Chốn công sở với những mối quan hệ phức tạp như đồng nghiệp – đồng nghiệp, sếp – nhân viên, cấp trên – cấp dưới… luôn dễ dàng nảy sinh tình huống “dở khóc dở cười”. Mỗi chúng ta trong một khoảnh khắc nào đó, rất có thể đã có những việc làm, lời nói sai trái, gây tổn thương cho người khác. Lỗi lầm đó tuy nhỏ nhưng khó quên và mỗi khi nhớ về ta đều cảm thấy day dứt và tội lỗi.
Một lần thành thật với chính mình, kể ra và trực tiếp đối diện với sai lầm đó có thể giúp chúng ta vơi đi phần nào!
Tôi làm ở công ty đó 3 năm thì X. chuyển vào. Dù làm ở bộ phận khác nhưng bên đó kín chỗ nên X. được xếp ngồi ngay cạnh tôi. Trong trí nhớ của tôi, cô ấy là một cô gái cởi mở, phóng khoáng, ngày đầu tiên đi làm đã mua hoa quả đến khao mọi người– điều trước đó chưa ai từng làm.
Cô ấy giỏi công nghệ, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người mỗi khi máy tính hay điện thoại có vấn đề. Ấn tượng ban đầu của tôi cũng như mọi người xung quanh về cô ấy rất tốt.
Nhưng mọi thứ thay đổi kể từ khi tôi nhìn thấy hình xăm trên đùi cô ấy. Một ngày mùa hè, cô ấy mặc quần sooc đi làm, để lộ hai hình xăm hầm hố ở hai bên đùi. Tôi vẫn nhớ, đó là hình xăm hai đầu hổ.
Thời đó, xăm hình là một chuyện gì đó rất ghê gớm, chưa kể, X. lại là con gái. Bản thân tôi cũng nghĩ, chỉ phường chợ búa, ăn chơi lêu lổng mới đi xăm hình.
Tôi đem chuyện đó đi “buôn” với nhiều người. Một vài người khác cũng tận mắt nhìn thấy hình xăm ấy, lại có cùng tư tưởng giống tôi nên chúng tôi bàn tán nhiệt tình, dùng không ít người miệt thị để nói về X. Trong phút chốc, chúng tôi quên hết sự thân thiện và nhiệt tình mà cô ấy thể hiện trước đó.
Chiều muộn hôm ấy, trời mưa to, tôi chỉ mặc độc chiếc áo mưa mỏng, từ đùi trở xuống ướt sũng. Xe máy bị chết máy, tôi phải dắt đoạn đường khá xa để tìm chỗ sửa. Đường phố đông đúc, xe cộ nườm nượp đi qua nhưng chẳng một ai dừng lại ngỏ lời giúp đỡ tôi.
Bỗng một chiếc xe máy đi chầm chậm sát người tôi, hỏi xe bị làm sao. Dù người hỏi đeo khẩu trang nhưng chỉ nghe giọng tôi đã nhận ra đó là X. Tôi bảo xe chết máy, X. gợi ý dắt xe vào chỗ vắng để cô ấy xem giúp.
Cô ấy lấy bộ dụng cụ trong cốp xe, loay hoay sửa một lúc là xe nổ được. Tôi mừng như bắt được vàng, rối rít cảm ơn nhưng cô ấy bảo, xe chạy được chỉ là tạm thời, tốt nhất nên đem đến quán sửa xe gần nhất xem lại cho chắc. Rồi cô ấy theo sau, hộ tống tôi đến tận quán sửa xe.
Giây phút đó, tôi xấu hổ vô cùng. Tôi nghĩ lại những lời cay nghiệt mình bàn tán về X., về hình xăm của cô ấy. Hình xăm hai chiếc đầu hổ đâu thay đổi tính cách phóng khoáng, nhiệt tình của X., nó chỉ khơi gợi thói nhiều chuyện, phiến diện ở bản thân tôi mà thôi.
