Phụ nữ sau khi kết hôn mà không phải sống chung với bố mẹ chồng là mơ ước của gần như tất cả. Tôi đã chuẩn bị từ trước cho kế hoạch đó nên làm công tác tư tưởng cho chồng cả năm trước ngày cưới. May sao cả chồng và bố mẹ chồng đều rất tâm lý nên không gò ép phải sống chung.
Thậm chí, đích thân ông bà còn cùng chúng tôi đi lựa chọn một căn chung cư. Ông bà cũng hỗ trợ một phần kinh tế coi như quà cưới. Chồng là con trưởng nhưng vẫn còn một cậu em trai nữa đang học đại học. Chính vì thế, việc xin ra ở riêng tương đối thuận lợi. Ông bà cũng tính để chúng tôi có không gian riêng tư thì càng nhanh có cháu nội.
Thế nhưng tôi vui mừng hạnh phúc bao nhiêu thì chồng tôi có vẻ như không thật sự thoải mái. Anh đã quen với cuộc sống gia đình có bố và nhất là mẹ. Mẹ chồng tôi là người khéo léo, đảm đang nên bà chăm lo, vun vén cho gia đình thực sự hoàn hảo. Nhiều lúc tôi có cảm giác chồng tôi vẫn như một đứa trẻ trong vòng tay của mẹ.
Có lần tôi đến chơi, anh vẫn vô tư để mẹ pha sữa mang lên tận phòng. Trước khi ra ngoài, cũng là mẹ lấy giầy rồi để ngay ngắn ngoài cửa. Mẹ anh cũng có vẻ ngại nên vừa làm vừa trêu: “Lấy vợ nhanh lên còn có người phục vụ nhé”. Anh hồn nhiên trả lời: “Con thích ở với bố mẹ nhất”. Lúc đó tôi cũng không suy nghĩ nhiều bởi con trai thường có tình cảm với mẹ hơn, cậu em trai của tôi cũng vậy.
Tuy nhiên, khi đã có gia đình riêng, tính cách của chồng tôi vẫn không hề thay đổi. Anh không thoát được ra tầm ảnh hưởng của mẹ và luôn có những so sánh giữa tôi và mẹ. Thói quen sinh hoạt hằng ngày, cách thức nấu nướng giữa hai người chắc chắn có sự khác biệt. Tôi vẫn tôn trọng, lắng nghe anh góp ý để điều chỉnh. Dù sao, tôi cũng muốn trở thành một người phụ nữ giống như mẹ chồng.
Anh có thể lấy mẹ ra làm gương, có thể chia sẻ với mẹ về cuộc sống mới nhưng điều tôi không ngờ tới là chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng không còn là bí mật. Rất khó tưởng tượng ra câu chuyện người con trai lại đi tâm sự với mẹ về khoảnh khắc gần gũi với vợ. Tôi đã rất sốc khi mẹ chồng đã gọi tôi ra nói chuyện để nhắc nhở về chế độ quan hệ giữa hai đứa.
Trước khi kết hôn chúng tôi không có nhiều thời gian gần gũi. Nhà chúng tôi ở khá xa nhau nên chỉ hẹn hò vào cuối tuần. Thêm nữa, anh là người đứng đắn nên hay e ngại mỗi khi đi quá giới hạn. Thậm chí nhiều lần tôi phải là người chủ động để có được những thời khắc riêng tư. Chính vì thế, sau khi là của nhau và còn có điều kiện ở riêng, tôi muốn dành phần lớn thời gian để bù đắp những chuỗi ngày khao khát trước đây.
Tôi luôn sắp xếp không gian ngôi nhà thật lãng mạn để tạo cảm hứng. Tôi muốn anh phải chiều bất kỳ lúc nào có tôi có nhu cầu. Trong tuần đầu tiên, không thể đếm được chúng tôi đã “giao ban” bao nhiêu bận. Cuộc sống của vợ chồng son như vậy cũng chẳng có gì là lạ. Tôi từng biết không ít cặp còn thường xuyên phải xin nghỉ làm vì làm chuyện ấy quá nhiều.
