DANH MỤC

 

Hạnh phúc đang đến bỗng tan biến chỉ vì một phút hoài nghi của tôi. Nhưng sẽ ra sao nếu tôi bước vào hôn nhân với những nghi vấn vảng vất trong đầu. Tôi chỉ muốn tìm cách trút bỏ mối nghi ngờ, còn với cô ấy, đó lại là sự sỉ nhục.

 

Tôi và em bập vào tình yêu nhanh đến mức chính tôi cũng thấy choáng váng. Hai đứa gặp nhau trong một lần lên bar “quẩy”, tôi chếnh choáng say rồi bị hớp hồn bởi dáng vẻ cô đơn, tay mân mê ly rượu của em. Tôi chủ động làm quen thì mới biết, em đang thất tình.

Em và người cũ yêu nhau 4 năm, đã tính đến chuyện cưới xin nhưng lại bị gia đình nhà trai phản đối vì không “môn đăng hộ đối”. Em là người tính cách cao ngạo nên không chấp nhận được việc bị bố mẹ bạn trai coi thường. Cuối cùng, hai người chia tay trong sự nuối tiếc của cả đôi bên. 

Không hiểu sao, với cô gái này tôi lại kiên nhẫn đến vậy. Tôi ở cạnh em, san sẻ với em, sẵn sàng chờ em quên đi mối tình cũ để bước vào cuộc tình mới với tôi. May mắn là khoảng thời gian đó không quá dài. Chỉ khoảng gần hai tháng, em đã chấp nhận tình cảm của tôi.

Chúng tôi đều đã ngoài 30 tuổi, không còn trẻ để yêu chơi bời. Cả hai đều nghiêm túc xác định mối quan hệ lâu dài. Khi em thông báo “hai vạch”, tôi mừng quýnh, thông báo luôn với gia đình chuyện cưới xin.

Trong thời gian chuẩn bị đám cưới, tôi đón em về ở cùng để tiện chăm sóc. Trước ngày cưới vỏn vẹn 5 ngày, một tình huống oái oăm xảy đến khiến mọi thứ tan nát.

Tối đó, em ngủ trước, còn tôi làm việc đến khuya. Khi chuẩn bị đi ngủ, tôi bất ngờ nhận được một tin nhắn lạ. Nội dung chỉ vỏn vẹn vài chữ nhưng khiến tôi suy sụp: “Chúc mừng cậu đổ vỏ thành công”. Không biết vì sao, tôi nghĩ ngay đến mối tình cũ của em. Chẳng lẽ, tôi thực sự là người “đổ vỏ” cho anh ta.

 

Tôi gọi em dậy chất vấn về tin nhắn động trời này. Em nhận ra ngay đó là số của người yêu cũ, chỉ nói: “Anh ta chỉ cố tình phá chúng ta thôi. Anh đừng bận tâm”, rồi thản nhiên đắp chăn ngủ tiếp. Nằm cạnh em, tôi bị tin nhắn kia và những hoài nghi giày vò tâm trí. Tôi không thể chấp nhận lời giải thích hời hợt đó.

Sáng hôm sau, tôi nghiêm túc nói chuyện với em. Tôi muốn em làm xét nghiệm ADN bào thai để xóa bỏ sự hiềm nghi trong tôi. Nếu đứa trẻ thực sự là con tôi, em được minh oan, mà tôi cũng có thể toàn tâm toàn ý với hai mẹ con.

Với cá tính mạnh mẽ, em phản ứng dữ dội trước đề nghị này. Cuối cùng, em đồng ý với điều kiện: “Nếu anh nhất quyết đòi xét nghiệm thì dù kết quả thế nào, em cũng sẽ hủy hôn. Bởi một khi anh đã mất niềm tin thì cưới xin là vô nghĩa”.

Tôi không hiểu tại sao em phải dồn tôi vào bước đường cùng. Tôi làm sao có thể xem như không có chuyện gì khi nhận được tin nhắn như thế vào lúc nửa đêm. Nếu tôi là em, chỉ cần có cách chứng minh mình trong sạch, tôi sẽ lập tức làm theo.

Tôi vẫn muốn làm sáng tỏ chuyện này, dù đã định trước sẽ mất đi hạnh phúc mình đang có. Liệu tôi có lựa chọn sai lầm?

 

Tôi là con út trong gia đình. Trên tôi có một chị gái và một anh trai. Cả hai đều kết hôn khi vừa tốt nghiệp đại học. Bố mẹ tôi có quan điểm rất kỳ lạ, khi con trong tuổi học hành thì không muốn con yêu đương, nhưng khi con vừa ra trường lại muốn con lấy chồng/ lấy vợ ngay lập tức để “lo liệu cho xong”. Bố mẹ tôi luôn nghĩ, chỉ cần con cái yên bề gia thất là xem như nhẹ gánh tinh thần. Họ đâu biết rằng, kết hôn chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình đầy thử thách.

Bằng chứng là chị gái tôi không hề hạnh phúc. Chị kết hôn với anh rể chỉ sau vỏn vẹn 4 tháng quen biết nhau. Tính cách và lối sống khác biệt khiến họ cãi vã như cơm bữa nhưng dù kiệt quệ tinh thần, chị vẫn không dám bỏ chồng vì sợ bố mẹ muối mặt.

