Mẹ mất năm tôi lên 10, hai đứa em gái một đứa lên 5, một đứa lên 3. Bố tôi một mình “gà trống nuôi con”, công việc nặng nhọc nào cũng từng làm qua để có tiền nuôi ba con ăn học.
Tôi vừa là chị cả, vừa là người mẹ thứ hai của các em. Học hết lớp 12, dù muốn thi đại học lắm nhưng tôi vẫn phải nghỉ, đi làm công nhân kiếm tiền phụ giúp bố. Hai em tôi học rất giỏi, đứa nào cũng đỗ đạt, lại ngoan ngoãn nghe lời bố và chị. Gia đình 4 người, dù thiếu hơi ấm của mẹ vẫn vượt qua mọi khó khăn để có cuộc sống sung túc.
Tôi thương bố lắm, vợ mất sớm, một mình cáng đáng mọi việc to nhỏ trong nhà. Tôi nhớ như in những lần thấy bố ngồi cặm cụi khâu đũng quần cho con dưới ánh đèn khuya, những lần bố dậy sớm rang bát cơm nguội cho các con ăn đi học, những lần bố đi chọn từng bộ quần áo Tết cho ba cô con gái… Rồi cả lần bố ngượng ngùng đưa cho tôi gói băng vệ sinh. Bố bảo: “Thắc mắc gì cứ mạnh dạn hỏi bố, đừng ngại” mà tôi còn thấy bố ngại hơn mình.
Ba chị em chồng con đuề huề, cuộc sống ổn định thì bố cũng tròn 60 tuổi. Đôi lần, hai em tôi về chơi nhà, thấy bố “cơm niêu nước lọ” thì bàn với tôi: “Hay chị em mình động viên bố lấy vợ. Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Tôi gạt phắt đi.
Tôi đã xác định lấy chồng gần để ngày ngày sang coi sóc bố thì sẽ hoàn thành trách nhiệm. Bố già rồi còn lấy vợ, chẳng may lại rơi vào cảnh cha già con cọc thì càng vất vả hơn. Hai em thấy tôi kiên định như thế cũng chẳng khuyên thêm lời nào.
Nhưng rồi bố cũng tự tìm cho mình một người nương dựa tuổi già. Bà cô đó kém bố tôi 18 tuổi, là người từ huyện khác đến đây làm ăn. Khi biết hai người qua lại, tôi đau khổ như mình vừa mất mát thứ gì đó lớn lao lắm. Tôi lại nghĩ đến mẹ, thương mẹ mất sớm thiệt thòi để giờ bố đi lấy vợ mới.
Tôi còn tìm hiểu được, bà cô kia từng có hai đời chồng, đến bố tôi là đời thứ ba. Lần thứ nhất, bà cô bị chồng bỏ vì không sinh được con, lần thứ hai, bà cô tự bỏ chồng vì bị đánh đập. Cả hai lần lấy chồng, bà cô đều chưa được tổ chức một đám cưới đàng hoàng.
Bố tôi vì thương sự hiền lành, chịu khó của bà mà muốn gắn bó nốt quãng đời còn lại. Tôi phản đối kịch liệt. Tôi bảo bố, dù có lấy vợ thì cũng phải lấy người tử tế đàng hoàng, tại sao lại lấy một bà cô hai đời chồng, sống tha phương như thế. Bố con tôi sau bao nhiêu năm hoà hợp, lần đầu tiên cãi nhau một trận lớn. Cuối cùng bố buồn rầu nói, suốt phần đời quan trọng nhất của bố, bố đã dành cho chị em chúng tôi, phần đời còn lại, bố muốn sống cho mình. Hai em nghe vậy khóc thút thít, xin tôi tác thành cho bố.
Tôi đồng ý với điều kiện là bà cô kia không được sinh con, không phải tôi lo chuyện chia tài sản mà vì không muốn bố phải nuôi con đỏ. Tôi tự thấy mình lo thừa vì vốn với hai người chồng trước, bà ấy đã không thể sinh con.
Ai ngờ, sau gần 2 năm về chung sống, bà cô ấy mang thai và sinh ra một cậu con trai. Bố và các em tôi vui mừng khôn xiết, còn tôi thì bàng hoàng. Tôi không tin nổi, một người từng bị chồng bỏ vì vô sinh lại có thể đẻ con ở cái tuổi ngoài 40. Vừa hoài nghi, vừa bức xúc khi bà cô đó không giữ lời hứa, tôi quyết định phá bằng được mối duyên này.
Tôi không thể lay chuyển được bố thì tìm cách gây áp lực lên mẹ kế. Rút cuộc, bà ấy tự nguyện đem con về quê sống vì muốn được bình yên. Bố vì chuyện đó mà giận tôi suốt mấy năm trời.
Tôi biết, bố dùng tiền tiết kiệm xây cho mẹ con bà ấy một gian nhà nhỏ ở quê rồi tuần nào cũng chạy hơn 30 cây số về đó thăm đôi ba ngày. Bố không ở hẳn vì còn phải trông nom nhà cửa, hương khói cho vợ và gia tiên ở đây. Tôi cũng mặc kệ, miễn sao khuất mắt trông coi.
Vài năm sau, bố tôi mắc bệnh, mỗi tuần phải ra bệnh viện huyện chạy thận 3 lần. Hai em lấy chồng xa, không thể về chăm sóc thường xuyên, một mình tôi quay cuồng, vừa chăm con, vừa chăm bố. Tôi là gái đã có chồng, dù thế nào cũng không thể lo cho bố chu toàn được. Lúc này tôi mới hiểu thế nào là “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
Và bà cô đó, người mà bao nhiêu năm qua bị tôi ruồng rẫy đã đưa con trở về chăm sóc bố tôi. Đối diện với tôi, bà e dè giải thích: “Tôi chỉ muốn chăm sóc ông ấy nốt chặng này. Ông ấy khuất bóng, tôi lại đưa thằng bé về quê…”.
Không gì tả được sự áy náy, cảm giác tội lỗi trào dâng trong lòng tôi, không phải bởi tôi đang rất cần sự giúp đỡ mà vì tôi nhận ra mình đã sai.
Tôi luôn tự tin sẽ tự mình chăm sóc bố cho đến khi bố lìa đời mà không biết rằng sức lực có hạn và điều bố cần lúc tuổi già là hơn thế.
Tôi cầm tay mẹ kế, nước mắt rơi lã chã. Trong khoảnh khắc đó, tôi chẳng thể nói lời cảm ơn hay xin lỗi, chỉ biết thể hiện sự ăn năn của mình bằng những giọt nước mắt.
Tôi sinh đứa con thứ hai khi đứa con thứ nhất mới tròn 3 tuổi. Nhỡ kế hoạch khiến cuộc sống của tôi vùi sâu vào áp lực, mệt mỏi, căng thẳng. Sức khoẻ thể chất chưa kịp hồi phục, sức khoẻ tinh thần càng hoảng loạn hơn.
Vợ chồng tôi ra ở riêng, ông bà già yếu nên không thể đến giúp đỡ hằng ngày. Tôi đẻ được 10 ngày thì bà ngoại về quê, một mình tôi ôm cái bụng nhẩm đau và vết mổ chưa lành hẳn chăm sóc một đứa trẻ 3 tuổi và một đứa trẻ sơ sinh. Dịch bệnh COVID-19, con lớn không thể đi học khiến tôi càng thêm quay cuồng và bế tắc.
Tôi bắt đầu cáu gắt, la mắng, thậm chí là đòn roi với đứa lớn mỗi khi con mè nheo thứ gì đó. Tôi rất mệt, rất bận, không thể mỗi lúc con cần là có mặt ngay lập tức để bế con, cưng nựng con, chiều chuộng con và đáp ứng mọi yêu cầu của con.
Tôi còn có một đứa bé sơ sinh cần chăm sóc. Tôi còn một đống quần áo chưa giặt, cơm chưa nấu, sữa chưa vắt… Con phải biết những điều đó mà ngoan ngoãn hơn, nghe lời hơn.
Làm thế nào mà tôi lại nghĩ rằng, một đứa trẻ 3 tuổi phải biết tất thảy những điều đó. Thật quá ngớ ngẩn nhưng khi ấy tôi thực sự đã yêu cầu con phải như thế. Những gì tôi muốn là con phải dừng ngay những hành vi khó chịu nhưng thường thì mọi chuyện đi ngược lại. Thằng bé giãy giụa, khóc lóc, lì lợm và đôi khi hét váng nhà để thu hút sự chú ý của tôi.
Tôi nghĩ ra đủ loại hình phạt cho con. Một vài lần, tôi còn lên mạng tra xem có cách nào khiến con sợ và nghe lời. Lần gần đây nhất, tôi gần như phát điên khi thấy con dùng bút màu vẽ lung tung trong quyển vở tô màu, trong khi, tôi muốn con học tô màu theo mẫu.
Mặc cho tôi nghiêm mặt ra chỉ thị: “Con phải tô theo hình trong sách”, thằng bé vẫn dùng bút màu nghịch đủ thứ, thậm chí còn cắn nát chúng. Tôi tức giận vô cùng, yêu cầu con dọn hết những sách vở, đứng úp mặt vào tường, còn tôi thì ôm đứa thứ hai vào phòng ngủ. Thằng bé toan chạy theo nhưng tôi kịp hét vào mặt nó: “Con phải đứng úp mặt vào tường 20 phút cho đến khi mẹ ra”. Tôi kiên quyết quay đi trong cơn tức giận và không thể tin được ánh mắt thằng bé lén nhìn tôi khi cánh cửa đóng sập lại.
Đưa con nhỏ vào phòng ru ngủ, tôi mệt quá mà thiếp đi. Tỉnh dậy, tôi hoảng hốt nhận ra đứa con lớn vẫn ở bên ngoài, không quạt, không điều hoà. Tôi mở cửa ra, thấy con ngủ gục giữa đống giấy bút, đồ chơi lẫn lộn, mồ hôi ướt đầu, tay vẫn khư khư giữ cây bút màu màu đỏ. Hồi dẫn con đi mua bút, tôi từng nói, màu đỏ là màu tôi thích nhất.
Tôi ôm con vào lòng, bật khóc. Thằng bé tỉnh dậy ngơ ngác hỏi: “Mẹ đau ở đâu à?”. Con đã quên béng việc mình vừa bị mẹ trách phạt, nhốt ngoài phòng, chỉ quan tâm xem mẹ đau ở đâu, tại sao lại khóc. Vậy mà một người mẹ là tôi lại không đủ kiên nhẫn để chơi cùng con, giải thích cho con cái sai, cái đúng. Tôi đã sai trong cách dạy con. Người cần dạy giờ đây không phải thằng bé mà chính là người mẹ này.
Nhà tôi có hai chị em gái. Tôi là chị cả. Bố mẹ tôi là dân lao động bình thường, mẹ ở nhà nấu rượu, chăn nuôi, bố làm cửu vạn, ai thuê gì làm đó.
Gia cảnh trung bình nhưng bố mẹ tôi luôn nói, sẽ nuôi hai chị em ăn học đến khi nào không học được nữa thì thôi. Học xong lớp 9, tôi trượt cấp ba, tính nghỉ học đi làm thì bố bắt phải ra trung tâm giáo dục thường xuyên học. Hết cấp 3, tôi lại trượt đại học, bố mẹ động viên tôi thi lại hoặc đi học cao đẳng, học nghề nhưng tôi vẫn quyết nghỉ đi làm công nhân. Năm 20 tuổi, tôi lấy chồng.
Em gái tôi thì khác, giỏi giang hơn nhiều. Con bé đỗ một trường đại học danh tiếng, bố mẹ nuôi ăn học 4 năm, mua cho một chiếc máy tính và một chiếc xe máy mới. Thi thoảng tôi vẫn nói đùa với cả nhà rằng: “Nhất em H. được đi học đại học, giờ thì đi làm ngồi điều hoà máy lạnh, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Chả bù cho chị”. Bố mẹ nghe thế chỉ cười, còn con bé thì bật lại luôn: “Tại chị không chịu học đấy chứ”.
Em tôi đi làm 4 năm thì lấy chồng. Năm đó nó 26 tuổi, gả vào một nhà giàu có tiếng trong huyện. Tôi không nghe bố mẹ nói chuyện gì về của hồi môn cho em, đến hôm cưới mới thấy bố mẹ lên trao cho em một chiếc kiềng cổ và một chiếc lắc tay, tổng cộng là một cây vàng.
Tôi giận ra mặt. Năm tôi lấy chồng, bố mẹ chỉ cho vỏn vẹn 4 chỉ vàng, trong khi tôi lấy chồng nghèo, trong tay lại chẳng có mấy đồng làm vốn. Cảm thấy bố mẹ thiên vị, tôi bức xúc lắm.
Một tuần sau, bố mẹ gọi điện mời mãi tôi mới đến nhà ăn cơm lại mặt của vợ chồng em gái. Hôm đó trong bữa cơm, tôi nói bóng gió về chuyện của hồi môn, rằng bố mẹ “bên trọng bên khinh”, thiếu công bằng. Tôi còn đánh tiếng, bố mẹ chỉ có hai cô con gái, miếng đất đang ở sau này liệu mà chia. Mọi người dường như đều ngượng ngùng nên cố tình nói lảng sang chuyện khác. Tôi càng ức thêm.
Đến lúc rửa bát, em gái kéo tôi sang một bên nói chuyện. Con bé chỉ trích tôi là người tính toán, không biết điều.
Thì ra, toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong 4 năm đi làm, em gái đưa cả cho bố mẹ tôi làm vốn dưỡng già. Bố mẹ trích một phần ra mua một cây vàng trao tặng cho con gái vào ngày cưới để không mất mặt với nhà trai. Sở dĩ bố mẹ không kể với tôi chuyện này là vì sợ tôi chạnh lòng khi không thể báo đáp bố mẹ như em gái.
Con bé còn nói thêm: “Chị bảo em được bố mẹ cho ăn cho học, chẳng lẽ chị không được? Vì chị không đỗ nên phải nghỉ học thôi. Miếng đất vợ chồng chị đang ở bây giờ là ai cho tiền mua? Trước đây bố mẹ bảo cho vay là để anh chị cố làm lụng kiếm tiền trả nợ nhưng lúc chị trả bố mẹ có cầm đồng nào không? Bố mẹ vất vả cả đời cũng chỉ để lo cho hai chị em, giờ chị buông lời tị nạnh như thế, chị không sợ bố mẹ tủi thân à?”.
Tôi sững người, thấm từng câu từng chữ em gái nói. Thì ra, bố mẹ tôi chưa bao giờ thiếu công bằng, cũng chẳng có chuyện thương đứa này, ghét đứa nọ. Tôi không nhìn nhận đúng mọi chuyện, luôn tự cho mình là kẻ thiệt thòi nên đã làm tổn thương những người thân yêu nhất của mình.
Bạn đã bao giờ vì những hành động “xấu hổ muốn độn thổ” của mình mà rơi vào tình huống tréo nghoe như trên? Hãy gửi chia sẻ của mình tới chúng tôi, vào hòm thư Bantrecuocsong@24h.com.vn.