Mối quan hệ giữa vợ và nhà chồng, chồng và nhà vợ chưa bao giờ là dễ dàng để dung hòa. Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ không hẳn vì vợ chồng hết yêu mà chỉ vì những mối quan hệ xung quanh phát sinh quá nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, ai nấy rồi đều phải nhận ra rằng, thái độ của một người sẽ quyết định suy nghĩ, cách đối xử của mọi người dành cho họ.
Tôi là trai tỉnh lẻ, vợ là gái thành phố. Bố mẹ vợ chỉ có một mình cô ấy là con. Ngay lúc yêu nhau, vợ đã nói sau này không thể bỏ bố mẹ già bơ vơ, hoặc là cô ấy phải ở cùng hoặc sẽ ở gần để đi lại chăm sóc.
Về chuyện cô ấy không thể làm dâu tôi cũng không mấy bận tâm bởi bố mẹ tôi có tới ba người con trai, hai anh tôi đã vợ con đuề huề, vợ chồng anh cả ở cùng bố mẹ cũng rất hiếu đạo. Tôi chỉ cần lo cho tổ ấm nhỏ của mình yên ổn là được.
Bởi thế, chúng tôi vô tư yêu và cưới nhau. Hai đứa đặt ra mục tiêu kiếm tiền, rồi với sự hỗ trợ của hai bên gia đình sẽ mua một căn chung cư nhỏ ngay gần nhà bố mẹ vợ để tiện đi lại. Nhưng vào đúng đợt dịch COVID-19, quán cà phê khởi nghiệp của tôi phải đóng cửa, ôm một đống nợ vào người, vợ thì mang bầu trước. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng tôi phải chuyển về ở cùng bố mẹ vợ một thời gian, vừa đỡ tiền thuê nhà, vợ lại được ông bà chăm sóc tử tế.
Tôi dám chắc, trên đời này chẳng người đàn ông nào thích ở rể. Tôi cũng vậy. Ở rể, tôi phải hạn chế tối đa chuyện nhậu nhẹt với bạn bè, đồng nghiệp vì sợ bố mẹ vợ nghĩ mình ham vui. Tôi cũng không thể tự do mời bạn bè về nhà tụ tập bởi dẫu gì, đây cũng không phải nhà mình.
Tuy ông bà rất dễ tính nhưng tôi vẫn phải ra thưa vào gửi cho phải phép. Ngại nhất là những lúc vợ chồng xích mích, tôi tức đến đâu cũng không dám nói to vì sợ phiền đến bố mẹ vợ. Ở trong căn nhà không phải của mình, lúc nào tôi cũng thấy bí bách.
Nhưng điều khiến tôi bất mãn nhất là những lời bàn ra tán vào của mọi người xung quanh. Cứ sau vài ba chén với bạn bè là chủ đề ở rể của tôi lai bị khơi ra đàm đạo. Người thì bảo tôi có số làm “chạn vương”, người tử tế hơn thì nói tôi chọn bố vợ giỏi. Có lần tôi đi nhờ xe đồng nghiệp về nhà, anh ta thản nhiên bảo: “Gầm chạn nhà mày rộng thế kia thảo nào chui vừa”…
Ấm ức với việc ở rể tôi sinh ra cáu gắt vô cớ, nhất là khi vợ sinh con, áp lực phải chăm sóc con nhỏ khiến chúng tôi cãi vã liên miên. Tôi “giận cá chém thớt” quay sang hậm hực với cả bố mẹ vợ dù họ chẳng có lỗi gì. Có một thời gian, tôi thường xuyên đi sớm về khuya để tránh mặt bố mẹ vợ, thậm chí còn giả vờ phải đi công tác nhưng thực tế là xin nghỉ phép trốn về quê với bố mẹ.
Khi biết chuyện này, vợ tôi rất bức xúc nhưng đó là lần đầu tiên thay vì làm ầm lên, cô ấy lại đem con về tận quê để đón tôi. Cô ấy nói: “Nếu anh cần về đây để tĩnh tâm lại thì mẹ con em về cùng”.
Kỳ nghỉ bất thình lình đó diễn ra trong một tuần. Khi về lại Hà Nội, bố vợ đã gọi tôi ra quán nhậu và trút hết bầu tâm sự. Ông nói, thực ra chuyện tôi ở rể cũng giống như vợ tôi đi làm dâu. Việc hòa nhập với nếp sống của một gia đình khác luôn rất khó khăn, thế nhưng, ta có thể dùng thái độ tích cực của mình để giải quyết khó khăn đó.
Chuyện tôi ở rể cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc vợ chồng tôi còn khó khăn, con cái cần nhờ ông bà chăm sóc. Khi mọi thứ ổn hơn, bố mẹ vợ sẵn sàng hỗ trợ để chúng tôi ra ngoài gây dựng tổ ấm riêng. Bố vợ mong muốn, ngày nào còn ở đây, tôi hãy cứ xem đó là nhà mình, sống vui vẻ với vợ con. Tôi thấm thía từng lời nói của ông và nhận ra, mình đã quá sai trong suốt thời gian qua.
Tôi quê Phú Thọ về Thanh Hóa làm dâu đã 10 năm. Khi tôi mới về, nhà chồng là một căn nhà cấp bốn khá cũ kỹ. Chồng tôi là con trai cả, dưới anh là hai cô em gái, một cô đang loay hoay khởi nghiệp buôn bán, một cô còn học cấp ba.
Chồng tôi làm việc trong một công ty xây dựng, lương không cao lại thường xuyên xa nhà. Tôi trước đó kinh doanh thời trang online, sau này kinh doanh đủ các mặt hàng, có gì bán đó. Mấy năm đầu chửa đẻ, tôi chỉ kiếm đủ sống, sau này khi con lớn hơn, nhờ có ông bà chăm sóc, tôi có nhiều thời gian tập trung kiếm tiền. Kinh tế gia đình nhanh chóng “phất lên”.
