Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 2

Tôi năm nay 32 tuổi, lấy chồng đã được 6 năm. Vợ chồng tôi đều có công việc ổn định, có một số vổn trước khi kết hôn. Lấy nhau về, hai vợ chồng cố thêm 2 năm nữa là mua được căn nhà nhỏ và một chiếc xe hơi cũ tiện đi lại giữa hai quê.

Chồng tôi không có nhiều điểm phải chê. Anh chịu thương, chịu khó, có chí tiến thủ, ít nhậu nhẹt, biết kiếm tiền và giữ tiền. Chỉ duy nhất một tính xấu ở anh khiến tôi bất mãn là sự phân biệt bên nội, bên ngoại.

Anh cực kỳ coi trọng nhà nội. Bên nội hễ có việc gì, dù là nhỏ xíu anh cũng xem nó rất quan trọng. Ví dụ như bố mẹ hay anh chị em, cháu chắt ruột thịt của anh ấy có chút ốm đau, anh sẵn sàng đánh xe về chở ra tận Hà Nội thăm khám. Đám hiếu, đám hỷ ở quê nội, anh cũng chi rất mạnh tay. Mỗi lần về quê nội, anh đều bỏ tiền ra làm cỗ, mời gia đình anh chị em đến quây quần. Anh bảo, đó là nếp nhà và anh muốn gìn giữ.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 3

Nhưng bên ngoại thì khác. Anh hời hợt đến đáng giận. Bố mẹ vợ ốm, nếu tôi không nhắc anh còn chẳng thèm gọi điện hỏi thăm. Mỗi khi tôi rủ về quê ngoại, anh đều kiếm cớ từ chối, thậm chí anh còn bảo tôi đi lại ít thôi, đỡ tốn kém. Tôi rất giận nhưng tạm bỏ qua.

Những năm trước phải lo toan nhà cửa, con cái, xe cộ, tôi thì chửa đẻ 2 lần, số tiền kiếm được cũng hạn chế. Ngày Tết, tôi chấp nhận nhà ngoại chịu thiệt thòi hơn rất nhiều. Số tiền tôi biếu ông bà ngoại chưa bằng một nửa biếu nhà nội mà đôi khi, tôi còn phải giấu giếm. Chuyện quà Tết, anh muốn chuẩn bị cho nhà nội thế nào thì yêu cầu tôi làm theo y như vậy, còn bên ngoại, anh chỉ qua quýt cho xong.

Có năm, đã chuẩn bị quà Tết xong xuôi cho cả hai bên, bên ngoại, tôi mua một giỏ quà tươm tất. Vậy mà khi chuẩn bị về quê ăn Tết, chồng sực nhớ ra bên nội thiếu một suất quà, bắt tôi phải nhường phần quà của nhà ngoại. Rồi khi lên ngoại lễ Tết, anh mua đại một giỏ quà ven đường khiến tôi rất chạnh lòng.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 4

Năm nay, tôi đi làm đầy đủ cả năm, thưởng Tết cũng khá nên quyết tâm đòi công bằng. Về tiền, anh biếu ông bà nội bao nhiêu, tôi biếu ông bà ngoại bấy nhiêu. Về quà, anh chuẩn bị bao nhiêu suất quà cho nhà nội tuỳ anh, còn tôi sẽ tự chuẩn bị tươm tất cho bên ngoại.

Nào ngờ, chưa kịp ngỏ lời thì chồng tôi mang về một túi quà Tết, nói là của cơ quan tặng dịp tất niên. Chính anh ấy nói: “Tặng giỏ quà quê kệch này chẳng bằng chi cho nhân viên mỗi người 500.000 đồng. Các sếp không tâm lý tí nào”.

Thế mà ngay sau đó, như vừa nảy ra ý tưởng rất hay ho, anh hào hứng bảo tôi đem giỏ quà này về lễ Tết bên ngoại, đỡ phải đi mua quà khác cho tốn tiền.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 5

Tôi tức nghẹn họng. Tất cả mọi uất ức những năm qua bộc phát. Tôi nói chồng là người ích kỷ, không xem nhà ngoại ra gì. Những năm qua, tôi nhẫn nhịn quá nhiều khiến anh ta lầm tưởng việc anh ta làm là đúng. Chồng có bố mẹ, anh em, có quê hương, nguồn gốc, vậy tôi không có? Tôi từ kẽ đất chui lên để cưới anh ta, sinh con đẻ cái và năm nào cũng lo chu toàn Tết bên nội cho anh ta sao?

Tôi chán nản chồng mình đến mức muốn ly hôn. Có vẻ như anh ta cũng bất ngờ trước phản ứng của vợ, cố gắng giải thích điều gì đó mà tôi không muốn nghe nữa. Năm nay, nhất định tôi sẽ lo Tết chu toàn cho bên ngoại.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 6

8 năm lấy chồng, năm nào tôi cũng phải đau đầu chi tiêu ngày Tết. Tất cả chỉ vì tính sĩ diện của chồng.