Mọi người hay bảo “cơm thầy, vợ bạn, gái công ty” là những thứ nên tránh xa nhưng tôi thì không nghĩ thế. Đã thích thì ở tận đẩu tận đâu còn cố tìm đến, nói gì đến mấy cô gái ngay cạnh mình.
Vào công ty này, tôi cũng “thả thính” khá nhiều em. Đàn ông mà, cứ tự tin giăng câu, trúng em nào thì trúng. Tôi thường gây ấn tượng bằng cách giúp đỡ mấy em những việc nhỏ nhỏ như sửa mạng, chỉnh ảnh, chụp ảnh… sau đó mon men nhắn tin, mời đi cà phê. Có một vài người tôi rất thích, tán tỉnh bằng được nhưng đến lúc tán được rồi, tôi lại chán, tìm cách lảng tránh…
Riêng P. thì khác, tôi mê mệt vẻ ngoan hiền, nghiêm túc của cô ấy, đặc biệt là cô ấy còn công khai bạn trai trên Facebook mà tôi thì luôn thích chinh phục. Mấy đồng nghiệp ở công ty khi biết tôi có ý định với P. đã cảnh báo: “Em nó có người yêu rồi đấy, đừng mon men”. Tôi phản bác luôn: “Đánh đồn có địch mới vui”.
Tôi lên kế hoạch tán tỉnh P., sáng nào cũng đi làm thật sớm, để ở chỗ cô ấy hộp sữa, gói xôi, cái bánh mỳ. Suốt cả tuần đầu, cô ấy lạnh lùng đem những thứ đó để sang cái bàn giữa công ty, còn không thèm hỏi đó là đồ của ai.
Tôi chuyển hướng, thẳng thắn và trực diện hơn. Cả tôi và cô ấy cùng đi làm sớm, nhân lúc mọi người chưa đến, tôi thường sang bàn làm việc của P. hỏi thăm. Lần nào cô ấy cũng chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện. Càng thế, tôi càng hứng thú.
Có một lần, tôi mượn cớ máy tính hỏng, sang chỗ P. nhờ máy tính để vào gmail. Tôi cố tình đụng chạm vào tay cô ấy thì xảy ra chuyện lớn.
Tôi không lường trước được, một cô gái ngoan hiền, lễ phép như P. cũng có lúc dữ dằn đến thế. Cô ấy hét toáng lên, gọi tôi là “yêu râu xanh”, nói tôi nổi tiếng ở công ty là kẻ háo sắc, cô nào cũng tán, cô nào cũng yêu. Đến cả cô ấy có bạn trai rồi cũng không tha.
Tôi đứng như trời trồng, chẳng còn lời nào để nói. Đầu tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ: “May quá, công ty chưa ai đến”. Kể từ đó, tôi luôn cố gắng tránh mặt P. và cũng chẳng dại tùy tiện “thả câu” bất cứ cô gái nào.
Tôi vào công ty lúc đã có gia đình nên không thích được mời cưới. Mỗi đám cưới phải mừng ít nhất từ 300.000 đến 500.000 đồng, tốn kém vô cùng mà tôi thì lấy chồng rồi, làm gì có cơ hội cho họ trả lại.
Thế nên, dù bình thường thân thiết cỡ nào thì khi đồng nghiệp mời cưới tôi đều tìm cách lảng tránh. Thường chị em chơi thân với nhau sẽ biết hôm nào họ chia thiệp mời, những ngày đó, tôi sẽ xin làm ở nhà hoặc nghỉ phép. Nếu không tránh được, tôi sẽ từ chối luôn là hôm đó bận về quê hoặc bận đưa con đi đâu đó, không đến dự đám cưới được. Mà đã không đi thì tất nhiên cũng không gửi tiền mừng luôn.
Chỉ có một lần, một đứa em cùng ban tổ chức đám cưới, tôi đã cố ý lấy cớ về quê rồi mà một đồng nghiệp khác vẫn nhắn tin cho tôi bảo sẽ gửi hộ phong bì cưới. Tôi chẳng có cách nào thoái thác, đành chuyển khoản trả tiền.
