Biết tôi bỏ công việc tốt như vậy chỉ vì chẳng may “lọt vào mắt xanh” của sếp, bạn thân đã nói tôi dở hơi, dại dột, sống thiếu thực tế… Chỉ riêng tôi hiểu rõ, tôi không thể mỗi ngày đều đi làm trong sự hoang mang, sợ hãi bị sếp gọi lên phòng riêng.
Tôi nộp đơn xin nghỉ việc ngay trước thềm công ty tổ chức tiệc tất niên, trao lương tháng 13 và thưởng Tết. Ai cũng ngỡ ngàng về quyết định ấy, nói tôi dở hơi, dại dột… nhưng không phải ai cũng biết rõ vấn đề tôi gặp phải.
Tôi là nhân viên của một công ty logistics, đã vào đây làm việc được hơn nửa năm nay. Từ lương, thưởng, chế độ đến các anh chị em đồng nghiệp tôi đều rất hài lòng. Sau vài ba lần nhảy việc, đây là môi trường công sở tôi ưng ý nhất.
Dù tự thấy mình có ngoại hình sáng sủa, dáng dấp thon thả nhưng tôi hiếm khi ăn mặc lồng lộn đi làm. Bình thường, tôi ưu tiên mặc đồ công sở trang nhã, lịch sự vì làm việc tại bộ phận hành chính – nhân sự, thi thoảng vẫn phải tiếp khách và làm việc với các nhân sự của các phòng ban. Tôi gần như là người trẻ nhất trong công ty nên được mọi người ưu ái gọi là “em út” và giúp đỡ rất nhiều.
Đặc thù công việc của tôi hiếm khi phải chạm mặt với giám đốc. Thường thì tôi chỉ làm việc với trưởng phòng và các anh chị em trong công ty. Dịp công ty tổ chức sinh nhật vào giữa năm 2023 là lần đầu tiên tôi gặp gỡ, trò chuyện với giám đốc của mình.
Dịp đó, tôi được giao nhiệm vụ tiếp đón, “chăm sóc” đặc biệt với khu vực ăn uống của các sếp. Nhờ được các anh chị giúp đỡ, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Thế nhưng, từ sau hôm đó, tôi gặp đủ rắc rối với vị giám đốc kia.
Lần thứ nhất, giám đốc gọi tôi lên phòng riêng nói chuyện. Tôi lên đó với tâm lý hồi hộp, lo sợ vì với vị trí công việc hiện tại, tôi không cần phải trao đổi trực tiếp với sếp. Hôm đó, sếp hỏi han tôi từ gia đình cho đến công việc, cũng tán thưởng tôi một vài câu về sự khéo léo, tinh tế khi chăm sóc mọi người trong bữa tiệc.
Tôi chủ động gọi sếp là chú vì ông ấy hơn tôi gần 20 tuổi nhưng sếp nhất định yêu cầu tôi gọi là “anh” cho gần gũi. Cảm thấy không thoải mái, tôi kiếm cớ xin ra ngoài.
Lần thứ hai, giám đốc tiếp tục gọi tôi lên phòng riêng. Lần này, ông ấy kể cho tôi nghe hành trình khởi nghiệp, còn cho tôi xem rất nhiều hồ sơ, giấy tờ này kia. Cái cách ngồi sát lại gần rồi tranh thủ động chạm vào tay, đùi của ông ấy khiến tôi gai người. Tôi đứng phắt dậy nói: “Nếu không có việc gì khác, cháu xin xuống phòng làm việc”. Ông ấy nửa đùa nửa thật: “Phải xưng là anh cho tình cảm. Lần sau, em còn gọi anh là chú thì anh trừ lương đấy”.
Lần thứ ba, tôi một lần nữa bị gọi lên phòng riêng của sếp và lần này, ông ấy còn thản nhiên yêu cầu tôi chốt cửa phòng. Ông ấy hỏi tôi, liệu có muốn trở thành trợ lý riêng, chuyên sắp xếp lịch trình làm việc và đi theo hỗ trợ ông ấy trong những chuyến công tác xa. Tôi nói rằng mình rất hài lòng với vị trí hiện tại, cũng chưa có kinh nghiệm làm trợ lý giám đốc nên từ chối. Ông ấy buông một câu mập mờ: “Làm trợ lý đôi khi chỉ cần hiểu sếp muốn gì chứ không cần kinh nghiệm”.
Quá sợ hãi, tôi buộc phải lấy điện thoại nhắn tin nhờ một chị đồng nghiệp gọi điện để có cớ ra ngoài. Từ sau lần đó, vẫn còn một vài lần nữa tôi bất đắc dĩ phải chạm mặt giám đốc tại phòng riêng. Dù lần nào cũng may mắn thoát thân nhưng tôi vẫn nghiêm túc nghĩ đến chuyện nghỉ việc.
Giám đốc của tôi đã có vợ con, vợ ông ấy vẫn thường xuất hiện trong các sự kiện đặc biệt của công ty. Bình thường, ông ấy rất được lòng cấp dưới vì tính tình thân thiệt, khoáng đạt.
Khi biết chuyện, bạn thân tôi nói có lẽ tôi đã quá nhạy cảm bởi, bấy nhiêu biểu hiện chưa thể kết luận, tôi đang bị sếp quấy rối. Tuy nhiên, cuối cùng tôi vẫn quyết định nộp đơn xin nghỉ việc vì nỗi sợ hãi mỗi ngày đi làm bất chợt bị sếp gọi lên phòng riêng.
Sau 5 năm kết hôn tôi mới có dịp tham dự tiệc tất niên của công ty chồng. Thực ra, năm nào công ty anh cũng mời gia đình của các nhân sự tham gia nhưng vì những lý do cá nhân như: con nhỏ, bận việc, ốm đau, tôi đành từ chối.
Chồng tôi thường kể về đồng nghiệp với niềm tự hào. Anh nói, công ty anh đa phần là những nhân sự cốt cán, đã gắn bó nhiều năm. Anh chị em đồng nghiệp đoàn kết, giúp đỡ nhau như người nhà. Riêng phòng anh là một khối thống nhất, bất kỳ sự kiện nào của công ty cũng tham gia nhiệt tình.
Tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc với đồng nghiệp của anh nhưng qua lời kể, tôi cũng rất ngưỡng mộ tình cảm của họ. Tất niên năm nay xem như là dịp tôi được mở mang tầm mắt.
Hôm đó, công ty chồng tôi tổ chức diễn văn nghệ cuối năm và anh cũng tham gia. Tiết mục của đội anh là vở hài kịch: “Đúng lúc gặp được tình yêu đích thực thì bị vợ ngăn cản”. Chồng tôi vào vai người chồng, vai nhân tình là một cô em trẻ đẹp, ăn mặc sexy. Phải nói, họ diễn cực kỳ ăn ý, bên dưới anh chị em hô hào, cổ vũ nhiệt tình như muốn nổ cả sân khấu.
Tôi còn nghe loáng thoáng bên tai vài câu bình luận như: “Không phải là H. và T. thì ai diễn thay được vai này”, “Đúng là cặp đôi trời sinh của công ty có khác”… Thú thực, tôi cũng khá lấn cấn nhưng nghĩ đây chỉ là tiết mục văn nghệ tập thể nên không bận tâm thêm.
Cho đến lúc biểu diễn xong xuôi, tiết mục đó được giải nhất thì tôi mới nếm đủ uất ức. Hai người đó dường như là tâm điểm của cả buổi tiệc. Họ đem rượu đi chúc mừng từng bàn, cũng nhận lại rất nhiều lời chúc mừng từ người khác. Tôi là vợ anh nhưng bị xem như vô hình.
