Hôn nhân kết thúc không có nghĩa là không còn vướng bận. Có những cặp vợ chồng dù đã ly hôn nhưng sự vương vấn vẫn kéo dài đến mãi sau này.
Tôi nhận ra, kết hôn hay ly hôn chỉ là danh nghĩa, còn xem nhau như người thân hay người dưng phụ thuộc cả vào suy nghĩ của mỗi người. Như vợ chồng tôi, lúc còn là vợ chồng thì xem nhau như kẻ thù, khi ly hôn rồi lại vương vấn, luyến tiếc nhau trong từng khoảnh khắc.
Tôi và chồng cũ yêu nhau 4 năm mới cưới. Trước khi kết hôn, chúng tôi thỏa thuận sẽ mua nhà thành phố và ở riêng chứ không sống chung với bố mẹ chồng. Nhưng kế hoạch đổ bể khi bố chồng tôi mất, tôi lại sinh em bé nên buộc phải đón mẹ chồng ra ở cùng.
2 năm đầu hôn nhân của tôi đẹp như một giấc mộng. Tôi được chồng yêu chiều, chăm sóc từng chút một. Không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ mối quan hệ nào khác, tôi cũng như chú mèo con ngoan ngoãn, cư xử nhẹ nhàng hết mực với anh.
Thế nhưng, từ ngày tôi sinh con và sống chung với mẹ chồng thì mọi thứ vụn vỡ. 6 tháng ở cữ, tôi mâu thuẫn với mẹ không biết bao nhiêu lần, chủ yếu liên quan đến việc chăm sóc đứa nhỏ. Tôi muốn luyện con tự ngủ, chấp nhận để con khóc trong vài phút rồi mới đến dỗ dành. Bà bảo như vậy là hành hạ con trẻ. Tôi không muốn bế rong con, ru con ngủ, bà lại nói đứa trẻ nào chẳng muốn được mẹ ôm ấp. Tôi hút sữa ra cho con ti bình, bà cũng nói tôi lười biếng, không chịu bế ẵm cho con ti trực tiếp…
Bà luôn tỏ ra khó chịu khi chồng giúp tôi trông con, làm việc nhà. Có lần anh ấy thức dậy với đôi mắt thâm quầng, bà đã bực dọc nói: “Chăm con là việc của đàn bà. Đàn ông phải ngủ để hôm sau còn đi làm”. Rồi bà xúi con trai ngủ riêng phòng để khỏi bị mẹ con tôi ảnh hưởng.
Tôi vốn không giỏi nhẫn nhịn, mỗi lần bà nói trái ý là cãi lại. Mẹ chồng – con dâu xích mích, người mệt mỏi nhất là chồng tôi. Nhưng anh ấy luôn bên trọng – bên khinh, bất chấp bênh vực mẹ dù tôi đúng hay sai. Anh tuyên bố với tôi: “Cha mẹ luôn đúng mà dù có sai thì con cái cũng phải nhịn”. Anh từ chỗ yêu thương, cưng chiều tôi trở nên gia trưởng, cục cằn. Anh không còn giúp đỡ tôi những việc lặt vặt trong nhà như trước kia vì coi đó là việc đàn bà…
Bức xúc dồn nén, tôi cãi nhau một trận “long trời” với chồng và mẹ chồng rồi ôm con về ngoại. Chúng tôi ly hôn trong sự ngỡ ngàng của chính mình. Sau này, tôi và anh phải thừa nhận với nhau rằng, cả hai đã quá sốc nổi nên hôn nhân tan vỡ.
Con được hơn 1 tuổi, tôi về lại thành phố, thuê nhà, thuê giúp việc trông con để đi làm trở lại. Hồi mẹ con tôi ở quê ngoại, anh không tiện về thăm nom thường xuyên nhưng kể từ ngày tôi về đây, anh ghé thăm liên tục. Anh lấy lý do nhớ con, muốn đón con đi học về, đưa con đi chơi… để qua lại nhà tôi. Thấy con gái quấn quýt bố, tôi cũng không nỡ ngăn cản.
