Lưu bài Bỏ lưu bài

Trong mấy lần hẹn hò, cô ấy nói rất ít, hầu hết đều là tôi nói. Tôi tự thấy câu chuyện của mình thú vị nên càng thao thao bất tuyệt. Tôi kể về công việc, thu nhập, các mối quan hệ rộng rãi của mình… Tôi khoe với cô ấy mọi tài sản mình có, kể cả là hơn mẫu ruộng của bố mẹ ở quê…

Tôi tặng cô ấy không ít quà cáp: hoa, son, điện thoại, nhẫn kim cương… nhưng phải nói, cô ấy rất khó khăn trong chuyện nhận quà. Lần nào cô ấy cũng từ chối khéo: “Mấy thứ xa xỉ này em ít khi dùng đến, giữ lại cũng phí”. Không thể thể hiện bản thân bằng cách tặng quà, nói suông, tôi đành tìm cách khác.

Hôm đó, cô ấy chủ động rủ tôi đi ăn cùng nhóm bạn thân. Tôi mừng thầm: “Cơ hội đến rồi”. Cuộc gặp gỡ diễn ra vui vẻ, cho đến lúc thanh toán, tôi vội giành lấy việc trả tiền. Nhân viên vừa đưa bill cho cô ấy, tôi liền giật lại, tuyên bố thẳng thừng: “Để anh lo”.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 4

Bữa ăn hết hơn 4 triệu mà khổ nỗi, trong ví tôi lúc đó chỉ có 3,6 triệu tiền mặt, thẻ thì đang gặp vấn đề. Tôi đành lấy ví của cô ấy, lấy thêm vài trăm nghìn bù vào chỗ thiếu để khỏi xấu hổ với mấy cô nàng kia. “Yêu nhau thì hai người như một, anh thiếu chút thì lấy của em. Mọi người nhìn vào cũng thấy hai đứa gắn bó ở mức độ nào đó rồi”, tôi nghĩ vậy nên khá thoải mái.

Một lần khác, tôi dẫn cô ấy đi gặp đám bạn của mình. Tôi ba hoa nói với em: “Em phải gặp đám em út của anh để biết anh đỉnh cỡ nào, chúng nó phải nể anh cỡ nào”. Cô ấy chỉ cười cười nhẹ mà không nói gì.

Buổi tối hôm đó, người nói nhiều nhất vẫn là tôi. Tranh thủ trước mặt đám đàn em lễ phép và bợ đỡ mình, tôi “chém gió” tẹt ga, kể hết dự án nọ đến dự án kia, còn hứa hẹn kiếm cho đứa này, đứa kia vài “chỗ đứng” xịn xò. Lúc tính tiền, tôi đưa thẻ cho cô ấy, nói lớn: “Bà xã, tính tiền cho anh. Em yên tâm, sau này em có thất nghiệp, anh vẫn nuôi em được cả đời”. Đám đàn em vỗ tay ầm ầm, tôi nghĩ cô ấy phải hãnh diện lắm.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 5

Thế nhưng, mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Tôi không hề biết rằng, mỗi lần như vậy, cô ấy càng thêm thất vọng và ác cảm với tôi. Thái độ lạnh nhạt, xa cách của cô ấy khiến tôi thắc mắc và những lời cô ấy trải lòng khiến tôi “ngã ngửa”.

“Quen một người đàn ông từng trải, có điều kiện, nhiệt tình, biết chiều chuộng như anh, em thấy may mắn. Nhưng tiếc là, cảm xúc em dành cho anh tuột mất rồi. Đi gặp bạn bè em hay bạn bè anh, anh đều quá khoa trương. Anh biết đấy, họ đều là những người biết làm ăn, mình kiệm lời, khiêm tốn họ càng nể mình hơn. Mình khoe mẽ, thể hiện, biết đâu họ lại cười thầm trong lòng.