Vợ chồng tôi là dân tỉnh lẻ, bố mẹ làm nông, không hỗ trợ được nhiều. Mấy năm đầu sau cưới, hai vợ chồng làm ăn được, tích cóp mãi thì mua được một căn chung cư nhỏ ở nhà thành phố. Căn nhà cũng chỉ đủ để vợ chồng con cái trú nắng trú mưa chứ không đao to búa lớn gì nhưng với người ở quê, việc vợ chồng trẻ mua được nhà Hà Nội là ghê gớm lắm. Mọi người tâng bốc, khen ngợi chồng tôi hết lời khiến anh phổng mũi.

Có lẽ vì thế, năm nào anh cũng muốn chi đậm ngày Tết, mà việc chi tiêu này đâu phải chỉ mình anh lo, tôi cũng phải gồng gánh rất nhiều. Anh biếu tiền bố mẹ, mua cho 4 anh chị em mỗi người một suất quà giá trị nào hoa quả, bánh kẹo, rượu vang… Chưa kể, nếu đi công tác dịp giáp Tết, anh còn khuân một đống đặc sản ở nơi đó về biếu mọi người.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 7

Tiền mừng tuổi cũng là cả một vấn đề. Dù tôi là người lì xì nhưng anh luôn đứng sau chỉ đạo. Anh muốn mừng tuổi người lớn tiền triệu, các cháu vài ba trăm. Lắm khi, tôi vừa mừng tuổi xong, anh vui lên lại mừng tuổi tiếp rồi bảo: “Của chồng là của chồng, của vợ là của vợ, không liên quan”. Tôi xót lắm nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Những năm làm ăn được không nói làm gì, năm nay dịch COVID-19 kéo dài, làm ăn thất thu, tôi vốn nghĩ chồng sẽ hạn chế hơn. Nào ngờ, anh vẫn huênh hoang như thế, vẫn tuyên bố: “Cả năm mới có ngày Tết để tiêu tiền, cứ chi tẹt ga đi”.

Tôi hỏi chi tiết các khoản anh muốn chi thì anh kể. Trước hết mua con lợn hơn 1 tạ, thịt vào ngày 28 Tết để làm cơm tất niên, mời hết các bác, các chú, anh chị em ruột và các cháu đến ăn. Sau đó, thừa đâu chia cho mỗi người một phần đem về ăn Tết. Anh gọi đó là tán lộc, khoản này lên tới hàng chục triệu đồng.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 8

Anh muốn biếu ông bà nội 15 triệu để ông bà chi tiêu ngày Tết, mặc cho tôi đã sắm Tết chu toàn từ A đến Z. Riêng chuyện này, tôi không dám ngăn cản.

Trước khi về quê ăn Tết như mọi năm, vợ chồng tôi sẽ đi siêu thị sắm bánh kẹo, bia bọt. Năm nay cũng vậy, anh dự kiến tiền đi siêu thị hết 6-7 triệu đồng, bánh kẹo phải là hàng nhập khẩu, bia xịn mua biếu mỗi nhà anh chị một thùng. Riêng nhà tôi chuẩn bị sẵn vài thùng để sẵn mọi người đến tụ tập ngày Tết. Tôi khuyên anh những thứ này nên hạn chế bớt đi vì mình không sẵn tiền, anh đều gạt đi.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 9

Các suất quà biếu họ hàng vẫn như mọi năm, không hề thay đổi. Tiền lì xì ông bà, các cháu chỉ thêm chứ không bớt. Tính sơ sơ, tiền chi tiêu ngày Tết cũng lên đến 50-60 triệu đồng. Đó là anh chưa nhắc gì đến chuyện lễ Tết bên ngoại, tiền sắm sửa quần áo mới cho con, rồi tiền xe cộ đi lại…

Tôi hốt hoảng, hỏi anh: “Năm nay cả hai vợ chồng đều bị cắt thưởng Tết, anh định lấy tiền ở đâu để chi từng đó khoản?”. Anh thản nhiên bảo: “Rút tiền tiết kiệm về mà chi. Đã chết đói đâu mà em tá hoả lên thế?”.

Tôi thật không hiểu được suy nghĩ của chồng. Tiền tiết kiệm mà anh nói là khoản tiền lo cho con cái lúc học hành, ốm đau, đâu thể nói rút về là rút. Năm dịch bệnh, người người, nhà nhà khó khăn, đâu ai trách cứ gì nếu anh không còn quà cáp sang xịn như trước. Nếu kiếm được, tôi cũng chẳng cố ngăn cản chồng làm gì nhưng nếu cứ phải lo toan, gồng gánh đến kiệt sức chỉ để thoả mãn tính sĩ diện thì tôi chịu.

