Tôi là một người phụ nữ kém may mắn, tôi không học hành đến nơi đến chốn. Gia đình tôi không có điều kiện và cũng một phần vì tôi không đủ kiên nhẫn để theo đuổi con đường đèn sách. Tôi buộc phải bước vào đời từ rất sớm với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Sự va vấp đó khiến tôi sớm có nhiều bài học quý giá. Tôi vấp ngã nhiều nhưng cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người.
Một trong những người bạn thân đã giúp tôi rất nhiều là H. H là con nhà khá giả, thời điểm tôi mới khởi nghiệp, tập tành bán hàng online thì số vốn hai mươi triệu của tôi chỉ bằng hơn một tháng tiêu vặt của H. H đã cho tôi vay mà không có bất kỳ yêu cầu nào. Có thể với H đó là con số nhỏ nhưng với tôi đó là cả sự nghiệp. Với sự nỗ lực, tính toán và rất tiết kiệm, tôi đã thành công từ số vốn mà H giúp. Chỉ sau chưa đầy một năm, tôi đã hoàn trả lại cho H số tiền cùng một chuyến du lịch ngắn ngày xem như là “tiền lãi”.
Tuy nhiên tình bạn của chúng tôi không còn như trước kể từ ngày gia đình H gặp khó khăn về kinh tế. Bố mẹ cô ấy không thể chu cấp tài chính và buộc vợ chồng H phải tự kiếm ăn. Chắc chắn H rất tự ti khi đối mặt với tôi cho dù tôi không hề thay đổi thái độ, tôi vẫn luôn luôn coi H là người bạn, là ân nhân của mình. Chính vì lẽ đó, tôi rất nhiều lần thuyết phục vợ chồng H về làm ăn chung. Tôi đã có kinh nghiệm, đã xây dựng hệ thống bán hàng, chỉ cần hai người chăm chỉ, cần cù là sẽ có thu nhập ổn định.
Mọi chuyện tưởng chừng như đã ổn thỏa, vợ chồng H cũng đã có lượng khách hàng riêng rất tiềm năng. Thế nhưng chồng của H lại nảy sinh thói ham chơi, lười làm. Tôi đã quá chủ quan mà không nắm bắt tình hình. Không ít lần chồng H qua gặp riêng tôi để mượn tiền. Với lý do đi gặp khách hàng, cần thêm chút vốn... mỗi lần như vậy anh lại vay tôi tiền, dần dần con số đó lên đến cả trăm triệu.
Khi nói chuyện với H về khoản vay này, tôi sốc khi cô ấy không hề hay biết. Từ đó tôi mới biết chồng H đã thay đổi, không còn chí thú làm ăn như trước. Tôi gọi đòi tiền thì anh ta liên tục dùng “khổ nhục kế” để xin khất, ngoài ra cũng không ngừng kể về mối ân tình của H dành cho tôi. Tôi cũng vì cả nể và nghĩ về H nên không đòi quyết liệt.
Thế nhưng đó chưa phải là những gì tồi tệ nhất đến với tôi. Tôi không ngờ rằng để ăn quỵt số tiền kia, vợ chồng bạn thân đã gài bẫy tôi. Một buổi tối khá muộn, chồng H gọi điện nói sẽ mang tiền qua nhà tôi thanh toán. Tôi từ chối hẹn hôm sau nhưng anh dùng lý lẽ rất thuyết phục sợ cầm tiền trong người đêm nay lại đi đánh bạc thua hết. Tôi đã đồng ý cho anh ta đến nhà.
Vì đã khuya nên tôi chỉ mặc đồ ngủ còn anh ta sau khi vào nhà đã lấy lý do vào nhà vệ sinh. Tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra vì H cùng gia đình cô ấy ập vào để... đánh ghen. Đã được xây dựng kịch bản từ trước, chồng H từ nhà vệ sinh đi ra ngoài với chỉ một chiếc quần đùi. Anh ta làm như đã ở nhà tôi từ rất lâu rồi và chúng tôi chuẩn bị lên giường đi ngủ. Tôi đã rơi vào tình huống không thể giải thích và ngậm ngùi trở thành nạn nhân.
Tôi không có lựa chọn nào khác là phải xóa khoản nợ cả trăm triệu cho chồng H. Với điều kiện của tôi lúc này, số tiền đó không quá lớn nhưng tôi rất buồn vì bị chính bạn thân của mình gài bẫy.
Tôi luôn đồng ý với câu nói: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Câu nói này dạy chúng ta luôn phải rạch ròi, có giới hạn rõ ràng nhất là trong hai lĩnh vực tiền bạc và tình cảm. Thế nhưng nếu như áp dụng quá máy móc vào tất cả mọi trường hợp trong cuộc sống có thể sẽ gây ra sự phản cảm, làm người đối diện mất mặt. Tôi vừa rơi vào tình trạng như thế với chính người chồng của mình trong đêm tân hôn.
Theo thỏa thuận của gia đình hai bên, chi phí tổ chức đám cưới tại hội trường sẽ do nhà trai chi trả. Nguyên nhân bởi gia đình nhà trai ở thành phố, mời đông quan khách, nhà gái đã tổ chức tiệc chính ở quê nên chỉ họ hàng và những người rất thân mới theo cô dâu lên thành phố dự tiệc. Vì đã là người một nhà nên bố mẹ tôi cũng không suy nghĩ nhiều và cho rằng nhà thông gia hào phóng, đúng chất người thành phố.
Lễ cưới của chúng tôi diễn ra trang trọng, lịch sự và rất hạnh phúc. Tôi cứ nghĩ rằng mình may mắn bởi gia đình chồng như vậy có sống chung cũng sẽ rất dễ chịu. Thế nhưng tôi đã bị vẻ hào nhoáng bên ngoài đánh lừa. Ngay trong đêm tân hôn, tính cách thật sự của chồng đã bộc lộ. Anh yêu cầu tôi ngồi kiểm đếm phong bì mừng cưới, lọc riêng ra đâu là của bên nhà trai, đâu là của bên nhà gái.
Không phủ nhận, khách của bên chồng tôi toàn mừng tiền to, có những chiếc phong bì lên đến vài triệu đồng. Trong khi đó, họ hàng nhà tôi, phần vì người quê chân chất, phần vì cũng đã mừng khi ăn cỗ tại nhà tôi nên chỉ “lèo tèo” một, hai trăm ngàn gọi là chúc phúc. Ấy thế mà anh đã không tiếc lời bỉ bôi: “Thời buổi nào rồi mà còn đi mừng đám cưới một trăm ngàn, người nhà em không biết mâm cỗ vài triệu à, phải biết ý biết tứ chứ”.
Tôi tưởng anh chỉ nói như vậy vì xót tiền cho bố mẹ nên cũng chỉ nói đỡ cho họ hàng mấy câu. Nhưng không, sau khi đã ghi lại tổng số tiền, anh đã tính riêng những phần quà mừng của nhà tôi rồi cộng lại. Anh lấy giá của từng đó mâm cỗ nhân lên để ra số tiền nhà trai chịu lỗ. Anh còn bắt tôi phải bù lại khoản tiền chênh lệch đó với lý do bố mẹ cũng phải đi vay mượn khắp nơi để tổ chức đám cưới cho hai đứa.
Thực sự lúc đó trong lòng tôi quá đỗi tủi thân và ê chề. Tôi thấy họ quá coi thường tôi cũng như họ hàng, những người thân thiết nhất của tôi. Đáng ra đêm tân hôn phải là khoảnh khắc ý nghĩa và đáng nhớ nhất của một người phụ nữ thì với tôi đó là một sự sỉ nhục. Tôi đã lập tức lấy chiếc vòng vàng mẹ chồng tặng trên khán phòng trả lại vì biết trước sau gì họ cũng sẽ đòi, còn số tiền chênh lệch tiền cỗ tôi sẽ trả trước mặt bố mẹ anh ta vì họ mới là người thanh toán và cũng chính họ là người nói sẽ đứng ra mời nhà gái.
Ai ai cũng đều mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là nhu cầu chính đáng nhưng phải dựa trên khả năng của mình. Tôi đang làm việc trong môi trường công sở, nơi mà có không ít anh chị em đang phải gồng mình lên để đánh bóng bản thân. Họ sẵn sàng trả góp ngân hàng để có được chiếc điện thoại đời mới nhất mới mức giá tương đương vài tháng lương. Họ cũng sẵn sàng bỏ ra cả trăm ngàn uống trà sữa hay cà phê sang chảnh chỉ để có không gian đẹp chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
Tất nhiên tiền trong túi họ, họ có quyền sử dụng. Nhưng họ còn cho mình quyền phán xét những người không chịu chi tiêu như họ thì tôi có quyền lên tiếng. Tôi rất hiểu giá trị của đồng tiền, tôi trân trọng công sức lao động và đồng lương của mình nên hiếm khi tiêu xài hoang phí. Điện thoại chỉ là công cụ để liên lạc, cà phên quán xịn hay một gói cà phê hòa tan cũng có tác dụng giúp chúng ta tỉnh táo để làm việc, xe máy trăm triệu hay xe máy mười triệu cũng đều là phương tiện đi lại. Tôi không có nhu cầu đánh bóng bản thân nên không tiêu tiền hoang phí.
Không hiểu sao những người này luôn nhìn tôi với ánh mắt khó chịu mỗi khi tôi từ chối tham dự các cuộc vui đắt đỏ hoặc một bữa trưa ở nhà hàng. Họ nói tôi không biết tận hưởng cuộc sống, rồi thì những triết lý kiểu như ta chỉ sống một lần trên đời. Tôi đã quá quen thuộc nên để ngoài tai tất cả.
Thế nhưng cho đến một hôm, một cô đồng nghiệp nhắn tin hỏi vay tôi hai mươi triệu. Tôi gặng hỏi lý do thì cô ấy nói muốn mua một chiếc ô tô để đi làm đỡ nắng mưa. Vì muốn hạn chế lãi ngân hàng nên muốn anh chị em trong phòng cho vay thêm. Tôi thấy thực sự nực cười, trong khi tôi đi chiếc xe máy cà tàng chưa đến chục triệu mà có người vay tôi hai mươi triệu để mua ô tô. Tất nhiên tôi từ chối và cô đồng nghiệp lập tức tỏ thái độ. Cô ấy đi rêu rao tôi là loại đàn ông keo kiệt, không biết ga lăng với phụ nữ, thậm chí còn nặng lời có ngày tôi sẽ bị lừa đảo hết số tiền tiết kiệm. Tôi thực sự không hiểu cô ấy và mọi người có tư duy thế nào về đồng tiền hay tôi đã quá thực dụng, đặt giá trị đồng tiền lên trên tất cả các mối quan hệ?