Trong tiềm thức của tôi, “cái ngàn vàng” quan trọng lắm. Từ lúc dậy thì, tôi đã được mẹ dạy, phải giữ bằng được trinh tiết cho đến khi lấy chồng, kẻo người ta khinh thường. Sau này, theo học ngành sư phạm, tư tưởng phải giữ thân trong trắng càng bám riết lấy tôi.
Thế nhưng, tỉnh táo đến đâu khi yêu vào cũng bị tình yêu làm cho mờ mắt. Năm cuối đại học, tôi gặp và yêu anh, một người đàn ông trưởng thành, đĩnh đạc. Anh hơn tôi 8 tuổi, hấp dẫn tôi bởi sự hiểu sâu, biết rộng, tâm lý và ấm áp. Hạnh phúc ngập tràn, tôi cảm giác như ở thiên đường, từ bé đến lớn, chưa từng có người đàn ông nào quan tâm tôi đến vậy.
Vì lời ngon tiếng ngọt, vì lời hứa hẹn hai ta xây đắp gia đình, tôi trao cho anh “cái ngàn vàng”. Sau lần đầu tiên, tôi sợ hãi và khóc rất nhiều, sợ sau này bị anh bỏ rơi, tôi không đủ tự tin yêu thêm ai nữa. Anh nói một câu dửng dưng: “Em cứ lo hão. Thời giờ ai còn quan tâm đến trinh tiết”.
Câu nói và thái độ ấy khiến tôi có dự cảm không lành. Và đúng, tôi đã gặp phải một tên Sở Khanh ngay lần đầu biết yêu. Sau vài tháng mặn nồng, anh ta buông một câu chia tay rồi mất hút. Tôi buồn vì thất tình thì ít mà đau khổ bởi mất “cái ngàn vàng” thì nhiều. Sống trong sự dằn vặt suốt bao năm, tôi coi đó là bí mật lớn nhất đời mình, ngay cả mẹ cũng không dám tiết lộ.
Tôi không thể yêu thêm một ai, sợ khi biết tôi “không còn nữa” họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh thường, sợ bố mẹ tôi mất mặt nếu chuyện bại lộ. Tôi sợ, trong mắt bạn bè, mình không còn là đứa con gái đoan chính, nghiêm túc như ngày nào.
Tôi cố lao vào công việc, tập thiền, thậm chí là tham gia khóa tu để thoát khỏi nỗi dằn vặt đó. Mất một vài năm, tôi mới bình ổn trở lại, chịu khó giao lưu bạn bè và cởi mở hơn. Xinh xắn, công việc ổn định, gia đình căn bản, rất nhiều chàng trai muốn lấy tôi làm vợ. Một trong số đó đã khiến tôi xiêu lòng, chính là chồng tôi bây giờ.
Anh là người hướng ngoại, phóng khoáng, lịch sử tình trường dày dặn chẳng kém ai. Qua cách nói chuyện, tôi đoán anh là người đàn ông hiện đại, có lẽ không quan tâm đến chuyện vợ mình còn trinh hay đã mất. Lo nghĩ trăm bề, tôi quyết định giấu nhẹm quá khứ, theo anh về dinh. Và cuộc đời tôi chìm sâu trong địa ngục từ đây.
Chồng chưng hửng, thất vọng ra mặt ngay trong đêm đầu tiên chúng tôi gần gũi. Anh hỏi thẳng: “Em mất rồi à?”. Tôi kể cho anh nghe mối tình thời sinh viên của mình, thừa nhận bản thân dại dột khi trao thân cho kẻ Sở Khanh. Anh cười nhạt: “Em dại thì còn ai khôn nữa? Sướng trước khổ sau thôi”.
