Tôi đã ngoài 30 tuổi, về cơ bản không có thành tựu nào đáng tự hào. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin vào làm ở công ty đúng chuyên môn. Từ đó đến nay, tôi gắn bó với công ty này đã ngót nghét chục năm trời. Ngày trước, tôi cũng đã từng nghĩ đến chuyện nhảy việc, nhưng vì nhiều nguyên nhân khiến tôi không thể ra đi. Thời gian cứ trôi, tính máu lửa thời thanh niên cũng nguội dần và tôi thích sự ổn định của hiện tại.
Thâm niên gần mười năm gắn bó đã mang đến cho tôi những phần thưởng xứng đáng. Hiện tại tôi đã được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận. Tôi rất tự tin vào chuyên môn cũng như kinh nghiệm của mình, thế nhưng để trở thành một người quản lý giỏi, từng đó “vũ khí” là chưa đủ. Khi đảm nhận cương vị mới, tôi thực sự cảm thấy khó khăn bởi đối phó với cấp dưới còn nan giải hơn với cấp trên hay khách hàng rất nhiều.
Công ty tôi đang trong quá trình trẻ hóa nhân sự. Lãnh đạo hiểu rằng, thế hệ trẻ sẽ mang đến sức sống mới, sự cạnh tranh, đó chính là yếu tố quyết định giúp công ty tiếp tục phát triển trong thời buổi khó khăn này. Phòng thiết kế của tôi vừa chào đón 3 nhân sự mới, họ đều rất trẻ ở độ tuổi ngoài 20. Chênh lệch tuổi tác tương đối lớn khiến tôi gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp. Thú thật, tôi phải mất cả tháng trời mới thích nghi được với phong cách sống, phong cách làm việc của các bạn vừa hết tuổi teen.
Trong buổi họp khai xuân vừa qua, tôi muốn “gò” đội tân binh này lại, đồng thời muốn truyền tải thông điệp mà với tôi đó là kim chỉ nam cho sự thành công. Tôi muốn các bạn trẻ, những người mới phải cống hiến hết mình cho công ty, hãy cho đi trước khi muốn nhận lại. Thêm nữa, lòng trung thành là tố chất được coi trọng nhất trong môi trường làm việc này.
Thế nhưng kết quả hoàn toàn trái với những gì tôi tưởng tượng. Không hề có một thái độ hợp tác nào cả từ các bạn mới đến. Còn nhớ ngày tôi mới đi làm, gặp ai cũng lễ phép chào từ xa, sếp bảo gì làm nấy, thậm chí còn làm nhiều hơn, ngày nào cũng đi sớm về muộn và chỉ mong nhận được một lời khen chứ chưa cần đến tăng lương. Thế hệ bây giờ khác quá, tôi là sếp trực tiếp nhưng các em công khai bày tỏ thái độ chống đối ngay trong cuộc họp.
Tôi còn biết những nhân viên này còn lập ra những nhóm trò chuyện trên mạng xã hội với mục đích nói xấu, bắt lỗi sếp. Tình cờ một lần tôi đọc được vì có bạn đi ăn trưa không khóa màn hình máy tính, những lời lẽ trong đó vượt ngoài sức tưởng tượng. Đại ý, các bạn trẻ chỉ coi công ty là một trạm dừng chân tạm thời, lương trả thấp thì làm việc theo kiểu lương thấp, thuận mua vừa bán, không có chuyện cống hiến hết khả năng.
Không những vậy, các bạn còn lên kế hoạch để chống đối khi cấp trên giao công việc. Cụ thể, những người trẻ này sẽ không làm việc ngoài giờ, cứ hết giờ là sẽ chấm vân tay ra về. Họ cho rằng đi muộn 5 phút bị phạt thì làm thêm 5 phút cũng phải được trả lương. Thêm nữa, ngày nghỉ họ sẽ không bao giờ nghe điện thoại cũng như phản hồi tin nhắn về công việc.
Chưa dừng lại ở đó, họ sẵn sàng cô lập trưởng bộ phận nếu như có quyết định ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Tôi thực sự sốc với văn hóa làm việc này. Vì không có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới trẻ nên chưa dám khẳng định đây là cách làm việc của thế hệ nhân viên mới, nhưng rõ ràng nó quá khác so với thời của chúng tôi. Tôi đang rất băn khoăn, không biết sẽ tiếp tục “cải tạo” các bạn trẻ hay trao trả lại cho bộ phận tuyển dụng nhân sự của công ty.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc và giờ là lúc bước vào một hành trình mới. Với cá nhân tôi, 2023 sẽ là một cột mốc đặc biệt. Lần đầu tiên tôi chuyển đổi chỗ làm việc kể từ ngày ra trường. Tôi đã gắn bó với công ty hơn 5 năm với biết bao kỷ niệm. Từ ngày còn là cô sinh viên lơ ngơ, tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều điều bổ ích. Công ty không chỉ cho tôi cơ hội được thể hiện năng lực mà còn như một mái trường giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều.