Chồng tôi cũng không tệ trong khoản chăn gối nhưng thật xấu hổ khi anh ấy lại “mách mẹ” vì việc tôi đòi hỏi quá nhiều. “Mẹ hiểu tâm lý của vợ chồng mới cưới nhưng cái gì quá cũng không tốt. Chuyện chăn gối vô độ rất ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn ông. Tốt mái, hại trống, các cụ đã dạy rồi. Sang tuần hai đứa về ở cùng bố mẹ. Mẹ phải bồi bổ cho thằng H (chồng tôi) lại người. Lấy vợ xong nhìn nó tọp hẳn đi”, mẹ chồng tôi lên tiếng.
Mặc dù bà không hề nặng lời nhưng hàm ý rất rõ ràng là trách móc tôi đã “bóc lột” con trai bà. Tôi quá xấu hổ nhưng cũng không thể bào chữa. Tôi chỉ biết im lặng và tự hỏi đến khi nào chồng tôi mới thực sự trở thành một người đàn ông đúng nghĩa.
Lấy vợ, sinh con là 2 nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong đời một người đàn ông. Tôi đã kết hôn gần 4 năm nhưng đến hiện tại vẫn chưa được lên chức bố. Tôi và vợ yêu nhau thực lòng và trải qua không ít sóng gió. Chúng tôi biết nhau từ thời đại học, yêu nhau từ khi chập chững vào đời và cũng ở bên nhau ngót nghét chục năm.
Thế nhưng chính quãng thời gian khó khăn đó đã tạo ra những luồng tư tưởng rất khác biệt. Tôi muốn ngay lập tức sau khi kết hôn sẽ sinh liền 2 nhóc. Phần đông bạn bè tôi đều như vậy và tiết kiệm được rất nhiều chi phí cũng như công sức. Thế nhưng vợ tôi không nghĩ vậy. Cô ấy tuyên bố chỉ sinh con khi nào điều kiện kinh tế đủ vững vàng.
Chúng tôi đều là nhân viên văn phòng. Thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng không quá cao nhưng không thấp so với mặt bằng chung. Thêm nữa, chúng tôi đang ở cùng bố mẹ, căn nhà 4 tầng với diện tích hơn 30 mét vuông là quá đủ sinh hoạt. Tuy nhiên, với vợ tôi chừng đó là chưa đủ.
Cô ấy đã lên danh sách hàng loạt những khoản chi phí để sẵn sàng đón một em bé chào đời. Cô ấy muốn con ra đời trong bệnh việc quốc tế, được hưởng những dịch vụ chăm sóc hàng đầu. Ngoài ra còn cơ man nào là bỉm, sữa, quần áo, đồ chơi... tất cả đều phải hàng ngoại nhập bởi không tin vào chất lượng của hàng nội địa. Chưa hết, vợ tôi còn cập nhật học phí của các trường quốc tế và cũng mong muốn chuyển lên ở chung cư để con được hưởng những tiện ích như sân chơi, bể bơi...
Bố mẹ nào cũng đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái. Thế nhưng tư tưởng của vợ tôi quá đỗi viển vông. Tôi từng rất nhiều lần lý giải với mức lương hiện tại, có làm cả đời cũng không thể nào đáp ứng được mức chi tiêu đó. Cô ấy cãi cùn là tôi không chịu phấn đấu, quá an phận khi chờ đợi tài sản thừa kế của bố mẹ.
Với những xung đột dữ dội về quan điểm như vậy nên suốt gần 4 năm qua cô ấy không chịu mang bầu. Từ gia đình nội ngoại, bạn bè đều đưa ra lời khuyên nhưng đều vô vọng. Gần đây, dường như bố mẹ tôi đã hết kiên nhẫn. Ông bà ra tối hậu thư phải có cháu bế trong vòng 2 năm tới.
Bố mẹ tôi tuyên bố sẵn sàng cho tiền chạy chữa nếu một trong hai có vấn đề về sức khỏe sinh sản nhưng không bao giờ chấp nhận tư tưởng kết hôn mà không sinh con. Tôi thực sự rất khó xử, tôi hiểu được tâm lý của bố mẹ, tôi cũng rất khao khát được làm cha nhưng lại không nỡ chia tay với người đã gắn bó suốt 10 năm qua.
Khi tôi vừa kết hôn, bạn bè rồi họ hàng đều bảo sướng vì ở chung với bố mẹ chồng, hơn nữa ông bà đều có khỏe mạnh sẽ giúp đỡ được rất nhiều công việc. Tôi cũng hy vọng như vậy bởi đã chứng kiến không ít đồng nghiệp tất bật chuyện cơm nước, con cái khi ở riêng. Thậm chí hai vợ chồng không xoay xở được rồi nảy sinh mâu thuẫn.
Thế nhưng những gì tôi nhận được lại hoàn toàn trái ngược. Mẹ chồng tôi mới ngoài 50 tuổi nhưng thời gian của bà là ở những câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật. Tôi thấy bà tham gia rất nhiều những hoạt động cộng đồng. Ở độ tuổi này, việc vui chơi giải trí là điều cần thiết nhưng nếu lạm dụng thì lại phản tác dụng.
Mẹ chồng tôi gần như bỏ bê tất cả công việc nhà. Bố chồng tôi cũng bất lực và không thể can thiệp. Hiếm hoi lắm mới có một ngày mẹ chồng tôi đi chợ nấu cơm tối. Nếu như bố chồng tôi không vào bếp thì cả nhà phải ăn cơm muộn bởi 6 rưỡi tối tôi mới đi làm về. Mẹ chồng tôi không quán xuyến việc nhà nhưng vẫn đều đặn bắt chúng tôi phải nộp 5 triệu mỗi tháng. Số tiền này không nhỏ nhưng tôi cũng không có ý kiến bởi dù sao con cái biếu tiền phụng dưỡng cha mẹ cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng mẹ chồng tôi không phải người biết suy nghĩ. Suốt quãng thời gian bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, mẹ không hề cắt bớt khoản đóng góp. Sự việc mới đây đã khiến tôi không thể chịu đựng được khi các con tôi được trở lại trường học. Vì kế hoạch gấp gáp nên giờ tan học không giống như trước đây. Tôi có nhờ mẹ chồng đón hộ các cháu để chúng tôi yên tâm đi làm nhưng bị thẳng thừng từ chối.
“Con các anh các chị đẻ ra thì phải có trách nhiệm. Tôi còn bận nhiều việc lắm. Kế hoạch tập văn nghệ tháng này kín rồi, sắp hội diễn cấp quận chứ chả đùa à”, mẹ chồng tôi lấy lý do đi diễn văn nghệ để không đi đón cháu. Mẹ tôi biết chuyện nên đã trợ giúp nhưng nhà ngoại cách trường học cả chục cây số, hơn nữa mẹ tôi đã 60 tuổi phải lóc cóc chiếc xe đạp điện để đón cháu.
Chưa hết, khi mẹ tôi đưa cháu về nhà gặp bà thông gia cũng không được lời cảm ơn hay hỏi thăm. Mẹ chồng tôi mặc định việc đón cháu là của bà ngoại còn mình thì không liên quan. Tôi đã quyết định từ tháng này sẽ không đóng tiền cho mẹ chồng. Tôi sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hóa đơn điện, nước cũng như việc chợ búa cho bữa tối. Tôi cần phải phụng dưỡng cha mẹ ruột, những người thực sự quan tâm yêu thương mình chứ không phải người vô cảm, thiếu trách nhiệm như mẹ chồng.