Nhưng ngày sau đó, anh cho tôi hiểu rõ thế nào là “sướng trước khổ sau”. Anh xem tôi như người dưng, vô tâm và lạnh nhạt. Mỗi ngày, anh đi từ sáng đến đêm muộn mới về, hôm nào may mắn thì tỉnh táo, hôm nào chẳng may say xỉn, anh hành hạ tôi đủ đường. Anh “ném” vào mặt tôi những lời miệt thị ghê gớm: “Cô mà là nhà giáo cái nỗi gì, giáo dở thì có”, “Cô giáo mà ăn cơm trước kẻng thì còn dạy được ai?”, “Tưởng con nhà tri thức gia giáo thế nào, lấy vợ còn trinh mới khó, lấy vợ mất trinh tôi ôm một lúc cả mớ”…
Mỗi câu nói như nhát dao đâm vào tim, đau đớn và nhục nhã tột cùng nhưng tôi không một lời cãi lại. Tôi cho rằng, đó là cái giả mình phải trả cho lỗi lầm khi xưa. Tôi vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, chăm sóc anh chu đáo như để chuộc lại lỗi lầm của mình.
Một ngày, tôi phát hiện mình có bầu. Tôi vui mừng khôn xiết, mong rằng đứa con sẽ giúp vợ chồng tôi cải thiện tình hình. Nào ngờ, chồng chẳng những không vui còn mỉa mai: “Sau này biết chuyện của mẹ, không biết nó có xấu hổ không”. Lần đầu tiên kể từ sau khi lấy chồng, tôi thức tỉnh.
Tôi trả giá cho lỗi lầm của mình từng ấy năm chưa đủ? Tại sao tôi lại để cho một người đàn ông xa lạ đày ải, giày vò đến mức kiệt quệ tinh thần? Ai cũng có quá khứ, anh ta cũng từng yêu và ngủ với bao cô gái trước khi cưới tôi, tại sao tôi phải cảm thấy có lỗi với anh ta? Tôi sắp có con, sẽ thế nào nếu con tôi phải sống trong một ngôi nhà mà bố thường xuyên miệt thị mẹ? Đã đến lúc tôi phải thoát khỏi cuộc hôn nhân u ám này.
Nói đúng hơn, tôi phải thoát khỏi bóng đen quá khứ kia. Tôi là một người con gái tự lập, tôi có tự trọng và có quyền quyết định cuộc đời mình. Tôi dọn đồ chuyển ra ngoài ở, để lại cho chồng một bức thư kèm lá đơn ly hôn. Tôi nói rõ, từng ấy thời gian bị anh ta hành hạ, xem như tôi tự trả giá cho sự ngu muội của mình, còn anh ta không có quyền bắt tôi chuộc lỗi. Tin rằng, khi đã nhận ra giá trị bản thân, tôi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chỉ vì một quyết định sai lầm mà cuộc đời tôi lâm vào cảnh đời như bây giờ.
Tôi không dám nhận mình xuất sắc nhưng cũng tự tin mình là đứa con gái giỏi giang. 12 năm là học sinh giỏi, khi học đại học cũng liên tục giành học bổng, chưa nhận bằng tốt nghiệp đã có công ty mời gọi đi làm. Công việc đầu tiên đã cho tôi mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng cùng nhiều cơ hội thăng tiến khác. Nếu cứ nỗ lực làm việc, học hỏi, tôi tin tương lai còn sáng sủa hơn nữa.
Nhưng tôi lại chấp nhận từ bỏ mọi thứ, quay trở về lũy tre làng chỉ vì một chữ “yêu”. Tôi và chồng hiện tại yêu nhau từ thời cấp 3, sau này, tôi ra Hà Nội học đại học, còn chồng học một trường cao đẳng ở tỉnh. Yêu xa càng khiến hai đứa quấn quýt, hứa hẹn với nhau nhiều hơn, tôi trân trọng 4 năm đằng đẵng anh ra Hà Nội thăm tôi, đưa đón tôi về quê, rồi có lúc còn gửi tiền cho tôi ăn học. Hai đứa đã quyết, tốt nghiệp xong sẽ “về chung một nhà”.
Vậy là tròn 24 tuổi, tôi bỏ lại mọi thứ về quê lấy chồng. Bố chồng xin cho tôi một công việc ở quê, lương 4,5 triệu/tháng. Cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn kể từ đây.
