, “Về Hà Tĩnh làm rể 3 năm rồi giờ mới ló mặt, vậy mà còn không mời được bác chén rượu”, “Rể này hỏng rồi anh ơi”... Bố vợ tôi mỗi lần nghe vậy đều sa sầm mặt mày.
Tối mùng 1 Tết, ông buông lời trách móc tôi ngay trong bữa cơm, nói tôi không nể mặt ông và họ hàng của ông. Vợ tôi lên tiếng đỡ lời: “Nhà con không biết uống rượu thật bố ạ”. Ông quắc mắt lên quát: “Làm thằng đàn ông mà chén rượu không biết uống thì làm được trò trống gì”.
Cái Tết với tôi vậy là tan nát nhưng vẫn phải đợi đến mùng 4 Tết mới có thể đưa vợ con về lại Hà Nội. Tôi biết vợ ở giữa rất khó xử nhưng cũng không có cách nào.
Hai ngày sau đó, mỗi khi khách đến nhà hỏi đến con rể, bố vợ tôi lại mỉa mai: “Rể gì, dế thì có”, “Giai thành phố, không biết uống rượu như nhà quê chúng ta đâu. Kệ nó”... Mỗi câu nói đều khiến tôi vừa ngượng, vừa giận nhưng phận làm con, tôi không dám lên tiếng cãi lại.
Với tôi, Tết là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy chứ không phải dịp nhậu nhẹt, bù khú. Tôi dù bị bố vợ giận dỗi, khinh ra mặt nhưng vẫn không cho rằng, bản thân đã sai. Có lẽ, sự khác biệt về văn hóa, thế hệ đã tạo nên tình huống khó xử này.
5 năm lấy chồng là 5 năm tôi sợ Tết vô cùng bởi, 5 năm đó tôi phải đón những cái Tết bận rộn, mệt mỏi.
Nhà mẹ đẻ tôi và nhà chồng rất khác nhau. Bố mẹ tôi quan niệm, Tết là một kỳ nghỉ dài hiếm hoi nên ưu tiên sự đơn giản, gọn nhẹ để các thành viên có thời gian nghỉ ngơi. Nhà chồng tôi ngược lại, Tết năm nào cũng rườm rà, từ thủ tục đón Tết cho đến việc tiếp đãi khách khứa.
Tôi làm việc ở thành phố nhưng Tết năm nào cũng vậy, trước Tết nửa tháng tôi phải về quê mua sắm chuẩn bị Tết. Nào bánh kẹo, nào hoa hoét, đào quất, bát đũa, chén đĩa... mọi thứ phải thật chu toàn.
Mấy ngày cận Tết, tôi quay sang mua sắm thịt thà, bánh trái, rau củ... Bố mẹ tôi trọng lễ nghĩa, bàn thờ, miếu điện lúc nào cũng phải đầy đủ mọi thứ mà để nhớ được những thứ đó, tôi phải viết kín cả một trang giấy.
Nhưng bấy nhiêu đó chưa là gì so với những ngày trong Tết. Mấy ngày Tết người ta xúng xính váy áo du xuân, còn tôi tất bật với guồng quay làm cơm cúng, thắp hương, chuẩn bị cỗ đãi khách, rửa bát... Nơi quen thuộc nhất với tôi trong những ngày Tết chính là góc bếp.
Bố mẹ chồng tôi thậm chí còn “đặc cách” cho tôi không phải đi chúc Tết, chỉ để ở nhà lúc nào cũng có người phục vụ cơm nước, đồ nhắm khi khách tới nhà. Bố tôi là con trưởng, chồng tôi là cháu đích tôn, mỗi ngày có mấy tốp khách đến làm lễ, chúc Tết. 5 năm ở nhà chồng, tôi vẫn không hiểu tại sao hễ khách đến nhà là phải sắp cỗ tiếp đãi mà không thể chỉ mời mấy thứ bánh trái đơn giản. Dù cho lần nào mâm cỗ bưng ra cũng chẳng mấy ai động đũa.
Chiều mùng 3 Tết hằng năm, tôi sẽ có mặt ở quê ngoại. Từ hôm đó cho đến ngày trở lại thành phố làm việc, tôi làm bạn với chiếc giường. Việc quá mệt với Tết quê nội khiến tôi không còn hào hứng với việc du xuân quê ngoại.
Tôi không biết đến bao giờ, mình mới được “cởi trói” trong những ngày Tết đến xuân về.
Năm nay là Tết đầu tiên tôi đón Tết quê chồng và những thứ tôi nhận được toàn là áp lực và thất vọng.
Bố mẹ chồng tôi có hai người con trai. Vợ chồng bác cả đi làm ăn xa, cả năm chỉ về thăm nhà ngày Tết. Có lẽ vì thế, chị dâu tôi được mẹ chồng yêu quý hơn.
Trong bữa cơm tất niên của đại gia đình vào ngày 29 Tết, mẹ chồng tôi thiên vị ra mặt. Bà bảo mấy ngày Tết chị dâu tôi cứ ở nhà riêng nghỉ ngơi thoải mái, bên này đã có dâu mới là tôi lo liệu. Mới nghe tôi đã biết, Tết này sẽ chẳng mấy dễ dàng với mình.
Và đúng như dự liệu, mấy ngày Tết tôi quay cuồng với việc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp. Ngày nào, tôi và mẹ chồng cũng tất bật đón hết đoàn khách nọ, đến đoàn khách kia. Ngay cả chút thời gian gọi điện về chúc Tết ba mẹ, tôi cũng bị hạn chế.
Mẹ chồng tôi kỹ tính, việc gì cũng phải làm một cách tỉ mẩn, hoàn hảo. Tôi nhiều lần bị bà sẵng giọng chê bai vụng về, từ chuyện gói nem cho đến việc sắp xếp mâm cỗ... Tôi chỉ còn cách bao biện, vì mới về làm dâu, chưa hiểu lễ nghi đón Tết nhà chồng nên còn thiết sót.
Tối mùng 2 Tết, tôi mệt mỏi, chóng mặt vô cùng nhưng vẫn phải thịt gà, chuẩn bị mâm cỗ mới để bố chồng đãi khách. Tôi nhắn chồng vào bếp giúp đỡ vì bình thường ở thành phố, chồng tôi vẫn vui vẻ san sẻ việc nhà với vợ.
Mẹ chồng tôi thấy cảnh đó, nói thất thanh: “Q. lên nhà chuẩn bị tiếp khách với bố. Bếp núc là việc của phụ nữ, đàn ông cắm mặt vào đó làm gì”. Tôi ngỡ ngàng với quan điểm sống của mẹ chồng, dù cố gắng nhẫn nhịn không lên tiếng phản bác nhưng trong lòng hụt hẫng, thất vọng vô cùng.
Khi trở về ngoại, tôi phàn nàn việc này với chồng. Lời anh ấy nói khiến tôi bất ngờ hơn: “Mẹ vốn không phải người cổ hủ như thế. Trước đây, anh trai vẫn thường giúp đỡ chị dâu chuyện bếp núc, bố mẹ cũng không ý kiến gì. Có lẽ, em là dâu mới nên mẹ muốn rèn chăng”.
Bà rèn tôi suốt mấy ngày Tết còn chưa thỏa mãn hay sao mà còn phải lên giọng “phủ đầu” tôi như thế. Tết này, tôi thực sự thấm nỗi chạnh lòng, tủi phận khi làm dâu.