Chúng tôi cưới nhau sau 5 năm yêu đương, tưởng hiểu hết về nhau mà vẫn có nhiều thứ không ngờ được. Vợ tôi sau khi sinh trở nên khó tính, thích kiểm soát chồng từ các mối quan hệ riêng tư đến chuyện tiền nong. Tôi cũng cố gắng chiều ý vợ cho êm cửa êm nhà.
Nhưng khi mẹ tôi ra Hà Nội chăm cháu, mâu thuẫn gia đình bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Vợ tôi như biến thành con người khác, tính toán chi li, thường xuyên cáu gắt, cả ngày nhắn tin tố cáo mẹ chồng thế này, thế nọ với tôi. Ban đầu tôi còn khuyên nhủ cô ấy nên hiểu cho bà chưa kịp hòa nhập với lối sống ở thành phố nhưng sau này, bất kể đúng sai tôi đều bênh mẹ. Tôi cho rằng, mẹ đã quá thiệt thòi khi bỏ quê ra Hà Nội chăm cháu mà còn bị con dâu soi mói, nói xấu.
Đi làm vất vả cả ngày, mỗi lần về nhà nhìn thấy vẻ mặt lầm lì của vợ, tôi vô cùng chán nản. Có lúc, tôi còn nói dối phải tăng ca để không về nhà sớm. Vợ chồng ngày càng ít chuyện trò, tôi không hiểu được mấy vấn đề nhỏ nhặt xoay quanh bỉm sữa, mẹ chồng – nàng dâu của cô ấy. Cô ấy cũng không hiểu được những vấn đề xã hội, công việc để chia sẻ cùng tôi.
Cuộc sống ngột ngạt, tôi tìm đến bạn thân của vợ để trút bầu tâm sự. Thuở cua vợ, tôi từng nhờ cô ấy giúp đỡ rất nhiều. Cô ấy cởi mở, phóng khoáng, tính cách có chút nam tính nên rất hợp làm bạn với cánh đàn ông chúng tôi.
Tôi tâm sự với cô ấy mọi thứ, từ chuyện vợ thay đổi tính nết, thích kiểm soát chồng đến chuyện khắt khe với mẹ chồng. Có vẻ như cô ấy còn độc thân nên suy nghĩ thoáng, đồng ý với tôi rằng vợ tôi đã ứng xử chưa khéo nên mới khiến gia đình hỗn loạn như vậy. Cô ấy còn đưa ra cách xử lý của bản thân nếu rơi vào trường hợp đó khiến tôi hài lòng lắm. Quả là một cô gái hiểu chuyện và quá may cho ai cưới được cô ấy làm vợ.
Một lần, trong lúc lấy điện thoại của tôi chuyển tiền, vợ tôi đọc được toàn bộ tin nhắn đó. Cô ấy chìa đoạn tin nhắn trước mặt tôi nhưng không nổi giận, cũng không chất vấn, chỉ lặng lẽ thu xếp quần áo, rồi nói muốn đưa con về ngoại nghỉ ngơi vài ngày.
Trong lòng tôi hoảng hốt nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra bình tĩnh vì cho rằng, mình chỉ tâm sự chuyện gia đình chứ không ngoại tình với bạn thân của vợ. Nhưng càng nghĩ, tôi càng nhận ra mình sai. Nhà có chuyện, thay vì chia sẻ với vợ tôi lại đi tâm sự với người khác. Đặt mình vào vị trí của cô ấy, tôi hiểu vợ đã tổn thương đến mức nào.
Tôi phi xe máy 70 cây số về quê ngoại gặp vợ. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện thẳng thắn như thế. Không cáu gắt, không cãi vã, chúng tôi đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu. Vợ tôi khóc nức nở, bao nỗi niềm kìm nén bấy lâu bộc phát ra. Cô ấy bảo, tôi luôn mặc định cô ấy sai trong mọi tình huống, chưa bao giờ hiểu cô ấy phải chịu đựng những gì trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Khi tâm sự chuyện mẹ chồng với tôi, cô ấy không cần tôi phải đứng ra phân xử công khai ai sai, ai đúng mà chỉ cần tôi an ủi, vỗ về.