Anh trai tôi khá hơn một chút khi cậy mình là “kèo trên” có thể uốn nắn vợ. Anh cưới vợ qua mai mối, chị dâu tôi ngay từ đầu đã muốn ở riêng nhưng vẫn bị anh ép sống chung với bố mẹ vì anh là con trai duy nhất trong nhà. Tôi không tán thành với tư tưởng này. Ở riêng không có nghĩa là không thể báo hiếu cha mẹ, ngược lại, ở riêng sẽ khiến cả hai vợ chồng có trách nhiệm hơn với tổ ấm nhỏ của mình.

Tuy vậy, tôi chẳng thể thay đổi được tư tưởng của bố mẹ và anh trai. Nhìn chị dâu chịu đựng từng ngày, tôi không biết liệu gia đình của anh trai có thể yên ấm đến bao giờ.

Đến lượt tôi, bố mẹ cũng hành xử y như vậy. Khi tôi còn đi học, bố mẹ quản lý gắt gao, cấm tôi yêu đương, chỉ cần phát hiện ra tôi mập mờ với chàng trai nào là ngăn cản đến cùng.

 

Sau này khi vừa ra trường, bố mẹ tôi đã gợi ý: “Công việc ổn định rồi thì lấy chồng đi thôi, con gái có thì”. Dĩ nhiên tôi không giống anh chị, chấp nhận sự sắp đặt của bố mẹ. Tôi “câu giờ” đến cùng, nếu có lấy chồng, tôi cũng phải lấy người mình yêu thương.

Cuối cùng, tôi vẫn không thoát khỏi áp lực của gia đình. Chia tay mối tình 6 năm trong đau đớn, tôi cưới người chồng hiện tại chỉ sau vỏn vẹn 2 tháng quen biết. Và tôi đang đi vào “vết xe đổ” của chị gái, sống lay lắt với cuộc hôn nhân không tình yêu.

Người chồng bố mẹ chọn cho tôi tưởng từng là con nhà gia giáo, có học thức nhưng thực chất lại người gia trưởng, luôn cho mình là đúng. Anh ta muốn tôi làm theo mọi yêu cầu của anh ta, chỉ cần trái lệnh là có thể bị “bạo lực tinh thần”. Anh ta còn ghen tuông cực độ, kiểm soát mọi mặt cuộc sống của tôi. Sống với người đàn ông như vậy, tôi thấy ngộp thở nhưng cũng như chị gái, tôi không có can đảm rời đi.

Đối với tôi, kết hôn giống như công cuộc “chạy KPI” và ngay cả khi nỗ lực đạt KPI rồi, tôi vẫn không có được hạnh phúc mình mong muốn.

 

Tôi vừa bước sang tuổi 30, yêu một cậu trai kém mình 5 tuổi. Chúng tôi yêu nhau khá bình yên, bạn trai dù kém tuổi nhưng rất chững chạc, tâm lý khiến tôi hoàn toàn tin tưởng.

Hai chúng tôi đã tính chuyện kết hôn nhưng sau lần đầu về ra mắt, tôi nhận ra bố mẹ cậu ấy không thích tôi. Có lẽ, sự chênh lệch tuổi tác khiến họ lấn cấn. Bạn trai tôi cũng thừa nhận điều này nhưng vẫn khẳng định chuyện kết hôn hoàn toàn do cậu ấy tự quyết.

Dường như bạn trai tôi đang trong quá trình công tác tư tưởng cho bố mẹ nên gần đây, tôi không thấy cậu ấy nhắc đến chuyện cưới xin. Tôi không muốn hỏi nhiều vì sợ cậu ấy bị áp lực tâm lý nhưng thật tâm, tôi cũng khá lo lắng. Tôi không còn trẻ để ở trong một mối quan hệ mập mờ như vậy.

Có điều, bạn trai tôi lại đặt ra một vấn đề khác khiến tôi đau đầu hơn, đó là “sống thử”. Cậu ấy nói, chúng tôi đã quen nhau đủ lâu để có thể chính thức sống với nhau. Đây xem như là quãng thời gian làm quen, học cách thích nghi trước khi chính thức “về chung một nhà”.

 

Tôi và cậu ấy đã “vượt rào”, tôi cũng khá thoáng trong chuyện này. Tuy nhiên, để “sống thử” thì tôi không sẵn sàng. Với tôi, chuyện quan hệ trước hôn nhân và “sống thử” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tôi không muốn sống chung như vợ chồng với bất kỳ ai khi chưa có hôn thú.

Tôi bày tỏ rõ quan điểm đó với bạn trai nhưng cậu ấy thất vọng ra mặt. Cậu ấy luôn nói tôi không thật lòng yêu cậu ấy, không nghiêm túc với mối quan hệ này.

Thật lạ. Rõ ràng, tôi đã sẵn sàng kết hôn nhưng người gây khó dễ là bố mẹ cậu ấy. Tôi cũng đã giải thích kỹ, không “sống thử” là nguyên tắc riêng của tôi, không liên quan đến việc tôi yêu hay không yêu. Thế nhưng, cậu ấy vẫn không chịu hiểu, quay sang giận lẫy và im lặng với tôi cả tuần.

Tôi không biết mình có nên tiếp tục đặt niềm tin vào mối quan hệ này!

Phút thành thật: Nhận tin nhắn lạ trước ngày cưới, tôi yêu cầu bạn gái làm điều khó tin - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Ba, ngày 21/11/2023 08:04 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])