Vợ chồng tôi cũng vì việc này mà cãi nhau to. Tôi quá mệt mỏi vì cảnh phải giật gấu vá vai sau mỗi cái Tết to của anh rồi nên năm nay nhất quyết không nghe lời. Chưa bao giờ tôi chán ghét Tết như bây giờ.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 10

Tết là nỗi sợ của biết bao phụ nữ bởi phải đối mặt với vô vàn khoản chi tiêu. Mấy năm lấy chồng, chưa năm nào tôi không phải lo tiền tiêu Tết.

Năm nay khá khẩm hơn, hai vợ chồng đều chuyển sang chỗ làm mới, lương thưởng tốt hơn. Tôi chắc mẩm: “Tết này dễ thở hơn rồi”.

Tôi được thưởng 15 triệu, chồng được thưởng 20 triệu. Vợ chồng tôi có 35 triệu tiêu Tết. Toàn bộ lương của tháng đầu năm sẽ để dành đến ra Tết chi trả sinh hoạt trong gia đình. Khoản tiền 35 triệu kia, tôi định tiêu vào những việc như sau: “Biếu bố mẹ hai bên mỗi nhà 5 triệu. Tiền mừng tuổi 5-6 triệu. Tiền sắm sửa Tết bên nội: 8 triệu. Tiền xe đi lại: 2 triệu. Tiền chồng đi chơi bạn bè ngày Tết: 2 triệu. Tiền vợ làm tóc + sắm sửa quần áo cho chồng con: 4 triệu. Còn dư bao nhiêu để vào chi phí phát sinh”. Vậy là quá đủ cho một cái Tết tươm tất.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 11

Tôi nghĩ như vậy là thoáng tay lắm rồi, đặc biệt vẫn khá ưu tiên bên nội, anh sẽ hài lòng. Ngờ đâu, anh nhảy dựng lên. Anh bất mãn với khoản tiền 4 triệu tôi làm tóc và sắm sửa quần áo cho chồng con.

Anh bảo, có mấy ngày Tết thì hầu hết ở trong bếp nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp, cần gì tóc tai với quần áo đẹp. Mua 1, 2 bộ quần áo mới cho con là được rồi, bản thân anh cũng không cần mua sắm gì. Số tiền đó thà đem về biếu ông bà nội cho đỡ phí.

Anh còn thẳng thừng đề nghị, biếu ông bà nội 7 triệu, biếu nhà ngoại 3 triệu vì không ăn Tết cùng ông bà ngoại. Trong khi, tôi đã dành ra 8 triệu để sắm sửa Tết cho nhà chồng, ông bà nội không phải chi ra đồng nào. Anh bảo: “Năm ngoái khó khăn, chỉ cho được ông bà 3 triệu. Năm nay thưởng Tết cao hơn, lẽ ra nên biếu ông bà 10 triệu nhưng em đã tính thế kia thì biếu 7 triệu cũng được. Trích 3 triệu ra biếu ông bà ngoại”. Anh còn chỉ đạo, tiền mừng tuổi cho các cháu nên xông xênh một tí, dù sao cũng mang tiếng làm cơ quan nhà nước.

Phút thành thật: Câm nín khi nhìn giỏ quà chồng định biếu Tết bố mẹ vợ - 12

Lời anh nói khiến tôi tủi thân vô cùng. Anh sẵn sàng chi đậm cho bố mẹ, cháu chắt nhưng lại tiếc tiền làm tóc cho vợ, tiền quần áo cho con. Anh phân biệt đối xử giữa bên nội, bên ngoại một cách quá rõ ràng.

Tôi tức quá bảo: “Nếu thế thì cứ dè xẻn như mọi năm, số tiền còn lại cho vào tiết kiệm, ra Tết lấy tiền làm ăn. Anh nhất nhất chỉ bên nội, thế còn vợ con và bên ngoại, anh để đi đâu?”. Chồng xuống tay, tát tôi một cú đau điếng, nói thích cãi chồng thì đưa con về ngoại mà ăn Tết, không cần về bên nội.

Anh đã mở đường thì tôi cứ thế mà theo thôi, Tết năm nay, tôi sẽ đưa con về ngoại ăn Tết để tự anh lo cho bên nội theo ý mình.

Bạn đã bao giờ vì những hành động “xấu hổ muốn độn thổ” của mình mà rơi vào tình huống tréo nghoe như trên? Hãy gửi chia sẻ của mình tới chúng tôi, vào hòm thư Bantrecuocsong@24h.com.vn.

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Nguồn ảnh: Internet

Thứ Hai, ngày 31/01/2022 08:11 AM (GMT+7)
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN