DANH MỤC

 

Xung quanh chuyện cưới xin có rất nhiều vấn đề đáng bàn như: tiền thách cưới, phong bì cưới, thủ tục cưới hỏi… Không phải cặp đôi nào cũng may mắn có một đám cưới trọn vẹn như mong đợi.

 

Nhà tôi và nhà chồng sắp cưới cách nhau gần 200 cây số. Trong hơn 4 năm yêu, chúng tôi về nhà nhau chưa quá 5 lần kể cả hai lần gặp mặt bàn chuyện cưới hỏi vừa rồi. Có lẽ vì thế, khi nói đến phong tục cưới xin của quê nhà đôi bên, chúng tôi đều thấy lạ lẫm.

Phút thành thật: Nhà trai lập tức “quay xe” khi bố mẹ tôi thách cưới - 5

Ở quê tôi, tục thách cưới vẫn tồn tại đến tận giờ, thậm chí, khoản tiền thách cưới còn tăng lên vùn vụt. Chị gái tôi lấy chồng năm 2010, cả khoản “tiền đen” lẫn tiền lễ chỉ gói gọn trong 4 triệu đồng. Nhưng đến lượt tôi, khoản tiền đó đã lên tới 65 triệu đồng (gồm 50 triệu tiền dẫn cưới và 15 triệu cho 3 cái lễ nội ngoại).

Tôi khá bất ngờ khi nghe bố mẹ nhắc đến chuyện này nhưng vẫn tin chồng sắp cưới của tôi lo được bởi, gia đình anh có điều kiện. Nào ngờ, vấn đề ở đây không chỉ là tiền mà còn là sự khác biệt trong nếp nghĩ nên mọi chuyện đổ bể.

Sai lầm của tôi là không thông báo trước với chồng sắp cưới chuyện này. Ngày nhà trai đến dạm ngõ, mọi người đã rất sững sờ khi bố tôi nói về khoản tiền dẫn cưới. Họ ngơ ngác nhìn nhau rồi thản nhiên đáp: “Thời giờ vẫn còn thách cưới ạ? Quê chúng tôi loại bỏ hủ tục này lâu rồi”.

Bố mẹ tôi giải thích “Đất có lề, quê có thói”, làng xóm xung quanh đều vậy thì nhà tôi cũng không thể làm khác. Ai ngờ, nhà trai lại kỳ kèo đòi hạ giá.

Tôi vốn định đứng ra nói đỡ cho nhà trai, hứa sẽ cùng chồng sắp cưới lo liệu chuyện này để đẹp mặt đôi bên. Thế nhưng, khi nghe họ kỳ kèo từng đồng tiền “dẫn cưới”, tôi tổn thương vô cùng. Họ xem tôi là một món hàng hay sao mà đòi giảm giá, khuyến mãi.

Phút thành thật: Nhà trai lập tức “quay xe” khi bố mẹ tôi thách cưới - 6

Buổi nói chuyện căng thẳng, cuối cùng kết thúc bởi câu nói: “Lo được thì cưới, không lo được thì hủy” của bố tôi. Nhà trai đùng đùng bỏ về, chồng sắp cưới của tôi từ đầu đến cuối cũng không nói một lời.

Tôi hiểu, mối hôn sự này không thể cứu vãn. Dù đôi bên có chịu “xuống nước”, ngồi lại tìm cách giải quyết, tôi cũng không chấp nhận người đàn ông thiếu chính kiến, không biết cách bảo vệ người mình yêu thương như anh ấy. Có điều, sau đó tôi vẫn trách móc bố mẹ rất nhiều, trách họ tại sao một mực đòi khoản tiền 65 triệu đồng đó để rồi tình duyên của tôi lỡ dở.

Bố tôi không giải thích nhiều, chỉ nói một câu: “Nhà hàng xóm gả con gái, nhà trai vui vẻ đem đến 80 triệu đồng. Họ thấy thừa còn đem trả bớt. Nhà mình chỉ lấy đúng khoản tiền như lệ làng, lệ xóm, tại sao lại bị mỉa mai? 65 triệu hay 600 triệu thì rồi bố mẹ cũng cho các con làm vốn chứ không giữ lại. Nhưng bố nhất định không thể “cho không” con gái được. Cái tiếng để đời”.

Cho đến cùng, tôi không biết ai sai, ai đúng. Chỉ biết bao nhiêu kỳ vọng về một đám cưới rình rang, được khoác trên mình chiếc váy cô dâu đẹp nhất của tôi đã tan thành mây khói chỉ vì cái gọi là tiền thách cưới.

 

Tôi lấy chồng năm 20 tuổi, đến nay là tròn 6 năm. 6 năm qua, tôi vẫn bị mang tiếng là “cô dâu tiền triệu” và được xem là giai thoại trong cái thôn nhỏ của chồng vì khoản tiền thách cưới năm ấy.

Năm tôi lấy chồng, theo lệ làng, nhà trai phải đem đến nhà gái 30 triệu tiền lễ đen và khoản tiền lễ chín khoảng 10-15 triệu đồng tùy từng gia đình. Ở quê chồng tôi thì khác, con trai lấy vợ chỉ cần lễ đôi gà trống và ba cái lễ trầu cau, kẹo bánh.

Sự khác biệt này khiến cho đám cưới của tôi khá thị phi. Ngày gặp mặt bàn chuyện cưới hỏi, nhà trai “tái mặt” khi bố mẹ tôi nhắc đến khoản tiền 40 triệu đồng. Họ nói vì quê nhà không có tục lệ này nên xin phép về bàn bạc lại rồi trả lời nhà gái. Thế là nhà trai ra về khi chưa chốt được ngày đám hỏi, đám cưới.

Chồng tôi sau đó nói rằng, bố mẹ anh bất mãn với khoản tiền thách cưới “trên trời” nên muốn hủy cưới. Tôi khóc lóc suốt mấy ngày liền, lúc ấy không nghĩ gì đến sự thất vọng của bố mẹ mà chỉ lo sợ vì chuyện này mà không cưới được người mình yêu. Tôi xin bố mẹ bỏ chuyện thách cưới, để đám cưới của tôi diễn ra suôn sẻ.

Cuối cùng, bố mẹ giải quyết bằng cách đưa cho chồng tôi đủ 40 triệu đồng, để chồng tôi lo liệu tiền lễ. Làm vậy, nhà chồng tôi không có cớ hạnh họe mà bố mẹ tôi cũng không bị mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Sau này tôi mới nhận ra, bản thân dại dột ra sao và bố mẹ đã phải chịu thiệt thế nào.

 

Kể từ ngày đó, hễ nhắc đến đám cưới là mẹ chồng tôi lại dùng từ “gả bán”. Bà cho rằng, nhà bà mua con dâu về với giá 40 triệu đồng và đã “bỏ tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng”.

6 năm qua bà luôn mỉa mai: “Con dâu vài chục triệu thì phải có chỗ hơn người” rồi soi mói tôi từng chút một từ nếp ăn đến nếp ở. Trong những câu chuyện phiếm với hàng xóm, bà chỉ trích thậm tệ tục thách cưới, nói bố mẹ nào thách cưới là cổ hủ, lạc hậu, tham tiền nên mới bán con…

Gần đây, em họ chồng tôi lấy vợ làng bên. Theo đúng lệ làng, chú ấy chỉ phải chuẩn bị 3 cái lễ chay (trầu cau, kẹo bánh) và để vào hộp đỏ 999 nghìn đồng gọi là lấy may. Mẹ chồng tôi lại có cớ lôi chuyện năm xưa con trai bà phải tốn 40 triệu đồng mới cưới được vợ ra để nói. Bà đâu biết rằng, 40 triệu đồng đó là của bố mẹ tôi cho hai vợ chồng. 6 năm trôi qua, tôi đã có con, xây nhà dựng cửa nhưng trong mắt mẹ chồng, tôi vẫn là đứa con dâu bà phải mất vài chục triệu mua về.

 

Tôi vừa tốt nghiệp ra trường, lấy chồng vì “bác sĩ bảo cưới”. Sự ngu dại này đã khiến bản thân tôi và bố mẹ phải chịu biết bao thiệt thòi.

Chồng tôi là người có học thức, có công ăn việc làm ổn định, là niềm tự hào của gia đình. Bố mẹ anh rất không hài lòng khi anh cưới một người vợ học vấn làng nhàng, chưa có việc lại “chửa ễnh bụng” như tôi. Có điều, anh quyết tâm nên bố mẹ cũng phải chiều lòng.

Vì con gái “ăn cơm trước kẻng” nên bố mẹ tôi luôn phải đặt mình ở kèo dưới. Thủ tục cưới xin, ngày cưới… đều theo ý thông gia. Chỉ riêng khoản tiền thách cưới 60 triệu đồng là bố mẹ không thay đổi bởi “phép vua thua lệ làng”.

Bố tôi bảo: “Con gái nhà người ta gả chồng cũng được dẫn cưới 60 triệu đồng, con gái nhà mình chẳng lẽ vì có bầu mà không được thế. Tiền đó rồi bố mẹ cũng mua vàng trao cho con nhưng nếu không có thì mất ăn mất nói với họ hàng”. Tôi hiểu tâm ý bố mẹ và cũng tự tin bạn trai thừa sức lo được khoản ấy.

Nào ngờ, đến ngày đặt vấn đề chính thức, mẹ bạn trai tôi giãy nảy vì khoản tiền 60 triệu đồng. Bà bảo, hủ tục đó ở miền núi, vùng sâu vùng xa may ra còn giữ chứ ở chốn thành thị, nếp sống văn minh này, ai còn bán con gái với giá vài chục triệu đồng như thế.

 

Bố mẹ tôi kiên nhẫn giải thích tục lệ quê hương, mong nhà trai thông cảm. Bà không chịu, buông những lời khó nghe: “Ông bà xem, chúng nó làm ra chuyện tày đình như thế, hai nhà mau mau chóng chóng làm lễ cưới cho xong chứ để càng lâu bụng càng to”. Rồi bà kỳ kèo hạ tiền thách cưới xuống một nửa.

Bố tôi tuyên bố: “Cháu tôi tôi nuôi, không phiền bà nhọc lòng. Đám cưới cũng khỏi cần bàn đến nữa” rồi mời nhà trai ra về.

Đôi bên mâu thuẫn, đám cưới đổ bể, chẳng ai được lợi trong chuyện này. Nhà trai sau đó yêu cầu, bố mẹ tôi phải gọi điện xin lỗi thì mới bàn tiếp chuyện cưới xin. Tôi đương nhiên không để bố mẹ phải nhục nhã như vậy nên kiên quyết làm mẹ đơn thân.

Tôi biết, tôi đã làm khổ bố mẹ mình, khổ cả bản thân và đứa con trong bụng. Nhưng thực lòng, tôi cũng không muốn về làm dâu trong một gia đình cay nghiệt như vậy.

Phút thành thật: Nhà trai lập tức “quay xe” khi bố mẹ tôi thách cưới - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 11/12/2023 08:10 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])