35 tuổi, tôi là giám đốc nhân sự của một công ty lớn. Trước đó, tôi từng học một trường đại học danh tiếng và học thạc sĩ 2 năm ở nước ngoài. Tôi quản lý khá nhiều nhân viên, trong đó cô gái sinh năm 1995, ngồi ngay cạnh là được tôi “ưu ái” nhất. Con bé tốt nghiệp trường Đại học Hà Nội, giỏi tiếng Anh, nhanh nhẹn, hoạt bát và rất ngoan ngoãn, tôi nói gì đều “một dạ hai vâng”.
Chính tính cách dễ bảo đó, con bé được tôi cho vào làm chính thức chỉ sau 1 tháng thử việc. Những ngày đầu, tôi chỉ bảo con bé nhiều thứ về chuyên môn, châm chước cho một vài chuyện như đi muộn hay có việc đột xuất phải về sớm. Mới vào được gần 1 năm, tôi đã đề xuất công ty tăng lương cho con bé.
Với từng đó sự giúp đỡ, tôi nghĩ con bé phải nghe lời mình vô điều kiện. Mà những gì tôi cần đáp lại đều rất đơn giản. Sáng xuống căng tin mua hộ cốc cà phê hoặc trên đường tạt qua chỗ nào đó mua cho cốc trà sữa, ổ bánh mỳ ăn sáng. Thi thoảng ngang qua lấy cho tôi cốc nước. Trưa đến, chị em cùng đem cơm đi ăn trưa thì nhân thể rửa luôn hộ tôi vài cái hộp, sau đó thì trải chiếu dưới sàn, hai chị em cùng nằm nghỉ. Một vài ngày trong tuần, khi shipper gọi xuống sảnh lấy đồ mà tôi đang bận thì tranh thủ xuống lấy giúp tôi… Thanh niên trẻ khỏe, mấy việc lặt vặt đó nhằm nhò gì.
Thời gian đầu, tôi thấy con bé rất nhiệt tình, tôi nhờ việc gì đều “dạ vâng” rồi làm nhanh chóng. Nhưng sự nhiệt tình đó dần biến mất, con bé chậm bắt lời mỗi khi tôi nhờ vả, làm việc gì cũng chậm chạp, ì ạch, thái độ không còn hồ hởi như xưa. Đặc biệt khi con bé mang bầu, tôi nhờ đi lấy cốc nước thôi cũng khó chịu ra mặt. Tôi vẫn mặc kệ, việc gì cần nhờ vẫn nhờ, đôi khi còn trêu chọc: “Bầu bí chịu khó đi lại cho dễ đẻ”.
Một lần, tôi và con bé cãi nhau to vì chuyện sai vặt này. Hôm đó là một chiều mùa đông, mưa phùn và rét, shipper gọi tôi xuống lấy đồ nhưng tôi còn mải cà phê sáng với bạn mà chưa đến công ty. Tôi nhắn tin nhờ con bé xuống lấy giúp và còn giục giã: “Nó ở dưới đó đợi 15 phút rồi. Em xuống luôn nhé”.
Trớ trêu thay, tôi quên không gửi con bé số điện thoại của shipper, bản thân thì tắt chuông điện thoại. Báo hại con bé đợi shipper mỏi mòn dưới trời mưa rét, gọi cho tôi bao cuộc không được. Tôi không nhớ là bao lâu, chỉ biết khi đến công ty, mở điện thoại ra thì có 20 cuộc gọi nhỡ.
Vào gặp nó lấy đồ, tôi cười xòa cảm ơn và xin lỗi cho qua chuyện. Ai ngờ con bé mặt hầm hầm, nói như quát vào mặt tôi: “Chị bảo shipper đợi dưới sảnh 15 phút rồi mà lúc đó họ vẫn còn đang ở phương trời nào không ai biết. Số điện thoại shipper không đưa, em gọi thì chị không bắt máy. Chị có biết hành một bà bầu 8 tháng đứng dưới mưa rét chờ lấy đồ cho mình là tội lỗi thế nào không?”.
Phản ứng của con bé khiến tôi kinh ngạc. Mọi người xung quanh đổ dồn ánh mắt vào chúng tôi, tôi ngại ngần nói nhỏ: “Có gì hai chị em vào phòng nói chuyện, ở đây không tiện”.
Con bé tiếp tục lớn giọng: “Gần 2 năm qua, chị sai bảo em bao nhiêu việc. Lúc em khỏe mạnh không nói, chị bảo gì em cũng làm nhưng ngay cả lúc em bầu bí, chị vẫn coi em như chân sai vặt. Xin lỗi, em là nhân viên chứ không phải là ô sin mà suốt ngày trải chiếu, lấy nước, rửa hộp cơm, đi nhận đồ cho chị”.
Tôi không kiềm chế được đáp lại: “Ai tuyển cô vào làm? Ai chỉ bảo công việc cho cô? Ai ưu ái cô chuyện giờ giấc… Nhờ cô làm vài việc vặt mà cô lớn tiếng kể công thế à?”.
