Ngày 8/3, đồng nghiệp của tôi nhận được một bó hoa đẹp lung linh từ chồng. Chồng cô ấy công tác xa nhà, dịp lễ vẫn không quên đặt hoa ship đến tận công ty tặng vợ. Tôi và các chị em đều ngưỡng mộ.
Kỳ thực, tôi không chỉ ngưỡng mộ mà còn có chút ghen tị. Hồi mới quen, chồng tôi cũng lãng mạn lắm, dịp lễ nào cũng ôm bó hoa đứng dưới cổng nhà hoặc cổng công ty gọi người yêu xuống tặng. Thuở ấy, tôi cũng giống như chị đồng nghiệp kia, bao lần trở thành tâm điểm chú ý, được chị em công ty khen là “số hưởng”, có bạn trai ngọt ngào.
Nhưng kể từ ngày lấy nhau về, đến một cánh hoa tôi cũng không có. Phàn nàn thì chồng bảo: “Thời nào rồi mà còn hoa với hoét. Mua con gà về luộc cả nhà cùng ăn thì hơn”. Tôi bất mãn nhưng chẳng có cách nào, tính cách con người khó mà thay đổi được.
Đôi lúc, tôi cũng thèm được như ngày xưa, đăng ảnh hoa chồng tặng lên Facebook rồi mọi người thi nhau vào khen. Facebook tôi lâu nay chỉ toàn ảnh con cái và bán hàng online, chẳng có tí màu hoa nào cho rực rỡ.
Máu “sống ảo” nổi lên, tôi mượn bó hoa của chị đồng nghiệp, chụp một bức ảnh thật xinh đẹp rồi đăng lên Facebook: “Chồng em vẫn lãng mạn như ngày nào, đi làm xa vẫn nhớ đặt hoa tặng vợ. Cảm ơn chồng iu”.
Và tất nhiên là bức ảnh nhận được “bão” like. Tôi sướng lắm nhưng cũng có chút lo lắng, sợ trò vui của mình đi quá xa. May sao ông chồng tôi ít khi dùng Facebook mà tôi thì không kết bạn với chị đồng nghiệp kia nên chắc không ai thấy.
Ngờ đâu, tôi đăng ảnh hoa người khác mà vô tư để chế độ “công khai”. Lượt tương tác nhiều quá khiến chị đồng nghiệp thấy được, để lại một bình luận làm tôi “chết điếng”: “À thế ra chị em mình chung chồng. Hôm qua, chồng chị cũng tặng chị bó hoa y chang”. Bình luận nhận đủ các icon cảm xúc, người thả “phẫn nộ”, người thả “haha”, có người còn thả icon “ngạc nhiên”.
Tôi cuống cuồng xoá bình luận, xoá luôn cả bức ảnh này, trong lòng dâng lên một nỗi xấu hổ khôn xiết. Chạm mặt chị ở công ty, tôi cũng chỉ biết cúi đầu. Đây thực sự là bài học quá lớn đối với tôi về chuyện “sống ảo”.
Tôi xem Facebook như ngôi nhà thứ 2 của mình nên có thói quen cập nhật mọi thứ trên đó. Mỗi ngày tôi đăng ít nhất một bức ảnh hay một câu chuyện lên Facebook rồi ngồi đếm “like” và đọc “comment”.
Tôi ở trên Facebook là một cô gái xinh đẹp, giàu có và chịu chơi. Trời phú cho tôi gương mặt dễ nhìn và vóc dáng chẳng cần tập tành cũng thon thả. Mọi người khen tôi “mặc gì cũng đẹp” và vì thế tôi càng thích chăm chút cho chuyện ăn mặc. Tôi chính là kiểu người có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn mặc.
Mỗi tháng, tôi chi phần lớn tiền lương cho chuyện mua sắm váy vóc, túi xách, giày dép, phụ kiện. Tôi quan niệm, cái gì xuất hiện trên Facebook rồi thì sẽ thành đồ cũ nên thứ đồ nào mua về, chụp một bức hình đẹp lung linh đăng lên Facebook xong là tôi không mấy khi dùng nữa. Thoả mãn niềm đam mê này cũng khá tốn kém, tôi phải thắt chặt chi tiêu mới đủ tiền cho các nhu cầu khác.
Sự khác biệt giữa tôi trên mạng và tôi ở ngoài đời bị một người quen “bóc phốt”. Đó là chị đồng nghiệp cũ – người tôi thường xuyên đặt hàng online. Bài viết của chị ấy xuất hiện trên bảng tin Facebook tôi vào một buổi sáng đẹp trời nhưng trong lòng tôi thì đầy “bão tố”.
“Một cô gái trên mạng xinh đẹp, giàu có, ăn chơi nhưng ngoài đời thì ki bo kẹt xỉ, sống bẩn bựa. Cô gái đó mua hàng của tôi, thanh toán chuyển khoản nhưng lại bắt tôi phải trả phí chuyển khoản khác ngân hàng dù đã được miễn phí ship. Em gái ơi, sao em không dùng cái ngân hàng giống như của chị để khỏi mất phí hoặc em đến tận nơi mà mua đỡ mất phí chuyển khoản?...”.
Tôi vừa đọc đã nhận ra, người mà chị ấy nhắc đến là mình. Chị ấy còn kể lể ngày xưa làm chung, tôi tiết kiệm đến mức nhịn ăn trưa, rồi cầm đũa đi xin chị em mỗi người một miếng. Tôi không bao giờ gửi phong bì đám hiếu, đám hỷ hay tham gia những bữa liên hoan chung, trong khi trên mạng thì luôn tỏ ra mình là người có tiền…
Tôi ngồi đọc từng bình luận dưới bài viết đó. Họ chỉ trích “tôi” – nhân vật chính trong câu chuyện là “sống ảo”, “không biết cư xử”… Có người còn viết: “Em biết là ai rồi nhé”… Từng câu, từng chữ khiến đầu óc tôi muốn nổ tung. Những ngày sau đó, tôi phải khoá Facebook để bình tâm và suy nghĩ lại cách sống của mình.
Vợ chồng tôi hơn kém nhau 9 tuổi nên cách sống, tư tưởng sống khác nhau. Anh 36 tuổi, chỉ lập Facebook cho có chứ ít khi dùng. Yêu nhau bao năm, anh chưa bao giờ đăng ảnh tôi lên Facebook, hồi đó, tôi thậm chí còn nghi ngờ anh “bắt cá nhiều tay” nên mới phải giấu. Đến tận lúc gần cưới, tôi phải gây áp lực đủ bề, anh mới chịu thay ảnh đại diện là ảnh cưới của chúng tôi.
Tôi thì khác, phải nói là “ăn Facebook, ngủ Facebook”, vui hay buồn, chuyện to hay chuyện nhỏ tôi đều đăng lên Facebook tâm sự. Tôi thích cảm giác được mọi người quan tâm, bình luận an ủi khi gặp chuyện buồn hoặc trầm trồ khen ngợi khi có chuyện vui.
Chồng tôi có lần nói: “Em sống ảo ít thôi, đừng tin mấy thứ trên mạng. Em kể chuyện buồn người ta an ủi đấy nhưng có khi lại vui. Em kể chuyện vui, người ta khen nhưng trong lòng lại ghen tị. Một số cái không nên công khai trên mạng”.
Tôi nghĩ chồng già rồi, cổ hủ nên chẳng quan tâm. Tôi “show” gần như mọi thứ trong cuộc sống của mình lên mạng: hình ảnh con cái, khoảnh khắc được chồng cắt móng tay, sấy tóc cho, những món quà chồng tặng…
Một vài lần, tôi còn cố tình sắp xếp để có bức ảnh “gia đình hạnh phúc” đăng “phây”. Đi chơi, tôi hay chăm chăm chụp ảnh hai bố con rồi hì hụi ngồi sửa ảnh. Chồng tôi bảo: “Sao em không lo chơi với con mà cứ lo chụp ảnh mãi thế”, tôi vẫn kệ.