Vợ chồng tôi xây được một căn nhà khang trang trên mảnh đất của ông bà, hỗ trợ được cô em chồng thứ hai một khoản vốn để làm ăn và nuôi cô em chồng thứ ba học xong đại học. Về khoản làm vợ, làm dâu tôi tự thấy không phải hổ thẹn điều gì. Lương của chồng chủ yếu để anh ấy chi tiêu cá nhân, thi thoảng mua đồ chơi cho con và biếu bố mẹ già, còn lại, mọi khoản trong gia đình đều do một tay tôi lo liệu. Tôi luôn coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ mà đối đãi nhưng cuối cùng, thứ tôi nhận lại là sự lạnh nhạt đến đáng sợ.
Dịp đó, tôi có việc gấp phải về quê, ngay cả con cái cũng không đem theo cùng. Khi về, tôi nghe con gái kể lại, ông bà, bố và hai cô đã đóng cửa bàn chuyện chia đất.
Chuyện là bố mẹ chồng tôi ngoài căn nhà hiện tại còn 3 miếng đất, trong đó có 1 miếng đất thổ cư và 2 mảnh đất ruộng hiện tại cũng khá có giá. Ông bà nói, sẽ sang tên sổ đỏ cho chồng tôi miếng đất thổ cư, hai mảnh đất ruộng còn lại sẽ chia cho hai cô con gái. Và để chắc ăn, sổ đỏ chỉ mang tên chồng tôi chứ không có tên tôi.
Nghe chuyện, lòng tôi như rớt xuống vực sâu. Tôi luôn nghĩ bản thân phải tự lập, không được tơ tưởng tới tài sản của bố mẹ chồng nên suốt 10 năm qua chưa từng hỏi đến chuyện đất đai, sổ đỏ. Tôi tin tưởng nhà chồng nên đem hết tiền tiết kiệm ra để xây nhà trên mảnh đất của ông bà, nào ngờ lại bị nhà chồng đề phòng như vậy. Giờ đây, chẳng may có chuyện bất trắc xảy đến, tôi chỉ có thể tay trắng ra đi.
Đúng là không gì có thể đo được lòng người. Đến khi tôi biết mình dại dột thì đã muộn.
Sau 3 năm về làm dâu, bố mẹ chồng tôi vừa đưa ra một yêu cầu khiến tôi không thể hiểu nổi.
Bố mẹ chồng tôi có 2 người con, chồng tôi là cả, phía sau còn một cậu em trai chuẩn bị vào đại học. Kinh tế nhà chồng chỉ đủ ăn chứ không khá giả, chồng tôi thời đại học phải đi làm nhiều công việc mới đủ trang trải.
Nhà tôi có hai chị em gái, chị cả kinh tế ổn định nên bố mẹ không phải lo, tôi lấy chồng khó khăn nên được ưu tiên hơn. Mấy năm qua, bố mẹ luôn hứa hẹn khi nào tôi mua nhà sẽ cho một khoản nhưng tôi luôn tạm từ chối vì sợ chồng vì thế mà nhụt chí.
Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng tôi cũng tích lũy được 1 khoản và chuẩn bị mua căn nhà chung cư. Bố mẹ đẻ hứa cho tôi 700 triệu đồng. Bố mẹ chồng nói sẽ bán mảnh đất ruộng ở quê, giá trị tầm khoảng 500 triệu đồng để hỗ trợ vợ chồng tôi mua nhà, kèm theo đó là hàng loạt điều kiện.
Mẹ chồng nói, mấy năm qua bà lên thành phố chăm con giúp tôi, không làm ra tiền nên việc nuôi em chồng học đại học sắp tới vợ chồng tôi phải lo. Thêm nữa, sau này chồng tôi có trách nhiệm lo công ăn việc làm cho nó.
Mẹ chồng tôi còn bảo, vì bố mẹ dành hết vốn liếng (là mảnh đất 500 triệu đồng kia) hỗ trợ chúng tôi mua nhà nên sau này, vợ chồng tôi cũng phải “cày cuốc” mua nhà cho em trai chồng. Tôi thấy rất bất ngờ trước đề nghị này. Nhận 500 triệu đồng của bố mẹ chồng, đổi lại trách nhiệm phải gánh vác là quá lớn khiến tôi suy nghĩ.
Cuối cùng, tôi bàn với chồng từ chối khoản tiền của bố mẹ chồng, số tiền còn thiếu để mua nhà sẽ vay ngân hàng đập vào sau đó trả dần. Về phía em chồng, chúng tôi sẽ hỗ trợ trong khả năng chứ không phải là trách nhiệm bắt buộc. Mảnh đất trị giá 500 triệu đồng kia ông bà có thể cho thẳng cậu em chồng, tôi không hề nghĩ ngợi.
Chồng tôi không những không đồng ý mà còn quay sang trách móc tôi ích ỷ, chối bỏ trách nhiệm với nhà chồng. Anh sợ bố mẹ sẽ giận nếu không nhận khoản tiền kia, rồi còn nói, kể cả bố mẹ không cho tiền thì anh vẫn sẽ chịu trách nhiệm lo cho em trai đầy đủ.
Riêng trong chuyện này, tôi và chồng không thể tìm thấy tiếng nói chúng. Có lẽ, tôi cũng sẽ từ chối khoản tiền 700 triệu đồng của bố mẹ đẻ, chấm dứt ý định mua nhà để vợ chồng con cái tiếp tục đi ở trọ cho chồng tôi vừa lòng.