Lưu bài Bỏ lưu bài

 

Hôn nhân rạn nứt ngay từ ngày đầu mới bước vào khiến tôi thất vọng tột cùng. Tương lai sẽ đi về đâu khi vợ chồng tôi không thể xử lý êm đẹp khúc mắc nhỏ nhặt này? Thiếu kiên nhẫn, thiếu cả sự thấu hiểu, tôi hoài nghi mình đã chọn nhầm chồng.

 

Tôi và chồng kết hôn sau hơn một năm yêu. Gia đình anh khá giả hơn gia đình tôi, bố mẹ anh làm trong ngành xây dựng, bản thân anh cũng trở thành kỹ sư xây dựng với mức lương ổn định.

Bố mẹ tôi làm nghề nông. Tôi học về kinh tế và hiện tại đang làm trong một ngân hàng. Có lẽ, vì xuất phát điểm khó khăn, phải tự thân vận động nên tôi luôn rất minh bạch trong chuyện tiền bạc. Tôi đặt ra quy tắc, không nhận quà của bất kỳ ai khi chưa chính thức yêu đương. Ngay cả khi đã là người yêu của nhau, tôi cũng tôn trọng quy luật “có đi có lại”.

Hai nhà chúng tôi cách nhau 60 cây số. Mọi thứ liên quan đến đám cưới hầu hết đều do chúng tôi chuẩn bị. Bố mẹ hai bên chỉ lên thực đơn cỗ bàn cho anh em, họ hàng, chi phí cho việc này chúng tôi cũng gửi mỗi bên một phần.

Tôi xác định, phong bì cưới của quan khách sẽ để bố mẹ giữ, còn của bạn bè thì tôi giữ, vì sau này cần trả lại. Tôi mặc định phía nhà chồng cũng như vậy nên được một phen bất ngờ.

Đêm tân hôn, tôi hỏi chồng chiếc hòm chứa phong bì. Anh thờ ơ đáp: “Ông bà giữ rồi. Chuyện đó em bận tâm làm gì”. Tôi hỏi luôn số nhẫn vàng, vòng vàng anh chị em nhà chồng trao tặng mà chồng tôi đòi giữ lúc chiều, anh cau có: “Mới về nhà chồng mà thứ em quan tâm chỉ là tiền với vàng thôi à? Cái đó anh cũng cho ông bà rồi. Mấy món quà cưới thấm vào đâu mà phải tính toán”.

 

Tôi sững người. Chuyện này không tính thì chuyện gì mới đáng tính? Phong bì mừng cưới của anh em, họ hàng nhà chồng tôi không dám hỏi đến nhưng phong bì của bạn bè thì anh nên giữ lại sau này trả nợ. Bạn bè anh đều là khách VIP, tiền mừng cưới không hề ít sao anh có thể nói cho là cho.

Chưa kể, số nhẫn vàng và vòng vàng anh chị em trao tặng cả hai vợ chồng, anh không có được quyết định một mình. Vậy mà, anh tự ý đem cho bố mẹ không nói với tôi một lời.

Ấm ức trong lòng, tôi khóc lóc, trách móc anh vài câu. Ngờ đâu, anh nổi cơn điên xưng “mày – tao” và nói với tôi những lời thậm tệ. Anh bảo tôi đã phá nát đêm tân hôn ngọt ngào bằng sự tham lam, ích kỷ. Anh còn nói tôi là con nhà nghèo nên bị đồng tiền làm cho mờ mắt.

Tôi như “chết lặng”. Câu chuyện hết sức bình thường giữa cặp vợ chồng mới cưới bị anh đẩy lên cao trào rồi cuối cùng kết thúc bằng cái sập cửa bỏ đi của anh cùng những giọt nước mắt chua xót của tôi.

Đêm đó, chồng tôi ngủ riêng phòng bên cạnh, còn tôi thức trắng. Mộng đẹp vỡ tan, chỉ còn lại thực tế phũ phàng là đôi bên chẳng muốn nhìn mặt nhau. Ngay sáng hôm sau, tôi lấy cớ bận việc, xin phép bố mẹ chồng ra thành phố. Chồng tôi vẫn ở quê hết kỳ nghỉ. Vợ chồng mới cưới mỗi người một phòng ngay đêm tân hôn, rồi sau đó lại mỗi người một ngả. Chuyện này kể ra, chắc ai cũng thấy nực cười, riêng thôi chỉ thấy tương lai của mình mù mịt.

 

Tôi vừa hủy hôn phút chót với chồng sắp cưới vì lý do hết sức tầm phào. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi kiên định với một lựa chọn như thế. Có lẽ, tôi thực sự nhận ra đối phương không phù hợp với mình.

Tôi và anh quen nhau 6 tháng thì quyết định tiến đến hôn nhân bởi tôi đã 27 tuổi, anh cũng ngoài 30. Trong 6 tháng tìm hiểu, thú thực tôi vẫn luôn có chút đắn đo về anh mà không thể diển tả thành lời. Ví dụ như anh hiếm khi đưa tôi đi ăn uống, vui chơi bên ngoài, hầu hết mọi cuộc hẹn hò đều ở phòng trọ của cả hai. Anh bảo, ăn ngoài không đảm bảo vệ sinh, tốt hơn hết vẫn là tự đi chợ, nấu cơm. Tôi cũng ậm ừ làm theo.