Sinh con xong, vốn nghĩ chỉ ở cữ 6 tháng là đi làm trở lại nhưng thể trạng con ốm yếu nên tôi phải nghỉ hẳn ở nhà trông con. Kinh tế trong nhà một mình chồng gồng gánh. Lương hàng tháng, chồng không đưa cho tôi mà đưa cho mẹ, vậy là từ lon sữa, bịch bỉm đến manh quần tấm áo của con tôi đều phải ngửa tay xin mẹ chồng.
Việc xin xỏ chẳng bao giờ dễ dàng. Tôi muốn đổi loại sữa khác đắt hơn và tốt hơn cho con, mẹ chồng quát: “Quen thói đòi hỏi rồi sau này hư hỏng cả mẹ lẫn con”. Mẹ chồng cầm tiền đi chợ nhưng chỉ ưu tiên mua những thứ chồng con thích, còn con dâu ăn được hay không mặc kệ. Đôi khi, tôi muốn bày vẽ làm món này, món kia cho con ăn dặm thì bà bảo tôi vẽ chuyện, trẻ con thời xưa cứ ngày 3 bát bột là ăn no ngủ khì.
Tôi chia sẻ chuyện này với chồng, mong được đồng cảm thì anh thản nhiên nói: “Em có đi làm đâu mà biết kiếm tiền vất vả thế nào? Em cũng không cầm tiền nên không biết mẹ phải chi tiêu khéo léo lắm mới đủ lo cho cả gia đình. Ở nhà nuôi con thì cứ đại khái đi, em đừng đòi hỏi nhiều”. Tôi nghe mà chết lặng.
Con đầy năm, tôi ngỏ ý muốn gửi con cho bà để đi làm. Chồng tôi gạt phắt đi: “Lương vài đồng bạc, nhằm nhò gì mà em để bà phải trông cháu vất vả. Em cứ ở nhà lo tốt phận em đi”. Tôi ức quá, vùng lên cãi lại, kể hết những uất ức phải chịu suốt thời gian qua. Chồng giáng cho tôi một cái tát cháy má. Sau lần ấy, tôi thường xuyên bị đánh và bị chửi là kẻ ăn bám. Tôi muốn ly hôn, chấm dứt cuộc sống khổ ải này nhưng lại nghĩ đến con, nghĩ đến bố mẹ mà không dám. Cuộc sống cứ thế chảy trôi, tôi thực sự đánh mất bản thân mình.
Nhìn chúng bạn cùng tuổi hăng say lao động, kiếm tiền, vi vu du lịch, tôi thèm khát vô cùng. Lẽ ra, tôi cũng đang được sống cuộc sống như thế, thậm chí là thành công hơn thế với năng lực của bản thân. Rút cuộc, giờ đây, chỉ vì một quyết định sai lầm mà tôi ru rú xó nhà, chịu đủ sự giày vò của chồng và nhà chồng.
Tôi là một bà mẹ đơn thân, chưa từng kết hôn. Con gái tôi vừa tròn 3 tuổi và đến giờ, tôi vẫn cảm thấy may mắn với quyết định hủy hôn năm nào.
Tôi cũng từng là cô gái dại dột, bị lời ngon tiếng ngọt của kẻ bạc tình dụ dỗ. Tôi không chỉ “ăn cơm trước kẻng” mà còn để lại hậu quả là một bào thai trong bụng, khi ấy, tôi mới 22 tuổi, chưa tốt nghiệp đại học.
Anh ta hơn tôi 2 tuổi, vừa ra trường, công việc chưa ổn định, chi phí sinh hoạt gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Ngày tôi thông báo 2 vạch, anh ta hốt hoảng, xúi tôi vay mượn bạn bè tiền đi phá thai. Tôi thất vọng vô cùng, vẫn nhẹ giọng khuyên anh thông báo chuyện này cho hai bên gia đình, rồi làm đám cưới để con có bố, có mẹ. Anh ta bảo: “Thân mình còn chưa lo xong thì nuôi được ai mà cưới”. Tôi nói: “Có chơi, có chịu, em với anh trưởng thành rồi, chịu khó làm lụng, làm gì không nuôi được con”.
