Tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính vì thế mà cơ quan chức năng ngày càng siết chặt công tác quản lý. Giống như nhiều nơi khác trong thành phố, khu phố nhà tôi cũng đã bắt đầu triển khai cấm ra đường trong trường hợp không cần thiết và phát phiếu đi chợ theo ngày.
Tôi là người đảm nhận vai trò nội trợ chính trong nhà nên đương nhiên sẽ lĩnh trách nhiệm này. Thời gian giãn cách nên mọi thứ đều khó khăn hơn. Đi chợ ít lựa chọn hơn và cũng phải mua với số lượng lớn hơn. Nhà tôi đang có 5 người lớn cùng 2 đứa trẻ. Thêm nữa, khẩu phần ăn của bố mẹ chồng cũng hơi khác biệt nên mỗi lần đi chợ tôi phải tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, cậu em chồng đang tuổi thanh niên nên có sức ăn bằng 2 lần tôi.
Tôi thường đi chợ sớm để có được thực phẩm tươi. Vì thế nhiều khi tôi tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ về nhà thì chồng và các con vẫn ngủ. Anh thường chẳng bao giờ quan tâm tôi mua sắm những gì, chỉ thỉnh thoảng chuyển tiền cho tôi là xong trách nhiệm.
Thế nhưng vài ngày gần đây tôi thấy anh có biểu hiện lạ, bỗng dưng lại quan tâm đến chuyện chợ búa, hay lân la hỏi xem tôi đi chợ nào, giá cả thịt rau có biến động nhiều không. Sau một hồi loanh quanh thì cũng lộ ra ý định muốn lấy phiếu đi chợ để ra đường.
Chồng tôi thủ thỉ muốn chia sẻ gánh nặng cho vợ, muốn vợ được ở nhà nghỉ ngơi. Và anh cũng muốn được đi ra đường thay đổi không khí. Thoạt đầu tôi hoài nghi lắm nhưng khi anh thú nhận muốn đi chợ để được ra đường tôi cũng không còn “lăn tăn”. Trước khi giãn cách, chồng tôi là tín đồ của bộ môn lượn đường. Ngày trước, khi còn chưa kết hôn, có nhiều hôm chúng tôi gặp nhau chỉ để vi vu qua những con phố thân thuộc rồi về.
Ngày giao nhiệm vụ đi chợ cho anh tôi đã cẩn thận ghi từng loại thực phẩm cần thiết, cả số lượng và giá tiền vào giấy rồi dặn dò cẩn thận. Tôi cũng vui mừng và có cảm giác giống như lần đầu tiên đưa 2 đứa trẻ đến trường vậy. Thế nhưng trong linh cảm của người phụ nữ, tôi vẫn thấy điều gì đó không bình thường.
Lên phòng ngồi chờ, tôi bắt đầu lo lắng và rồi quyết định mở phần mềm định vị trên điện thoại của chồng lên xem. Tôi thấy anh đi qua khu chợ nhưng lại lướt qua rất nhanh. Tôi chợt nghĩ, chắc tranh thủ vòng qua mấy con phố đổi gió rồi mới quay về mua đồ. Thế nhưng nhìn vào lịch trình, tôi biết chắc anh đi có chủ đích để đến một nơi.
Và rồi tôi như chết lặng khi chấm đỏ trên màn hình điện thoại dừng lại ở một con phố, hay chính xác hơn là một địa chỉ mà tôi không ngờ tới. Đó chính là nhà của cô người yêu cũ, cô người yêu trước khi anh đến với tôi. Tôi biết họ vẫn liên lạc nhưng chỉ với tư cách bạn bè. Thế nhưng trong lúc cả thành phố giãn cách như vậy vẫn cố tìm cách gặp nhau thì chắc chắn không bình thường rồi.
Tôi định gọi điện tra khảo ngay lập tức nhưng lại dừng lại. Tôi muốn làm một phép thử về sự trung thực của chồng mình. Anh ở đó chừng gần 30 phút rồi rời đi. Lúc này mới vòng về khu chợ và bắt đầu mua những thứ tôi ghi trong giấy nhắn.