Vợ chồng tôi ly hôn chẳng phải vì hết yêu mà chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, cái “tôi” của đôi bên quá lớn. Khi mất nhau rồi mới thấy nuối tiếc quá khứ đẹp đẽ. Chúng tôi bắt đầu nối lại tình cảm, cư xử nhẹ nhàng với nhau như thuở mới yêu. Chuyện “gối chăn” lại càng mặn nồng hơn trước.
Dù đã ly hôn, mỗi người một nhà nhưng một tuần 7 ngày thì có đến 4 ngày anh qua đêm ở nhà tôi. Chúng tôi cứ sống như vậy suốt 2 năm nay, anh chạy đi chạy lại giữa mẹ già và vợ cũ. Tình cảm tốt đẹp nhưng chẳng ai nói gì đến chuyện đường hoàng quay lại làm vợ chồng của nhau.
Có lẽ, cả hai chúng tôi đều sợ khi sống chung dưới một mái nhà, quá khứ tan vỡ sẽ lặp lại. Tôi và mẹ chồng chẳng thể hòa hợp với nhau, anh là người đứng giữa lại đau đầu giải quyết.
Nhưng tôi cũng hiểu, mối quan hệ mập mờ này sẽ có lúc khiến chúng tôi bị tổn thương. Và cả cô con gái bé bỏng của tôi nữa, khi hiểu chuyện, nó sẽ nghĩ thế nào về bố mẹ. Không thể dứt khoát rời đi, cũng không đủ can đảm tiến tới, tôi thực sự bất an.
Vợ chồng tôi ly hôn đã 5 năm, lý do là chồng tôi ngoại tình, nói đúng hơn là “ngoại tình tư tưởng”. Hồi đó, tôi mới sinh con gái đầu lòng được 4 tháng, vô tình kiểm tra điện thoại của chồng thì phát hiện anh nhắn tin mùi mẫn với một cô thực tập sinh.
Qua cuộc nói chuyện, tôi biết họ mới chỉ đang trong giai đoạn tán tỉnh chứ chưa hề đi quá giới hạn với nhau. Nhưng việc một người chồng ngoại tình trong khi vợ đang ở cữ đối với tôi là chuyện ghê tởm nhất trên đời. Tôi làm ầm ĩ. Mặc cho anh giải thích, van xin, tôi vẫn quyết định ly hôn.
Bố mẹ đẻ tôi có điều kiện, căn nhà tôi đang ở cũng do bố mẹ mua cho từ trước khi kết hôn nên tôi… bỏ chồng khá đơn giản. Chỉ cần yêu cầu anh xách vali ra khỏi nhà là xong.
Suốt 2 năm đầu sau ly hôn, chồng tôi ra sức níu kéo. Anh đứng dưới cổng chờ cả tiếng đồng hồ chỉ để được gặp con chốc lát, luôn nhớ mua quà tặng tôi nhân dịp lễ đặc biệt. Anh nhắn tin van xin tôi nghĩ lại để giữ gia đình trọn vẹn cho con, thừa nhận tình cảm với cô thực tập sinh kia chỉ là chút “cảm nắng” nhất thời.
Tôi lòng dạ sắt đá, không mảy may quan tâm lời anh nói. Quả thực, lúc đó tôi luôn tự tin, người đàn ông này chẳng thể nào rời bỏ tôi, nhất là khi chúng tôi đã có một đứa con chung.
Thế nhưng, mọi sự trên đời đều khó đoán. Anh không còn xin quay lại với tôi nữa mà chỉ làm tròn trách nhiệm của một người bố, chu cấp cho con, thăm nom con đúng luật… Và rồi, anh cũng có người mới sau tròn 5 năm ly hôn.
Tôi biết chuyện này khi cô gái kia đăng ảnh tình cảm của hai người và gắn thẻ Facebook anh. Tim tôi bỗng hẫng một nhịp như thể mình vừa mất đi một thứ gì đó vô cùng quan trọng.
Người mới của anh là giáo viên, kém anh 8 tuổi, vẻ ngoài xinh đẹp, dịu dàng. Vào Facebook cô ta, tôi thấy bóng dáng mình ngày xưa, được anh quan tâm từng chút một. Chồng cũ của tôi vẫn thế, một khi đã yêu ai thì sẽ yêu hết mình.
Thú thật, những năm qua một mình nuôi con, đôi lúc tôi cũng cảm thấy “lấn cấn” với quyết định ly hôn của mình. Nếu tôi bình tĩnh hơn có thể cuộc hôn nhân sẽ không tan vỡ theo cách đó. Dù đã ly hôn nhưng tôi chưa từng dứt khoát từ bỏ anh. Tôi vẫn mang tâm lý muốn dằn vặt anh, bắt anh phải chạy theo tôi, cho đến khi tôi quên được vết thương cũ mới đồng ý quay lại. Nhưng anh chẳng còn cần sự tha thứ của tôi nữa rồi.
Tôi và vợ cũ là bạn học thời phổ thông, chơi chung trong một nhóm bạn thân thiết. Tình cảm gắn bó nhiều năm từ cấp ba, lên đại học, đi làm rồi “về chung một nhà”. Cứ nghĩ với xuất phát điểm vững chãi như thế, chúng tôi sẽ có cuộc hôn nhân tốt đẹp. Nào ngờ, mọi thứ vẫn tan vỡ theo cách không ngờ.
Tôi và vợ đều có cái “tôi” quá lớn. Cả hai đều muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp mà chẳng ai chịu lui về hậu phương. Va chạm hằng ngày liên quan đến chăm con, làm việc nhà, tài chính, mối quan hệ với nhà chồng, nhà vợ khiến chúng tôi rệu rã. Có những ngày tôi chán nản chẳng muốn về nhà, bèn tìm đến bia rượu giải sầu. Vợ tôi đợi cửa đến nửa đêm, vừa nhìn thấy tôi đã mắng chửi sa sả, tôi không kiềm chế được chửi lại và vợ chồng lao vào cắn xé nhau… Tôi nhớ, kịch bản này lặp đi lặp lại rất nhiều lần, cho đến khi cả hai không chịu đựng được nữa, quyết định giải thoát cho nhau.
Sau khi ly hôn, vợ tôi đưa con về quê, phát triển dự án kinh doanh đã ấp ủ từ lâu, còn tôi vẫn nuôi mộng lớn lập nghiệp ở thủ đô. Thoát khỏi gánh gặng gia đình, thoát khỏi sự kìm kẹp của vợ, tôi thấy mình tự do. Nhưng niềm vui sướng đó chỉ trong thoáng chốc, tôi rơi vào nỗi cô đơn, trống trải khi không còn gia đình bên cạnh. Mỗi khi về nhà, chỉ có mình và sự hiu quạnh, tôi buồn tê tái. Tôi nhớ vợ, nhớ con, nhớ sự bận bịu ngày trước vô cùng.
Tôi biết vợ con đang sống rất tốt, vợ cũng thành công với dự án riêng nên không dám làm phiền nhiều, chỉ chu cấp cho con, thăm con theo quy định. Hai năm sau ngày ly hôn, chúng tôi mới đường hoàng đối mặt nhau trong ngày họp lớp.
Bạn bè thân biết chuyện nên cố tạo ra không khí náo nhiệt để chúng tôi bớt ngượng ngùng. Nhưng tôi vẫn không kìm nén được cảm xúc khi thấy chiếc nhẫn cưới trên ngón tay áp út của em. Và chiếc nhẫn đó, cũng đang ở trên tay tôi, chưa từng tháo ra. Thì ra, em cũng như tôi vẫn lưu luyến đoạn tình cảm này.
Chúng tôi gặp riêng nhau sau buổi họp lớp. Nhìn sâu vào mắt nhau, chúng tôi nhìn thấy rõ sự nuối tiếc của đối phương. Thế nhưng, những lời nói ra vẫn quá khách sáo và ngượng ngùng, chẳng ai đủ can đảm tiến thêm một bước.
Có lẽ, cả tôi và cô ấy đều sợ hãi khi bước vào hôn nhân một lần nữa, những vấn đề cũ lại nảy sinh. Lại là những cuộc cãi vã, những lần dằn vặt, hành hạ tinh thần nhau. Cuộc sống sẽ rệu rã, mệt mỏi như năm nào. Nếu thực sự muốn cho nhau một cơ hội để con có mái ấm đủ đầy, chúng tôi phải thay đổi, hạ bớt “cái tôi” của mình, nghĩ cho đối phương nhiều hơn.