Nhà tôi có hai chị em gái. Bố tôi từng rất thất vọng khi bác sỹ thông báo tôi cũng là con gái chứ không phải thằng cu để nối dõi tông đường. Từ ngày tôi xuất hiện trên cuộc đời, bố tôi như một người khác. Ông trở nên chán nản, không hề chí thú làm ăn. Gánh nặng kinh tế gần như chỉ do một tay mẹ tôi gánh vác. Dù rất cố gắng nhưng cuộc sống gia đình tôi chỉ ở mức đủ ăn.
Tôi lớn lên trong sự thiếu thốn và luôn ám ảnh một cảm giác vô hình nào đó là mình là đứa trẻ tội lỗi. Nếu như tôi là con trai, có lẽ gia đình tôi đã rẽ sang một hướng khác. Có thể bố tôi sẽ phấn khởi, hạnh phúc và làm tròn trách nhiệm của một người trụ cột gia đình. Ngày bé tôi luôn phải nghe những lời cay nghiệt từ chính người thân trong gia đình. Nào là: “Nuôi con gái như đàn vịt trời, nó lớn lên sẽ bay đi là mình mất trắng”, rồi thì: “Nuôi con tu hú, tốn cơm tốn gạo”...
Với những thứ phải chịu đựng như vậy, tôi chỉ muốn lớn thật nhanh để không òn phải phụ thuộc vào gia đình. Ngày tôi lấy chồng, dù chưa biết cuộc sống sau này ra sao nhưng tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm. Bất chấp bố mẹ không thực sự hào hứng và gần như chỉ tổ chức cho có nhưng tôi vẫn vô cùng hạnh phúc. Tôi biết được rằng đây là thời khắc tôi được tự do.
Gia đình chồng tôi cũng không khá giả, tất nhiên rồi, vì tôi làm gì có cơ hội làm quen với những chàng trai thuộc tầng lớp thượng lưu. Thế nhưng anh cùng bố mẹ lại rất hiền lành và thương tôi. Họ hiểu cho hoàn cảnh của tôi vì thế càng yêu quý tôi hơn. Ở một môi trường mới có được sự thoải mái, tôi như được sinh ra lần thứ 2. Tôi càng quyết tâm hơn phải làm cho cuộc sống này ngày càng trở nên hạnh phúc. Tôi muốn những đứa con của tôi phải ra đời với sự đón nhận và thật nhiều tiếng cười.
Vợ chồng tôi làm lụng rất chăm chỉ và cuối cùng cũng tích cóp được một khoản để sửa sang lại căn nhà. Như đã nói, nhà chồng tôi không khá giả. Bố mẹ và chồng chỉ ở trong một căn hộ 2 tầng với diện tích hơn 20 mét vuông. Không gian đó trở nên chật chội khi có thêm tôi và chúng tôi muốn cơi nơi thêm 2 tầng nữa. Chúng tôi đã có đủ kinh tế để thực hiện nhưng lại bị bố mẹ tôi kịch liệt phản đối. Bố tôi muốn tôi phải báo hiếu bằng cách mang số tiền đó về xây nhà mình trước. Ông nói đã vất vả nửa đời người mới nuôi tôi khôn lớn để về làm dâu nhà người khác.
Tôi thấy quá nực cười. Hiện tại, căn nhà cũ chỉ có bố mẹ tôi sinh sống và không cần thiết phải sửa chữa. Trong khi đó, bên nhà chồng tôi sẽ gắn bó cả đời, hơn nữa không chỉ tôi mà các con tôi cũng sẽ lớn lên ở đó. Chính vì thế tôi đã bỏ ngoài tai những gì bố nói. Tôi vẫn kiên quyết xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Trong thời gian thi công, tôi đã phải chịu rất nhiều điều tiếng. Bố mẹ rêu rao tôi là đứa con bất hiếu, vô ơn bạc nghĩa rồi đòi từ mặt.
Tôi không quá quan tâm bởi từ bé đã quá quen với cảm giác này. Tôi luôn là một người thừa trong gia đình và tôi hoàn toàn có quyền được xây dựng một cuộc sống mới cho riêng mình.
Theo quan niệm của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, đàn ông ở rể là điều nhục nhã. Thậm chí người xưa còn lấy hình ảnh “chó chui gầm chạn” để nói về những người ở rể. Đây thực sự là sự ví von quá thâm độc, họ không chỉ so sánh người đàn ông với con chó mà còn là con chó rất hèn nhát luôn phải trốn chui trốn lủi trong gầm chạn để chờ đợi sự thương hại của nhà chủ, tức là nhà vợ.
Mặc dù xã hội đã văn minh hơn nhưng định kiến này vẫn còn rất nặng nề. Thế nhưng tôi không quan tâm lắm. Tôi đang ở nhà vợ nhưng chẳng thấy có chút nào giống với trong gầm chạn cả. Tôi rất thoải mái khi được gia đình vợ tôn trọng, thậm chí tôi còn được chiều chuộng vì đã chấp nhận ở rể. Thế nhưng với bên nhà nội, tôi lại bị xem như tội đồ vì là con trưởng nhưng lại... chui gầm chạn.