Lúc về nhà, chồng tôi hào hứng ra mặt, kể đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, gặp cô nọ chị kia rồi thì được ưu tiên miếng thịt ngon vì ai cũng thấy tội tội anh đàn ông đi chợ… Thế nhưng tôi chẳng quan tâm bởi biết thừa đó là những câu chuyện làm quà hòng lấp liếm đi hành động gian dối kia.
Lúc này tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa và làm ầm nhà lên. Tôi bù lu bù loa cho cả bố mẹ chồng nghe thấy. Tôi kể tường tận anh đã lấy lý do đi chợ để đến gặp người yêu cũ và không ngần ngại suy diễn ra những màn ngoại tình giữa hai người.
Anh ấy thực sự hoảng hốt khi tôi phát hiện ra có đến nhà người yêu cũ nhưng chỉ im lặng. Sau khi tôi đã thấm mệt bởi những màn nhiếc móc, anh mới bắt đầu giải thích. Anh thú nhận có ghé nhà L (tên người yêu cũ) nhưng không phải vì chuyện này nọ mà vì chính… bố tôi. Bố tôi bị cao huyết áp và đã từng tai biến nhẹ. Ông luôn phải có thuốc đặc trị trong nhà để phòng trường hợp khẩn cấp.
Cô L là dược sĩ và cũng biết chuyện này. Chính vì thế, anh kể L mới tìm mua hộ được thuốc mà bố tôi vẫn dùng nên gọi anh qua lấy. Thời buổi giãn cách nên có thuốc cấp cứu đề phòng trong nhà vẫn hơn. Vì là thuốc quý nên cô không yên tâm gửi qua dịch vụ giao hàng và chồng cũng sợ tôi nghĩ này nọ nên mới dùng phương án đi chợ để qua lấy.
Tôi thực sự bất ngờ khi biết sự thật đằng sau câu chuyện. Tôi cầm hộp thuốc và xin lỗi chồng. Tuy nhiên anh ấy không trách mà chỉ nói, em nên cảm ơn L và… gửi tiền cho cô ấy nhé.
Thành phố đang căng mình chống dịch và liên tiếp nới rộng thời hạn giãn cách. Việc có quá nhiều thời gian ở nhà là dịp tốt cho các chị em trổ tài bếp núc. Tôi cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hằng ngày sau khi làm xong món nào ngon ngon, tôi không thể bỏ qua công đoạn chụp hình rồi đăng lên các nền tảng mạng xã hội.
Từ facebook, instagram cho đến tiktok tôi đều có tài khoản với lượng bạn bè khủng. Chính vì thế, tôi tự cho rằng việc đăng bài thường xuyên là một nghĩa vụ. Thậm chí tôi không ngần ngại thay đổi thực đơn thật phong phú để “chiêu đãi” cộng đồng mạng.
Thói quen này của tôi cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình. Nhà chồng tôi hiện tại có 4 thế hệ. Ngoài bố mẹ chồng còn có bà nội chồng. Cụ là mẫu phụ nữ truyền thống nên có phần còn gia trưởng hơn cả bố chồng tôi. Vì vẫn còn minh mẫn nên mọi sinh hoạt trong nhà đều răm rắp tuân theo sự chỉ đạo của cụ.
Và rồi mâu thuẫn giữa hai thế hệ đã nảy sinh trong giai đoạn giãn cách này. Tôi vì muốn ghi điểm trên mạng xã hội nên thường xuyên tìm hiểu công thức và thực hiện những món ăn tây, phù hợp với giới trẻ hiện đại. Có lần tôi bỏ ra vài trăm nghìn để mua cá hồi, bò mỹ, sữa tươi, pho mai rồi các loại gia vị đồ âu để trổ tài.
Tôi không nghĩ rằng thành phẩm đạt cả ngàn like trên mạng xã hội lại bị chê tơi tả trên bàn ăn của gia đình. Bà nội và bố mẹ chồng tôi không thể ăn nổi những món ăn đậm đặc bơ sữa, pho mai. Thêm nữa, tuổi của họ cũng không được khuyến khích dùng những loại thực phẩm đó.
