Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

Xung quanh câu chuyện giá vàng liên tục đu đỉnh xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Đôi khi, giá vàng tăng chóng mặt lại trở thành nguyên nhân khiến nhiều mối quan hệ đổ vỡ.

 

Vợ chồng tôi kết hôn cách đây 5 năm, khi tôi 27, còn chồng 32 tuổi. Sau khi cưới, chúng tôi công khai tài khoản cá nhân. Tôi có hơn 400 triệu đồng, còn anh ấy có khoảng 700 triệu đồng.

Lăn lộn ở thành phố nhiều năm, chúng tôi đều mơ ước có căn nhà nhỏ để “an cư lạc nghiệp” trước khi sinh con. Cuối năm 2019, vợ chồng tôi mạnh dạn hùn tiền mua một căn chung cư nhỏ trị giá 2,2 tỷ đồng. Chúng tôi vay ngân hàng một khoản, vay bố mẹ tôi một khoản. Riêng chị gái tôi “đỡ” 4 cây vàng.

Vàng của chị là vàng nhẫn và vàng trang sức, giá trị thấp hơn vàng miếng. Chị nói không cần trả lãi, chỉ cần “vay vàng trả bằng vàng” là được. Số vàng đó chị để dành làm của hồi môn cho cô con gái cả. Tôi nhớ rõ, trong bữa cơm hôm đó, chồng tôi dõng dạc tuyên bố: “Vợ chồng em mượn anh chị vàng nhẫn, sau này nhất định trả bằng vàng miếng”.

Anh có thể không nhớ lời mình nói ra trong lúc men rượu nhưng tôi thì luôn nhớ. Tôi tin rằng, chị gái mình cũng nhớ.

Mấy năm sau đó, vợ chồng tôi làm ăn khấm khá. Tích cóp được bao nhiêu, chúng tôi ưu tiên trả ngân hàng trước, sau đó đến trả bố mẹ. Số vàng của chị gái, vợ chồng tôi xác định trả sau cùng.

Thế nhưng, theo dõi giá vàng tăng chóng mặt từng ngày, tôi thực sự đau tim. Vàng liên tục lập đỉnh, từ 60 triệu đồng/lượng đến 70 triệu đồng/lượng và giờ đây là hơn 80 triệu đồng/lượng.

Tôi thấp thỏm không yên vì nếu giá vàng cứ “phi mã” thế này, vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền mua vàng trả chị. Chưa kể, khoảng hơn một năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, công việc buôn bán của vợ chồng tôi ngưng trệ, thu nhập chỉ đủ đóng học cho con và chi tiêu hằng ngày.

 

Cách đây nửa tháng, chị gái tôi đánh tiếng muốn lấy lại số vàng đã cho vợ chồng tôi mượn cách đây 5 năm. Tổng cộng là 4 cây. Không biết vô tình hay cố ý nhưng chị còn nửa đùa nửa thật nhắc lại: “Chú dì không cần trả vàng miếng, vàng ròng như đã hứa đâu. Vay vàng nào, trả chị vàng đó là được”.

Nghĩ cảnh vay vàng lúc 38 triệu đồng/lượng, giờ phải trả lúc vàng lên đến hơn 80, tôi quặn thắt lòng. Nhưng làm sao được, tốt xấu gì tôi cũng hiểu quy luật “vay vàng phải trả bằng vàng”.

Có điều, chồng tôi lại cố tình không hiểu. Biết chuyện chị tôi muốn đòi nợ, anh hết tỏ ra bực tức lại đến mỉa mai. Anh trách móc chị tôi không biết điều, lựa lúc giá vàng đu đỉnh để kiếm cớ đòi nợ.

Tôi đã giải thích rõ, con gái chị năm nay vào đại học, chị cần tiền trang trải nên mới đòi vàng. Anh vẫn cố tình móc mỉa: “Tưởng vàng này để dành tặng con gái khi lấy chồng cơ mà”.

Là người ở giữa, tôi khó xử vô cùng, vừa phải lo xoay tiền mua vàng trả chị, vừa phải tìm cách hóa giải cơn bức xúc của chồng. Nghĩ lại, tôi thấy năm xưa mình quá dại dột khi vay vàng của chị gái mua nhà. Tôi đâu biết được, chồng tôi lại là kiểu người không biết điều như vậy.

Bản thân tôi cũng xót xa khi giá vàng lúc vay và lúc trả chênh lệch quá lớn nhưng mẹ tôi nói đúng: “Ngay cả khi vàng tụt xuống 20 triệu đồng/lượng, chị con cũng chỉ lấy lại 4 cây vàng đã cho vay chứ không lấy hơn”. Vợ chồng tôi không được phép tiếc nuối, bực dọc chuyện vô lý như vậy.

 

Cách đây 4 năm, tôi cho cô em chồng vay hai cây vàng để mở shop quần áo kinh doanh. Đó là hai thỏi vàng miếng, bố mẹ cho tôi làm của hồi môn khi cưới. Mẹ tôi từng dặn, phải giấu kín 2 thỏi vàng này, phòng khi bất trắc. Vậy mà “chân rướt chân ráo” về nhà chồng, thấy em chồng xoay sở vốn mở cửa hàng, tôi liền đem luôn 2 cây vàng ra giúp đỡ.

Ngày đó, việc vay mượn đơn giản chỉ là tôi đưa vàng, em chồng nhận và nói lời cảm ơn, không có giấy tờ vay mượn hay lời hứa hẹn nào về thời hạn trả. Chủ yếu do tôi nể chồng và bố mẹ chồng nên không khắt khe chuyện đó.