Khi đọc những tin nhắn kia, vợ không nghi ngờ tôi có tư tình với bạn thân của cô ấy mà thất vọng vì tôi đã không tin tưởng và chia sẻ với vợ. Cô ấy đề nghị ly thân một thời gian vì cuộc sống hôn nhân đã khiến cô ấy quá mệt mỏi.
Tôi sợ hãi tột độ, tưởng như sắp mất hết mọi thứ đến nơi. Tôi xin lỗi và đề xuất cô ấy chỉ ở lại nhà ngoại một tuần để có thời gian cân bằng tâm trạng rồi đưa con trở lại Hà Nội.
Biến cố này cho tôi một bài học quý giá. Hạnh phúc vợ chồng đến từ sự tin tưởng, thấu hiểu và sẻ chia với nhau. Một khi không còn sự tin tưởng thì tình cảm sẽ dần nguội lạnh và hôn nhân đi vào ngõ cụt.
Không phải ai sinh ra đã biết cách làm mẹ chồng. Tôi cũng vậy. Trải qua nhiều chuyện, tôi mới biết làm thế nào để vun đắp mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Tôi có 3 người con, 2 gái, 1 trai. Hiện giờ, tôi sống cùng vợ chồng con trai và cô con gái út ở Vũng Tàu.
Con gái cả của tôi đi lấy chồng phải chịu cảnh mẹ chồng – nàng dâu rất vất vả. Nhìn cuộc sống của con tôi luôn tự nhủ, khi con trai lấy vợ, tôi sẽ làm một người mẹ chồng tốt, không thành kiến, hành hạ con dâu.
Và tôi nghĩ mình đã làm tốt vai trò này. Con dâu đẻ, tôi vào Vũng Tàu chăm cháu, không nề hà việc gì từ nấu cơm đến giặt giũ quần áo. Hết 6 tháng nghỉ sinh, con dâu đi làm trở lại, tôi ở nhà một tay chăm cháu chu toàn. Con dâu đi làm về chỉ việc chợ búa, cơm nước, tắm giặt, cho con ăn rồi đợi chồng và em chồng về ăn cơm.
Tôi chẳng bao giờ lớn tiếng với con dâu. Tôi luôn nghĩ, so với con gái tôi, con dâu đã gọi là có phúc khi có một bà mẹ chồng hiểu chuyện như vậy.
Thật lòng mà nói, tôi cũng có nhiều điều chưa ưng ý với nàng dâu này. Con dâu tôi thường sai chồng làm mấy việc vặt như pha sữa, rửa bình sữa, thay bỉm cho con. Một lần, con bé còn thản nhiên sai chồng rửa bát, để mình cho con đi ngủ. Tôi cũng chẳng mắng mỏ gì, chỉ bảo: “Vài cái bát, bận thì bảo mẹ rửa cho, sao lại sai chồng như thế. Nó đi làm cả ngày cũng mệt rồi”. Con dâu tôi không cãi lại, bê bát đi rửa và từ sau đó không còn sai bảo chồng.
3 năm sống với nhau, tôi và con dâu chưa hề to tiếng với nhau. Nhưng có một lần, tình huống bất ngờ xảy đến khiến tôi phải nghĩ lại về mối quan hệ này.
Đó là lần con dâu tôi phát hiện ra chồng đi hát karaoke tay vịn. Con bé đóng cửa phòng, khóc lóc, làm ầm ĩ với chồng, còn xếp quần áo vào vali đòi bỏ về ngoại. Tôi nghe thấy thế, đùng đùng xông xao mắng té tát: “Đi thì dễ, về thì khó. Một khi cô mang con ra khỏi căn nhà này thì không bao giờ có đường quay lại. Ai cho phép cô làm cái nhà này xào xáo lên?”. Tôi quên mất, nguồn cơn của cuộc cãi vã là lỗi lầm của con trai, chứ không phải con dâu.
Dĩ nhiên, con dâu tôi không dám đi vì chẳng có ai vì chồng đi hát karaoke tay vịn mà đòi ly hôn. Chiều hôm sau, khi con dâu đi làm về, tôi một lần nữa vào phòng phân tích cho nó thấy, nó đã may mắn thế nào khi lấy được người chồng giỏi kiếm tiền như con trai tôi và có một mẹ chồng thấu tình đạt lý như tôi.