Hôm anh nói lớn: “Bà xã tính tiền cho anh…”, em chỉ mong anh nhẹ nhàng đưa em cái thẻ và nói thật nhỏ: “Anh say quá, em tính tiền giúp anh”. Hôm chúng ta bị cảnh sát giao thông giữ lại, em cũng mong anh thật bình tĩnh, trình bày vấn đề chứ không phải lồng lộn lên cãi vã rồi đút lót tiền như ném vào mặt họ… Em cũng chưa bao giờ có ý nghĩ nghỉ việc để chồng nuôi nên anh đừng nói thế, em không vui”.

Từng lời nhẹ nhàng mà thấm thía, tôi chợt nhận ra, người phụ nữ mình quen khiêm tốn và tinh tế vô cùng. Cô ấy thích sự nhẹ nhàng, giản dị, ghét thói khoe mẽ, khoa trương vậy mà tôi cứ thích tỏ ra nguy hiểm. Hiểu được điều này, tôi càng trân trọng cô ấy hơn nhưng không còn cơ hội nữa rồi.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 6

Tôi là con nhà nghèo, rất nghèo. Bố mẹ phải chật vật lắm mới nuôi tôi ăn học thành người. Ra trường đi làm, tôi thay bố mẹ nuôi hai đứa em, đứa vào cấp 3, đứa vào đại học.

Biết rõ hoàn cảnh gia đình, tôi quyết tâm vô cùng. Tôi phải mua được nhà thành phố, sắm xe ô tô để bố mẹ nở mày nở mặt. Tôi cũng phải kiếm được thật nhiều tiền để giúp đỡ một chị gái, nuôi hai em trai ăn học.

Nói được, làm được, năm 34 tuổi, sau 1 năm kết hôn, tôi mua được căn chung cư đầu tiên, rộng gần 90m2, hai phòng ngủ to, 1 phòng ngủ nhỏ. Chuyện tôi mua được nhà Hà Nội khiến làng xóm xôn xao. Ai cũng bảo bố mẹ tôi: “Cả nhà làm quan, cả họ được nhờ”. Trong buổi giỗ họ, tôi sẵn sàng tuyên bố: “Họ mình ai có việc phải ra Hà Nội cứ ghé nhà cháu ăn ngủ cho tiện”. Mọi người gật gù: “Hiếm lắm mới có đứa cháu thành đạt, có công việc thì phải nhờ vả chứ”.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 7

Vợ sinh con, mẹ tôi ra trông cháu, hai đứa em trai cũng chuyển vào nhà tôi ở. Căn nhà tưởng rộng rãi nhưng khi có 5 người lớn và 1 đứa trẻ con cùng sinh hoạt bỗng trở nên chật chội. Vợ tôi ngoài mặt hài lòng, cư xử nhã nhặn vợ mẹ chồng và các em chồng nhưng cũng vài lần phàn nàn với tôi: “Sống cùng hai cậu em chồng đến tuổi trưởng thành lắm cái bất tiện. Em nuôi con nhỏ, nhiều khi muốn cho con bú hay mặc bộ quần áo thoải mái cũng lăn tăn. Chưa kể còn hàng trăm thứ đụng chạm khác”. Tôi gạt đi: “Anh trai có nhà Hà Nội, chúng nó không ở đây thì ở đâu. Bất tiện bất tủng gì em tự liệu đi”.

Đối với họ hàng, tôi không ngần ngại, nề hà một việc gì. Ban đầu là những người họ hàng gần, sau là họ hàng xa, hễ có việc gì phải ra Hà Nội đều vào nhà tôi tá túc. Tôi gần như dành hẳn một căn phòng nhỏ chỉ để đón khách. Khách ở quê ra, không chỉ ngủ mà còn ăn, vợ tôi lại phải chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy cho mấy anh em tôi tiếp khách. Mấy câu nịnh bợ của họ hàng khiến tôi sướng lắm, họ bảo: “Mẹ M. sướng nhé, có cậu con trai vàng mười, anh em gần xa cũng được nhờ”.

Vợ tôi ngày càng bất mãn với việc này. Cô ấy bảo, nhà này không khác gì nhà trọ, ai cũng có thể vào ăn ở miễn phí. Cô ấy phải sống với mẹ chồng, hai em trai chồng đã nhọc, thi thoảng còn phải phục vụ họ hàng nhà chồng. Mẹ con cô ấy mang tiếng có nhà nhưng không có không gian riêng để thở. Tôi cũng chẳng vừa, mắng cô ấy ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Vợ chồng tôi căng thẳng liên miên.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 8

Đỉnh điểm của sự việc là khi cô ấy mang bầu đứa con thứ hai và một đứa cháu họ của tôi sắp vào đại học. Theo như lời nhờ vả của bố mẹ nó, tôi và mẹ dự định đón cháu vào đây ở. Thú thật, tôi cùng gia đình tự ý quyết chứ không hề bàn bạc với vợ con.

Chuyện này khiến cô ấy nổi cơn tam bành. Chưa bao giờ tôi thấy vợ giận dữ và bất mãn đến vậy. Cô ấy nói: “Nhà đang có 5 người lớn, 1 đứa trẻ con, em sắp sinh thêm đứa nữa mà anh lại định đón cháu họ vào đây ở. Vậy anh định để mẹ con em ở đâu? Anh muốn em sống chung đụng khổ sở thế này đến bao giờ nữa? Em nhất định không đồng ý”.

Tính gia trưởng và sĩ diện nổi lên, tôi quát lớn: “Cô bỏ ra được đồng nào mua nhà không mà dám nói đến chuyện đồng ý hay không đồng ý. Cô không muốn ở đây thì ra ngoài, tôi có cháu, tôi sẽ đón vào ở”.

Cô ấy vác cái bụng bầu 7 tháng, cùng đứa con hơn 3 tuổi, kéo vali ra khỏi nhà trước sự ngỡ ngàng của tôi. Tôi chưa từng nghĩ, vợ lại dám đưa con ra khỏi nhà thật.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 9

Hơn 1 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa thể đón vợ con quay về. Một tháng đó, tôi suy nghĩ rất nhiều, nghĩ về những việc tôi làm, những điều cô ấy nói. Quả thực, tôi chưa một lần nghĩ cho vợ con mình. Biết bao lần cô ấy nói muốn được tự do, muốn được giải thoát khỏi trách nhiệm nặng nề với họ hàng nhà chồng. Biết bao lần, cô ấy bày tỏ muốn có một không gian riêng, thoải mái nằm chơi với con mà không phải giữ ý…

Tôi vốn nghĩ căn nhà của mình to lắm, giá trị lắm, vợ quá may mắn khi không phải bỏ tiền ra vẫn có nhà ở. Chẳng thể ngờ, thứ vợ cần là một tổ ấm đúng nghĩa, riêng tư và hạnh phúc, chứ không phải căn nhà trọ ai cũng có thể ra vào. Tôi biết, mình đã quá sai lầm.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 10

Đôi khi, một chút khoa trương, sĩ diện có thể khiến ta mất đi tất cả. Tôi thấm thía điều này từ chính câu chuyện của mình.

Bạn trai tôi là nhân viên kho bạc nhà nước. Anh có công việc tốt, thu nhập ổn nhưng gia cảnh lại quá nghèo nàn. Vừa làm lo cho mình, vừa phải gửi tiền về lo cho bố mẹ thuốc thang nên anh không tiết kiệm được nhiều, chuyện mua nhà, lập nghiệp ở thành phố còn khá xa vời.

Vậy mà tôi vẫn yêu anh. Vì sao? Vì anh hiền lành, ấm áp và rất có chí. Anh tự lập, biết làm mọi thứ từ sửa chữa đồ điện đến nấu ăn, làm việc nhà. Nếu biết đủ và biết hài lòng, tôi sẽ có cuộc sống hạnh phúc bên anh. Thế nhưng, tôi lại quá đòi hỏi.

Thú thật, xuất thân của tôi cũng không khá hơn anh là mấy nhưng đổi lại, tôi xinh đẹp, năng động, khéo ăn khéo nói. Họ hàng bảo, bố mẹ tôi sau này tha hồ nhờ con gái, bạn bè thì trêu, kiểu gì tôi cũng phải cưới đại gia. Tôi vì thế mà gây áp lực, luôn muốn anh phải thể hiện trước gia đình, bạn bè tôi.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 11

Mấy dịp lễ như 8/3, 20/10, ngoài tặng tôi hoa quà, anh phải mua hoa tặng cho 3 đứa bạn cùng phòng khác của tôi. Thi thoảng, anh phải dẫn cả đám đi ăn, thậm chí đi hát hò. Theo tôi về quê chơi, anh phải chuẩn bị đủ quà cáp cho ba bên bốn bề. Đôi khi chẳng phải dịp gì, tôi cũng muốn anh gửi quà về cho bố mẹ lấy lòng.

Những yêu cầu đó hay một vài yêu cầu vô lý hơn thế, anh cũng đáp ứng tôi nhưng đến khi chuẩn bị cho đám cưới thì anh “tức nước vỡ bờ”.

Bố mẹ anh đang ở trong 4 gian nhà cũ chưa sơn sửa. Không muốn phải mất mặt trước họ hàng khi đưa dâu về nhà chồng, tôi bàn với anh xây lại toàn bộ công trình phụ, xây thêm hai gian nhà bên cạnh, đồng thời, sơn lại toàn bộ căn nhà. Anh phản đối kịch liệt. Anh nói, bố mẹ muốn anh dồn góp tiền mua nhà trên thành phố, căn nhà ở quê sau này chỉ có bố mẹ ở nên xây lại công trình phụ là ổn, không cần sửa sang, xây đắp thêm gì cho tốn kém. Tôi vì chuyện này mà giận anh hàng tuần liền, đến khi anh hứa hẹn, sẵn sàng đáp ứng tiền thách cưới, lễ lạt hoàn toàn theo ý tôi, tôi mới xuôi lòng.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 12

Tôi lại bàn sang chuyện trao vàng cưới. Trước đó anh kể, bố mẹ anh tích cóp mãi mới được 1 cây vàng, dự định cho hai vợ chồng làm của để dành. Ở quê anh không có tục lệ trao vàng cưới cho con dâu nên nhà anh cũng không muốn khoa trương.

Tôi nhảy dựng lên: “Nhà anh không cần thể diện nhưng nhà em cần. Hơn nữa, 1 cây là không đủ. Bạn bè em cưới, đứa nào cũng được bố mẹ, anh em nhà chồng cho mấy cây vàng, đeo khắp cổ, khắp tay. Em không thể thua kém chúng nó được”.

Tôi bàn với anh, lấy tiền tiết kiệm ra, mua thêm vàng để bố mẹ trao cho con dâu trong ngày cưới, rồi tiền vẫn là của hai vợ chồng. Anh nhất định không đồng ý: “Tại sao chúng ta phải lừa bịp như thế? Mỗi quê một phong tục, quê anh không có lệ trao vàng cưới trước bàn dân thiên hạ, người ta cho con cả chục cây vàng cũng chỉ cho riêng thôi.

Phút thành thật: “Làm màu” với bạn gái, tôi nhận cái kết bẽ bàng - 13

Chưa kể, gia cảnh nhà anh thế nào, xưa nay ai cũng biết. Giờ bắt bố mẹ anh phải lừa dối, khoa trương trước mọi người, có phải là làm khó ông bà không?”.

Tôi vẫn một mực cho rằng, con gái cả đời chỉ cưới một lần, không thể mất mặt với họ hàng. Quá nhiều chuyện không thể dàn xếp, anh kết luận: “Chúng ta không hợp nhau. Miễn cưỡng kết hôn cũng không hạnh phúc. Chia tay thôi”.

Cuộc tình sắp đi đến hồi kết cuối cùng vỡ tan như thế. Suốt thời gian sau đó, tôi vẫn chưa nhận ra mình sai ở đâu, tại sao một người yêu thương, chiều chuộng tôi đến vậy lại chọn buông tay? Nhưng rồi tôi hiểu, mình đã đòi hỏi quá nhiều, sự đòi hỏi, tính sĩ diện, khoa trương khiến tôi mất đi tất cả.

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Nguồn ảnh: Internet

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 29/11/2021 08:30 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])