Lưu bài Bỏ lưu bài
Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 2

Tôi và chồng đều là cán bộ huyện. Chúng tôi đến với nhau là nhờ mai mối. Sống lâu dần rồi mới bắt đầu nảy sinh tình cảm. Gia đình hai bên rất môn đăng hộ đối nên chúng tôi không quá khó khăn để hòa hợp. Chồng tôi hiền lành, trí thức và tôi cũng là một người phụ nữ truyền thống.

Chúng tôi sinh được hai người con trai nhưng tính nết chúng nó lại hoàn toàn trái ngược. Ngay từ bé, tôi hài lòng, tự hào về thằng anh (tên H) bao nhiêu thì lại mất mặt vì thằng út (tên K) bấy nhiêu. Thằng lớn luôn nghe lời và chấp hành vô điều kiện những sắp xếp của bố mẹ. Tính cách chỉn chu đó khiến nó trở thành học sinh giỏi cấp huyện.

Những tấm bằng khen của con trai lớn luôn giúp tôi được nở mày nở mặt với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Thậm chí nhiều người còn bảo thằng H nhà tôi chính là hình mẫu “con nhà người ta” mà mọi người vẫn thường ví von. H thông minh, hiền lành và có vẻ như là bản sao của bố.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 3

Thế nhưng K lại không như vậy. Nó rất hiếu động và đặc biệt học lực không bằng phân nửa của anh. Chứng kiến sự trái ngược đó cộng thêm truyền thống gia đình, tôi đã có nhiều khắt khe với K. Bản thân một người làm mẹ như tôi lại không công bằng với chính 2 đứa con của mình.

Trước mỗi một kỳ thi lớn hằng năm hoặc những dịp kỷ niệm sinh nhật, lễ tết, tôi luôn dành phần hơn cho H. Tôi chăm chút cho H những gì tốt nhất bởi nó luôn mang đến cho tôi cảm giác tự hào, mãn nguyện. Ngược lại, thâm tâm tôi nghĩ rằng “đầu tư” cho K chỉ phí của nên rất dè dặt.

Đã có lần chồng tôi phát hiện ra điều đó, ông ấy có nhắc nhở nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Chăm con việc gì chả đến tay mẹ, bố làm sao quán xuyến hết được mà chỉ đạo, kiểm tra. Cứ thế, tôi ngày càng thiên vị mà không hề để ý rằng H và K đều đã lớn để nhận thức ra vấn đề.

Việc H đỗ đại học, sau đó lên thành phố làm việc là điều hiển nhiên. Trong khi đó K chỉ học hết cấp 3. Nó cũng không lên thành phố sống cùng anh mà quyết định ở lại quê hương. Tôi có giục con đi thoát ly để tìm kiếm cơ hội song K từ chối. Nó bảo ở lại nghiên cứu dự án nông nghiệp gì đó cùng đám bạn và muốn ở gần bố mẹ tiện chăm nom.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 4

Khi đó tôi chỉ cho rằng đó là lời ngụy biện của một đứa không có chí tiến thủ. Tôi thầm nghĩ K mà rời vòng tay bố mẹ thì không làm nên trò trống gì cả. Nhưng tôi đã nhầm. Phải khi đối mặt với những khó khăn, những biến cố mới thấy được những định kiến của tôi đã hoàn toàn sai lầm.

Có lần tôi bị tai nạn xe máy gãy chân. Dù không quá nặng nhưng cũng phải nằm viện rồi ở lỳ tại nhà. Mọi sinh hoạt rất bất tiện bởi chồng phải đi làm và con lớn ở mãi trên thành phố. Biết là mẹ gặp nạn song vì công việc quá bận rộn H không thể về thăm. Mẹ con chỉ hỏi thăm nhau qua điện thoại và nó có gửi tiền về.

Tôi không thể trách con vì công việc mà, nó có muốn thế đâu. Nhưng rồi sức khỏe của tôi không còn tốt như trước. Cái chân gãy cộng thêm những bệnh của phụ nữ trung niên khiến tôi “ba ngày ốm, bảy ngày đau”. Những lần như thế, tôi đều thông báo cho H - niềm tự hào của tôi song chỉ đều nhận được những câu an ủi: “Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé. Con bận quá chắc không về được đâu. Ở nhà mẹ có bố và em K rồi còn gì”.

Từ ngày thằng H lên thành phố học đại học rồi đi làm, cả năm tôi chỉ được gặp mấy ngày tết. Tất cả những gánh nặng đều đổ dồn lên vai thằng K. Chỉ cần tôi hơn nhức đầu chóng mặt, K lập tức chăm sóc và thuốc thang đầy đủ. Những lần như thế tôi đều rơi nước mắt vì những hành động thiếu công bằng của mình ngày trước.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 5

Tôi đã quá thiên lệch bởi cho rằng cách báo hiếu tốt nhất của con cái đối với cha mẹ là học hành thật giỏi giang, thi cử đỗ đạt và có địa vị xã hội. Thế nhưng khi những tham vọng đó lắng xuống, tôi mới hiểu rằng điều gì mới là cần thiết nhất của một người làm cha mẹ.

Tôi chỉ cần sự quan tâm, tôi sợ sự cô đơn và những câu hỏi thăm qua điện thoại không thể nào xoa dịu được. Tất nhiên tôi không trách H. Nó đã đi đúng con đường mà tôi chọn lựa, tôi vẫn tự hào vì con. Giờ đây tôi tự trách mình vì đã không công bằng với K. Giá như ngày đó tôi cư xử khác thì giờ đây có thể nhẹ nhõm đón nhận sự chăm sóc của cậu con trai út.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 6

Người ta vẫn nói: Con cái chính là của đề dành của cha mẹ. Tôi thấy điều này đúng quá, nhất là chuyện học hành thi cử. Vợ chồng tôi chỉ có duy nhất một cậu con trai nên quyết tâm cho con không được thua kém bạn bè. Chúng tôi muốn con trở thành người xuất sắc nhất, và là một nhà lãnh đạo trong tương lai.

Vợ chồng tôi đều là người tỉnh lẻ. Chúng tôi lên thành phố học đại học, đi làm công sở nên rất hiểu giá trị của tri thức. Trong công ty chúng tôi làm việc, có những vị trí được hưởng lương tháng đến cả vài chục triệu đồng. Thậm chí lãnh đạo cứ đều đều thu nhập vài ngàn đô mỗi tháng. Chính vì thế, chúng tôi hiểu rằng để có thể tồn tại trong môi trường này chỉ có con đường học vấn.

Với suy nghĩ đó, chúng tôi đã không tiếc tiền đầu tư cho cậu con trai duy nhất. Ngay từ lớp 1, tôi đã nghe ngóng để chọn ngôi trường có chất lượng cao. Thế nhưng để chen chân vào đó không phải chuyện dễ dàng. Con sẽ phải thi đầu vào và để có được một phiếu đăng ký dự tuyển, bố mẹ cũng phải “chiến đấu” đầy khó khăn.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 7

Thế rồi tôi và chồng chia nhau nhiệm vụ. Anh ấy phải lo bằng được cái đơn xin dự tuyển còn tôi phụ trách bồi dưỡng kiến thức cho con. Và thế là cả mùa hè đó, chúng tôi đánh vật cùng nhau. Phải dùng đúng từ “đánh vật” bởi ai ai cũng mệt mỏi, căng thẳng và gần như sụp đổ.

Tôi như bị cuốn vào vòng xoáy và không thể thoát ra. Tôi bị ám ảnh bởi ngôi trường điểm mà mọi người trong công ty luôn ca ngợi. Tôi đã ép con trai mình, một đứa bé 5 tuổi phải học mọi thứ, từ đánh vần cho đến ngoại ngữ. Có những hôm hơn 22 giờ khuya, thầy gia sư mới từ nhà tôi ra về.

Mỗi lần lên mạng tìm hiểu về những điều cần biết cho trẻ vào lớp 1 tôi lại càng hoang mang. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra rằng: Tại sao con nhà người ta giỏi thế, mới 5 tuổi mà tiếng Anh trôi chảy? Tại sao có những bé làm toán nhanh khủng khiếp và có những bé đã đọc thông viết thạo?

Càng hoang mang tôi lại càng tăng lượng kiến thức nhồi nhét cho con. Tôi đã không thèm để ý đến giờ ăn giờ ngủ của con chứ đừng nói đến giờ chơi. Tôi đã đánh cược quá nhiều vào “ván bài” này nên không thể thua. Để có được tờ đơn dự tuyển, chồng tôi đã phải nhờ vả và tốn không ít tiền. Ngoài vấn đề tiền bạc còn là danh dự bởi ai ai cũng biết tôi sẽ cho con thi tuyển vào ngôi trường điểm đó.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 8

Thế nhưng những gì chờ đợi chúng tôi phía trước ngoài sức tưởng tượng. Một tuần trước khi thi, con trai tôi ốm nặng. Con sốt mê man hơn 1 ngày và theo kết luận của bác sỹ đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Trong cơn mê, con thỉnh thoảng giật mình sợ hãi, rồi tôi cũng thoáng nghe thấy con vô thức lẩm nhẩm đánh vần.

Không biết từ bao giờ con không được ra sân chơi đùa cùng các bạn, con không được xem phim hoạt hình và không có những buổi dã ngoại ngày chủ nhật. Nhìn con nằm trên giường bệnh tôi mới chợt tỉnh ngộ. Mình đã quá ích kỷ khi dùng con làm “công cụ” để thỏa mãn những toan tính riêng.

