Năm học vừa kết thúc, đây là một năm học vô cùng đặc biệt bởi phần lớn thời gian các con phải học online thay vì được đến trường. Mặc dù tất cả thầy cô, học sinh và cả phụ huynh đã cùng nhau cố gắng hết sức nhưng chắc chắn chất lượng giáo dục vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều tích cực là chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để cùng nhau về đích trong niềm hạnh phúc.
Khác với nhiều người, tôi không quá vui mừng vì kết quả học tập của con. Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học. Hầu như đời nào, trong gia tộc của tôi cũng có những người có học hàm, học vị rất cao. Ngay như mẹ tôi, dù là phụ nữ nhưng cũng là tiến sỹ. Tôi không được như mẹ nhưng cũng là một trí thức, làm công tác nghiên cứu.
Tuổi thơ của tôi sống trong áp lực học hành, thi cử. Tôi được kỳ vọng sẽ tiếp nối sự nghiệp của mẹ song năng lực của tôi có hạn. Tôi luôn rất chăm chỉ, siêng năng nhưng không thể bù đắp những thiếu hụt về trí tuệ. Trưởng thành trong môi trường như vậy nên tôi cũng muốn con gái của mình phải thật giỏi giang. Phụ nữ hiện đại rất cần tri thức để được tỏa sáng, để được thừa nhận và xóa bỏ đi định kiến rất cổ hủ của người Á đông là việc lớn chỉ dành cho bậc trượng phu.
Con gái tôi vừa kết thúc lớp 8. Đây là năm học bản lề bởi mùa hè tới con sẽ thi chuyển cấp. Tất nhiên tôi đặt mục tiêu cho con phải đậu vào trường chuyên nhóm đầu của thành phố. Không những vậy, trong danh sách trúng tuyển phải đứng trong top 10. Ấy thế nhưng trong năm học vừa rồi, con tôi chỉ đứng thứ 4 trong lớp. Tôi rất thất vọng với kết quả này và tâm trạng luôn rối bởi. Tôi luôn phải nghĩ cách làm sao để con có thể tìm lại phong độ bằng cách học thêm trong mùa hè này.
Vừa hay trong một cuộc họp tại cơ quan, tôi có gặp một giảng viên đại học có tiếng. Thầy này rất nổi tiếng về mảng ôn luyện và từng giúp rất nhiều học trò đỗ thủ khoa. Tôi và nhiều chị em cùng cơ quan đã mời thầy đi ăn rồi sau đó đặt vấn đề nhờ dạy kèm mấy nhóc. Công việc của thầy rất bận nên chúng tôi phải thuyết phục cả tiếng đồng hồ mới được việc, thế nhưng giờ học lại “hơi... khoai”, vào lúc 7 rưỡi sáng Chủ nhật.
Với chúng tôi, được thầy nhận lời giúp đỡ thì giờ giấc không thành vấn đề. Tuy nhiên, khi gọi điện thông báo cho con gái, tôi lại bị từ chối. Con gái tôi lấy lý do giờ đó phải ngủ bù sau cả một năm học phải thức khuya, dậy sớm. Lúc đó, tôi đã không giữ được bình tĩnh. Mặc dù trước mặt thầy giáo và đồng nghiệp, tôi vẫn mắng con qua điện thoại: “Con học sút quá nhiều rồi, bây giờ không cố gắng thì sau này chỉ có đường đi nhặt rác thôi”.
Ngay sau khi tôi dứt lời, thái độ của thầy giáo lập tức thay đổi. Dù thầy không nặng lời nhưng tôi thấy sự tức giận qua ánh mắt. “Chị nặng lời quá, nghề nào cũng cao quý cả, học giỏi được thì tốt còn không thì cũng chẳng sao. Làm người quan trọng nhất là nhân phẩm. Mẹ tôi cũng đã từng phải đi nhặt rác để nuôi tôi nhưng chưa ai dám coi thường bà cả”, thầy giáo nói rất nhẹ nhàng nhưng tôi cảm tưởng có cả ngàn cân đè vào lồng ngực.
Rõ ràng tôi đã không để ý đến lời nói của mình. Tôi vì quá thương con, muốn con giỏi giang thành đạt để cuộc sống sau này tốt hơn. Thế nhưng tôi lại vô tình làm tổn thương đến thầy giáo và cả những người làm công việc lao động phổ thông.
Con cái luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Tôi thực sự tự hào về cô con gái của mình theo đúng nghĩa đen. Con tôi luôn là học sinh xuất sắc từ năm lớp 1 và vừa hoàn thành cấp trung học cơ sở với thành tích trong nhóm đầu của trường. Con tôi được kỳ vọng sẽ đỗ vào trường chuyên của thành phố và trở thành tấm gương tiêu biểu học sinh nghèo vượt khó của nhà trường.
Hoàn cảnh của tôi vô cùng khó khăn khi ly hôn chồng khi con mới 5 tuổi. Tôi chỉ là nhân viên hợp đồng của một cơ quan nhà nước nên mức thu nhập rất thấp. Thế nhưng tôi luôn cố gắng cho con ăn học đàng hoàng, không thua kém chúng bạn. Và rồi con gái cũng không phụ lòng mong mỏi của tôi. Dù không có điều kiện học thêm nhưng con luôn tự giác học tập, chăm chỉ rèn luyện để có được thành tích như hôm nay.