“Chị tuyển em vào làm vì em có năng lực. Còn chị tuyển em vì muốn có chân sai vặt thì phiền chị thuê người khác. Em không phù hợp”. Nói rồi con bé đập mạnh gói đồ trước mặt tôi. Ngày hôm sau, trên bàn tôi là lá đơn xin nghỉ việc.
Sự việc ầm ĩ này khiến tôi tai tiếng với cả công ty. Hình tượng người sếp mẫu mực dày công xây dựng bấy lâu đổ bể. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc sự cắn rứt đeo bám tôi suốt thời gian dài. Thú thực, những lời con bé nói như tiếng sét đánh trúng vào sự cao ngạo của tôi. Tôi luôn tự tin IQ của mình cao nhưng không ngờ EQ lại thấp đến vậy. Chuyện đó đã để lại cho tôi bài học sâu sắc về cách ứng xử nơi công sở.
Câu chuyện này xảy ra vào lúc tôi sinh con, ở cữ. Tâm lý nhạy cảm của phụ nữ sau sinh khiến tôi có những suy nghĩ, hành động lệch lạc, đẩy mọi người vào tình huống khó xử.
Tôi sinh con là lúc chồng mở công ty tại nhà, ngoài cộng sự cũ, tuyển thêm 5 nhân viên nữ và 1 nhân viên nam. Mẹ con tôi cùng giúp việc sống ở tầng 3, 4, văn phòng ở tầng 2.
Vừa sinh xong, vóc dáng sồ sề, da dẻ đen sạm, cả ngày mặc mấy bộ đồ ngủ rộng thùng thình, tôi rất tự ti. Trong khi vây quanh chồng là những em nhân viên trẻ đẹp, váy vóc lộng lẫy, má phấn bôi son, tôi làm sao tránh được cảm giác ghen tuông.
Sợ chồng bị mấy em nhân viên ve vãn, tôi nghĩ ra đủ trò. Tôi lấy lý do để hình ảnh công ty đẹp và chuyên nghiệp trong mắt khách hàng, yêu cầu nhân viên phải mặc đồng phục là sơ mi trắng, quần đen, chân váy đen dài qua gối. Chồng bất mãn, cho đó là việc không cần thiết vì công việc của nhân viên cần sự thoải mái, năng động nhưng thấy tôi gay gắt, anh cũng chiều ý làm theo.
Vài lần xuống kiểm tra, thấy mấy em mặc sơ mi trắng mỏng manh, để lộ cả màu áo lót bên trong, tôi sôi máu. Tôi lại lập ra quy định cấm nhân viên nữ được mặc áo lót màu vì như vậy là phản cảm trong mắt khách hàng. Qua bác giúp việc, tôi biết quy định này khiến các nhân viên vô cùng bất mãn, chỉ là không biểu hiện ra ngoài. Chồng tôi bức xúc đến mức đe dọa: “Nếu em còn nghĩ ra mấy trò vô lý, anh sẽ chuyển văn phòng đi nơi khác”.
Trong số các nhân viên của chồng, người khiến tôi “chướng tai gai mắt” nhất là cô trợ lý. Cô gái này không chỉ xinh đẹp mà còn rất khéo ăn nói, nắm bắt tâm lý nhanh và biết chiều theo ý người khác. Tôi biết đó là gu của chồng nên nhiều lần cố tình gây khó dễ cho cô gái ấy.
Tôi thường viện cớ này, cớ kia để sai cô ta làm mấy việc lặt vặt như pha trà, lau dọn bàn ghế, thậm chí cọ nhà vệ sinh và lên phòng trông con giúp tôi. Tôi muốn cô ta tự thấy khó mà lui, không làm trợ lý cho chồng tôi nữa, ai ngờ cô ta vẫn cứ ngoan ngoãn nghe lời, hoàn thành mọi việc.
Một lần, cô nhân viên đó theo chồng tôi ra ngoài tiếp khách. Trước khi đi, chồng tôi đã nói rõ từ địa điểm đến thời gian đi, thời gian về, đối tượng khách hàng… Cô bé đó cũng từ tốn bảo tôi: “Đối tác lần này rất quan trọng, chắc anh sẽ tắt máy trong lúc làm việc. Có gì chị cứ gọi cho em nhé”.
Ai dè, họ về muộn cả tiếng đồng hồ so với giờ hẹn, gọi điện thoại cho cả hai không được, tôi như ngồi trên đống lửa. Hai người về văn phòng trong tình trạng nồng nặc mùi rượu, cô ta giải thích: “Lẽ ra em không quay lại văn phòng nữa nhưng sếp say quá, để sếp về một mình em không yên tâm nên…”. Chưa nói hết câu, tôi đã cho cô ta một cú tát cháy má, chửi mắng: “Cô đưa chồng tôi đi đâu giờ này mới về? Hai người mèo mả gà đồng đúng không?”. Dứt lời, tôi bị chồng cho một cái bạt tai đau điếng. Cô gái kia lặng lẽ bỏ về, còn vợ chồng tôi thì có một đêm giông bão đầy nhà.