Suốt quãng thời gian qua, tôi chỉ nhìn vào những đứa trẻ thần đồng để làm hệ quy chiếu. Tôi đã bỏ qua biết bao đứa trẻ khác bình thường khác. Chúng có thể chưa xuất sắc ở hiện tại nhưng được sống đúng với lứa tuổi. Biết đâu chính sự phát triển tự nhiên đó lại là điều kiện tốt nhất để trẻ hoàn thiện mình.

Tất nhiên con trai tôi không thể đỗ kỳ thi đầu vào trường điểm nhưng tôi lại thấy rất thanh thản. Gia đình tôi như trút bỏ được cả ngàn cân áp lực khi không còn phải gồng mình chạy đua. Tôi đã rút lui đúng lúc và kịp trả lại tuổi thơ cho con.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 9

Khi tôi ngồi viết những dòng tâm sự này đã là sinh viên năm thứ 3. Nhìn các em sĩ tử lớp 12 bước vào kỳ thi quan trọng nhất làm tôi nghĩ đến câu chuyện của chính mình. Khi đó một chút hiếu thắng, một chút ích kỷ của bản thân, tôi đã làm cho mẹ bị tổn thương.

Hoàn cảnh gia đình tôi không được như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Tôi lớn lên cùng mẹ khi bố tôi đã bỏ đi. Tôi cũng không hỏi mẹ nguyên nhân mà chỉ biết phải cố gắng học thật giỏi. Mẹ tôi bảo rằng: “Nhà mình nghèo, chỉ có học giỏi mới là con đường để thay đổi cuộc sống thôi. Mẹ chỉ biết kỳ vọng vào con”.

Mẹ nói khi tôi còn bé lắm nhưng chẳng hiểu sao những lời đó đã im đậm vào tâm trí tôi. Vì thế tôi chỉ biết học, học và học. Tôi tự hào khi luôn nằm trong nhóm học giỏi nhất trường. Mỗi lần có giấy khen hay được điểm tốt, tôi thấy mẹ rất vui.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 10

Thế nhưng cũng chính vì mải mê học hành nên tôi đã quá thiếu kỹ năng sống. Có không ít lần các bác, các cô hàng xóm góp ý con gái lớn cũng phải giúp mẹ nấu cơm, giặt giũ, suốt ngày thấy cắm mặt vào quyển sách. Mỗi lần như thế mẹ tôi lại gạt phắt đi, nói rằng nó chỉ cần học giỏi, mọi việc còn lại không cần bận tâm.

Tôi cũng như thế mà ỷ lại vào mẹ. Và rồi tôi đã mắc sai lầm ở kỳ thi đại học năm đó. Tôi không thi trượt đâu nhé, tôi làm bài rất tốt nhưng khi trao đổi kết quả, tôi biết sẽ thua điểm đứa bạn cùng đội học sinh giỏi của trường. Tôi không phục bởi nó được học thêm ở trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng còn tôi thì chỉ biết tự tìm hiểu qua sách vở, internet.

Khi kết thúc buổi thi, tôi thấy mẹ đứng ngoài cổng trường với cái nón lá cùng chiếc xe đạp cũ. Mẹ không giấu được vẻ lo âu hỏi thăm tôi về kết quả. Thay vì trả lời mẹ, tôi vùng vằng trách mẹ đã không cho tôi 3 triệu đi học thêm ở trung tâm. Khi đó mẹ chỉ biết xin lỗi và quay nhanh đi để giấu không cho tôi thấy nét mặt đáng thương.

Phút thành thật: Cư xử bất công với con học kém, tôi rơi nước mắt vì cách báo hiếu của con - 11

Khi đó tôi làm sao hiểu được 3 triệu đối với mẹ là khoản tiền không nhỏ. Nó có thể là khoản tiền chợ cả tháng của 2 mẹ con và thậm chí trong nhà tôi không có món đồ nào đắt hơn số tiền đó.

Sau này khi đã đỗ đại học, tôi thấy các bạn đi làm thêm rất nhiều và tôi cũng muốn thử sức. Thật trùng hợp khi tháng lương đầu tiên của tôi vừa đúng 3 triệu. Tôi trân quý số tiền đó biết bao bởi đó là ròng rã gần 30 buổi tối tôi đi phục vụ ở một nhà hàng. Tôi càng trân quý sức lao động của mẹ đã nuôi tôi khôn lớn. Không ngần ngại tôi đã biếu mẹ tất cả số tiền đó và thầm xin lỗi mẹ chuyện năm xưa.

Bạn đã bao giờ vì những hành động “xấu hổ muốn độn thổ” của mình mà rơi vào tình huống tréo nghoe như trên? Hãy gửi chia sẻ của mình tới chúng tôi, vào hòm thư Bantrecuocsong@24h.com.vn.

 

Bài viết: Huyền Anh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 12/07/2021 08:23 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])