Khi nhận được kết quả học tập của con trong buổi họp phụ huynh, tôi đã rất hạnh phúc và ngay lập tức khoe thành tích đó lên mạng xã hội. Tất nhiên mẹ con nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ bạn bè, họ hàng. Không ít người còn gọi con gái tôi là “con nhà người ta” rồi than thở về tình trạng học tập kém cỏi của con họ. Tôi như đắm chìm trong cơn say từ bảng điểm của con gái.
Suốt cả ngày hôm đó, tôi chỉ cầm lấy chiếc điện thoại để theo dõi tình hình học tập của những đứa con của bạn bè. Theo trào lưu mà, ai cũng chia sẻ kết quả sau một năm học đặc biệt của lũ trẻ lên mạng xã hội. Thế nhưng tôi đã lầm vì không phải ai cũng đăng bài lên facebook mới mục đích để khoe con học giỏi như tôi.
Tôi lấy làm lạ vì có nhiều người con chỉ được học sinh khá cũng rất hả hê vui mừng. Tôi lập tức bình luận khoe thành tích của con gái và không quên quảng cáo là con tôi không cần học thêm học nếm gì cả, chỉ chăm chỉ chịu khó mà cũng được học sinh xuất sắc. Tôi nghĩ mình có ý tốt nhưng không phải vậy, họ phản ứng khá lạnh nhạt như kiểu không nhìn thấy bình luận của tôi.
Đến trường hợp của cô hàng xóm chia sẻ con trai chỉ được điểm trung bình trên 6 và chỉ đặt mục tiêu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Tôi đưa ra lời khuyên phải cố gắng cho con học, chỉ có học giỏi mới có tương lai tươi sáng. Thế nhưng cô hàng xóm lại phản ứng rất gay gắt: “Con chị học giỏi nhưng con gái 15, 16 tuổi không biết nhặt mớ rau, ăn cơm xong vẫn để mẹ lúi húi rửa dọn thì cho em cũng chả dám nhận”.
Câu nói này của cô hàng xóm quả thực như một hồi chuông đối với tôi. Từ ngày bé, tôi luôn cố gắng gấp nhiều lần để con gái không phải chịu thiệt thòi. Tôi luôn làm hết mọi công việc nhà cho con có thời gian học tập. Tuy nhiên đúng là đã đến lúc tôi phải trang bị những kỹ năng cơ bản nhất mà một cô thiếu nữ cần phải có cho chặng đường đời còn rất dài phía trước.
Là thầy giáo mà có con học dốt thì sao? Con mình mà còn chẳng dạy nổi thì nói gì đến chuyện dạy con người khác? Đó là những câu hỏi đã ám ảnh tôi nhiều năm trước đây. Không hiểu sao thằng con lớn của tôi lại không có chút năng khiếu nào cho việc học hành. Từ bé nó luôn là một chú nhóc vô cùng hiếu động. Cứ học được chữ sau là y như rằng quên chữ trước. Làm toán thì 2 cái kẹo thêm 2 cái kẹo mới biết là có 4 cái kẹo, chứ 2 cộng 2 thì cả ngày không ra đáp số.
Không chỉ học hành chểnh mảng, cu cậu còn luôn cầm đầu những trò quậy quá. Nhiều lần, nếu không vì nể tôi làm thầy giáo, phụ huynh đã làm to chuyện vì những trò nghịch dại của con trai tôi. Tôi không những phải chịu áp lực từ phụ huynh, bạn bè mà chính quan điểm của vợ tôi mới là nặng nề nhất. Cô ấy luôn giao nhiệm vụ cho tôi phải làm sao để cậu quý tử đạt học sinh xuất sắc, phải thi đỗ vào trường điểm để còn hãnh diện với bạn bè.
Con trai tôi vừa kết thúc lớp 7 nhưng với lực học và thái độ đối với học tập của nó, tôi dám chắc chỉ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Thế nhưng vợ tôi không bao giờ nhìn vào thực tại. Trong mỗi bữa ăn, cô ấy luôn lấy ví dụ con nhà chị A, con nhà anh B ở cơ quan đạt giải Toán, Lý, Hóa thành phố, rồi thì đứa nọ đứa kia nói tiếng Anh như gió, thậm chí “cãi nhau” được cả với Tây.
Những câu chuyện như vậy khiến con trai tôi trở nên vô cùng tự ti. Cho dù nó là đứa bản lĩnh và thông minh nhưng ngày qua tháng lại nghe mẹ ca ngợi người khác, nó vẫn sẽ có cảm giác là người thất bại khi còn chưa bước chân vào đường đua của cuộc đời. Vợ chồng tôi đã từng rất nhiều lầm mâu thuẫn vì quan điểm định hướng tương lai cho con. Vợ tôi chì chiết tôi là phản giáo dục khi ủng hộ con theo học trường nghề.
Tôi biết rằng với những đứa không có hứng thú với việc học, thời gian ngồi ở giảng đường đại học (nhiều khả năng là trường thấp điểm hoặc dân lập) sẽ vô cùng lãng phí. Tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay lúc 22 tuổi nhưng chẳng có chút kiến thức và kỹ năng nào. Lúc đó, chúng nó sẽ làm gì để kiếm sống? Tôi không muốn con tôi rơi vào tình trạng nửa vời như vậy, hãy nghiêng về thứ mà mình làm tốt nhất.
Học giỏi không phải con đường duy nhất để thành công. Hơn nữa, điều quan trọng nhất khi trưởng thành là phải biết tự lập, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khác với vợ tôi, nếu như cô ấy luôn cảm thấy xấu hổ thì tôi lại rất thản nhiên thừa nhận là bố của một đứa trẻ có học lực trung bình.