Khuyên nhủ mãi, anh ta cũng chịu về nói với bố mẹ. Về phần gia đình tôi, bố mẹ nẫu ruột vô cùng nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, không xỉ vả, chửi mắng tôi, đồng ý để tôi giữ lại con. Bố mẹ chỉ mong tôi được cưới hỏi đàng hoàng, sau đó vẫn chu cấp cho tôi học xong đại học.
Nhưng đời không như mơ, nhà tôi nhún nhường hết cỡ, còn nhà họ lại được nước làm cao. Hai bên gia đình gặp nhau, mẹ anh ta ép nhà tôi phải chấp nhận đủ yêu sách mới chịu rước tôi về nhà. Họ yêu cầu, lễ ăn hỏi và lễ cưới tổ chức cùng một ngày cho đỡ tốn kém, lễ lạt không có tiền, chỉ có 3 tráp lễ chay và 2 tráp lễ mặn (trong khi con gái làng tôi lấy chồng toàn thách cưới 20, 30 triệu đồng). Nội thất phòng cưới nhà gái tự lo, đưa dâu xong, đoàn nhà gái về luôn chứ không được ở lại dùng cơm…
Nhìn bố mẹ ngồi im nghe họ ra điều kiện, tôi đứt từng khúc ruột. Người tôi sắp cưới làm chồng ngồi im như tượng, không phản đối câu nào. Những tưởng thế đã xong, nào ngờ, mẹ anh ta đưa ra điều kiện cuối cùng: “Nhà tôi làm ăn buôn bán, con dâu chửa trước thì phải đi cửa sau chứ không được vào cửa chính”.
Bố mẹ tôi ngỡ ngàng, tôi gần như chết lặng. Bố tôi đứng phắt dậy tuyên bố: “Nhà tôi chấp nhận thiệt thòi đủ thứ để mong các con có vợ, có chồng, cháu đủ bố đủ mẹ nhưng nói đến đây thì cạn tình cạn nghĩa rồi. Giờ thế này, ông bà có con trai ông bà giữ, tôi có con gái, có cháu, tôi chăm. Hai nhà không liên quan gì đến nhau hết”. Rồi bố kéo tôi về thẳng.
Về nhà, bố hỏi tôi: “Chuyện con cũng rõ rồi, về nhà đó chắc chắn phải chịu thiệt thòi nhưng nếu con vẫn muốn theo nó, bố không cản. Nó đồng ý sang đây ở rể, bố rộng cửa chào đón nhưng để con về nhà đó làm dâu, bố mẹ không đành. Chuyện đến nước này, tùy con quyết”.
Tôi khóc như mưa, thương mình thì ít, thương bố mẹ thì nhiều. Tôi vẫn hy vọng, anh ta sẽ vì mẹ con tôi mà đấu tranh với gia đình nhưng không, anh ta trách móc bố mẹ tôi không biết cư xử, con gái chửa ễnh bụng ra còn làm giá. Cuối cùng, anh ta chốt lại: “Thân ai nấy lo”.
Tôi chẳng vương vấn gì thêm. Ngày tháng sau đó, tôi vẫn ra Hà Nội học, cố gắng hoàn thành hết các tín chỉ để tốt nghiệp trước khi sinh con. Con gái tròn 8 tháng, tôi gửi ông bà ngoại, xin việc đi làm. Công việc may mắn thuận buồn xuôi gió, tôi có đủ điều kiện lo cho mình và con.
Tôi đen đủi khi gặp phải người đàn ông bạc tình nhưng lại may mắn vô cùng khi có bố mẹ yêu thương, nâng đỡ. Dù cuộc sống hiện tại ổn định nhưng tôi vẫn cho rằng, bản thân trong quá khứ đã quá sai lầm khi trao thân cho nhầm người, lại không biết cách phòng tránh thai. Cuộc đời sẽ thế nào nếu tôi vừa bị người yêu phụ tình, vừa bị bố mẹ đẻ ruồng bỏ? Thế nên, con gái, dù yêu đến đâu cũng phải biết bảo vệ mình.