Thuở mới lấy chồng, tôi nhận được một bài học xương máu vì sự thiếu suy nghĩ của mình.
Tôi lấy chồng năm 21 tuổi, độ tuổi còn ngây thơ và bốc đồng. Chồng tôi là con út trong nhà, có một anh trai, một chị gái đã lập gia đình. Vợ chồng anh trai sống nhà kế bên, còn vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ.
Sau đám cưới, vợ chồng tôi tổng kết số của hồi môn nhận được là 2,5 cây vàng (nhà ngoại cho 1,5 cây), tiền phong bì cưới là 30 triệu đồng. Số tiền mừng đó là của bạn bè hai đứa, tiền mừng của bố mẹ thì bố mẹ giữ.
Bữa cơm gia đình đầu tiên sau đám cưới, mẹ chồng tôi có hỏi về số của hồi môn và tiền phong bì cưới. Tôi thật thà trả lời nhưng tuyệt nhiên không nhờ mẹ chồng giữ hộ như một số cô dâu khác. Tôi vẫn nghĩ, 22 tuổi rồi, tiền của mình còn không tự giữ được thì làm nên chuyện gì. Chồng tôi gợi ý: “Phòng mình cửa ải không chắc chắn hay em cứ nhờ mẹ cất tủ cho”. Tôi nói luôn: “Tủ phòng mình có khóa mà. Anh cứ yên tâm, em giữ được”. Không khí bữa cơm đó khá trầm lắng.
Một tuần sau đám cưới, tiền vàng tôi giữ còn chưa nóng tay, anh chồng đã sang nhà mượn 1 cây vàng để thanh toán nốt tiền nợ xây nhà. Anh bảo, nợ ngân hàng anh sẵn sàng trả lãi nhưng nợ người thân bên vợ, ngượng quá nên sẵn đây muốn mượn chú thím trả luôn.
Mẹ chồng tôi lời ngon tiếng ngọt nói thêm vào: “Các con mới cưới, chưa sinh nở, ở cùng nhà, ăn cùng bố mẹ cũng chưa cần gì đến tiền. Hay con cứ cho anh chị mượn trước, thời gian nữa anh chị trả luôn”. Là dâu mới, tiền lại sẵn tủ, tôi chẳng có cách nào từ chối, đành đem một bộ lắc tay vàng, kiềng vàng tròn trĩnh 1 cây cho anh chồng mượn. Thậm chí, họ chỉ mượn suông chứ không có giấy tờ gì.
Tưởng thế đã yên, tôi vẫn giữ được chút ít phòng thân, nào ngờ, gần một tháng sau, chị chồng lại đến mượn tiền. Chị còn biết rõ, tôi còn hơn 1 cây vàng và vài chục triệu đồng nữa. “Chị không dám mượn hết mà chỉ mượn nốt số vàng còn lại”, chị nói.
Trước mặt chồng và bố mẹ chồng, tôi không biết phải từ chối thế nào, đành lảng tránh: “Chuyện này đợi chồng em về, hai vợ chồng bàn bạc rồi nói với chị sau nhé!”. Mẹ chồng tôi nói luôn: “À, hôm trước mẹ có hỏi thằng T. hộ chị rồi. Nó nói tùy con quyết định”.
Đến lúc này tôi không nhịn được nữa, từ chối thẳng thừng: “Em xin lỗi nhưng em mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, có chút ít hồi môn gọi là làm vốn. Em phải để đó sắp tới hai vợ chồng có dự định riêng, chị hỏi mượn chỗ khác giúp em nhé”. Mẹ và chị chồng nét mặt sa sầm, tôi vẫn mặc kệ bỏ vào phòng.
Không mượn được tiền, nhà chồng bắt đầu “khủng bố” tinh thần tôi. Mẹ chồng lộ rõ sự ghê gớm, ở chung nhà mà hạnh họe tôi đủ điều, từ que tăm đến cái bát, cái đũa. Thi thoảng bà còn mượn chuyện người ta mà cạnh khóe: “Nhà người ta thì anh em đùm bọc lấy nhau, nhà này thì của ai người ấy giữ”. Sống chung trong cảnh này, tôi ức chế vô cùng. Chị chồng thì khinh tôi ra mặt, sang nhà chơi coi tôi như không khí, thậm chí còn không để con chơi với cậu mợ.