Hoặc có lần chúng tôi cùng đi siêu thị, cả hai nhặt chung một giỏ đồ nhưng khi thanh toán, anh lại chỉ nhặt đồ của anh lên tính tiền, đồ của tôi thì bỏ lại. Anh bảo, thanh toán riêng như thế cho dễ kiểm tra hóa đơn. Tôi “chưng hửng” thất vọng nhưng vẫn cố kiếm một cái cớ nào đó để bao biện rằng, anh đang sòng phẳng.

Thế nhưng, khi bàn đến chuyện cưới xin tôi không thể “lừa mình dối người” được nữa. Hai bên gia đình bàn chuyện cưới hỏi xong xuôi, nhà anh cũng đã bỏ trầu cau dạm ngõ nhưng sau đó anh lại nói với tôi rằng, hôm đưa dâu, nhà tôi chỉ nên đi khoảng 18 người, tương đương với 3 mâm cỗ. Như vậy nhà anh sẽ không bị thiệt (nhà chúng tôi cách nhau 120 cây số, đoàn đưa dâu nhà gái sẽ phải ở lại dùng cơm trưa ở nhà trai).

 

Tôi bị sốc trước sự tính toán chi li của anh. 3 mâm thì sao, 5 mâm thì sao? Chẳng lẽ nhà anh không thể lo nổi 5 mâm cỗ đãi bên nhà gái? Chưa kể, nhà tôi cũng tự biết chừng mực, chắc chắn sẽ không ùn ùn kéo cả mấy chục người đến ăn cỗ nhà anh.

Nghĩ lại cảnh mọi người háo hức bàn nhau đưa tôi về nhà chồng, tôi bỗng chạnh lòng. Chắc họ không ngờ tới, con rể tương lai lại tính toán từng đầu người, từng mâm cỗ như vậy. Trong khoảnh khắc hụt hẫng nhất, tôi đã quyết định hủy hôn. Tôi không trách hay chê bai sự chi li của anh, chỉ thấy cả hai không thể chung đường.

Hai bên gia đình sau đó khá xào xáo nhưng may mắn, bố mẹ ủng hộ lựa chọn của tôi. Tôi đã rút lui thành công trong chính cuộc tình mà mình đắn đo từ ngày đầu tiên mới bước vào.

 

Tôi là con trai duy nhất của một bà mẹ đơn thân. Bố tôi mất từ khi tôi mới lọt lòng, mẹ đứng lặng nuôi tôi khôn lớn. Từ nhỏ tôi đã chứng khiến mẹ vất vả gồng gánh gia đình, làm đủ công việc để có tiền cho tôi ăn học. Sau này khi đã có công việc ổn định, tôi luôn tự nhủ phải báo hiếu mẹ đủ đầy.

Mẹ sẽ ở chung với tôi suốt đời. Có vẻ điều này không được lòng các cô gái. Tôi đã yêu 3 người, mọi thứ tưởng như rất tốt đẹp nhưng hễ bàn đến chuyện cưới xin là họ lảng đi. Tôi bày tỏ mong muốn cưới được một người vợ thương chồng và thương cả mẹ chồng nhưng họ đều nói sợ cảnh làm dâu. Chưa kể, một bà mẹ chồng một mình nuôi con mấy chục năm rất dễ có tính cách độc đoán, khắt khe, họ e ngại chuyện đó. Chia tay là kết cục không tránh khỏi và giờ đã ngoài 30 tuổi, tôi vẫn chưa tìm được mối lương duyên phù hợp.

Cách đây 5 tháng, tôi quen một cô gái là nhân viên thu ngân, kém tôi 6 tuổi. Cô nàng có vẻ ngoài dịu dàng, nói chuyện lễ phép, có vẻ là người vợ, người con dâu đức độ. Tôi mê lắm. Khi tôi hỏi về chuyện làm dâu, em đáp: “Ở riêng được thì thoải mái nhưng sống chung với mẹ chồng cũng không phải chuyện gì to tát”. Tôi lại càng hài lòng về em.

 

Tôi kể hết với cô ấy về hoàn cảnh gia của mình, về tình yêu lớn lao tôi dành cho mẹ. Nhưng sau vài lần dẫn em về nhà chơi, tôi thấy thái độ của em khác hẳn, không còn vô tư khi nhắc đến chuyện làm dâu như trước.

Một lần bàn tính đến chuyện tương lai, tôi một lần nữa hỏi cô ấy: “Mai này về sống chung, em có thể coi mẹ chồng như mẹ đẻ được không?”. Câu trả lời của em khiến tôi sững sờ. Em bảo: “Em có coi mẹ chồng như mẹ đẻ được không thì còn phải xem mẹ anh liệu có xem em như con gái ruột. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vốn dĩ là có đi – có lại. Nếu mẹ khắt khe, khắc nghiệt với em, làm sao em thương mẹ thật lòng được”.

Cô gái mà tôi kỳ vọng cũng có suy nghĩ thực dụng như vậy. Tôi thật sự thất vọng. Tôi biết, mẹ vất vả cả đời nên cũng có chút khắc nghiệt trong cách đối nhân xử thế nhưng phận làm con, lẽ ra nên đối đãi chân thành để có được tình yêu thương của mẹ chứ không phải là “cho thế nào nhận thế ấy” như thế.

Chẳng lẽ, tôi lại một lần nữa đặt niềm tin sai chỗ và để mất mối lương duyên?

Phút thành thật: Chồng tôi đòi ngủ riêng ngay đêm tân hôn vì lý do nực cười - 15

Thực hiện: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 16/10/2023 08:27 AM (GMT+7)
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])