Tôi không chỉ là con trưởng mà bố tôi còn là trưởng họ. Sau này tôi sẽ kế thừa trách nhiệm, vai trò của bố tôi. Thế nhưng ngôi nhà của ông trưởng họ lại quá bé. Hơn nữa tôi lại có đứa em trai cũng vừa lấy vợ. Hai anh em trai, hai người con dâu cùng bố mẹ sống quá chật chội trong căn nhà tập thể cũ. Chúng tôi cũng đã bàn tính đến phương án thuê nhà bên ngoài nhưng điều kiện kinh tế không cho phép.
Trong khi đó, vợ tôi lại là con gái một. Sau khi kết hôn, bố mẹ vợ tôi sống trong căn nhà 3 tầng, 40 mét vuông. Nói thật là quá rộng rãi và thừa diện tích. Chính vì thế tôi là người chủ động đặt vấn đề sẽ về nhà vợ ở, nhường lại không gian cho gia đình cậu em trai. Đây là phương án vô cùng tối ưu khi bố mẹ hai bên đều được sống cùng con cái, thêm nữa còn giải được bài toán kinh tế cho đôi vợ chồng trẻ mới cưới.
Thế nhưng tôi đã bị bố mắng một trận té tát. Ông quan niệm rằng con trai trưởng thì phải ở cùng bố mẹ, còn phải có trách nhiệm hương khói thờ tự ông bà tổ tiên. Ông không thể chịu được tiếng xấu là để con trai trưởng đi ở rể. Ông nói tôi là thằng mất gốc, thằng bất hiếu và không thèm nhìn mặt. Quãng thời gian đó thực sự căng thẳng, tôi đã phải nhờ các bậc cao niên bô lão trong họ nói đỡ và cũng thường xuyên về ăn cơm tối. Tất nhiên các ngày giỗ, thậm chí ngày rằm mùng 1 tôi đều tỏ ra sốt sắng để thể hiện không hề quên nhiệm vụ.
Dần dần theo thời gian, bố tôi cũng bớt căng thẳng và chấp nhận việc tôi ở rể. Thêm nữa, do được ở không gian thoải mái, sức khỏe của bố mẹ tôi cũng được duy trì và vợ chồng cậu em trai cũng vừa thông báo có tin vui.
Gia đình tôi và nhà chồng không hề môn đăng hộ đối. Bố mẹ tôi chỉ là dân lao động phổ thông trong khi bố chồng là một bác sỹ khá nổi tiếng. Mẹ chồng tôi cũng là dân trí thức. Mặc dù vậy, chưa khi nào tôi cảm nhận được sự coi thường từ nhà chồng. Bố mẹ chồng tôi luôn cư xử rất lịch thiệp nhưng đáng tiếc bố mẹ tôi lại luôn có cảm giác rất tự ti.
Tôi luôn bị kẹt giữa luồng tư tưởng đó nên thực sự nhiều lúc vô cùng mệt mỏi. Bố chồng tôi là bác sỹ phẫu thuật giỏi, ông đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Chính vì thế mà nhà tôi luôn rất nhiều quà biếu, khi thì lẵng hoa, khi thì chai rượu ngoại và đặc biệt là hoa quả. Nhà tôi đương nhiên không thể dùng hết, họ hàng ở Hà Nội cũng không có nhiều nên bố mẹ chồng thường bảo tôi mang về nhà biếu thông gia.
Đó là tấm lòng của bố mẹ chồng tôi nhưng đáng tiếc bố mẹ đẻ lại không nghĩ như vậy. Họ luôn cho rằng tôi mang đồ thừa về biếu họ, họ nghĩ rằng gia đình bên chồng tôi ăn không hết nên mới mang sang kiểu bố thí. Thậm chí bố tôi còn quá đáng nói rằng đó là đồ đút lót, hối lộ, bệnh nhân phải biếu quà thì bố chồng tôi mới chữa bệnh.
Chưa dừng lại ở đó, có lần chú ruột tôi ở quê bị bệnh. Ông được chuyển từ viện huyện lên thành phố để tiến hành phẫu thuật. Tôi hay tin nên đã đề xuất nhờ bố chồng trực tiếp thực hiện. Thế nhưng không hiểu sao bố tôi lại nói ra những câu rất khó nghe: “Nhà chú mày ở quê nghèo lắm, không có tiền biếu xén hối lộ đâu. Bảo ông ý có cứu thì cứu không thì đi sang viện khác”. Tôi thực sự sốc khi nghe được câu nói này nhưng vẫn cố gắng bình tĩnh để liên lạc với bố chồng.
Cuối cùng ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi nhờ chuyển viện kịp thời. Biết được đó là chú ruột của con dâu, bố mẹ chồng tôi rất ân cần, thậm chí còn đứng ra trả hết toàn bộ viện phí. Bố chồng tôi rất quý mến những người cựu chiến binh như chú tôi bởi ngày xưa ông cũng từng phải nhập ngũ và có rất nhiều mối ân tình.
Khi chú tôi hoàn toàn bình phục, họ đã trở thành những người bạn. Không biết định kiến của bố tôi về bố chồng có thay đổi hay không nhưng chứng kiến cách cư xử của ông với gia đình mình, tôi thực sự cảm thấy hổ thẹn với bố mẹ chồng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tôi cũng thấy mình may mắn khi được bước chân vào gia đình này.