Nhưng những lời con dâu nói sau đó, khiến tôi bàng hoàng. Con bé mắt ráo hoảnh nói ra nỗi ấm ức suốt 3 năm nay.
Con bé nói, nó là một đứa tự lập, vốn quen với cuộc sống tự do. Trước khi cưới, nó đã nói rõ với chồng rằng, muốn có một gia đình nhỏ, vợ chồng con cái ở với nhau. Nó đẻ được thì nuôi được, không muốn nhờ mẹ chồng chăm cháu vì biết sự khác nhau giữa hai thế hệ sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn.
Nhưng vì chồng muốn nên nó vẫn chấp nhận việc sống chung với cả mẹ chồng và em chồng. Suốt 3 năm nay, nó sống trong ngột ngạt, luôn đặt chữ nhịn lên đầu.
Nó nhận ra rõ ràng sự phân biệt đối xử của tôi với con trai, con gái và con dâu. Với con trai, con gái, tôi luôn hết lòng yêu thương, chiều chuộng, không muốn hai đứa phải làm bất cứ việc gì khi về nhà. Còn với con dâu, tôi muốn nó phải hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ và một người con dâu. Dù cũng đi làm 8 tiếng 1 ngày như chồng và em chồng nhưng khi về nhà nó vẫn tất bật với việc nhà, con cái. Với tôi, đó là chuyện hiển nhiên vì ai đi lấy chồng mà chẳng vậy.
Tôi sáng nào cũng dậy nấu cơm cho con gái mang đi làm. Một vài lần con dâu dậy muộn do con quấy đêm, tôi phải nấu cả phần cơm cho con dâu thì tỏ ý không vừa lòng.
Mỗi ngày, con trai, con gái đi làm về, tôi đều bê nước, hoa quả lên tận phòng cho ăn. Nhưng con dâu thì không bao giờ có chế độ đó.
Con trai bị ốm, tôi mua thuốc, mang cơm vào tận giường. Con dâu phải đi viện khám chân, về nhà tôi không hỏi han gì, chỉ buông một câu: “Có mua được thuốc không mà giờ này mới về”…
Con gái tôi cuối tuần đi chạy thể dục đến 7 giờ tối, về sẵn ăn cơm, tôi bảo: “Đi chạy cho khỏe, cả tuần ngồi một chỗ làm việc rồi”. Con dâu tôi xin phép đi tập gym 2 buổi/ tuần vào lúc chiều tối thì tôi bảo về sớm mà cơm nước cho chồng con.
Hễ con dâu sai chồng việc gì, tôi đều giành làm để con dâu ngại mà không sai bảo nữa.
Tất thảy những thứ con dâu kể ra khiến tôi sực tỉnh. Nếu không thực sự coi tôi là mẹ, con bé đã không chạnh lòng khi tôi phân biệt đối xử giữa ba đứa con như vậy. Tôi vốn nghĩ, làm mẹ chồng, không gây sự và hành hạ con dâu là tốt lắm rồi. Nhưng không, muốn có một mối quan hệ tích cực và gắn bó, cả mẹ chồng và con dâu đều phải gắng sức vun đắp bằng tình yêu thương chân thành nhất.
Nghe quá nhiều câu chuyện tiêu cực của cả bạn bè và trên mạng xã hội nên tôi có thành kiến nặng nề với nhân vật mang tên mẹ chồng. Tôi tự nhủ, nhất định chỉ lấy chồng chứ không sống chung với mẹ chồng.
Nhưng duyên số đưa đẩy, chồng tôi là con trai một trong nhà, bố mất sớm nên việc đón mẹ ra thành phố sống cùng là không tránh khỏi. Tôi sống với mẹ chồng với tất cả sự dè chừng. Quan niệm của tôi là “mệnh ai nấy chống, việc ai nấy làm, nước sông không phạm nước giếng”.
Thật lòng mà nói, mẹ chồng tôi rất hiền lành. Bạn bè, đồng nghiệp hay than thở rằng bị mẹ chồng can thiệp chuyện nuôi con nhưng tôi thì không. Tôi muốn nuôi con kiểu nào chỉ cần nói với bà là bà hợp tác. Tôi cho con ăn dặm kiểu Nhật, bà cũng chịu khó chế biến món ăn cùng tôi. Tôi cho con ngồi ghế ăn dặm, không xem ti vi khi ăn, bà cũng làm theo. Thời điểm tôi cho con nhịn đói để tập ti bình, bà thấy cháu khóc lóc rất xót ruột nhưng cũng không can thiệp một lời.