Nỗi ức chế dồn nén mà không thể tâm sự với ai, tôi đem tất tần tật chuyện nhà lên mạng xã hội kể lể. Tôi ngây thơ đến độ dùng luôn nick Facebook của mình đăng tâm sự vào nhóm kín, kể chuyện anh chị chồng vay vàng ra sao, bị mẹ chồng bắt nạt thế nào…
Và tất cả những điều này bị chị gái chồng đọc được khiến tôi một phen sóng gió. Hôm đó, nhà chồng tôi mở một cuộc “đại hội”, gọi cả bố mẹ tôi sang nhà để chì chiết tôi. Họ bảo tôi ngu ngốc, mất dạy, “vạch áo cho người xem lưng”. Tôi biết trong chuyện này mình sai nên không dám biện minh câu nào, chỉ thương bố mẹ, vì con gái phải ngồi nghe người ta chỉ trích.
Sau ngày hôm đó, tôi biết mình không thể sống ở nhà chồng nữa nên bàn với chồng xin ra ở riêng. Bố mẹ đẻ hỗ trợ hai vợ chồng mua căn nhà nhỏ. Có nhà, vợ chồng tôi chuyển đi ngay tắp lự. Tôi gần như cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nhà chồng, chỉ Tết mới cùng chồng về nhà.
Mãi sau này khi sinh hai đứa con, tôi và nhà chồng mới đi lại nhiều hơn. Ở độ tuổi chín chắn, nhìn lại những chuyện đã qua, tôi trách bản thân nhiều hơn là trách nhà chồng. Lẽ ra, tôi không nên đem chuyện nhà kể xấu với thiên hạ, lẽ ra tôi nên khéo léo hơn trong cách ứng xử với nhà chồng dù họ cũng đôi phần quá đáng. Một mối quan hệ muốn tốt đẹp và lâu bền thì cả hai bên đều cần vun vén và trân trọng.
Tôi kiếm sống nhờ bán hàng online trên mạng xã hội mà mặt hàng tôi bán khá nhạy cảm, toàn là bao cao su, nước hoa vùng kín, gel bôi trơn và nhiều thứ khác liên quan đến chuyện phòng the… Cũng vì thế mà cách quảng cáo sản phẩm của tôi khác hơn so với mọi người.
Thú thật, tôi không ngại văng tục, chửi bậy, ăn nói ngoa ngoắt trên Facebook để câu view. Thi thoảng, tôi giả danh khách hàng, đăng những “feedback” (phản hồi của khách hàng) nhạy cảm lên trang nhằm quảng cáo sản phẩm: “Ôi dùng nước hoa vùng kín nhà chị có một tuần mà đêm nào chồng cũng gặm em như gặm ngô”, “Sản phẩm nội tiết của chị đỉnh thật, quần nhau với chồng 2, 3 hiệp không chán”…
Có lẽ, ngu ngốc nhất là tôi còn đem chuyện giường chiếu của hai vợ chồng lên Facebook câu “like”, bán hàng và phần nhiều trong số đó không có thật. Ví dụ tôi khoe chồng “khỏe”, bản thân khí thế hừng hực nhờ dùng sản phẩm này, sản phẩm nọ. Tôi khoe được chồng tán tỉnh ra sao mỗi khi lên giường…
Cuối cùng, chồng tôi không chịu được sự tục tĩu của vợ nên phản ứng dữ dội. Chồng tôi làm việc trong công ty nhà nước, môi trường khá truyền thống và khép kín. Bạn bè anh kết bạn Facebook với tôi khá nhiều.
Hôm ấy, anh bỏ việc giữa chừng, về nhà yêu cầu tôi ngồi nói chuyện. Anh bảo, anh bao phen xấu hổ với đồng nghiệp vì status tục tĩu của tôi nhưng điều đó không quá quan trọng. Điều khiến anh buồn nhất là tôi đem những chuyện thầm kín của hai vợ chồng lên mạng xã hội khoe khoang. Anh không thích điều đó.
Chồng nói, anh trân trọng tôi khi cố gắng kiếm tiền vì gia đình nhưng tôi có thể chọn cách bán hàng tế nhị hơn. “Có những thứ, mình không thể bất chấp em ạ”, anh nói với tôi như vậy.
Tôi nghe anh nói từng câu, không xem anh là kẻ sĩ diện hão vì tôi biết anh nói đúng. Tôi đã quá lố, quá đà trên mạng xã hội dù đó là cách để kiếm cơm. Từ sau lời góp ý của chồng, tôi tiết chế hơn nhiều khi bán hàng trên mạng xã hội.
Tôi từng một phen lao đao vì dùng mạng xã hội thiếu thông minh. Suýt chút nữa, tôi đã đánh mất tổ ấm hạnh phúc vì sự cả tin của mình.
Sau khi lấy chồng, tôi tham gia vài chục nhóm tâm sự, chia sẻ về cuộc sống hôn nhân mà trong đó thông tin tiêu cực nhiều gấp bội lần thông tin tích cực. Không thể phủ nhận, tôi trở nên đa nghi, tiêu cực và u uất hơn kể từ khi nhồi nhét vào đầu những dòng tâm sự lạ kia.
Tôi có một người chồng biết kiếm tiền, biết giúp đỡ vợ việc nhà. Ai cũng bảo tôi may mắn. Sau khi sinh con, mẹ chồng ra Hà Nội giúp đỡ tôi, bà hiền lành nhưng hơi cổ hủ. Vốn dĩ mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu nên cố gắng vun đắp nhưng thay vào đó, tôi lại đầy thành kiến.
Sau sinh, tâm trạng bất ổn, tôi càng dành nhiều thời gian cho các nhóm tâm sự. Đọc những tâm sự một phía của các cô con dâu khi ở chung với mẹ chồng, những cô vợ có chồng vô tâm, tôi nảy sinh suy nghĩ: “À mẹ chồng mình cũng thế, thật đáng ghét”, “Chồng mình dạo này cũng hay đi sớm về khuya, hay anh ta có bồ?”, “Con dâu về nhà đẻ chỉ cần thông báo, cần gì xin phép, mình tất nhiên cũng vậy”…
Sự thành kiến, đa nghi của tôi với chồng và mẹ chồng khiến chính tôi bị căng thẳng và áp lực. Một hôm, lén xem điện thoại chồng, đọc được tin nhắn chồng cho một cô gái vay tiền, tôi phát điên. Thay vì hỏi trực tiếp chồng, tôi đăng tâm thư lên một group tâm sự, kể đầu đuôi sự việc, nhân tiện kể xấu mẹ chồng cổ hủ, soi mói, chồng vô tâm…
Dưới dòng status của tôi có hàng nghìn bình luận và rất nhiều trong số đó khuyên tôi… ly hôn. Họ thúc giục tôi bỏ chồng, thoát khỏi căn nhà u ám đó vì phụ nữ có quyền tự do và hạnh phúc. Có người bày mưu giúp tôi đuổi mẹ chồng về quê, vạch mặt chồng ngoại tình và đánh ghen “tiểu tam”… Tôi lướt đọc mà hoa mắt chóng mặt.
Nhưng trong đó, có một dòng bình luận rất dài, khuyên tôi những điều khác hẳn.
Người đó viết: “Tại sao thay vì hỏi chồng để giải tỏa mối hoài nghi em lại lên đây hỏi mọi người? Em tin người lạ hơn cả chồng mình à? Chồng em giải thích thời gian gần đây phải tăng ca buổi chiều vì trưa về sớm với vợ con, em có thể nhìn chính biểu hiện của chồng mà kiểm chứng, cần gì nghi ngờ vớ vẩn. Riêng mẹ chồng em, chị thấy bà đã rất tuyệt vời rồi. Bà giúp em chăm con, giặt giũ, làm việc nhà để em có thời gian lên mạng kêu than. Người già khó tránh khỏi những lúc khó tính hoặc xen vào việc nuôi con của em, cái em cần là bình tĩnh giải thích cho mẹ hiểu. Em cứ đuổi bà về quê đi, rồi sẽ biết ai mới là người khổ. Nếu chưa muốn bỏ chồng thì vào nhóm ít thôi em ạ”.
Dòng bình luận khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Quá nhiều người nói với tôi những thứ tiêu cực, chỉ có một người cho tôi thấy những điều tốt đẹp tôi đang có.
Tối đó, chồng tôi kể với vợ rằng, anh ấy cho cô bạn vay tiền, định kể với vợ nhưng vì vay “nóng”, trả nhanh nên thôi. Suýt chút nữa, sự hoài nghi và tiêu cực trong tôi đã phá nát tổ ấm này.
Bạn đã bao giờ rơi vào những tình huống tréo nghoe như thế này trong cuộc sống, hãy gửi những chia sẻ của mình tới mail Bantrecuocsong@24h.com.vn