Chồng tôi đã góp ý nhiều lần nhưng tôi vẫn ương bướng. Và để chiều lòng mọi người tôi vẫn thực hiện vài món truyền thống cho qua chuyện nhưng vẫn theo đuổi sở thích của mình. Thế nhưng tôi đã nhận ra chi phí cho việc đi chợ đã đội lên gấp đôi, những món ăn tôi làm để “phục vụ” mạng xã hội không được tiêu thụ ở ngoài đời thực nên thực sự rất lãng phí. Hơn nữa việc liên tục phải xoay xở trong bếp khiến tôi thực sự kiệt sức.
Đến lúc này tôi mới thấy lời dạy của mẹ chồng thật thấm thía: “Mọi người không bắt con phải từ bỏ sở thích nhưng con phải biết điều gì là quan trọng hơn. Ảo không bao giờ bằng thật được”.
Trong thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu về nhu yếu phẩm của người dân luôn vô cùng cấp thiết. Chúng ta vẫn thấy báo đài đưa tin về những trường hợp đổ xô ra chợ vét hàng, gom đồ rồi thì những siêu thị thất thủ trước làn sóng đổ bộ của… người tiêu dùng.
Nhưng rồi mọi chuyện vẫn được dàn xếp ổn thỏa. Chính quyền đã không để người dân rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm. Thậm chí khi mà chúng ra đã quen với tình trạng giãn cách, những chợ online trên mạng xã hội lại hoạt động tương đối nhộn nhịp.
Vợ tôi là một tín đồ của mô hình này, cô ấy là “fan cứng” của rất nhiều hội nhóm mua sắm, đồ ăn vặt trên địa bàn phường và quận. Nhà tôi chưa khi nào thiếu những món đồ ăn mà tưởng chừng sẽ không thể mua nổi trong thời gian giãn cách như ốc luộc, nem chua rán, trà sữa trân châu.... Vì thế mỗi lần khoe đồ ăn lên mạng xã hội, vợ tôi đều được chúng bạn trầm trồ khen ngợi.
Và dần dần vợ tôi trở thành “đại lý trung gian” của cả xóm. Ai muốn ăn gì, mua gì cũng đều nhờ vợ tôi đặt hộ. Vì cả nể và cũng là “chuyên gia” trong lĩnh vực này nên cô ấy hiếm khi từ chối. Có những ngày điện thoại vợ tôi đổ chuông liên tục, tôi phát bực vì không thể tập trung làm việc hoặc bị cô ấy nhờ trông hộ nồi canh, tắm cho con chỉ để chạy ra nhận đồ ship hàng xóm nhờ đặt hộ.
Mọi chuyện còn khiến tôi bực mình hơn khi có những phản ánh đồ vợ tôi đặt không đúng yêu cầu, rồi thì hàng không ngon như quảng cáo trên mạng. Đó chưa kể là những nhầm lẫn trong lúc lấy lại tiền sau khi mình đã ứng ra trước để trả ship và chủ quán.
Có không ít người xấu tính hơn thiệt 10-20 nghìn đồng và vợ tôi đều phải bù lỗ. Thậm chí cũng có lời ra tiếng vào vợ tôi được ăn chia phần trăm nên mới nhiệt tình như vậy. Tôi đã không ít lần to tiếng. Tôi không muốn vợ lo chuyện bao đồng mà còn khiến cả nhà bị mang tiếng với bà con hàng xóm.
Thế nhưng vợ tôi chỉ cười và giải thích, cô ấy muốn giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể. Cô ấy nghĩ lúc này mình giúp người ta thì sau này họ sẽ giúp lại. Ai cũng có lúc cần đến hàng xóm láng giềng. Cô ấy không ngại bị nghĩ xấu bởi bên cạnh đó cũng có rất nhiều người cảm ơn.
Tôi thấy vợ tôi luôn toát lên một nguồn năng lượng tích cực. Cô ấy luôn nhẹ nhàng, thân thiện với tất cả mọi người. Có lẽ tôi đã suy nghĩ quá nhiều và khiến mọi chuyện trở nên nặng nề hơn.
Bạn đã bao giờ rơi vào những tình huống tréo nghoe như thế này trong cuộc sống, hãy gửi những chia sẻ của mình tới mail Bantrecuocsong@24h.com.vn