Vậy mà tôi vẫn không hài lòng về mẹ chồng. Tôi khó chịu khi bà rửa bình sữa cho cháu không sạch, quên dùng sữa tắm và kem hăm cho cháu, đóng bỉm cho cháu 3, 4 tiếng liền không thay. Khi tôi góp ý, bà cũng chỉ bảo “già cả rồi hay quên” rồi cười cho qua chuyện.
Một lần, bà cắm cháo cho cháu mà quên bật nút. Đến giờ con ăn, cháo vẫn còn nguyên hạt gạo, lại thêm công việc đang bế tắc, tôi cáu vô cùng. Bà đang bế cháu pha trò, tôi vùng vằng giật lấy con quay ngoắt đi không nói lời nào. Vào phòng đóng cửa, tôi nhận ra mình vừa hỗn láo nhưng cái tôi quá lớn không cho phép tôi nói lời xin lỗi. Tôi trộm nghĩ, kiểu gì lát nữa con trai về, bà cũng lôi chuyện này ra nói.
Nhưng bà vẫn vui vẻ như không có chuyện gì. Tối đến, tôi ngập ngừng mãi mới dám sang phòng bà xin lỗi. Bà cười hiền từ bảo: “Bố con chẳng may mất sớm, giờ mẹ chỉ có hai con là chỗ dựa. Thôi thì mẹ nhờ con, con nhờ mẹ, nhìn nhau mà sống cho gia đình êm ấm. Chuyện vừa rồi, con hiểu được là tốt”.
Bức tường thành kiến trong lòng tôi lần đầu được phá bỏ. Tôi nhận ra, mình cần mở lòng hơn để đón nhận tình cảm của mẹ chồng và bản thân mình cũng phải thiện chí vun đắp mối quan hệ này.
Tôi cho em vợ vay tiền cách đây 7 năm mua xe tải chở hàng. Số tiền là 150 triệu đồng và một cây vàng. Thuở đó mới cưới, muốn gây ấn tượng tốt với nhà vợ nên có bao nhiêu vốn liếng tôi đưa hết cho em vợ làm ăn.
Ai ngờ, em vợ làm ăn thua lỗ, bán cả xe, cắm cả đất vẫn chỉ đủ trả tiền vay nặng lãi. Khoản tiền và vàng nợ tôi, mấy năm rồi cậu ấy không nhắc đến. Mãi đến năm kia, khi xây lại nhà, tôi mới có cớ đòi lại.
Nhưng cậu nào có tiền trả. Gọi điện, lên nhà đòi bao lần vẫn chỉ một câu trả lời: “Độ này em kẹt quá. Anh đợi em thu xếp ít hôm”. Sau bị gọi đòi nợ nhiều, cậu còn chẳng thèm nhấc máy. Đang thiếu tiền trả công thợ mà tiền mình cho vay không đòi lại được, tôi ức lắm.
Hôm ấy, mẹ vợ xuống chơi, tôi không niềm nở như mọi khi. Trong lúc bàn bạc chuyện làm nhà, hai vợ chồng cãi lộn gì đó, tôi mới nói toáng lên: “Đời tôi chưa bao giờ vay ai một nghìn nào. Cô liệu dạy con, sau này có vay, có trả, đừng hòng quỵt người ta”.
Mẹ vợ tôi nghe vậy, lẳng lặng đội nón ra về giữa trời nắng chang chang. Vợ vội vã đuổi theo, tôi cũng chợt nhận ra mình vừa nói dại. Ngày xưa, người cho cậu vay tiền là tôi, người hồ hởi bảo: “Cậu cứ cầm lấy, bao giờ có thì trả” cũng là tôi. Tôi chẳng có lý do gì để “giận cá chém thớt”, trút giận lên cả vợ và mẹ vợ như vậy. Tôi lên nhà ngoại, lần này không phải để đòi tiền mà là nói lời xin lỗi mẹ vợ.
Bạn đã bao giờ rơi vào những tình huống tréo nghoe như thế này trong cuộc sống, hãy gửi những chia sẻ của mình tới mail Bantrecuocsong@24h.com.vn