Chính vì thế, ra đi không phải là quyết định dễ dàng. Tôi đã phải cân nhắc gần nửa năm mới có thể bấm vào nút gửi e-mail xin thôi việc. Như đã nói, công ty là nơi tuyệt vời, nơi đây chẳng khác nào ngôi nhà thứ hai của tôi. Thế nhưng, tôi nhìn thấy cơ hội thăng tiến của mình đã hết. Chặng đường phía trước của tôi vẫn còn dài nhưng nếu tiếp tục ở lại, tôi gần như không thể tạo ra bước đột phá. Cơ cấu của công ty đã ổn định, những người anh, người chị lãnh đạo vẫn còn rất giàu sức chiến đấu nên tôi dường như chỉ có thể trở thành cái bóng của họ.
Tôi đã chọn thời điểm đầu năm mới để ra đi. Thế nhưng, chính cái thời điểm nhạy cảm này đã khiến tôi trở thành đề tài đàm tiếu cho những người ở lại. Vì khoản thưởng tết mà tôi bị đánh giá là tính toán, thực dụng. Đáng buồn hơn khi những lời nói này lại xuất phát từ những người đồng nghiệp cùng bộ phận. Họ cho rằng tôi coi công ty như một bàn đạp để tiến thân. Không hiểu vì sao họ biết được mức đãi ngộ của tôi nơi làm việc mới (tất nhiên là tốt hơn chỗ cũ), và thế là họ vin vào đó biến tôi thành một kẻ hám danh lợi, sẵn sàng đánh đổi để có được mức lương tốt hơn.
Thoạt đầu tôi rất buồn khi bị chính những người đồng đội hiểu nhầm. Thế nhưng sau khi bình tâm trở lại, tôi lại cảm thấy đây là phản ứng hết sức bình thường. Tôi nhận ra những người đặt điều đều có năng lực thấp hơn tôi. Họ chưa bao giờ nhận được lời mời nào tốt từ những công ty khác, vì vậy, họ muốn tất cả đều trì trệ như họ. Tôi tự nhủ, nếu như một trong số họ được mời ra đi với mức lương cao hơn hiện tại thì lúc đó, lòng trung thành của họ có giá bao nhiêu?
Ổn định là một khái niệm tương đối xa xỉ với giới trẻ. Với cá tính mạnh cùng quỹ thời gian dồi dào, họ ưa thích những trải nghiệm mới, thử thách mới, nhất là trong môi trường làm việc. Họ muốn được khẳng định bản thân ở nhiều công ty khác nhau, qua đó có sự đánh giá chính xác nhất về năng lực. Đó là sự phát triển rất tốt, thế nhưng việc lựa chọn thời điểm “nhảy việc” thì không phải bạn trẻ nào cũng biết.
Mới năm ngoái thôi, tôi đã rất thấm thía khi chạy theo trào lưu nhảy việc sau Tết. Chẳng hiểu bắt nguồn từ đâu mà các bạn trẻ hò nhau nghỉ việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trên các diễn đàn mạng xã hội, họ thi nhau liệt kê những mặt chưa tốt của công ty, rồi thì chê thưởng Tết thấp, bắt trực Tết hay bị bóc lột sức lao động... Chính vì thế mà “nhảy việc” như một con virus lây lan chóng mặt. Người này thấy người kia nghỉ việc thế là cũng nhắm mắt nhắm mũi làm theo.
Thật dại dột khi tôi cũng nằm trong danh sách đó. Tôi không có mâu thuẫn nào với công ty nhưng cảm giác nhàm chán thì có. Tôi không muốn lặp đi lặp lại guồng quay 8 giờ sáng đi làm, 5 giờ chiều đi về, rồi thì quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những con người ấy, những công việc ấy. Thế là tôi cũng chẳng ngần ngại viết đơn xin nghỉ.
Những ngày đầu nghỉ làm, tôi hào hứng lắm, cũng lên khắp các diễn đàn để khoe thành tích. Tôi tự thưởng cho mình những ngày nghỉ, tôi thức thâu đêm cày phim, chơi games rồi hôm sau có thể ngủ đến chiều. Nói cách khác, tôi đã có một guồng quay mới, thay vì làm việc thì tôi lại phá sức khỏe và lãng phí thời gian. Nuông chiều bản thân được hơn một tháng, tôi mới giật mình khi tiền tiết kiệm chẳng còn là bao. Hạn trả tiền thuê nhà 3 tháng, nợ trả góp cái điện thoại mua trước Tết như một quả núi đè lên ngực tôi.
Lúc này tôi mới cuống cuồng rải hồ sơ khắp nơi. Thế nhưng, thị trường nhân sự đang quá thừa thải bởi cũng có nhiều người “nhảy việc” như tôi. Vì thế tôi phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, thêm nữa, phía tuyển dụng cũng có cơ hội để ép lương xuống thấp. Sau rất nhiều nỗ lực, tôi cũng đã tìm được công việc mới nhưng với mức lương thấp hơn công ty cũ. Ngoài ra, vào một môi trường mới tôi phải làm lại tất cả từ đầu. Lúc này tôi mới thấy tiếc nuối những ngày tháng mà tôi coi là nhàm chán trước đây. Tôi đã nhận lấy một bài học nhớ đời khi quyết định một việc hệ trọng theo trào lưu mà không có được sự chuẩn bị chu đáo nhất.