Cô nhân viên sau đó gửi đơn xin nghỉ việc, chồng tôi thì chuyển văn phòng đến nơi khác. Sau này bình tĩnh nhìn lại, tôi mới thấy mình sai lầm. Tôi nhiều lần muốn hẹn gặp để xin lỗi cô gái đó nhưng chưa đủ can đảm.
Con tròn 2 tuổi, tôi đi làm trở lại và hiểu chốn công sở có biết bao tình huống oái oăm, phức tạp. Tôi nhìn thấy những người cố tình gây khó dễ cho người khác, khiến họ không thể tập trung vào công việc chính. Tôi cũng nhìn thấy những người vì miếng cơm manh áo, vì đồng lương hàng tháng mà phải nhẫn nhịn đồng nghiệp, cấp trên. Càng nhìn rõ, tôi càng ghét bản thân của những ngày đó.
5 năm đi làm, 3 lần chuyển công ty, tôi tự tin chưa có tình huống công sở oái oăm nào có thể làm khó mình. Cho đến khi làm việc tại một công ty Hàn Quốc, tôi mới thấy trên đời này chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra.
29 tuổi, tôi là thư ký riêng kiêm phiên dịch viên cho một vị sếp người Hàn Quốc. Ông ta 56 tuổi, sống ở Việt Nam cùng vợ, hai con trai người sống tại Hàn, người du học bên Mỹ. Người đàn ông này ban đầu khiến tôi rất nể phục vì thái độ lịch sự, tử tế với nhân viên. Chẳng thể ngờ, ông ta lại là một lão “dê xồm” và còn nhòm ngó tôi.
So với các em trẻ đẹp trong công ty, tôi sếp vào hạng “gái già ế chồng”. Nhưng già cũng có sự quyến rũ của già, tôi vẫn có khá nhiều người theo đuổi, từ đồng nghiệp đến đối tác. Vị sếp sau một thời gian cư xử tế nhị thì cũng bắt đầu tỏ rõ tình ý với tôi. Không chỉ ăn nói suồng sã, hành động của ông ta cũng ám muội, ví dụ như thi thoảng cố tình chạm tay tôi khi tôi đưa cà phê, ngồi sát tôi lúc bàn công việc, ngồi trên ô tô thì giả vờ say để tựa đầu vào vai tôi…
Thi thoảng, không vào dịp gì cả, ông ta cũng tặng tôi quà. Ban đầu là mấy món quà Hàn Quốc đơn giản, sau đó là mấy thứ nhạy cảm hơn như váy, son môi… Tôi luôn cố gắng viện cớ từ chối hoặc đẩy món quà đó sang người khác với lý do hợp tình hợp lý… Một vài lần đi gặp đối tác trở về, ông ta rủ tôi đi ăn hoặc cà phê muộn. Thú thật, không phải lần nào tôi cũng có thể từ chối.
Tôi biết, mình đã vướng vào tình cảnh oái oăm hơn bao giờ hết. 29 tuổi, tôi không muốn đánh mất công việc mình yêu thích với thu nhập tốt nhưng cũng không thể mỗi ngày vắt óc nghĩ cách đối phó với vị sếp “dê già”. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách giải quyết tuyệt vời.
Hôm đó, sau cuộc nói chuyện vu vơ về đề tài vợ lớn, vợ bé, sếp hẹn tôi ăn tối tại một nhà hàng Hàn Quốc lãng mạn. Lần này, tôi không hề từ chối, còn gợi ý sếp hãy chuẩn bị một bữa tối thật lãng mạn vì tôi cũng có bất ngờ dành cho sếp.
Bằng một vài cách, tôi biết hai ngày sau đó là kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng sếp. Tôi bèn liên lạc với vợ sếp, mời bà đến bữa tối, nói sếp nhờ nhân viên chúng tôi chuẩn bị một bất ngờ dành tặng bà nhân kỷ niệm ngày cưới.
Vợ sếp không chút nghi ngờ, tối đó ăn mặc đẹp đẽ đến nhà hàng như đã hẹn. Thấy bà, tôi niềm nở chào đón, nói đặc biệt muốn tặng bữa tối lãng mạn này cho hai vợ chồng họ nhân kỷ niệm ngày cưới. Vợ sếp cười mãn nguyện, còn sếp sa sầm mặt nhưng trước mặt vợ vẫn phải cười nói gật đầu.
Tôi thoải mái ra về, lòng như trút được gánh nặng, bất chấp hôm sau sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ của sếp. Nào ngờ, ông ta tỏ ra như không có chuyện gì và kể từ đó cũng hành xử tế nhị hơn.
Chốn công sở có thể xảy ra vô vàn tình huống éo le nhưng chỉ cần bĩnh tĩnh suy ngẫm, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết hợp lý.