Lần đó, tôi gom mấy tháng tiền lương để mua một chiếc điện thoại xịn, đăng lên Facebook và nói đó là quà chồng tặng, kèm theo bức ảnh cục tiền đắp lên trán gọi đây là “miếng hạ sốt” của chồng.
Chồng tôi trở về nhà với vẻ mặt giận dữ, mắng tôi “sống ảo” quá mức khiến anh ấy xấu hổ. Thì ra, một vài người đồng nghiệp của chồng kết bạn với tôi, nhìn thấy những bức ảnh này nên ca ngợi chồng tôi là “thánh chiều vợ”, “ông chồng lãng mạn, ngọt ngào nhất năm”… Anh ấy vốn đã ghét mạng xã hội, lại bị gắn cho những biệt danh không đâu nên tức tối vô cùng.
Cơn giận qua đi, chồng tiếp tục nói với tôi những lời gan ruột, rằng tôi không nên cho cả thiên hạ thấy tất tần tật cuộc sống của mình. Mỗi người nên có những thứ riêng tư cần giấu kín và tôi nên chú trọng vào cuộc sống thực hơn là cuộc sống trên Facebook.
Những lời khuyên khiến tôi thấm thía. Tôi nhận ra, niềm vui đến từ số “like”, “comment” thực sự rất ngắn ngủi và sáo rỗng. Cái tôi cần là hạnh phúc trong cuộc sống thực tại này.
Tôi cũng như đa phần các cô gái, thích chụp ảnh đăng “phây”. Mà ảnh phải chụp bằng app, trước khi đăng Facebook phải qua 7749 bước chỉnh sửa nữa mới vừa lòng.
Phải nói tôi rất ăn ảnh dù ngoài đời thực không xinh. Tôi biết cách ăn mặc, trang điểm, lại biết chọn góc chụp nên ảnh nào cũng đẹp lồng lộn.
Facebook tôi khá nhiều lượt theo dõi. Ảnh nào đăng lên cũng được “like” tới tấp. Dĩ nhiên, trai tán tỉnh tôi trên mạng rất nhiều. Mãi tôi mới chọn được một anh vừa ý, nhìn ảnh thì thấy bảnh trai, nói chuyện thú vị. Tôi đồng ý gặp gỡ anh ngoài đời chỉ sau 1 tuần nói chuyện qua mạng.
Hôm đó, tôi chọn bộ váy mình thích nhất, trang điểm cẩn thận rồi đến gặp anh. Anh nhìn tôi với vẻ mặt ngạc nhiên, còn tôi thì e dè. Cuộc gặp diễn ra trong sự gượng gạo và kết thúc một cách nhạt nhẽo. Anh thậm chí còn chẳng mời tôi đi uống cà phê hay đưa tôi về như tôi dự đoán. Ngay đêm đó, anh ta ném cho tôi một cái tin: “Em ngoài đời khác trong ảnh nhiều nhỉ? Anh nghĩ, chúng ta không hợp nhau. Cảm ơn em vì tối nay!” và lặn mất tăm.
Bị dội gáo nước lạnh, tôi rất bực tức, nghĩ ra đủ cách trả đũa anh ta. Nhưng khi bình tĩnh, tôi lại thấy anh ta nói đúng. Thời gian qua, tôi “sống ảo” quá nhiều, đến mức ảo tưởng về nhan sắc thực của mình. Có lẽ, tôi nên sống chậm hơn và sống đúng với những gì mình có.
Bạn đã bao giờ vì những hành động “xấu hổ muốn độn thổ” của mình mà rơi vào tình huống tréo nghoe như trên? Hãy gửi chia sẻ của mình tới chúng tôi, vào hòm thư Bantrecuocsong@24h.com.vn.