4 năm trước, vàng miếng đạt mốc 60 triệu đồng/lượng. Bây giờ, vàng đã hơn 80 triệu đồng/lượng. Em chồng tôi vẫn chưa mảy may đả động đến chuyện trả tôi 2 cây vàng dù những năm qua em làm ăn rất khá. Tôi nghe loáng thoáng, số tiền em chồng tiết kiệm được sắp đủ xây nhà. Và em còn mở thêm được 2 cơ sở kinh doanh nữa.

Tôi thì ngược lại. Tôi mang thai khó, sinh cũng khó nên gần 2 năm nay nghỉ việc ở nhà dưỡng thai, chăm con nhỏ. Mỗi tháng chồng vẫn đưa cho tôi một khoản nhưng chỉ đủ chi tiêu bỉm sữa, nếu phát sinh khoản nào đó, tôi lại phải xin thêm hoặc vay chỗ nọ bù chỗ kia.

 

Sắp tới, tôi phải cho con đi tiêm phòng 2 mũi, hết hơn 2 triệu đồng nhưng dè dặt mãi vẫn chưa dám mở lời với chồng. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn có một khoản tiết kiệm để lấy ra chi tiêu, khỏi cần phụ thuộc quá mức. Khổ nỗi, khoản tiết kiệm của tôi chỉ có 2 cây vàng đã cho em chồng mượn kia.

Tôi muốn đòi lại nhưng ngặt nỗi giá vàng đang đu đỉnh, cao hơn nhiều so với thời điểm tôi cho em ấy vay. Tôi sợ nhà bên đó nghĩ tôi muốn tính lãi cắt cổ. Đã có lúc tôi nghĩ: “Hay mình chỉ đòi lại số tiền bằng với giá của 2 cây vàng năm đó” nhưng như vậy cũng chẳng đành bởi, vay vàng trả vàng là lẽ đương nhiên.

Tôi không biết phải làm sao để lấy lại 2 cây vàng kia mà không sứt mẻ tình cảm. 4 năm qua, tôi luôn cố gắng sống hài hòa với nhà chồng, không muốn vì chuyện này mà mối quan hệ đổ vỡ. Thế nhưng, tôi cũng rất cần tiền để lo cho con. Tôi phải làm sao đây?

 

Sắp đến ngày cưới nhưng có một chuyến khiến tôi lăn tăn mãi không thôi.

Vợ chồng tôi quen nhau 3 năm mới tính chuyện đám cưới. Gia đình anh khá giả, bố mẹ buôn bán, anh là con cả, bên dưới có một cô em gái.

Dù gia đình có điều kiện nhưng anh luôn tự lập. Ngay cả đám cưới, anh cũng xác định sẽ bỏ tiền tiết kiệm ra lo liệu chứ không phiền đến bố mẹ. Riêng chuyện này, tôi hoàn toàn ủng hộ anh. Tôi quan niệm, tự lập đồng nghĩa với tự do. Chúng tôi tự lo được cho bản thân thì tương lai sẽ không bị bố mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng.

Về phần tôi, vì là con gái một nên được bố mẹ lo cho từ A đến Z. Toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được sau 5 năm đi làm đều do tôi tự giữ, ngoài ra, bố mẹ còn cho thêm 3 cây vàng làm của hồi môn.

Vì một vài lý do ngày ăn hỏi và ngày cưới của chúng tôi cách nhau khoảng nửa năm. Sau khi ăn hỏi, đăng ký kết hôn, chúng tôi đã chuyển về sống chung trong một căn phòng thuê ở thành phố.

 

Ngày ăn hỏi, bố mẹ anh gửi 15 triệu đồng tiền lễ đen, cùng 7 tráp lễ mặn, ngọt. Hôm đó, chỉ bố mẹ và cô chú nhà tôi trao vàng cưới, bên nhà trai tuyệt nhiên chưa trao gì. Anh có giải thích với tôi rằng, nhà trai muốn để dành đến hôm cưới mới trao và có tiết lộ, bố mẹ anh sẽ trao cho 2 chiếc kiềng, tổng cộng 1 cây vàng.

Thế nhưng mới đây, tôi lại nghe anh nói, vì giá vàng tăng chóng mặt, số tiền bố mẹ anh để dành để mua vàng cưới lúc trước không đủ nữa. Sắp tới, thay vì trao 2 kiềng vàng như đã định, bố mẹ anh sẽ rút xuống còn 1 chiếc kiềng 5 chỉ vàng.

Nghe xong, tôi rất hụt hẫng. Tôi cảm giác như bản thân trong mắt họ bị rớt giá thậm tệ như cái cách họ giảm bớt 5 chỉ vàng.

Tôi nghĩ, vợ chồng tôi đã lo mọi thứ cho đám cưới thì việc bù thêm chút tiền để giữ lời hứa cho con 1 cây vàng là điều bố mẹ chồng tôi làm được. Thế nhưng, họ lại lựa chọn không làm. Chẳng phải, lý do duy nhất là vì họ không coi trọng tôi sao?

Tôi thực sự rất buồn, mấy ngày nay vì chuyện đó mà hậm hực rồi kiếm cớ gây sự với chồng. Thậm chí, tôi còn không muốn tổ chức đám cưới như đã định. Trong chuyện này, liệu tôi là kẻ tham lam hay bố mẹ anh không biết điều? Tôi vẫn chưa thể nghĩ thông suốt chuyện này.

Phút thành thật: Đau tim vì vay vàng lúc 38, trả vàng lúc 80 triệu đồng/lượng - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 15/04/2024 08:45 AM (GMT+7)
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN