Người ta thì nuối tiếc khi thời cấp ba qua nhanh, còn tôi chỉ mong mau chóng ra trường để thoát khỏi cuộc sống ngộp thở. Ba năm học cấp 3 là ba năm đen tối nhất của cuộc đời tôi.
Tôi vốn là đứa con gái cởi mở, hoà đồng, tính cách vui vẻ, bạn bè cũ thường bảo tôi là đứa “mồm mép tép nhảy”, chưa thấy người đã thấy tiếng. Năm đó, bạn bè cũ hầu hết đều học cấp ba ở huyện, tôi may mắn hơn đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Dù lo lắng khó thích nghi với môi trường học tập mới nhưng tôi háo hức nhiều hơn. Tôi kỳ vọng về những năm tháng học trò nhiều thành tựu và kỷ niệm.
Thầy giáo dạy môn Lý là bạn cũ của chị gái tôi. Vì từng thân thiết nên khi gặp lại thầy tôi rất mừng. Hai thầy trò nhận ra nhau và nhắc lại vài kỷ niệm cũ. Trong những tiết học Lý, thi thoảng thầy gọi tôi lên bảng, rồi trêu đùa vài câu. Tôi cũng xéo sắc đáp lại. Ai ngờ, hành động đó trong mắt các bạn cùng lớp lại là học trò “đong đưa”, “liếc mắt đưa tình” với thầy giáo.
Mọi người bạn xì xào, bàn tán sau lưng tôi rất nhiều. Từ bạn trai đến bạn gái đều mỉa mai tôi: “Mày lo gì môn Lý nữa, chả cần học cũng được điểm giỏi”, “Nhất H. rồi, liếc mắt với thầy vài cái là qua môn liền”…
Chuyện đến tai các chị khoá trên trong trường, trong đó có một nhóm được mệnh danh là “các chị lớn”, chuyên đi dập những đứa “chướng tai gai mắt”. Và tôi liệt vào danh sách đó.
Đó là một buổi chiều mùa hè, hơn 5 giờ chiều nắng vẫn gay gắt. Hôm đó, lớp tôi phải ở lại lao động nên về muộn. Lúc ra về, tôi bị 4 người chị khoá trên chặn lại giữa sân trường. Một người trong số đó giáng cho tôi hai cái tát “bỏng má” rồi gằn giọng hỏi: “Mày biết vì sao bị đánh không? Cái tội đong đưa, cười nói, nũng nịu với thầy giáo, tụi tao ngứa mắt là tụi tao đánh”.
Một người khác túm lấy chiếc áo đẫm mồ hôi của tôi, chửi: “Mới nứt mắt ra. Nhìn đi. V* còn chưa nổi đã dám liếc mắt đưa tình với thầy”. Tôi run lẩy bẩy vì sợ, đưa mắt cầu cứu xung quanh nhưng không ai lên tiếng bênh vực. Họ chỉ đứng đó nhìn, vô cảm như đang xem kịch vui.
May sao, khi đó bác bảo vệ kịp đến giải tán đám đông. Nhóm chị lớn ném cho tôi vài câu doạ nạt rồi rời đi. Tôi ra về, một bên má nóng ran vì hai cái tát, trong lòng tràn ngập nỗi kinh hoàng.
Chuỗi ngày sau đó của tôi không khác gì địa ngục. Cả trường bàn tán xôn xao về sự việc buổi chiều hôm ấy. Bạn bè lớp khác còn chạy sang ngó xem mặt mũi tôi thế nào mà bị “đàn chị” xử lý. Ở trong lớp, có người hả hê, có người né tránh tôi vì sợ liên luỵ. Cô giáo chủ nhiệm của tôi cũng biết việc này nhưng không hề hỏi han hay có bất kỳ hành động nào phân xử đúng, sai. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình nhỏ bé, cô đơn và tội nghiệp đến mức nào.
Tôi không dám nói chuyện này với bố mẹ vì sợ bố mẹ lo lắng, càng không dám xin chuyển trường vì việc tôi đỗ vào chuyên từng là niềm tự hào của gia đình. Mỗi ngày đến lớp, tôi đều thu mình lại, không cười nói, cũng không quen thân với bất kỳ ai. Mỗi khi ra về, tôi đều tránh đi qua những điểm đàn chị hay tụ tập. Tôi sợ, sự xuất hiện của mình khiến họ ngứa mắt.
Thời cấp ba của tôi trôi qua trong lặng lẽ. Từ một đứa con gái hoạt bát, cởi mở, tôi sống khép kín hơn. Tôi không còn niềm tin vào bạn bè, trong học tập cũng không dám thể hiện mình nổi trội. Tôi chỉ mong sớm ra trường để được giải thoát.
Đến giờ, tôi vẫn thấy việc lựa chọn thi vào trường chuyên năm đó là sai lầm. Nếu cùng bạn bè cũ học trường cấp ba ở huyện, có khi cuộc đời tôi đã khác. Tôi đã mất rất nhiều năm để “chữa lành” tâm hồn, để thôi đổ lỗi cho chính mình vì sự việc năm ấy.
Năm học lớp 12, tôi quen bạn trai qua sự giới thiệu của một người bạn cùng lớp. Bạn trai tôi học trường dân lập, tôi học công lập cách đó 3 cây số.
Một lần, hai đứa cùng nhau đi chơi tối. Cậu ấy chở tôi về nhà rồi tiếp tục đi chơi tăng hai, không ngờ gặp tai nạn giao thông và qua đời. Kể từ đó, cuộc đời tôi chìm trong địa ngục.
Bạn trai tôi khá nổi tiếng ở trường, vì vừa có ngoại hình ưa nhìn, vừa “chơi đẹp”. Ngày đưa tang cậu ấy, bạn bè trong trường lũ lượt đến tiễn đưa. Ai cũng nhìn tôi bằng cặp mắt khinh bỉ, coi thường và căm giận. Mọi người nói, vì tôi nên cậu ấy mới mất.
Hàng trăm câu chuyện được thêu dệt ra để chỉ trích tôi. Tôi sống trong sự chỉ trỏ, đàm tiếu, lúc nào cũng cảm thấy có rất nhiều cặp mắt đang soi mói mình. Không ai chơi với tôi, họ ái ngại như thể tôi là kẻ giết người.
Tôi nhớ, có những hôm tôi ngồi ủ rũ trong lớp, một nhóm lớp khác chạy sang nhìn ngó vào rồi xì xào, bàn tán. Mấy chị học cùng trường bạn trai thì muốn đánh tôi đến mức lên kế hoạch chọc ngoáy, dựng chuyện nói tôi khiêu khích, nói xấu người này, người nọ rồi kết bè, kết cánh để dàn trận chặn đường tôi.
Khoảng thời gian đó, mỗi ngày tan trường là một ngày tôi nơm nớp lo sợ, sợ bị quây tròn, chửi bới, giật cặp, xé áo. Rồi nỗi sợ hãi đó cũng thành sự thật, tôi vừa đau thể xác, vừa khổ về tinh thần. Họ bảo tôi: “Mày đã giết người còn lên mặt. Thứ như mày phải chết thay thằng V. mới đúng”. Từng câu nói, từng hành động của họ, cả đời này tôi không thể quên.
Chuỗi ngày hành hạ đó kéo dài trong suốt năm lớp 12. Tôi không chỉ muốn chuyển lớp, chuyển trường mà còn muốn chết ngay lập tức. Tại sao lỗi lầm luôn thuộc về tôi? Tôi làm gì sai khiến họ ép tôi vào đường cùng như vậy?
May mắn lớn nhất của tôi lúc đó là có một người bạn thân, dù đã nghỉ học đi làm nhưng vẫn chơi thân và rất quan tâm tới tôi. Tôi thường xin ba mẹ cho sang nhà bạn ấy ngủ, rồi kể hết mọi chuyện cho bạn nghe. Cả chị gái bạn cũng lắng nghe tôi. Tôi được trấn an và dần bĩnh tĩnh lại.
Thi tốt nghiệp xong, tôi nghỉ học luôn chứ không tham gia kỳ ôn thi đại học ở trường. Tôi không thi cử nữa mà xin đi làm thêm, sống ở môi trường mới, quen những người bạn mới, tôi nguôi ngoai dần.
Cách đây 1 năm, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một người bạn cũ – là người bạn cùng lớp cấp ba năm nào. Bạn ấy nói xin lỗi vì hồi đó hiểu nhầm tôi, đã hùa theo đám đông để cô lập, miệt thị và nói xấu tôi. Bạn ấy sống trong day dứt suốt mấy năm qua nên hỏi xin số điện thoại của tôi để gọi điện xin lỗi.
Cho đến lúc ấy, tôi mới thực sự thanh thản. Tôi nhận ra, mình không làm gì sai thì không cần phải né tránh và sống trong sợ hãi nữa. Nỗi ám ảnh quá khứ nên được chấm dứt kể từ khoảnh khắc này.
Bắt đầu từ năm tôi lên cấp hai, mỗi ngày đi học đều là cực hình. Thi thoảng, tôi lại nghe bạn cùng lớp bảo: “Mày đi đường cẩn thận. Có ngày tụi tao chặn đầu xe, đánh mày một trận vì tội vênh váo”. Trong khi, tôi không hề biết mình vênh váo khi nào và đắc tội với người ta chuyện gì. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại bị bạn bè cô lập và ghét bỏ đến vậy.
Tôi thường xuyên bị mấy chị khoá trên mỉa mai. Đôi khi, tôi đi qua hành lang nào đó, lại có cảm giác có rất nhiều cặp mắt đang nhìn về phía mình, dò xét và kỳ thị. Vẫn như mọi khi, tôi không quen họ và chưa từng thái độ với họ. Tại sao họ lại ghét tôi?
Đỉnh điểm là ngày hôm đó, một người chị đứng đón tôi ở một đoạn đường vắng ngoài cổng trường. Tôi vừa đi bộ đến, chị đó lao ra túm tóc và tát lia lịa vào mặt tôi. Mắt tôi tối sầm lại, không kịp nhận ra đó là ai, cũng không ý thức được đang xảy ra chuyện gì. May sao, chị gái (người thường đưa đón tôi đi học trong quãng thời gian đó) vừa kịp đến. Chị đỡ tôi dậy và sốt sắng hỏi, người đánh tôi là ai, vì sao tôi lại bị đánh nhưng tôi không biết trả lời thế nào bởi, chính tôi cũng đang không hiểu chuyện gì.
Chị vào nhà dân đối diện nhờ check camera. Thì ra, người đánh tôi là một chị khoá trên mà tôi chẳng hề quen biết. Chị gái tôi lên gặp ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu triệu tập học sinh đó đến hỏi chuyện. Khi được hỏi tại sao lại đánh tôi, người đó đáp gọn lỏn: “Vì nó vênh váo”.
“Vênh váo” – đó là lý do họ tự nghĩ ra để bao biện cho hành động bạo lực, đàn áp người yếu ớt hơn mình. Gia đình tôi biết chuyện đã làm ầm ĩ với nhà trường, thậm chí, nhờ một vài người anh khoá trên “đánh tiếng” với những người có ý định bắt nạt tôi rằng nên dừng lại thì mọi chuyện mới chấm dứt. Tôi yên ổn học hết cấp hai. Lên cấp ba, tôi chuyển sang huyện khác học.
Tôi đã vượt qua được nạn bạo lực học đường nhờ sự bảo vệ quyết liệt của chị gái và gia đình. Nhưng những bạn khác thì sao? Tôi biết, có những người bỏ học, trầm cảm, thậm chí tự tử chỉ vì bị cô lập, bắt nạt và đánh đập bởi chính những người bạn, người anh/chị cũng đang khoác áo học sinh giống mình.
Tôi mong rằng, cả xã hội cùng chung tay đẩy lùi nạn bạo lực học đường vì đây là vấn đề xuất hiện thường xuyên ở các trường học. Mỗi gia đình hãy theo sát con em mình để kịp thời bảo vệ, giúp đỡ con vượt qua, đừng để con rơi vào cô lập và bế tắc.