Đồng nghiệp của anh nhao nhao gán ghép anh với cô gái kia, bất chấp tôi đứng đó. Người thì bảo: “Đây gọi là đúng người nhưng không đúng thời điểm rồi. Tiếc quá”, “Giá như H. còn độc thân thì công ty mình đã có một cặp đôi vàng”… Càng phẫn nộ hơn, chồng tôi chỉ cười hùa chứ không hề lên tiếng phản bác hay đề cập một chút nào đến người vợ đang ngồi cùng bàn. Anh để mặt mũi tôi đi đâu?
Tôi phải cố gắng giữ bình tĩnh mới có thể ở lại buổi tiệc đó đến 21h30 rồi xin phép gọi xe về trước. Trở về nhà, chúng tôi tranh cãi gay gắt. Trong khi tôi không chấp nhận được chuyện đùa cợt vô duyên đó thì chồng tôi lại cho rằng, tôi quá nhạy cảm, vô lý. Chúng tôi đã “chiến tranh lạnh” một tuần nay mặc kệ Tết cận kề.
Tôi là người hướng nội, trầm tính và ít nói. Tôi rất ngại tham gia các hoạt động chung của công ty như team building, văn nghệ, tiệc tất niên công ty…
Mấy năm trước, tôi thường viện cớ bận việc, ốm đau… để tránh những sự kiện này. Thế nhưng, năm nay tôi không có cách nào trốn tránh khi trước đó đã bị sếp nhắc nhở thiếu tinh thần tập thể. Và đúng như bản thân dự đoán, bữa tiệc đó là trải nghiệm vô cùng tồi tệ của tôi trong những ngày cuối năm này.
Tôi là người “ế” nhất phòng, 29 tuổi vẫn chưa chồng, chưa người yêu nên thường bị anh chị em đồng nghiệp trêu chọc, gán ghép với người này, người kia. Thường trong lúc làm việc, tôi đeo tai nghe rồi giả vờ không nghe thấy mấy lời trêu chọc đó để yên thân làm việc nhưng trong buổi tiệc tất niên này, tôi chẳng có cách nào trốn tránh.
Một người chị trong phòng gán tôi cho mọi đối tượng, trong đó có cả những người đàn ông đã có vợ. Hễ có anh nào đến bàn chúc rượu, chị ta lại nói: “Em P. đang độc thân này, cô đơn lâu rồi, đêm nay tới luôn đi”, “Hôm nay là phải đưa được em P. đi tăng hai đấy nhé”… Mọi người xung quanh lấy thế làm vui, hùa vào cười rồi chúc rượu tưng bừng, mặc cho tôi đỏ bừng mặt đứng đó.
Tôi vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh, lựa lúc phù hợp nói với chị ấy rằng: “Chị đừng gán ghép lung tung, em không thích” nhưng chị ta vẫn không để tâm, càng lúc càng trêu chọc quá đáng hơn. Lúc sếp đến mời rượu cả phòng, có lẽ thấy tôi lạ mặt nên hỏi: “Em này cũng ở phòng mình nhỉ? Nay mới gặp”. Chị ta liền cướp lời: “Em P., thành viên ế sưng của phòng em đấy. Đang chờ có anh nào đến gỡ mạng nhện giúp này anh”. Tôi xấu hổ vô cùng, chỉ ước lúc đó sàn nhà có một kẻ hở cho mình chui xuống.
Cuối cùng, tôi phải bỏ cuộc khi bữa tiệc còn đang tưng bừng. Những ngày đi làm sau đó, tôi không thể cư xử bình thường với người đồng nghiệp vô duyên. Thế nhưng, dường như sự lạnh nhạt của tôi không khiến chị ta nhận ra điều gì, vẫn tiếp tục gán ghép tôi cho bất kỳ người đàn ông nào chị ta nhìn thấy. Tôi phải làm sao để đối phó với kiểu đồng nghiệp vô duyên này?
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |