Thời gian đến Tết nguyên đán chỉ còn được tính bằng ngày. Lúc này đây, câu chuyện cửa miệng khi gặp nhau là hỏi bao giờ được nghỉ Tết, đã chuẩn bị được gì chưa hoặc ai lạc quan thì hỏi ăn Tết có to không? Nói như vậy để thấy được cái không khí Tết đã đậm đà lắm rồi, guồng quay cuộc sống để đón Tết đã hối hả lắm rồi. Với những người thảnh thơi, họ có nhiều thời gian để chuẩn bị. Tôi biết không ít bạn bè đã sắm đào, chơi quất từ đầu tháng Chạp. Họ lên kế hoạch mua gì, sắm gì, thu xếp công việc ra sao, về quê ngày nào rất chu đáo.
Thế nhưng cũng có không ít người do đặc thù công việc, họ không được tận hưởng cái cảm giác “sống chậm” đó. Công việc đã giữ chặt họ ở công ty, ở cơ quan đến tận ngày 29, thậm chí là 30 Tết. Họ chỉ cảm nhận được cái hối hả, cái rộn ràng của những ngày cận Tết qua cảm nhận, hoặc qua mạng xã hội. Tôi là một người như vậy. Tôi gắn bó với nghề làm dịch vụ đã gần 5 năm nay. Với tôi, những ngày sát Tết là bận rộn nhất và cũng là cơ hội để kiếm thêm thu nhập.
Bố mẹ tôi rất thông cảm cho công việc của con gái. Trước khi lấy chồng, tôi gần như không phải lo lắng, không phải chuẩn bị cho ngày Tết. Tất cả công việc đều được mẹ chu toàn. Nhiệm vụ của tôi là khi hoàn thành công việc sẽ trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Thậm chí bố mẹ còn thương tôi hơn vì thiệt thòi, do đặc thù công việc nên không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ngay sau khi lấy chồng, mọi chuyện đã thay đổi.
Đây là năm đầu tiên tôi ăn Tết với gia đình bên chồng. Tính chất công việc vẫn không thay đổi, tôi phải làm đến hết ngày 29 tháng Chạp mới được nghỉ. Đó chính là khởi điểm cho những mâu thuẫn. Nhà chồng tôi có tư duy truyền thống, tức là Tết là dịp trọng đại, tất cả con cháu đều phải quây quần, sum vầy bên gia đình. Chồng tôi là trưởng, dưới còn hai em. Cậu em kế đang học đại học còn cô út vẫn là học sinh cấp 3. Nói chung là bọn trẻ vẫn chưa đến tuổi phải gánh vác trọng trách.
Chính vì thế, bố mẹ chồng tôi đặt rất nhiều gánh nặng lên vai con dâu trưởng, chính là tôi. Thế nhưng như đã nói, tôi không thể dứt khỏi công việc để nghỉ Tết sớm. Với tôi, thời gian trước Tết dành cho gia đình là điều không thể. Bố mẹ chồng tôi không hiểu chuyện đã đành, ngay cả chồng tôi cũng không dành cho vợ chút cảm thông nào. Nhiều này qua, gia đình tôi vô cùng căng thẳng. Mẹ chồng cho rằng tôi lười biếng, không có trách nhiệm với nhà chồng nên lấy lý do phải đi làm. Bà lấy rất nhiều ví dụ, nào là cái H con bà L, cái M vợ thằng Q... chúng nó xin nghỉ làm từ 25 tháng Chạp, xắn tay vào lo việc nhà chồng chứ không như con nhà này.
Bố chồng tôi cũng không vừa. Ông mắng bà nhưng thực chất là nhằm vào tôi: “Năm ngoái chưa có nó về thì nhà này không ăn Tết à. Nó còn bận việc thiên hạ thì bà cấm làm sao được”. Tôi thực sự rất sốc khi phải nghe những lời nói đó từ những người mà mình gọi là bố mẹ. Chồng tôi không chịu được sức ép từ gia đình nên cũng trút giận lên tôi. Anh cáu, thậm chí còn văng tục: “Thiếu *** gì việc, nghỉ ** đi, nhà này không để cho cô phải chết đói mà phải làm bán mạng cho chúng nó”.
Tôi thầm nghĩ, nếu như tôi nghỉ làm thì có khi “chết đói” thật chứ không phải dọa. Bố mẹ chồng tôi đều không có lương hưu, ông bà chỉ trông vào quán nước để nuối 2 đứa em ăn học. Chồng tôi làm thợ cơ khí, công việc cũng không ổn định nên chẳng có cơ sở gì để vỗ ngực nuôi vợ. Tôi đã từng nghĩ đến phương án nhờ mẹ đẻ sang hỗ trợ nhưng với cách hành xử như vậy của nhà chồng, tôi sẽ vẫn đi làm như thường bởi theo như lời bố chồng tôi nói, năm ngoái không có tôi thì mọi chuyện vẫn êm đẹp đó thôi.
Về quê ăn Tết luôn là chủ đề rất được quan tâm trong những ngày giáp Tết. Với những người lên thành phố làm việc, Tết là dịp lý tưởng nhất để trở về nhà thăm gia đình sau một năm dài vất vả. Tôi là con trai cả nên không năm nào là tôi không tranh thủ về sớm để giúp đỡ bố mẹ chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tết năm nay sẽ đặc biệt hơn bởi tôi đã có gia đình riêng và lần đầu tiên bố mẹ tôi ăn Tết cùng con dâu.
Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo. Bố mẹ tôi cũng chỉ là nông dân nên gia đình chắc chắn không thể khá giả. Từ bé tôi đã có ý thức phải vươn lên, phải thoát nghèo. Để có được ngày hôm nay là rất nhiều năm vất vả. Tôi không chỉ nỗ lực nhiều hơn người khác mà cũng có cách chi tiêu kham khổ hơn bạn bè cùng trang lứa. Đồng tiền làm ra không dễ dàng nên tôi cũng sẽ không chi tiêu bừa bãi.
Từ ngày bé tôi đã rất nhớ câu tục ngữ: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Câu nói đó dạy chúng ta cách tốt nhất để có an toàn tài chính là tiết kiệm. Thế nhưng cô vợ của tôi lại có tư duy khác biệt. Cô ấy may mắn hơn tôi khi được bố mẹ cưng chiều. Vợ tôi hiếm khi phải trải qua những khó khăn. Sự yếu đuối, mong manh của cô ấy đã khiến tôi rung động. Ở bên cô ấy, tôi luôn cảm giác mình như một người anh hùng. Ngược lại, cô ấy cũng say đắm vẻ phong trần, sự từng trải của tôi. Vì thế mà dù chúng tôi rất khác biệt nhưng vẫn thành đôi.
Tuy nhiên, sau khi kết hôn, những mâu thuẫn về lối sống ngày càng nghiêm trọng. Tôi có cảm giác cô ấy không hề quý trọng đồng tiền. Tôi biết vợ tôi vẫn thường xuyên xin viện trợ từ bố mẹ bởi với mức lương hiện tại không thể phục vụ cách tiêu tiền của cô ấy. Tôi đã phản đối nhiều lần bởi thanh niên đang tuổi lao động lại xin tiền bố mẹ già là điều khó chấp nhận. Thế nhưng vợ tôi lại có quan điểm trái ngược, cô ấy bảo niềm vui của bố mẹ là được chứng kiến con cái sống an nhàn, hạnh phúc.
Tôi thấy mình phải có trách nhiệm giúp vợ trưởng thành hơn. Tết này, nhà tôi sẽ về quê bằng xe khách nhưng vợ tôi phản đối kịch liệt. Cô ấy muốn thuê xe riêng bởi không thể chịu được cảnh chen chúc, chật chội, thiếu an toàn. Vợ tôi nặng lời nếu tôi tiếc tiền thì cô ấy sẽ trả tiền thuê xe, thậm chí còn bảo sẽ xin bố mẹ mua ô tô và Tết năm sau tôi sẽ phải tự lái đưa gia đình về quê.
Trong mắt vợ, tôi luôn là một người chồng keo kiệt nhưng cô ấy không hề biết rằng tôi đang cố gắng để giúp cô ấy sống bớt phụ thuộc vào đồng tiền. Với cách tiêu tiền như vậy, nếu như không còn sự trợ giúp của bố mẹ, sớm hay muộn vợ tôi cũng sẽ rơi vào khủng hoảng.
Sau một năm dài làm việc vất vả, thưởng Tết là món quà rất có ý nghĩa đối với người lao động. Tôi và chồng đều là dân văn phòng, thu nhập hằng tháng không cao nên thưởng Tết cũng được xem là khoản thu nhập rất quan trọng. Những năm trước khi kinh tế còn ổn định, thưởng Tết của hai vợ chồng cũng ngót nghét 50 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn và có thể giải quyết được nhiều việc.
Thế nhưng cách sử dụng khoản thưởng Tết thế nào cũng là một bài toán khó. Có người xem đó là khoản thưởng đơn thuần, mà đã là thưởng thì tiêu không phải nghĩ. Tuy nhiên cũng có người xem đó cũng là một khoản thu nhập, là đánh đổi công sức mới có được. Vì thế họ sẽ cân nhắc kỹ càng hơn trước khi móc hầu bao.
Đáng buồn là tôi và chồng lại thuộc hai mẫu người kể trên. Tôi muốn tĩnh lũy khoản thưởng Tết nhưng anh ấy lại muốn phóng tay một chút. Chúng tôi đã kết hôn được hơn 3 năm. Nhìn lại quãng thời gian đó, vợ chồng tôi chưa tích lũy được tài sản gì đáng giá. Nhà vẫn phải đi thuê, khoản này tiêu tốn mỗi năm cả trăm triệu đồng. Chúng tôi cũng vừa đón con đầu lòng nhưng chồng tôi vẫn rất vô lo vô nghĩ.
Thưởng Tết năm nay của hai vợ chồng không tệ. Tôi muốn để dành nhưng chồng tôi lại muốn mua điện thoại. Đây thực sự là ý tưởng tệ nhất trong mọi loại ý tưởng. Đã qua rồi cái thời khoe nhau cái điện thoại xịn, chiếc xe máy đẹp. Bây giờ nhiệm vụ quan trọng nhất là vun đắp cho gia đình. Hai vợ chồng trẻ, đang trong độ tuổi lao động nếu không biết tích lũy thì sẽ rất nguy hiểm.
Tôi sẽ nói chuyện nghiêm túc với chồng, nếu không đả thông được tư tưởng thì sẽ mời bố mẹ chồng cùng can thiệp. Một chiếc điện thoại mới có thể giúp anh nói to hơn trên bàn nhậu ngày Tết nhưng một cuốn sổ tiết kiệm cho con sẽ giúp cả gia đình dễ thở hơn, yên tâm hơn trong năm tới và hướng đến một khoản thưởng Tết lớn lao hơn.