Một tuần sau, đứa em đó mời cả ban đi ăn “báo hỷ” (Ban tôi có lệ là nếu ai tổ đám cưới ở xa, mọi người không đến được thì sẽ có một bữa mời đi ăn báo hỷ). Mọi khi, tôi sẽ không đi ăn bữa cỗ này vì không gửi tiền mừng cưới nhưng lần này tôi có mừng mà, đi ăn là đúng rồi.
Lúc tôi rục rịch tô son, đánh phấn, chuẩn bị đi, một người trong ban nói oang oang: “Cưới em T., U. gửi tiền mừng có khác, nhiệt tình đi ăn báo hỷ thế. Mọi khi toàn bận việc”. Câu nói khiến tôi đỏ bừng mặt. Thì ra, mọi người đều biết việc tôi cố tình tránh đi đám cưới đồng nghiệp. Tôi nhớ lại lời nói của chị sếp trong bữa ăn hôm nào: “Đám cưới đôi khi không chỉ là chuyện phong bì, mừng qua, mừng lại mà là ngày để người ta chúc phúc cho nhau. Không trả dịp này thì trả dịp khác, tính toán làm gì”.
Ở công ty, tôi có một group chat mang tên “an-ti lão sếp khó ưa”. Nhóm có 5 người, đều là nhân viên, ngày nào cũng bàn tán đủ điều về anh sếp. Ban đầu chỉ là mấy câu chuyện nhỏ nhặt về công việc như là bị sếp mắng vì làm ẩu, bị phạt vì đi muộn… nhưng sau này, chúng tôi còn lôi cả chuyện đời tư của sếp ra buôn dưa lê.
Thật lòng mà nói thì chúng tôi chỉ bị phạt, bị mắng khi mắc lỗi. Cũng chưa bao giờ sếp trách móc chúng tôi vô cớ hay là cố tình “đì đọt” nhân viên. Nhưng thói đời là thế, hễ bị mắng là cứ phải nhảy dựng lên bực bội trước đã.
Chúng tôi nghe được một tin mật là vợ sếp ngoại tình. Dĩ nhiên, nó trở thành đề tài hot để chúng tôi bàn tán sôi nổi.
Cả buổi sáng hôm ấy, tôi xoắn xuýt nhắn tin, vừa tư vấn cho khách hàng, vừa “buôn dưa lê” trong hội, vừa trả lời sếp. Loạn cào cào thế nào, tôi nhắn nhầm cho sếp một tin nhắn không chấp nhận nổi: “Đang làm khó tao đây này. Khó tính thế vợ nào chịu nổi, theo zai là đúng rồi”.
Nhìn trạng thái “đã xem”, tôi khủng hoảng, cuống quýt thu hồi tin nhắn nhưng không kịp. Tôi thông báo ngay cho nhóm bạn chuyện gửi nhầm tin nhắn nhưng cả lũ im bặt, rồi bảo tôi cố gắng giải trình, đừng để ảnh hưởng đến cả nhóm. Tôi vừa sợ hãi, vừa hổ thẹn khi việc nói xấu sau lưng bị phát hiện.
Nhưng sếp chẳng có bất cứ động thái nào, không đuổi việc, cũng chẳng trách mắng tôi một câu, chiều hôm đó còn gửi mail thông báo về cuộc họp về sản phẩm mới. Tôi đành giả vờ ốm xin vắng mặt vì chẳng còn mặt mũi nào đối diện với sếp.
Sáng hôm sau, tôi lấy hết can đảm vào phòng sếp giải thích mọi chuyện. Anh ấy nói, chuyện này không liên quan đến công việc nên không cần giải trình. Tôi chỉ cần rút kinh nghiệm là tập trung hơn trong giờ làm việc. Sự điềm tĩnh của anh ấy càng khiến tôi xấu hổ hơn bội phần.
Bạn đã bao giờ rơi vào những tình huống tréo nghoe như thế này trong cuộc sống, hãy gửi những chia sẻ của mình tới mail Bantrecuocsong@24h.com.vn